Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Monday, May 6, 2013

Thầy Trò và Lính Tráng

Tạp Ghi 


Tôi vào nghề dạy quá sớm rồi vào quân đội một cách bất chợt nên gặp nhiều cảnh ngộ oái oăm cũng như những kỷ niệm cười ra nước mắt. 

Lúc dạy trung học thì may mắn dạy những lớp toàn nữ sinh, có nhiều cô đẹp tuyệt trần đầy quyến rũ duyên dáng. Thầy trò đều trẻ, đang tuổi mộng mơ, nên một cái liếc mắt, một nụ cười, một vài lần thăm viếng bất chợt cũng tạo nên bao cảm hứng để xây đài tình ái nguy nga giữa chàng kỵ sĩ tài ba với những nàng công chúa kiều diễm trong chuyện ngàn lẻ một đêm...

Lúc dạy đại học thì lại rơi vào một trường kỹ thuật danh tiếng nhất nước vì những bài thi nhập học quá khó để chọn những sinh viên thông minh xuất chúng. Cuối cùng thì chỉ tuyển được toàn nam sinh viên vì người đẹp thì ít giỏi toán. Do đó cuộc sống có vẻ khô khan chứ không ướt át, thơ mộng như thời dạy trung học. Lại thêm mấy ông đại úy, thiếu tá bên quân đội được đặc cách biệt phái sang học. Vì trường mới bắt đầu thành lập, nhiều phòng thí nghiệm và cơ xưởng đang được trang bị nên thầy trò sát cánh cùng nhau lắp đặt các máy móc. Phần đông giáo sư lại là người ngoại quốc nên tình thân ái giữa thầy trò Việt lại càng thắm thiết hơn. 

Ðùng một cái bị đi lính và đổi về làm giáo sư văn hóa cho trường Võ bị Ðà lạt. Mấy ông học trò thiếu tá, đại úy khi xưa nay trở thành các trưởng khoa mà thầy chỉ là một chuẩn úy mới ra trường. Gặp nhau thật bẽ bàng, ngượng ngập. Thân mật như thầy trò khi xưa thì đâu còn uy tín và quân phong quân kỷ! Nên trò đành giả bộ làm ngơ. Thầy cũng cố gắng tránh mặt càng nhiều càng tốt. Vạn bất đắc dĩ gặp nhau thì cứ cấp bậc xưng hô là tiện nhất. Nhưng không khí vẫn không thoải mái vì thầy vẫn sợ trò buồn. Mà trò thì quan niệm Ðông phương "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hoặc "một ngày là nghĩa" huống chi đã vui buồn cùng nhau nhiều năm trong ngôi trường cũ nên lương tâm cũng áy náy không được tự nhiên. Phải chi tiếng Việt đơn giản như tiếng Anh: "I và You" thì tiện biết mấy. 

...Rồi những kỹ sư trẻ tốt nghiệp ở Phú Thọ ra cũng bị động viên và trở thành giáo sư chuẩn úy hay alpha. Thầy trò lại gặp nhau. Tuy không có sự cách biệt về cấp bậc nhưng cách xưng hô cũng ngượng ngập thế nào. Vì thế thầy trò ít gặp và tâm sự cùng nhau. Nghiêm Xuân Ðốc, Nguyễn Tuấn Kiệt ngang nhiên không có mặc cảm nào vẫn thầy trò tương đắc như xưa. Ðến khi thầy bảo: "Thôi chúng mình là đồng nghiệp cả, gọi nhau là anh em cho tiện." Thế là mọi chuyện đều vui vẻ trơn tru. Những người khác vẫn anh anh tôi tôi, nhưng vẫn thấy ngượng ngập thế nào... 

May mắn tôi được về khoa Toán là khoa mà phần đông giáo sư tốt nghiệp ở Khoa học Ðại học. Tuy thế lại có mấy tay sừng sỏ coi trời bằng vung, sống thanh đạm với đồng lương chuẩn úy chết đói mà vẫn không thèm qụy lụy ai để được dạy tư kiếm thêm tiền. Ðáng kể nhất là Nguyễn Trường Trực. Ðúng là thẳng như ruột ngựa. Anh chàng điếc không sợ súng dám chơi cả thiếu tá Hiến, văn hóa vụ phó. Trực biết tôi dạy Phú Thọ mà anh Hiến thì học ở Phú Thọ ra, mặc dầu chưa hề học với tôi. Mỗi lần gặp tôi mà có mặt anh Hiến, Trực cúi mình sát đất chào tôi: "Lạy thầy ạ." Tôi biết anh Hiến hiểu là Trực dùng tôi để chọc anh. Nhưng không có lý do gì để phạt được. Còn tôi thì áy náy không nguôi, năn nỉ Trực hết lời mà nó vẫn chứng nào tật ấy. Vì thế tôi đâm ra đăm chiêu khắc khổ như Liệu nhận xét là đúng. 

