Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Thursday, February 7, 2013

Cứu Cánh Đời Cò

Tạp luận



1.- LÔNG NGỖNG RẢI ÐƯỜNG

Dân tộc Việt nam đã kết thúc thời kỳ huyền sử của mình với 18 đời vua Hùng trị vì nước Văn Lang kéo dài trên hai ngàn năm để bước vào thời kỳ bắt đầu có sử bằng một câu chuyện tình rất thương tâm.
 
Sử chép rằng: vào cuối đời Hồng Bàng, có Thục vương muốn hỏi cưới con gái của vua Hùng nhưng không được bèn quyết tâm đánh nước Văn lang để báo thù. Thừa cơ hội vua Hùng thứ 18 cậy mình có binh cường tướng giỏi nên bê trễ việc nước, Thục Phán đã đánh chiếm được nước Văn Lang. Vua Hùng thua chạy, phải nhảy xuống giếng tự tử.
 
Vào năm Giáp Thìn tức năm 257 trước Tây lịch, sau khi dẹp yên mọi nơi, Thục vương bèn xưng là An Dương vương, đổi tên nước thành Âu lạc, đóng đô ở Phong Khê. An Dương vương lại còn cho xây Loa thành, và nhờ có thần Kim Quy cho một cái móng chân của mình để chế thành cái lẫy nỏ, biến nỏ thành nỏ thần, chỉ cần bắn một mũi tên cũng giết được cả ngàn quân địch, nhờ đó mà nhà vua đã giữ yên được nước.
 
Cũng vào thời gian này thì Triệu Ðà, một quan úy ở quận Nam Hải của Tàu muốn thôn tính Âu Lạc nên thường kéo quân sang đánh. Chính vì An Dương vương có nỏ thần mà Triệu Ðà lần nào kéo quân qua cũng bị thất bại. Triệu Ðà bèn giả kế kết thân, cưới con gái của An Dương vương là Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thỉ để nhờ đó mà dò thám tình hình.
 
Sau khi đã thành vợ chồng, Trọng Thỉ bèn dò hỏi vợ nguyên do nhờ đâu mà nước Aâu Lạc không ai đánh được. Mỵ Châu vì tin chồng nên cứ thật tình đem chuyện nỏ thần ra kể và còn lén chỉ cho Trọng Thỉ xem chiếc nỏ. Trọng Thỉ biết được điều bí mật này liền làm một cái lẫy nỏ giả tráo vào nỏ thần. Sau đó Trọng Thỉ bèn viện cớ về thăm nhà để trở về nước báo cáo sự tình cho cha mình.
 
Trước khi từ giã, Trọng Thỉ vì lưu luyến chút nghĩa vợ chồng nên đã ướm hỏi Mỹ Châu nếu như khi Trọng Thỉ đang xa cách mà có giặc giã nổi lên thì làm sao để Trọng Thỉ có thể tìm được nàng. Mỵ Châu nói là nếu trường hợp nàng phải bỏ chạy khỏi chốn này thì nàng sẽ mang theo cái gối lông ngỗng, và dùng lông ngỗng rắc dọc theo đường đi, như vậy chỉ cần theo vết lông ngỗng mà tìm thì thế nào cũng gặp nhau.
 
Triệu Ðà sau khi được Trọng Thỉ về báo cho biết tình hình bên Âu Lạc, bèn khởi binh sang đánh. An Dương vương cậy có nỏ thần nên không phòng bị gì cả, đợi giặc đến chân thành mới đem nỏ thần ra bắn thì nỏ không còn linh nghiệm nữa. Giặc tràn vào thành. An Dương vương túng thế phải kéo Mỵ Châu đèo lên mình ngựa chạy trốn. Khi chạy đến chân núi Mộ Dạ thì cũng là ra đến bờ biển cùng đường, An Dương vương sực nhớ đến thần Kim Quy bèn khấn thần lên cứu. Thần Kim Quy hiện lên bảo cho biết giặc chính là kẻ ngồi sau lưng nhà vua nên thần cũng không còn cách nào để giúp nhà vua được nữa. An Dương vương quay nhìn con gái mình, rồi vì quá tức giận nên đã rút gươm chém Mỵ Châu, xong nhảy xuống bể tự vẫn.
 
