Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Thursday, February 7, 2013

Thân Phận Con Rùa

Tạp luận

1.- CON RÙA VÀ LỊCH SỬ

Ðối với người Á đông, rùa được kể là một trong tứ linh "long, lân, quy, phụng". Từ thời Tam hoàng Ngũ đế trong lịch sử cổ đại Trung hoa, vua Phục hy nhờ tìm thấy dấu vết trên mu rùa mà thiết lập ra quẻ Dịch gọi là Hà đồ, hay còn gọi là Tiên thiên Dịch, mở đầu cho khoa Dịch học, được xem như một môn học về vũ trụ quan của người Trung hoa. Người đời sau lại đem Dịch ứng dụng vào khoa bói toán cho nên các thầy bói toán vẫn dùng cái mu rùa như là một vật linh thiêng giúp cho mình chiêm nghiệm.
 
Cổ sử Trung hoa cũng có chép rằng vào đời vua Nghiêu và vua Thành vương nhà Chu, (khoảng hơn 11 thế kỷ trước công nguyên) khi nước Văn lang còn trong thời đại Hùng vương, cũng đã có sứ Việt thường, một xứ ở phương nam đất Giao chỉ, sang cống hiến rùa và chim bạch trĩ, và vua Tàu đã phải ra lệnh cho ông Chu công Ðán chế ra xe chỉ nam để giúp đưa sứ giả của Việt thường quay trở về nước. Như vậy rùa vẫn được kể như một đặc sản qúy.
 
Trong lịch sử Việt nam, Rùa cũng đã có nhiều lần xuất hiện như một vị thần cứu tinh cho dân tộc. Vào cuối đời Hùng Vương, vua Hùng thứ 18 cậy mình có binh cường tướng giỏi nên bỏ bê việc nước.Thục Phán bèn đem quân đánh chiếm Văn lang. Vua Hùng thua chạy phải nhảy xuống giếng tự tử. Thục Phán lên ngôi, xưng là An dương vương, cải tên nước là Âu lạc, đóng đô ở Phong khê và cho xây Loa thành, hiện vẫn còn dấu vết ở làng Cổ loa.
 
Tục truyền rằng khi An Dương vương cho xây Loa thành, bị yêu quái quấy nhiễu nên cứ ban ngày xây lên thì ban đêm lại bị phá đi khiến cho xây mãi không xong. Sau nhờ có thần Kim quy hiện lên chỉ cho cách trừ yêu quái nên công trình mới có thể hoàn tất. Thần Kim Quy lại còn gỡ một cái móng của mình cho An Dương Vương để làm cái lẫy nỏ khiến cho chiếc nỏ hóa thành linh hiệu như thần, chỉ cần bắn một mũi tên có thể sát hại hàng vạn quân địch, nhờ đó mà địch quân không thể nào chiếm được thành.
 
Triệu Ðà là quan úy quận Nam hải của nhà Tần, muốn thôn tính nước Âu lạc, đã nhiều lần đem quân sang đánh An dương vương nhưng đều thất bại. Triệu đà mới dùng mưu cho con là Trọng Thỉ kết hôn với Mỵ Châu là con gái của An dương vương để dò thám. Mỵ Châu vì quá tin chồng nên đã kể cho Trọng Thỉ nghe chuyện thần Kim quy cho cái móng để làm lẫy chiếc nỏ thần. Sau khi biết đuợc điều bí mật này, Trọng Thỉ bèn tìm cách lén đánh tráo cái lẫy nỏ rồi trốn về nước trình bày mọi chuyện với cha mình. Triệu Ðà bèn khởi binh qua đánh. An dương vương cậy có nỏ thần nên không còn lo phòng bị. Lúc địch quân đã tiến đến sát thành, An dương vương mới lấy nỏ thần ra bắn, nhưng nỏ không còn linh nghiệm nữa.
 
An dương vương thua bèn dẫn theo Mỵ Châu phóng lên ngựa bỏ chạy. Khi ra đến bờ bể thì cùng đường, An dương vương bèn khấn thần Kim quy lên cứu. Thần Kim quy xuất hiện cho biết giặc chính là kẻ đang ngồi sau lưng nhà vua. An dương vương tức giận quá và không còn biết chạy thoát về đâu bèn rút gươm chém Mỵ Châu rồi nhảy xuống biển tự vẫn.
 