Một dạo không hiểu lý do gì anh Hiến điểm danh thường xuyên làm cho các giáo sư dạy tư ở ngoài bấn xúc xích. Khoa Toán và khoa Khoa học mà anh Hiến làm Trưởng khoa lại ở gần nhau. Thường ngày anh Hiến hay qua khoa Toán điểm danh anh em. May mắn, tôi vì dạy dở nên không có giờ ở trường tư lại thích làm việc nên luôn có mặt và không bị anh Hiến làm khó dễ. Một hôm thấy anh Hiến không vào, tôi cũng bắt chước qua khoa Khoa học điểm danh và hỏi đùa ông Chẩm, thư ký đánh máy, là Trưởng khoa của anh đâu mà giờ này không vào làm việc? Không biết ai đã báo với anh Hiến mà hôm sau trước mặt nhiều giáo sư khác, anh hạch hỏi tôi tại sao dám điểm danh khoa anh ấy và dọa nạt. Tôi chỉ biết làm thinh vì cãi nhau với anh ấy thì phần thiệt vẫn về mình. Sau đó không thấy anh Hiến điểm danh nữa. Khi được biệt phái về Phú Thọ, một hôm tôi đang ngồi bàn việc với giám đốc trường Ðiện thì anh Hiến đến xin chứng chỉ tốt nghiệp để bổ túc hồ sơ du học Mỹ. Sao lúc ấy anh Hiến dễ thương thế! Một anh Hiến hoàn toàn khác với anh Hiến năm xưa. Thầy trò và lính tráng sao mà rắc rối thế làm tôi muốn điên cái đầu... 

Khoa Toán lại là khoa ghét các ông cố vấn Mỹ nhất. Anh Vân thì bận rộn cả ngày đâu có thì giờ lo cho khoa Toán. Anh Viêm thì chẳng bao giờ thèm gặp cố vấn Mỹ. Vì thế tôi là người thường xuyên gặp họ để bàn công việc. Mỗi lần tôi vào phòng cố vấn ra thì anh em nói này nói nọ làm tôi khổ tâm vô cùng. Lâu dần vì nể anh em, tôi không thèm vào gặp họ nữa. Họ lại tìm đến gặp tôi. Lúc đầu vì lịch sự tôi ân cần tiếp. Thế mà anh em cũng chọc tức. Sau đó tôi đâm ra lạnh nhạt để vừa lòng anh em. Cố vấn Mỹ hình như cũng hiểu được tâm trạng khó xử của tôi nên mỗi lần vào thấy tôi đang chơi cờ tướng với anh em ngay trong giờ làm việc , họ cũng kiên tâm chờ cho tôi chơi hết bàn rồi mới bàn công việc. Cố vấn Hodges thường nhắc tới một người bạn cùng học với anh ta tên Vận. Tôi biết rõ Vận là học trò cũ của tôi tại trường Kỹ sư Công nghệ nhưng không dám nói ra vì sợ chạm tự ái của Hodges. Một hôm Vận lên Ðà lạt chơi vào trường thăm tôi và Hodges. Vận lại thành kính giới thiệu với Hodges tôi là thầy cũ của anh ta. Hodges kinh ngạc quá. Từ đó Hodges không gặp tôi nữa. Có thể anh ta cho rằng tôi có đủ khả năng làm việc mà không cần sự cố vấn của anh ta chăng? Nhờ thế tôi tránh được cái nạn bị anh em chê cười. Cũng có thể Hodges đã thấy hố khi khen ngợi Vận quá nhiều với tôi trước đó. Ðến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được tâm trạng của Hodges. Ôi thầy trò và lính tráng sao mà rắc rối thế! 