Phần Mỵ Châu nhớ lời hẹn với chồng nên đã mang theo cái gối lông ngỗng và lén rắc những cái lông ngỗng trên đường chạy trốn, nhờ thế mà Trọng Thỉ đã lần theo dấu tìm ra chỗ Mỵ Châu nằm chết. Trọng Thỉ chỉ còn biết đem xác vợ về an táng, sau đó vì đau buồn nên cũng nhảy xuống cái giếng ở trong Loa thành tự tử. Vì Mỵ Châu vốn ngay tình mà phải chết oan nên khi máu chảy xuống bể có những con trai đã ăn phải máu ấy mà hóa ra có ngọc trân châu. Tương truyền kẻ nào lấy được ngọc ấy đem về rửa vào nước giếng mà Trọng Thỉ đã tự tử ở Loa thành thì ngọc ấy sẽ trong sáng và đẹp vô ngần.
 
Bỏ qua những chi tiết có tính cách hoang đường như là cái nỏ thần có thể sát hại một lúc hàng ngàn quân địch, những con trai ăn phải máu Mỵ châu mà sinh ra ngọc qúy, hoặc là nước giếng nơi Trọng Thỉ tự tử làm cho ngọc trân châu sáng đẹp ra, cũng như tính chất không thực tế của chuyện rắc lông ngỗng vì có thể bị gió thổi bay đâu còn dấu để chỉ đường đi cho Trọng Thỉ, nội dung còn lại của câu chuyện chính là nhằm giải thích lý do tại sao nhà Thục bị mất nước về tay họ Triệu.
 
Cuộc hôn nhân của Mỵ Châu là do sự sắp đặt có mục đích của hai thế lực tương tranh. Mỵ Châu chỉ vâng theo ý cha mà không chút nghi ngờ gì về những âm mưu đen tối bên trong. Nhưng với bản tính đàn bà giàu tình cảm nên một khi đã có chồng thì nàng lại rất mực thương chồng, và đó cũng là nguyên nhân cái chết của Mỵ Châu, chỉ vì tình yêu và tấm lòng chân thật của nàng đã bị những kẻ có tham vọng mưu bá đồ vương lợi dụng.
 
Còn Triệu Ðà sau khi lấy được Âu Lạc thì sát nhập vào quận Nam Hải và lập thành một nước gọi là Nam Việt, đem văn minh Trung quốc truyền sang Âu Lạc cho nên dân Văn Lang bắt đầu tiêm nhiễm văn hoá phương Bắc kể từ đó. Nhà Triệu làm vua Nam Việt truyền được năm đời trong gần một thế kỷ thì bị nhà Hán chiếm, chia ra làm 9 quận, đặt quan cai trị như bên Tàu. Người dân Việt bước vào thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một ngàn năm.
 
Chính sách cai trị tàn ác của người Tàu đối với dân Giao chỉ và nhất là những sự trả thù dã man của quân Tàu đối với những lần dân Giao Chỉ nổi dậy không thành công đã khiến cho người dân Việt hình như lúc nào cũng mang một nỗi oán hờn và cứ phải trí trá hay giả dại để sống còn. Có lẽ vì nếp sống giả khôn giả dại này và thái độ co cụm với gia đình của mình kéo dài hết thế kỷ này qua thế kỷ khác đã ăn sâu vào tiềm thức khiến cho sau này khi dân Việt đã giành lại được quyền tự chủ, cái thói quen nghi ngờ và tâm lý bảo thủ cho gia đình ấy vẫn tiếp tục tác động lên hành vi của những con người Việt khi đối xử với nhau, khiến cho đất nước không bao giờ thực sự ổn định và người dân vẫn cứ phải sống trong cảnh loạn lạc triền miên.
 
Cũng kể từ thời nhà Triệu trở đi, do ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc và nền luân lý Khổng giáo mà cái tâm lý trọng nam khinh nữ dần dần thấm nhập vào mọi tầng lớp xã hội Việt nam khiến cho người đàn bà Việt nam luôn luôn bị ràng buộc vào những bổn phận khắt khe. Tuy nhiên cái bản tính thương chồng thì hầu như không thay đổi, và cũng chính vì cái bản tính này mà người đàn bà Việt nam hầu như lúc nào cũng mang một thân phận đáng buồn.
 