Cũng theo tục truyền thì khi Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh cũng được thần Kim quy ban cho thanh kiếm để trừ gian khử bạo. Lúc đại sự đã thành và Lê Lợi đã lên ngôi báu, một hôm nhà vua dạo chơi thuyền trên hồ ở kinh thành Thăng long thì thấy một con rùa vàng nổi lên tiến lại sát thuyền rồng. Nhà vua liền dùng thanh kiếm báu của mình để gạt rùa ra xa thì rùa liền ngậm lấy thanh kiếm và lặn mất. Do sự kiện này mà nhà vua cho rằng thần Kim quy đã hiện lên để đòi lại kiếm cho nên mới đổi tên hồ đó là hồ Hoàn kiếm. Về sau hồ này còn được gọi theo cách nôm na là hồ Gươm và ngôi tháp do vua Lê Thái tổ cho lập lên trên hòn đảo nhỏ giữa hồ để ghi công đức của Thần Kim quy được gọi là Tháp Rùa.
 
Sau khi đất nước bị qua phân theo Hiệp định Geneve 1954, miền Nam thành lập nền Ðệ nhất cộng hòa, Tổng thống Ngô đình Diệm muốn khôi phục lại những giá trị của nền văn hóa truyền thống đã bị người cộng sản phá bỏ nên đã đề cao nhiều biểu tượng cổ truyền, thí dụ như Bụi trúc đã được chọn làm quốc huy có ý nghĩa " tiết trực tâm hư" (lóng thẳng mà lòng thì rỗng, nói lên cái khí tiết của người quân tử lúc nào cũng ngay thẳng và lòng thì không tham.) Ðể phổ biến đường lối trên, Nha Bưu chính Việt nam Cộng hòa cũng đã cho phát hành nhiều loại tem thư mang hình ảnh các biểu tượng của nền văn hoá cổ truyền như tem Bụi Trúc, tem Con Rồng, tem Chim Phượng, hoặc tem Con Rùa mang trên lưng cái Quốc ấn v.v...
 
Sau khi cuộc chiến tranh Quốc cộng tái phát, để tri ân các quốc gia đồng minh đã giúp đỡ Việt nam Cộng hoà trong cuộc chiến đấu chống lại Cộng sản, chính phủ cũng đã cho thiết lập một đài tưởng niệm tại thủ đô Sài gòn, ngay bùng binh giao điểm của các đường Duy tân và Trần qúy Cáp với mẫu thiết kế gần giống như một con rùa nổi lên giữa hồ nước, mang trên lưng tấm bia tri ân và ngọn tháp đuốc như một sự tượng trưng về lòng biết ơn của dân tộc Việt nam đối với thế giới tự do. Dân chúng Sài gòn về sau vẫn quen gọi đó là hồ Con Rùa.
 
Dựa vào các huyền thoại về An dương vương và Lê Lợi, Rùa chính là một vị thần linh vẫn từng cứu giúp và phù trì cho dân tộc Việt nam trong việc chống xâm lăng. Nhưng sự giúp đỡ của Thần chỉ nhằm trong một phạm vi có giới hạn, cho nên khi An dương vương vì thiếu thận trọng để bị đánh tráo mất cái nỏ thần đến nỗi phải mất nước thì thần cũng không còn cứu ứng. Còn trong lần vua Lê vì đại nghĩa chống xâm lăng mà được thần ban cho thanh kiếm thì khi đại sự đã hoàn thành, thần cũng không quên đòi lại vật mà thần đã giúp cho mượn.
 