Rồi mấy ông cố vấn Mỹ lại nảy ra ý kiến cấp bằng tưởng lục cho các giáo sư gương mẫu nhất trường. Tôi và Tôn Thất Sam được chọn. Sam thì tôi hiểu vì làm việc thật chăm chỉ. Còn tôi thì chuyên môn đánh cờ tướng trong giờ làm việc ngay trước mắt họ. Buổi phát bằng được tổ chức trọng thể trước toà Nhà Văn hoá. Tất cả giáo sư đều bận lễ phục, sắp hàng ngay ngắn. Các cố vấn đều hiện diện kể cả Ðại tá Cố vấn trưởng. Không hiểu vì lý do gì mà sau đó có lịnh chấn chỉnh quân phục cho các giáo sư. Hai lần kiểm tra thì tôi là người duy nhất bị phạt vì quần áo không thẳng nếp và giày không bóng. Ðiều tôi ân hận nhất là vì tôi mà các anh em bị kiểm tra. Tính tôi cẩu thả về ăn bận thì làm sao mà sửa cho được. Tôi lại thấy tiếc nhớ thời dạy trung học. Tôi luôn ăn bận xuềnh xoàng mà các cô nữ sinh xinh đẹp vẫn thương và dành cho nhiều cảm tình đặc biệt. Vì thế mà tôi thương nữ sinh hơn là thương lính lớn lon vì họ hiểu và cảm thông với tôi hơn. Lần thứ hai trình diện với anh Vân tôi ức quá nên nói thẳng: "Trong hai lần kiểm tra thì chỉ có tôi là người bê bối. Tôi biết tính tôi không thể sửa đổi được. Xin đại tá đổi tôi đi nơi khác để khỏi phiền lụy đến anh em." Tôi nhớ như in anh Vân đang đọc tờ báo thì khựng lại ngay khi nghe tôi nói thế. Anh đỏ mặt và lúng túng. Không biết là giận hay thương hại tôi. Anh không trả lời mà cũng không kiểm tra tôi nữa. Từ đấy anh em thoát khỏi cái nạn kiểm tra quân phục. 

Khi về Sài gòn trở lại học Y khoa, tôi gặp một người học trò cũ thời dạy trung học nay trở thành giáo sư môn cơ thể bệnh lý. Ðang hoang mang không biết phải xử trí thế nào cho vừa lòng người học trò cũ thì anh ta đã vui mừng ríu rít gọi thầy tùm lum và nhắc lại những kỷ niệm thân thiết khi xưa. Sau đó lại đem đi giới thiệu với các đồng nghiệp của anh ấy làm họ đâm ra nể vì tôi một cách đặc biệt. Có điều may mắn là tôi đã không phụ lòng tin cậy của anh ta vì đã cố gắng tỏ ra là một sinh viên xuất sắc. Ðặc biệt anh ta đã cố ép tôi nhận cho anh được gọi thầy như xưa trước mặt các sinh viên cùng khóa. Nhờ thế bạn bè trẻ đặt cho tôi biệt hiệu "Ông già gân". 

Một lần qua Mỹ đi với bạn gặp một người quen trong tiệm ăn. Họ cũng là bạn thân nhau. Sau đó anh ta hỏi tôi tại sao quen với người bạn ấy. Theo trí nhớ tôi bảo đó là một học trò cũ của tôi. Mấy ngày sau tôi được điện thoại trách tại sao tôi dám bảo anh ta là học trò cũ. Tôi hoảng sợ vội vàng xin lỗi và đính chính ngay. Có thể trí nhớ của tôi đã lú lẫn sau mấy năm cải tạo? Anh bạn bằng lòng với lời xin lỗi ấy và chúng tôi đã trở thành bạn thân vì anh ta là một người có lòng. Một hôm giở tập ảnh cũ tôi nhận ra ngay đúng anh ta là học trò cũ. 

Tôi vui mừng với một khám phá mới: Vì không bị cái mặc cảm thầy trò nơi anh ta mà tôi đã có thêm một người bạn chân tình. Thật sự tất cả chúng ta đều là học trò cả. Chỉ có ông trời mới là thầy. Tôi có quyền gì mà dám xưng thầy người khác? Mỗi người chúng ta đều có một bài học khi được sinh ra ở đời. Tại sao chúng ta không thương yêu, thông cảm cùng nhau để học tốt bài học của mỗi người mà lại phân biệt thầy trò cho rắc rối? Ước mong với các dòng tâm sự này, những người có liên quan nhiều ít với tôi xưa theo quan niệm cũ thì hãy quên đi để chúng ta trở thành những người bạn chân tình thì cuộc đời sẽ tươi đẹp biết bao nhiêu! Nhất là hiện nay các anh học hỏi thêm nhiều điều mới lạ mà tôi dù có đầu thai thêm vài kiếp nữa cũng chưa chắc chi đã học nổi, nghĩa là các anh đã thành thầy tôi gấp cả chục lần. Cuộc đời dạy học và lính tráng của tôi chẳng giống ai. Nhưng những kỷ niệm về quãng đời vui ít buồn nhiều ấy làm cho tâm hồn tôi được phong phú rất nhiều. Xin cám ơn tất cả những ai đã để lại cho tôi những kỷ niệm khó quên ấy. 

PHÙNG VĂN BỘ 
Bản Tin VHV số 12

No comments:

Post a Comment