.
2.-MIẾNG TRẦU DUYÊN NỢ


Tâm lý thông thường thì bất cứ người con gái nào lớn lên cũng mong muốn có người trai nào đó sẽ mang trầu cau đến hỏi mình làm vợ. Tục ngữ có câu: "Miếng trầu là đầu câu chuyện". Sở dĩ có câu nói trên là vì dân Việt nam vốn có tục ăn trầu cho nên đám cưới đám hỏi bao giờ cũng phải có trầu cau. Mặc dù ngày nay hầu hết người Việt nam không còn ai ăn trầu nhưng cái tục lệ phải có cau trầu cho mâm sính lễ vẫn còn được duy trì.
 
Theo truyền thuyết thì tục ăn trầu vốn có từ đời Hùng Vương. Huyền thoại nhằm cắt nghĩa tục ăn trầu của người Việt nam cũng là một câu chuyện tình éo le và thương tâm không kém. Câu truyện tóm tắt như sau:
 
Có hai anh em nhà nọ rất giống nhau và rất thương yêu nhau. Ðến tuổi trưởng thành thì cả hai lại cùng yêu một người con gái, nhưng khi người anh được kết hôn với cô ta thì người em vì thế mà sinh ra buồn rầu, không thể sống chung mà lòng thì mang mối tình tuyệt vọng nên đã bỏ nhà ra đi. Một ngày nọ, khi đến bên một bờ suối thì kiệt sức mà chết và hóa thành một tảng đá.
Vì thương em nên khi thấy người em bỏ đi biệt tích, người anh cũng bỏ nhà đi tìm. Lúc đến bên tảng đá cạnh bờ suối chỗ người em đã chết thì cũng kiệt sức mà chết và hóa thành cây cau mọc cạnh phiến đá. Người vợ ở nhà trông ngóng hoài không thấy chồng về nên cũng bỏ đi tìm. Lúc đến con suối có cây cau mọc cạnh tảng đá thì cũng kiệt sức, chết đi và hoá thành giây trầu leo quấn quít vào thân cây cau.
 
Cũng câu truyện này, nhưng có người đã biến đổi đi một số tình tiết, nên thay vì hai người cùng yêu một người con gái lại được kể là khi người anh có vợ rồi thì hàng ngày hai anh em vẫn ra đồng làm việc chung với nhau. Chiều về người vợ ra đón chồng thấy người anh bao giờ cũng đi trước, còn người em theo sau. Một hôm nọ, vì người anh còn bận việc chưa về nên người em về trước. Người vợ mới thấy người em lại tưởng là chồng mình nên đã ôm lầm khiến cho người em từ đó mang một mặc cảm như có lỗi với anh mình. Không thể chịu nỗi sự ray rứt này nên người em cuối cùng đành phải bỏ nhà ra đi. Có lẽ vì chịu ảnh hưởng của nền luân lý Khổng Mạnh mà người ta đã kể khác đi phần đầu, riêng phần kết cuộc thì cũng giống nhau.
 
Khi vua Hùng đi tuần thú ngang qua vùng này, thấy cây lạ bèn hỏi thăm sự tích. Nghe dân chúng kể lại câu truyện, nhà vua xúc động, bèn truyền lấy lá trầu và quả cau cho vào miệng nhai thử thì thấy có một hương vị đặc biệt khiến cho tinh thần sảng khoái. Ðến lúc nhổ nước cốt ấy lên tảng đá thì nước cốt đó hóa nên đỏ tợ máu. Nhà vua cho đó là điều biểu tượng cho tình thương yêu gắn bó nên mới truyền cho dân gian dùng trầu cau để cúng tổ tiên, cũng như trong việc cưới hỏi.
 
Theo tập tục cổ truyền, một khi bên đàng gái đã nhận mâm lễ trầu cau của đàng trai là coi như sự hôn nhân của đôi trai gái đã định xong. Do đó mà ngày xưa bậc làm cha mẹ vẫn thường khuyên con gái mỗi khi giao tiếp "làm thân con gái chớ ăn trầu người" vì khi một người con gái nào đó mới quen biết một người con trai thôi mà đã ăn miếng trầu của người con trai mời mình thì kể như cũng đã có tình ý với người con trai đó rồi:

Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu.
Biết rằng thuốc dấu hay là bùa yêu,
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa.
Làm cho quên mẹ quên cha,
Làm cho quên cả đường ra lối vào.