.
2.- HÌNH ẢNH CON RÙA QUA CON MẮT DÂN GIAN


Tuy cũng là một trong tứ linh nhưng rồng, kỳ lân là những biểu tượng cao qúy và tốt đẹp, được dùng để tượng trưng quyền uy của vua chúa; người ta cũng thường chạm trổ hình rồng hoặc lân trên các công trình kiến trúc hay mỹ thuật để làm tăng thêm vẻ thẩm mỹ; ngoài ra, người ta còn bắt chước nét đẹp uy nghi hùng tráng của rồng và lân để biểu diễn trong các cuộc múa rước những khi có hội hè đình đám; còn chim phụng thì được vẽ thành tranh, thêu lên gối lên màn để diễn tả tình âu yếm thủy chung; chỉ riêng có rùa là có vẻ lận đận, thường được coi như là cái đế của một vật khác đặt tại những nơi cô tịch như đình chùa lăng miếu. Có lẽ vì thế mà trong ca dao rùa mới được mô tả như là con vật mang một thân phận đáng buồn:
 

Thương thay thân phận con rùa
Lên đình hạc cưỡi, xuống chùa đội bia


Ðây không phải là một lời ta thán mơ hồ mà bằng vào sự kiện cụ thể mắt thấy. Thật vậy, bất cứ ai nhìn vào trong các ngôi đình làng cũng có thể nhận thấy trên bàn thờ thường có những cái chân đèn để cắm nến có hình dáng con chim hạc đậu trên lưng con rùa. Còn ở nơi nào có thiết lập những tấm bia đá lưu niệm thì tấm bia ấy lại gắn liền trên lưng con rùa làm bệ đá bên dưới. Như vậy là rùa hầu như lúc nào cũng phải mang nặng trên lưng.
 

Trong kho tàng văn học dân gian cũng có nhiều sự tích về rùa. Một câu truyện có tính chất hài hước nhằm giải thích về những lằn nét trên mu rùa kể rằng, vào cái thời xa xưa, lúc mà các loài vật đều biết nói, có một lần chuột gặp rùa bèn mời rùa đến nhà mình chơi. Chuột nhanh nhẹn, leo trèo giỏi, còn rùa thường bơi lặn dưới nước, nhưng lúc ở cạn thì với cái thân nặng nề, rùa chỉ có thể bò chậm chạp trên mặt đất mà thôi. Vì nhà chuột thì ở mãi trên ngọn cây cau thẳng đứng, cho nên chuột mới bảo rùa hãy cắn chặt vào đuôi của chuột để chuột leo lên cây kéo rùa lên theo. Chuột còn sợ rùa sơ ý mở miệng nói mà bị té rơi xuống nên đã căn dặn rùa trong khi chưa vào nhà ngồi yên vị thì chưa được mở miệng.
 
Khi chuột kéo rùa bò lên gần ngọn cau thì vợ chuột ở trong nhà nhìn ra thấy chồng đang đèo thêm khách đến liền vội vàng chạy ra khỏi tổ chúi đầu xuống đon đả chào hỏi. Rùa thật thà mở miệng ra đáp lễ thì tuột khỏi đuôi chuột và rớt xuống. Nhờ có cái mu dày và cứng nên tuy rơi từ cao xuống rùa không đến nỗi bị thương chết, nhưng mu rùa thì lại bị rạn nứt tứ tung thành nhiều mảng. Từ đó về sau, con cháu rùa đều thừa hưởng cái vết sẹo di truyền này trên mu như là chứng tích của một tai nạn từ tổ tiên để lại.
 
Vì rùa rất chậm chạp, nhất là những lúc ở trên cạn mà bị lật ngửa thì lại càng vụng về lúng túng nên dân gian mới có các thành ngữ "Chậm như rùa," hoặc "Rùa lật ngửa." Tuy nhiên cũng có một câu truyện khác lại nói về rùa như là một loài thông minh, biết dùng mưu trí để bù đắp cho cái yếu kém của mình như câu truyện rùa thi với thỏ sau đây.
 