Trong một xã hội mà con người không phải chỉ sống cho mình mà sống là sống với gia đình, giòng họ, làng nước thì sự hôn nhân không do đôi nam nữ quyết định mà thường là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Nhưng sự quyết định của cha mẹ nhiều khi lại không phù hợp với mong ước của người con, hay nhiều khi còn đi ngược lại cả mong ước của người con. Tuy nhiên vì lễ giáo phong kiến và dư luận xóm giềng nên bao giờ người con cũng phải hy sinh mình để làm tròn chữ hiếu, nhưng lòng thì không làm sao tránh khỏi ấm ức:

Mẹ em tham thúng xôi vò
Tham con lợn béo, tham vò rượu tăm
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng


Nếu tình yêu là một sự tìm đến nhau do tiếng gọi của con tim có tính cách tự do và tự phát thì hôn nhân lại là một định chế của xã hội có kèm theo sự ràng buộc về trách nhiệm và bổn phận. Do đó mà trong hôn nhân dù đã từng quen biết nhau hay chỉ do mai mối và sự sắp đặt của cha mẹ đôi bên, nhưng một khi đã nên đạo vợ chồng thì người con gái luôn luôn bị tập tục ràng buộc phải yêu chồng và chấp nhận gia đình chồng làm gia đình mình. Cũng vì sự ràng buộc đó mà lỡ khi có gặp phải hoàn cảnh không như ý thì người đàn bà cũng chỉ đành cắn răng chịu đựng mà thôi:

Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm sóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà


Và trong sự đưa đẩy của số phận đó, người con gái hầu như phải chấp nhận những gì mà xã hội đã quy ước: "Làm thân con gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu" một khi mà "ván đã đóng thuyền".


3.-CÁI CÒ LẶN LỘI


Con cò thường hay được nhắc đến trong văn học dân gian và chữ Nôm như là một hình ảnh tượng trưng cho người đàn bà trong xã hội Việt nam. Có lẽ trong cuộc sống thiên nhiên, con cò thật ra chẳng biểu lộ một nét nào về thân phận đáng thương nhưng văn học vẫn thường hay nhắc đến hình ảnh con cò để ám chỉ nỗi buồn thân phận của người đàn bà.
 
Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho biển kia đầy,
Cho ao kia cạn cho gầy cò con!

Theo các nhà khảo cổ học thì dân tộc Việt nam nguyên thủy vốn theo chế độ mẫu hệ. Do ảnh hưởng của nền văn hóa phương Bắc mà dân Việt đã chuyển sang chế độ phụ hệ. Có lẽ do truyền thống còn sót lại này mà dân tộc Việt nam cũng đã từng có những bậc nữ kiệt ghi lại nhiều trang sử vẻ vang như Hai bà Trưng, bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân... nhưng đấy chỉ là ngoại lệ. Ða số người đàn bà Việt nam suốt mấy ngàn năm qua, đã vì nền luân lý Nho gia mà đã phải sống một cuộc đời hẩm hiu.
 
Cái quan niệm trọng nam khinh nữ của nền luân lý Trung hoa đã khiến cho người đàn bà bị tước bỏ vai trò ngoài xã hội để ràng buộc người đàn bà vào những bổn phận gia đình. Người đàn bà lúc nào cũng phải sống đúng với "tam tòng tứ đức". Ðạo Tam Tòng có nghĩa là người con gái lúc còn sống với cha mẹ thì phải tuân lời cha mẹ, lúc đi lấy chồng thì phải theo chồng, và nếu như chồng chết thì phải theo con. Trước khi lấy chồng người con gái còn phải lo trau dồi Tứ Ðức "công dung ngôn hạnh" để khi về nhà chồng có thể quán xuyến mọi việc bên nhà chồng. Khi người đàn ông chỉ nghĩ chuyện công danh thì hầu như mọi việc trong cửa nhà đều được giao phó cho người đàn bà phải cáng đáng:

Canh một dọn dẹp cửa nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
Canh tư buớc sang canh năm
Trình anh dậy học chớ nằm là chi
Nữa mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng rực rỡ kia đề tên anh


Trong thực tế, sống trong nền văn minh nông nghiệp thì vai trò của người đàn bà trong đời sống kinh tế gia đình nhiều khi không khác gì vai trò của người đàn ông. Người đàn bà cũng phải làm lụng để lo cho gia đình. Có lẽ cảm thương người mẹ vất vả của mình mà Hồ Dzếnh, một thi sĩ tiền chiến của Việt nam mang trong mình hai giòng máu Việt-Hoa đã có những câu thơ như sau: 

Cô gái Việt Nam ơi
Từ thuở sinh ra lận đận rồi...."