Có một lần thỏ ở trên bờ nhìn thấy rùa bơi chậm rãi dưới sông liền chê rùa chậm chạp. Rùa bèn thách thỏ cùng thi với mình. Thỏ sẽ chạy dọc bờ sông còn rùa bơi theo giòng nước. Vốn là loài chạy nhanh nên thỏ rất tự tin ở mình. Còn rùa cũng biết rằng mình không thể nào bơi nhanh bằng tài chạy của thỏ nên sau khi ước hẹn với thỏ xong, rùa liền ngầm bảo nhau khi mà cuộc thi bắt đầu thì tất cả rùa ở dưới sông phải sẵn sàng, hễ chặng nào nghe tiếng thỏ thì rùa có mặt ở khúc sông phía trước đó sẽ trồi lên mặt nước cho thỏ thấy. Sau đó thì cuộc thi bắt đầu. Thỏ tung tăng nhảy nhót được một quãng bèn nhìn xuống sông lên tiếng hỏi thì nghe thấy rùa lên tiếng đã có mặt ở phía trước. Thỏ vội vàng chạy tiếp, nhưng cứ mỗi lần thỏ nhìn xuống sông để tìm xem rùa đã tới đâu thì lúc nào cũng thấy rùa ở phía trước mình rồi. Cuối cùng thỏ đuối sức đành phải chịu thua.
 
Truyện ngụ ngôn Tây phương cũng có một mẩu chuyện thi chạy giữa rùa và thỏ mà kết quả cũng là rùa thắng thỏ. Nhưng con rùa trong ngụ ngôn Tây phương không phải dùng mưu kế để lừa gạt thỏ mà chỉ bằng vào sự thẳng thắn, biết nhận định cái chậm chạp của mình nên đã lặng lẽ cố gắng bò thẳng tới đích. Còn thỏ sợ dĩ thua chẳng qua vì quá tự tin và coi thường rùa nên mới nhởn nhơ vui chơi, đến lúc chợt nhớ lại cuộc thi để quay chạy về đích thì đã quá trễ vì rùa đã bò tới nơi rồi.
 
Tuy hai câu chuyện đều cùng chung một chủ đề, nhưng các diễn tiến trong mỗi câu truyện lại bộc lộ cho thấy hai cách nhìn sự vật khác nhau : người Việt nam thích suy luận theo liên tưởng hiện tượng và hay nghĩ đến sự liên đới về trách nhiệm, trái lại người Tây phương thường đặt căn bản trên cá nhân và giải thích vấn đề theo duy lý.
 
Người ta vẫn tin rằng Rùa sống lâu, không tấn công vật khác, tuy nhiên rùa đã cắn thì không nhả. Ngoài ra theo tâm lý dị đoan của người bình dân, rùa còn bị gán cho cái tiếng xui xẻo và nếu ai ăn thịt rùa sẽ gặp điều bất tường, mặc dù mu rùa thì lại vẫn được người ta dùng để nấu thành một thứ cao thuốc bổ gọi là cao quy.
 
Rùa nặng nề chậm chạp nên không có khả năng lẩn tránh các cuộc tấn công của loài vật khác, nhưng nhờ có mu dày và cứng bao bọc cho nên khi gặp nguy hiểm, rùa chỉ việc co chân rút đầu vào trong mu để biến thành như một khối đá vô tri thì cũng chẳng còn sợ bị nguy hại đến thân. Trong quá trình tranh đấu cho sự sống còn, để chống lại những đe dọa từ bên ngoài cũng như của những người khác chủng tộc đến đô hộ mình, người dân Việt cũng đã có những phương cách để bảo vệ mình về phương diện vật chất lẫn tinh thần rất giống rùa. Phải chăng do sự liên tưởng đó mà khi đặt ra những huyền thoại cắt nghĩa những sự kiện lịch sử quá khứ nhằm nâng cao tinh thần tự chủ, người dân Việt đã chọn rùa làm biểu tượng cho một vị thần linh có công ơn đối với dân tộc.
 
.
3.- CON RÙA CHẬM TIẾN


Có thể nói dân tộc Việt nam là một dân tộc biết yêu dòng giống của mình và không bao giờ muốn thấy dòng giống của mình bị tiêu diệt, nhưng đồng thời dân tộc Việt nam ngay từ khi mới bắt đầu lập quốc, cũng đã ý thức về thân phận bé nhỏ và yếu kém của mình trước áp lực bành trướng của khối người Hán từ phương Bắc. Do đó mà dân tộc Việt nam luôn luôn thấy mình cần phải biết tự bảo vệ thì dòng giống của mình mới được sống còn.
 