Hai tiếng lận đận mà nhà thi sĩ dùng đã mô tả rất đúng thân phận người đàn bà Việt nam từ xưa nay. Thực vậy, người đàn bà Việt nam rất là lận đận, và nếu mà nói đến hy sinh thì ít có người đàn bà nào trên toàn thế giới này hy sinh nhiều cho bằng người đàn bà Việt Nam.
 
Nhiều khi nếu gặp trường hợp người chồng vì một lý do nào đó không thể lo cho gia đình thì chính người đàn bà lại phải gánh vác.Vào cái thời buổi Nho học suy tàn, những người lỡ thời lỡ vận như Trần Kế Xương cũng đành thấy mình vô dụng, nên chỉ còn biết trông cậy vào người vợ tảo tần của mình để nuôi sống gia đình cho nên mới cảm thương vợ mà có bài thơ sau:

Quanh năm buôn bán ở ven sông.
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng.
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận.
Năm nắng mười mưa, dám quản công.
Cha Mẹ thói đòi ăn ở bạc.
Có chồng hờ hững cũng như không


Cái điều này không phải chỉ xảy ra trong xã hội thời Tú Xương mà hầu như trong mọi lúc hoàn cảnh xã hội bị xáo trộn, người ta đều thấy người đàn bà phải gánh vác. Còn trong hoàn cảnh bình thường, nhiều khi người chồng vì bận đuổi theo chút công danh hay phải lo việc nước thì cũng lại đành phó mặc việc nhà cho vợ:

Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ
Lầm than bao quản muối dưa
Anh đi anh liệu đua chen với đời


Người vợ dù có mong muốn chồng kiếm được chút công danh để cho mình cũng được nở mày nở mặt theo đi nữa thì trước cảnh xa cách lòng cũng không làm sao tránh khỏi cảnh:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non


Trong suốt bao nhiêu thế kỷ bị kềm hãm trong nền luân lý Nho gia, người đàn bà Việt nam đã âm thầm hy sinh và chịu đựng. Nhưng cũng chính vì người đàn bà thì quá tình cảm mà trách nhiệm cũng như bổn phận quá nặng nề, nào lo nuôi nấng gia đình lại phải giáo dục con cái cho nên ảnh hưởng của người mẹ đối với người con hầu như bao giờ cũng gây nhiều ấn tượng sâu sắc hơn của người cha, do đó đôi khi cũng có ảnh hưởng không tốt vì tình cảm quá nhiều cũng dễ bị thiên lệch và dễ sinh ra ích kỷ. Chính vì thế mà tục ngữ cũng từng có câu: "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".
 
Trong cái nỗi đau khổ của kiếp người lận đận đó, nếu người đàn bà chỉ còn tìm thấy cứu cánh đời mình trong cái tình cảm thương chồng thương con của mình thì cũng là lẽ tất nhiên. Ðể an ủi người đàn bà, chế độ phong kiến trước đây cũng đã từng đặt ra lệ vua ban sắc phong cho những người đàn bà được xét là gương mẫu trong việc chu toàn bổn phận của người đàn bà theo quan niệm đạo đức Nho gia với bốn chữ "Tiết Hạnh khả phong", và cũng chính vì bốn chữ này mà bao nhiêu người đàn bà cứ đành hy sinh cả một đời.
 
.
4.-TƯỢNG ÐÁ TRÔNG CHỒNG


Trong hoàn cảnh một quốc gia mà chinh chiến là một hiện tượng gần như triền miên thì cuộc đời người đàn bà có chồng để thấy mình chỉ là kẻ chinh phụ hầu như rất phổ biến:

Trời sinh ra giặc làm chi
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường.


Chiến tranh gây tang tóc, chia ly và xa cách khiến cho bao nhiêu người đàn bà Việt nam cứ phải sống trong cảnh cô đơn. Ðiều này không những chỉ phản ảnh qua ca dao mà ngay cả trong văn chương bác học cũng không thiếu gì văn thi sĩ đề cập đến. Ðặng Trần Côn, một nho sĩ thời Lê do cảm thương thân phận người đàn bà trong hoàn cảnh đất nước luôn chìm trong cảnh loạn lạc mà đã sáng tác ra bản Chinh Phụ Ngâm, nhưng chính bản dịch ra chữ nôm của bà Ðoàn Thị Ðiểm mới nổi tiếng và được phổ cập trong dân gian nhiều hơn. Mặc dù người đàn bà nào có chồng đi chinh chiến lại chẳng mong thấy chồng mình làm nên sự nghiệp, nhưng niềm vinh hoa phú qúy thì ít ai được hưởng mà cái cảnh nếu không là goá phụ thì cũng là người chinh phụ trông chồngï lại thường xảy ra.
 
Lạng sơn, tỉnh giáp giới với Trung quốc cũng là nơi địa đầu trấn thủ của những người lính xa nhà bảo vệ quê hương. Trên một đỉnh núi có tảng đá giống hình mẹ bồng con và người đời đã truyền tụng nhau câu chuyện nàng Tô thị.
 
Chuyện kể rằng ngày xưa ở một làng miền xuôi có hai anh em nhà họ Tô, cha mất sớm còn mẹ hàng ngày phải ra đồng mò cua bắt ốc về nuôi hai đứa con. Một hôm hai anh em ở nhà chơi đùa nghịch ngợm với nhau. Ðứa anh lỡ tay ném hòn đá trúng vào đầu em gái. Thấy em ngã lăn nằm bất tỉnh, máu phun lênh láng, đứa anh hoảng sợ quá không biết làm sao liền bỏ nhà trốn biệt. Khi người mẹ về không thấy đứa con trai bèn cố công tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không ai gặp. Người mẹ vì nhớ con đâm ra buồn rầu nên sinh bệnh mà chết. Ðứa con gái được hai vợ chồng nọ đem về nuôi và sau đó được cha mẹ nuôi đưa theo lên Lạng sơn.
 
Ðến tuổi trưởng thành, đứa em gái được một chàng trai để ý và hỏi làm vợ. Hai người ăn ở với nhau được một mặt con thì một hôm đang lúc người vợ gội đầu người chồng mới để ý thấy trên đầu vợ có một vết sẹo bèn hỏi thăm cớ sự. Người vợ thật thà kể lại câu chuyện ngày xưa lúc còn nhỏ do chơi đùa nghịch ngợm nên đã bị anh mình vô ý quăng đá trúng khiến cho bị lỗ đầu. Người chồng nghe xong câu truyện, liền nhớ lại câu chuyện của chính mình thời thơ ấu bỏ nhà trốn đi, may được một người khách trú đem về nuôi nấng. Không ngờ nay lớn lên thì do định mệnh éo le xui khiến cho anh em lại gặp nhau mà không biết khiến cho mình đã lấy nhầm em gái mình. Vì không thể mang mãi mặc cảm tội lỗi ấy trong lòng nên người chồng mà cũng là người anh đành xin đăng lính ra đi.
 
Người vợ không hiểu uẩn khuất bên trong lòng chồng nên chỉ biết một mực ở nhà nuôi con chờ chồng. Thấy nàng vắng chồng lâu ngày, có nhiều kẻ bèn rắp tâm ngấm nghé nhưng nàng vẫn trung thành với chồng nên ngày nào cũng bế con leo lên đỉnh núi mong ngóng chồng về. Cuối cùng vào một đêm mưa to gió lớn nhưng nàng vẫn ôm con đứng giữa trời trông về phương xa chờ đợi cho nên đã bị sét đánh trúng. Qua hôm sau người dân trong vùng nhìn lên đỉnh núi nơi hai mẹ con nàng Tô Thị thường đứng thì thấy cả hai mẹ con đã hóa thành tượng đá. Người đời vì vậy mới truyền tụng nhau mấu câu ca dao:

Ðồng đăng có phố Kỳ lừa
Có nàng Tô thị, có chùa Tam thanh
Ai lên thú Lạng cùng anh...


Tại vài vùng như Bình Ðịnh và Phú Yên ở miền Trung, trên đỉnh núi cũng có những khối đá đứng chơ vơ giữa trời, từ xa nhìn trông như hình người mẹ bồng con nên người ta đặt cho cái tên là Hòn Vọng phu. Người ta cũng kể cho nhau nghe vì sao hòn đá mang cái tên đó. Nội dung câu chuyện cũng giống như câu chuyện nàng Tô Thị, chỉ có một số chi tiết thì biến đổi cho phù hợp với khung cảnh địa phương.
 