Kể từ thời Văn lang trong suốt hơn hai ngàn năm trước công nguyên, dân Việt nam đã quen sống thành làng. Và ngôi làng với lũy tre xanh bao bọc như một lớp vỏ chắn chống lại những xâm nhập đe dọa từ bên ngoài đã trở thành một thực tế cần thiết đối với mỗi người dân Việt. Hằng ngày con người đi lên rừng đốn cây, săn bắn, hay ra đồng trồng trọt, nhưng cứ mỗi chiều về con người lại quay lại làng để tìm một nơi chốn nghỉ ngơi an toàn. Ngoài ra, bất cứ khi nào có sự đe dọa từ bên ngoài đến thì dân làng lại rút vào trong làng để cố thủ.
 
Tiếp theo một ngàn năm Bắc thuộc, để trốn tránh phần nào những sự tàn sát bóc lột của đám người Trung hoa cai trị, người dân Việt lại càng sống co cụm trong làng với nhau để tự bảo vệ. Tuy chỉ là phương cách bảo vệ thụ động, nhưng ngôi làng với lũy tre bao bọc cũng đã tỏ ra hữu hiệu trong việc che chở cho dân làng về mặt an ninh vật chất chẳng khác nào cái mu rùa bảo vệ thân rùa, do đó mà về mặt tinh thần, người dân Việt cũng đã tạo ra cho mình một cái mu rùa tâm lý bằng cách tạo ra những huyền thoại tự hào về dòng giống với những nề nếp riêng hầu chống đỡ mọi mưu toan đồng hóa của người Trung hoa.
 
Trên thực tế, phương cách bám víu vào làng để mà tồn tại đã tỏ ra hữu hiệu trong suốt quá trình bị đô hộ hơn mười thế kỷ làm cho người dân Việt nảy sinh cái tâm lý tự hào về đức tính kiên trì và chịu đựng của mình. Nhưng bên cạnh cái tâm lý tự hào này lại kèm theo cái mặc cảm về thân phận bé nhỏ và yếu kém luôn luôn bị người Trung hoa đông hơn, mạnh hơn, văn minh hơn, khống chế mình về mọi phương diện, khiến cho người dân Việt hầu như cũng chỉ loanh quanh với cái tâm lý cầu an và những cách thế tự bảo vệ một cách thụ động chứ không bao giờ thoát ly khỏi ảnh hưởng của Trung quốc.
 
Với lối sống co cụm, sự tiếp xúc của con người cũng trở thành hạn hẹp nên ngoài nền văn hoá của kẻ thống trị chiếm vị thế ưu thắng, người dân Việt chỉ biết tin vào những gì gần gũi với mình, còn những gì thuộc về bên ngoài lũy tre xanh đều không có giá trị và đáng nghi ngờ. Do đó mà về mặt nhận thức, người Việt nam cũng đã tạo ra cho mình nhiều thành kiến chủ quan và cố chấp ăn sâu vào tiềm thức khiến cho con người không muốn chấp nhận những lề lối suy nghĩ và hành động không phù hợp với cái tâm lý cầu an thụ động của mình.
 
Kể từ khi cuộc cách mạng khoa học xảy ra tại Tây phương làm thay đổi cách suy nghĩ và nếp sống của con người thì một số quốc gia Tây phương nhờ đó đã trở nên hùng cường và đổ xô đi tìm thuộc địa ở các châu khác. Do sự tiếp xúc này mà các quốc gia Châu A¨ cũng đã bắt đầu nhận thấy phải thay đổi quan niệm để học đòi văn minh Tây phương mà canh tân xã hội. Tuy nhiên tại Việt nam thì cái thành kiến tôn sùng văn hóa Trung hoa của giới sĩ phu cầm quyền và cái bản chất không muốn thay đổi cái nề nếp cha ông từ bao đời nay của người dân vẫn là cái mu rùa ngăn cản nền văn minh tiến bộ bên ngoài không thể nào xâm phạm.
 
Ngay từ đầu triều Nguyễn, do có các hoạt động truyền giáo của các vị thừa sai Thiên chúa giáo từ Âu châu qua mà một số người Việt nam có cơ hội tiếp xúc với nền văn hoá khoa học của Tây phương rất sớm. Nhiều kẻ thức giả như nho sĩ công giáo Nguyễn Trường Tộ, linh mục Ðặng đức Tuấn cũng đã vạch ra một chân trời mới sáng sủa hơn bên ngoài lũy tre xanh cho người dân Việt nam, nhưng cái thành kiến chỉ tin những cái gì gần gũi và đã trở thành quen thuộc với mình và nghi ngờ những phát minh mới mẻ ngoại lai đã là cái mu rùa đè nặng lên tâm tư khiến cho những người cầm vận mệnh quốc gia lúc bấy giờ vẫn cứ rúc vào trong đó để tìm sự an thân mà không mở mắt ra được. Hậu quả của hành động không thức thời này của vua quan nhà Nguyễn đã làm cho dân tộc không đủ sức chống trả cuộc xâm lăng và nước nhà rơi vào vòng nô lệ của thực dân Pháp. Dân Việt nam thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người Trung quốc thì lại bị người Tây phương cai trị. Tuy nhiên dù sao thì đây cũng là một dịp để người dân Việt mở mắt ra nhìn trực tiếp nền văn minh Tây phương, nhờ đó mà các thành phần tân học hấp thụ nền văn hoá mới đã có thể truyền bá những tư tưởng tiến bộ và cổ võ cho một cuộc cách mạng.
 
Cuộc Khởi nghĩa của toàn dân Việt nam nhằm phá bỏ ách nô lệ đã xảy ra vào mùa thu năm 45, nhưng cuộc cách mạng xây dựng một xã hội tự do dân chủ văn minh và tiến bộ kịp với thời đại thì lại bị đổ vỡ. Lý do của sự thất bại là từ cấp lãnh đạo cho chí người dân cứ rút mình vào trong cái vỏ tự hào của quá khứ với những nhận định chủ quan mà không còn biết nhận định thực tế một cách sáng suốt để thực hiện một cuộc cách mạng thực sự nên đã phạm phải quá nhiều sai lầm, khiến cho cái mặc cảm thân phận nhược tiểu trước những nước lớn mạnh lại có dịp thao túng tư duy để rồi chỉ biết tùng phục phe này hay phe kia khiến cho mọi nỗ lực và thiện chí của những con người thực lòng yêu tổ quốc và dân tộc đều hoá thành công dã tràng, và tất cả những công cuộc được gọi là cách mạng rốt cuộc lại chỉ còn là một sự khoa trương các mỹ từ, còn dân tộc thì vẫn cứ luẩn quẩn trong vòng ngu tối và chậm tiến.
 
Cũng vì cái đầu óc thiển cận, nhưng lại dễ mơ mộng và thích những điều hoang tưởng mà một số người Việt nam khi mở mắt nhìn vào các trào lưu tư tưởng đối đầu nhau đang tràn lan trên thế giới đã chọn nhầm chủ nghĩa cộng sản, và khi đã chấp nhận rồi thì do cái đầu óc cố chấp khiến cho họ lại cứ khư khư với cái nhận định chủ quan độc đoán của mình mà không chấp nhận những ý kiến đối lập, khiến cho họ đã thẳng tay tiêu diệt những kẻ không theo họ.
 