Dù là hòn Vọng phu ở Lạng sơn hay những hòn vọng phu ở những nơi khác thì cái sự tích mà người đời truyền tụng cho nhau cũng mang một ý nghĩa chung: lòng thương chồng và ý nguyện được cùng chồng sum họp. Nhưng chiến tranh không những gây cảnh chia ly xa cách của những đôi vợ chồng, mà còn biết bao nhiêu người đã sớm trở thành goá phụ. Một đôi khi cũng có người vì tiếc cho cái tuổi xuân xanh của mình mà muốn bước đi bước nữa thì lại vì tập tục nhà chồng mới không nhìn nhận con riêng của vợ nên có người lại vì chút tình thương con mà đành phải hy sinh hạnh phúc của mình:

Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai


Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, biết bao lần người dân Việt đã phải chống xâm lăng và cũng biết bao lần trải qua những cuộc nội chiến. Khi chiến tranh thì người chồng phải xa nhà đi chiến đấu đã đành mà ngay cả khi chiến tranh đã ngã ngũ thì kẻ mang danh bại trận lại bị kẻ chiến thắng trả thù. Thời nhà Nguyễn, khi vua Gia long thống nhất được giang sơn, không những nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn truy diệt mà dân vùng quê hương của các vị anh hùng Tây Sơn cũng bị khép vào tội phản nghịch vì đã theo Tây Sơn để chống lại chúa Nguyễn.
 
Trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng vừa qua cũng đã có biết bao nhiêu trường hợp của những người đàn bà Việt nam đã phải mang tâm trạng của nàng Tô Thị. Bao nhiêu người đàn bà đã phải làm quả phụ với đám cô nhi, hay mỹ miều hơn như những người sống dưới chế độ cộng sản được gọi là vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ. Rồi khi cuộc chiến chấm dứt thì với nửa nước bị coi là nguỵ dân và hàng triệu người bị kết án là ngụy quân ngụy quyền để cho hàng triệu người đàn bà đã phải xa chồng thời chinh chiến lại tiếp tục phải xa chồng xa con vì chồng con bị bắt bớ tù đày trong các trại tập trung cải tạo hoặc đã phải chạy trốn ra nước ngoài.
 
Dưới thời đại phong kiến, vì tam tòng tứ đức cũng như bốn chữ "Tiết Hạnh khả phong" mà người đàn bà Việt nam đã phải bó mình vào khuôn khổ của tập tục xã hội để sống. Dưới chế độ Cộng sản, người đàn bà cũng đã vì bốn chữ "Trung Hậu Ðảm Ðang" cũng như những lời tâng bốc mỹ miều của Ðảng màquên mình để phục vụ cho chế độ hay động viên chồng con hy sinh, cam nhận làm người vợ chiến sĩ, mẹ chiến sĩ để sau đó trở thành vợ liệt sĩ, mẹ liệt sĩ với cuộc sống cơ cực nghèo nàn và nỗi đau câm nín ở trong lòng như bà mẹ Gio Linh.


5.- NƯỚC MẮT MẸ GIÀ


Sống trong một đất nước mà lịch sử được viết bằng máu và nước mắt thì không lạ gì cái cảnh nam nhi cứ phải ra đi chinh chiến. Trước sự chia ly đó người đàn bà nào chẳng đau buồn nhưng cũng đành:
 
Anh ơi phải lính thì đi
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em

Người đàn bà thường không phải trực tiếp tham gia vào cuộc chiến nhưng cuộc chiến lúc nào cũng để lại những dấu ấn sâu sắc nơi người đàn bà. Có người không những chỉ xa chồng thời son trẻ mà nhiều khi đã qua một đời đau khổ vẫn còn tiếp nối sự đau khổ vì những đứa con đến lượt lại ra đi chinh chiến. Bản nhạc Bà Mẹ Gio Linh của nhạc sĩ Phạm Duy là một câu chuyện cảm kích từ cái số kiếp lận đận của một người mẹ Việt nam. Góa chồng, nuôi con. Ðến khi con khôn lớn thì lại vì nợ nước thù nhà tiếp tục ra đi chiến đấu. Mẹ đã già nhưng vì hoàn cảnh kinh tế gia đình nên vẫn cứ phải vất vả với cuộc mưu sinh:

Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy...


Trong niềm thương con người mẹ chỉ còn biết cầu khấn một ngày nào đó con sẽ trở về, nhưng số mệnh nhiều khi lại hay khắt khe đối với những người đã từng chịu đau khổ:

Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Mang ra giữa chợ cắt đầu
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu ...
( Phạm Duy - Bà Mẹ Gio Linh )


May mắn lắm thì mới có được vài bà mẹ già còn có dịp nhìn thấy con trở về, nhưng có khi trở về với một tấm thân không còn lành lặn. Nhưng dù sao thì đó cũng là chút an ủi cho tuổi giàhẩm hiu của mình:

Mẹ lần mò ra trước đê nắm áo ngừơi xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ...
( Phạm Duy - Ngày Trở Về )


Có lẽ trên thế giới ít có người giống như người đàn bà Việt Nam: tìm hạnh phúc của mình trong niềm thương chồng thương con của mình. Nhưng hình như số phận xui khiến mà hầu như không mấy người đàn bà Việt nam được hưởng cái may mắn để có được một nếp sống yên vui, bình thường. Tham vọng và tính ích kỷ của con người đã khiến cho xã hội nếu không loạn lạc thì cũng thường xuyên bị cai trị bởi những chế độ bạo quyền, khiến cho người dân Việt vẫn cứ luẩn quẩn với đói nghèo, bất công và áp bức.
 
Người dân Việt ở thế kỷ 20 dù sao cũng đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương nên đã có ý thức về hai chữ Tự do. Chính vì thế mà khi miền Nam bị rơi vào tay Cộng sản, biết bao người dân miền Nam không chấp nhận sống dưới một chế độ độc tài nên đã liều chết tìm đường vượt biên. Có những người ra đi vì lý do chính trị nhưng cũng có những người vì thương mẹ già, thương con dại sống kham khổ, đã phải liều thân tìm đường trốn ra nước ngoài để mưu cầu một cuộc sống khả quan hơn về kinh tế hầu có phương tiện giúp đỡ gia đình, thân nhân còn ở lại quê nhà. Biết bao kẻ đã bỏ xác trong rừng sâu, đã làm mồi cho cá, bao nhiêu đàn bà con gái bị hải tặc hãm hiếp và có khi còn bị giết chết, và biết bao nhiêu kẻ không may bị bắt trở lại và bị đưa đi đày cải tạo. Biết bao bà mẹ, bà vợ đã chắt chiu hy sinh để cho chồng con ra đi mà không thành lại phải ký cóp thăm nuôi. Câu ca dao sau đã nói lên cái hiện tượng não lòng ấy:

Một là con nuôi cá
Hai là má nuôi con
Ba là con nuôi má

Sau 30 năm vừa chống ngoại xâm, vừa nội chiến tương tàn, mà phần thắng không thuộc về lẽ phải và công lý mà chỉ là bạo lực, đời sống vẫn khó khăn và nhân phẩm con người vẫn cứ bị chà đạp nên xã hội vẫn cứ là băng hoại. Vì tình cảm, những kẻ may mắn thoát ra được nước ngoài để có được một cuộc khả quan hơn đã cố gắng gửi tiền về giúp gia đình, thân nhân ở quê hương. Sự giúp đỡ tuy có tỏ ra cái tình và xoa dịu phần nào nỗi thương đau cực khổ của những người thân, nhưng nếu chỉ vì tình cảm mà cưu mang chứ không hướng đến một sự thay đổi tư duy chung thì không phải cách giải quyết tận gốc vấn đề xã hội vì cơ cấu độc tài và bạo lực vẫn còn thì xã hội vẫn cứ mãi luẩn quẩn trong vòng đói nghèo bất công áp bức và lạc hậu.
Hơn hai ngàn năm trước Mỵ Châu đã chết vì tham vọng của những kẻ mưu bá đồ vương. Lịch sử bắt đầu thì cũng là lịch sử của những nỗi đau thương: một ngàn năm Bắc thuộc, rồi một ngàn năm chinh chiến triền miên chỉ vì tranh chấp lẫn nhau. Người dân Việt qua bao nhiêu thế hệ vẫn sống trong nỗi ray rứt của tình cảm nhiều hơn là suy nghĩ theo luận lý để tìm ra một phương hướng giải quyết cho vấn đề xã hội.

ĐOÀN VĂN KHANH


No comments:

Post a Comment