Nhờ biết lợi dụng một cách tinh vi cái mu rùa bốn ngàn năm tự hào về dòng giống cùng với đức tính kiên trì chịu đựng hy sinh và gian khổ của người dân mà người Cộng sản Việt nam đã có thể trói buộc người dân Việt đeo đuổi tới cùng cuộc chiến tranh trường kỳ về ý thức hệ để áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên cả nước. Người Cộng sản Việt nam cũng đã lợi dụng cái đầu óc dễ mơ ước viễn vông theo kiểu "thả mồi bắt bóng" của người dân để vẽ lên một thiên đường hạ giới cho mai sau, biến nó thành cái mu rùa che chở những ước mơ để cho người dân cứ rút mình vào đó với những ước mơ ảo tưởng của mình mà quên đi cái bia đá của thực tế đầy hy sinh xương máu và những bất công tàn bạo phát xuất từ cái chủ nghĩa ngoại lai sai lầm, dối trá, phi nhân bản đang đè lên dân tộc. Sau đó thì chủ nghĩa cộng sản cũng đã trở thành cái mu rùa để cho người cộng sản Việt nam cứ rúc vào đó mà tìm sự an ninh cho bản thân mình cho nên ngày nay, hầu hết các người theo chủ nghĩa Cộng sản trên thế giới đã từ bỏ con đường Mác xít, riêng tại Việt nam, các lãnh tụ cộng sản già nua vẫn không chịu nhìn thấy hay không muốn nhìn thấy sự lỗi thời của cái lý thuyết không tưởng, và vẫn cứ bám víu vào cái chủ nghĩa đó để mà tồn tại. Có lẽ do người Trung hoa coi long, lân, quy, phụng là bốn con vật linh thiêng mà người dân Việt đã chọn Rồng như là tổ phụ của mình, không phải chỉ để mà tự hào cho riêng mình mà còn muốn tỏ cho người Trung hoa thấy mình cũng không phải là một dân tộc kém hèn cho dù dân Việt nam có bị người Trung hoa cai trị. Do đó mà để đề cao tinh thần tự chủ người dân Việt mới lại nghĩ đến Rùa vàng để đặt ra những câu chuyện huyền thoại về một vị thần linh cứu độ cho dân tộc trong lịch sử chống xâm lăng.
 
Huyền thoại bao giờ cũng mang tính chất hoang tưởng.Tuy nhiên những điều hoang tưởng nhiều khi không phải hoàn toàn vô căn cứ mà chính là sự sáng tạo bắt nguồn từ những thực tại đã ăn sâu vào tiềm thức. Nhìn vào thực tế thì cái cách thế đối phó thụ động " thà chết một đống hơn sống một mình," cái bản chất bảo thủ những gì đã trở thành nề nếp " giấy rách phải giữ ly lề," và đức tính bám trụ kiên trì chịu đựng của người dân Việt trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước quả có nhiều điểm rất giống cung cách sinh họat của rùa. Do đó mà hình ảnh rùa như là biểu tượng cho một vị thần linh có công đối với dân tộc cũng chỉ là một sự phát xuất từ liên tưởng thực tế.
 
Qua bốn ngàn năm hạnh phúc ít, gian khổ nhiều, nhưng vẫn không ngừng cố gắng bảo vệ dòng giống của mình để tiếp tục trường tồn như một dân tộc thuần nhất, người dân Việt quả đã tỏ ra có một đức tính kiên trì chịu đựng để sinh tồn rất đáng khâm phục. Nhưng đồng thời, cái tâm lý hay nghi ngờ, chậm chạp, và thói quen thu mình vào trong cái mu cầu an của những nề nếp bảo thủ và cố chấp cũng là một trở ngại cho ý hướng muốn vươn lên.
 
Dù muốn dù không thì đối với người Việt nam, cái hình ảnh con rùa cũng đã có giá trị một biểu tượng và cho đến nay vẫn còn ám ảnh người dân Việt. Do đó mà ngày nay, nhìn lại đất nước vẫn lạc hậu so với đà tiến triển của các quốc gia trên thế giới, nhiều người đã phải chua xót ví von con rùa còn là biểu tượng cho sự chậm tiến.
 
Nếu trong quá khứ, cái hình ảnh con rùa mang trên mình tấm bia đá nặng ngàn cân, hay làm cái bệ để cho chim hạc đứng đã làm cho người dân Việt liên tưởng đến hoàn cảnh dân tộc lúc nào cũng bị các nước lớn hay tài giỏi hơn mình khống chế để rồi coi cái hình ảnh đó như là một tượng trưng cho cái mặc cảm thân phận thì ngày nay, để tránh mang thêm cái mặc cảm "con rùa chậm tiến," người dân Việt cần phải biết ra khỏi cái mu rùa của cái tư tưởng cố hữu chỉ muốn "tự hào với quá khứ, cầu an trong hiện tại và thụ động trước tương lai," để có thể dấn thân vào một cuộc cách mạng thật sự và toàn diện hầu biến cải vận mệnh đất nước, chứ không phải cứ ôm mãi cái mặc cảm thân phận để rồi xót xa cho dân tộc như lời câu ca dao về thân phận con rùa đã nêu ở trên.
 
ĐOÀN VĂN KHANH


1 comment: