1
9 tháng 10 ngày - một khoảng thời gian - cái khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt với tất cả loài người. Tuy vậy vẫn có người chưa liên tưởng được là có chuyện gì
vậy! Nhưng nếu nói thêm: 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau... thì ai cũng hiểu người viết muốn nói gì
rồi.
Vâng, tôi cũng như tất cả những người khác, đã ra đời làm người sau 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ; rồi sau đó tiếp tục sống với đời qua nhiều cái 9 tháng 10 ngày khác
nữa.
Tròn mười cái 9 tháng 10 ngày đã trôi êm đềm ở những phố Hàng Than, rồi Hàng Cót, Hàng Rươi, rồi Ngọc Hà, Bạch Mai... Hà nội. Theo gia đình di cư vào Nam một ngày cuối thu - mùa sấu chín - Tôi chỉ nhớ những buổi chiều gió lộng, sấu chín cây rụng khắp đường và bọn học trò chúng tôi giành nhau lượm...
Tuổi trẻ thật êm đềm với sách vở và nhà trường! Tuổi trẻ không nhà trường, không sách vở thì thật là tội nghiệp! Hiện nay đã có bao nhiêu đứa trẻ Việt nam tội nghiệp đã không còn được cắp sách tới trường chỉ vì một chính sách giáo dục dựa trên sự "kỳ thị" rất
"vô giáo dục". Hỏi để mà đau lòng, để mà lo lắng cho tương lai đất nước !!!
Tôi là một trong những đứa trẻ may mắn nên suốt cả thời thơ ấu được cắp sách tới trường - Từ trường tiểu học Hàng Than Hà
nội, tôi vào trường tiểu học Lê Lợi Gia định - Rồi vào Nguyễn Trãi và lên Chu Văn An. Học thì dốt mà lại ham chơi nhưng được cái nhanh mắt và được bạn bè thương giúp lên lớp đều đều - "Học thầy không tày học bạn" đấy ạ! Và ngày ấy "Ngọc Teo" đã là
"thần tượng" của bọn "xóm nhà lá" chúng tôi và cho đến bây giờ "Ngọc Teo" vẫn xứng đáng là
"thần tượng" của bọn chúng tôi.
Hết trung học lên đại học - mỗi năm chín tháng mười ngày - 9 tháng
học, 10 ngày thi đều đặn... Bạn bè tụ rồi lại tán... Rồi sau 25 cái chín tháng mười ngày tôi cũng phải tham dự chia xẻ cái gánh nặng của chiến
tranh. tôi đi lính như bao nhiêu người khác. Lại 9 tháng quân trường và sau đó được gia nhập vào
"Gia đình VHV Võ bị Ðà lạt".
2
Về Võ bị tôi vẫn còn mang cái lốt của một "đứa trẻ" rất ngây thơ! Tôi còn khờ khạo như tất cả những đứa học trò chỉ biết ăn chơi và đi
học, đi qua hết trường này đến trường khác mà chưa thực sự được làm quen với những môi trường xã hội ngoài nhà trường.
Hồi tôi mới về Võ bị, tôi được chia phần vụ phụ trách môn Những Chính thể Chính trị thuộc khoa Khoa học Xã hội. Sau 3 tháng chuẩn bị soạn bài
giảng, học bài trước và rồi có "khớp" cách mấy thì cũng phải ráng
"hiên ngang" "lên lớp" với tư thế một "ông
thầy". Mới đọc vội mấy cuốn sách và sẵn có một mớ kiến thức rất mông lung, bao quát khiến tôi đã rất vất vả ở những ngày tháng đầu tiên này.
Tôi còn nhớ một lần, một SVSQ hỏi tôi một câu hỏi về cuộc bầu cử Tổng thống ở nước
Mỹ. Anh ta hỏi tôi một câu hỏi thoạt nghe rất "ngon ăn", giống như là
"cò mồi" vậy. Câu hỏi là: "Bao nhiêu tuổi thì người công dân Mỹ được quyền đi
bầu?" dĩ nhiên là tôi cứ "phom phom" trả lời theo sách vở và lại còn thêm thắt chê nước Mỹ kém
"văn minh" vì người công dân Việt nam chỉ cần 18 tuổi đã có quyền bầu cử mà ở Mỹ thì phải đủ 21! Tội nghiệp cho tôi là cuốn sách tôi đọc lại là một cuốn sách hơi cũ in trước đó đã 5 năm và câu trả lời đã hoàn toàn sai trong hiện tại! Tuy nhiên không có ai có thêm ý kiến gì. Sau đó có dịp ghé qua Thư
viện, tôi kiếm tờ Newsweek đọc qua tin tức thế giới mới té ngửa
ra... Thì ra hồi đó Tổng thống Nixon muốn lấy phiếu của lớp trẻ tuổi nên viết dự luật xin Quốc hội Mỹ hạ mức tuổi được đi bầu xuống là 18
tuổi. Tôi thực sự mắc cỡ. Một buổi học sau đó tôi đã thành thật kể rõ cái sai của tôi và cả cái thiếu sót trong việc cập nhật hóa kiến thức của một người được đóng vai "ông
thầy", và thành thật xin lỗi các "học trò" của mình. Anh SVSQ đã đặt câu hỏi nói khẽ với tôi:
"Em có đọc báo và đã biết..." Từ ngày đó tôi luôn luôn coi sự trao đổi kiến thức giữa tôi và các SVSQ như một cuộc học hỏi tìm tòi chung mà không dám
"tự mãn" với mớ kiến thức rất hạn hẹp của mình.
Tôi lần lượt phụ trách đủ các môn trong khoa Khoa học Xã hội. Hầu hết ai cũng phải đi qua đủ vòng để thỉnh thoảng còn chia phiên nhau
"trông lớp" cho các bạn có việc bận nhờ cậy, nhờ thế mà tôi có dịp được học thêm
nhiều.
Tôi cũng hăng hái ghi tên xin đi Mỹ du học và cũng được gởi đi học Anh văn, nhưng có lẽ ngày ấy số mệnh chưa cho phép tôi xuất ngoại nên cứ lần lữa mãi không được đi và đến tháng giêng năm 1973 thì chấm dứt giấc mộng Mỹ
du.
"Mối tình" giữa tôi và VHV Võ bị nồng ấm được 5 cái chín tháng mười ngày thì tôi trở
chứng! Tôi cũng bon chen tìm lối để được quay về với "Sài thành Hoa
lệ". Tôi thi vào QGHC. Cũng là nhờ những năm học kỹ bài ở Võ bị mà tôi được cơ hội biệt phái về học QGHC cuối năm 1973.
Ðâu có phải là "chung sống" dài lâu mới ghi nhớ nhiều kỷ niệm! chỉ với 5 năm, Võ bị và Ðà lạt đã cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm khó phai mờ! Ở Võ bị tôi được có những người bạn thật sự đúng nghĩa nhất của tình
bạn. Tôi cũng đã chia xẻ với Võ bị tất cả cái nồng ấm của tuổi thanh niên sung sức và trong sáng... Tôi đã dệt biết bao ước mơ, cũng như đã chia phần nhận chịu những nỗi ngậm ngùi cay đắng khi nghe tin có những "con yêu Võ bị" vừa gục ngã ngoài chiến trường sôi
bỏng! chính nhờ những cái chết oanh liệt đó mà bây giờ chúng ta còn được
sống, món nợ này chắc không ai dám quên và dù cho chúng ta có làm được việc gì hữu ích cũng chưa đền trả được bao lăm cho những món nợ này...
3
Tôi về QGHC được gần 2 năm, đang soạn giở Luận văn ra trường chưa kịp trình lên ban Giám khảo thì...mất nước!!! Làn sóng Quốc tế Cộng sản tràn
tới, nhuộm đỏ toàn cõi Ðông dương! Tôi không phải gánh chịu cảnh di tản cực khổ và nguy hiểm như các bạn còn ở với Võ bị cho đến ngày cuối cùng nhưng tôi đã rất lo lắng - một cách bất lực - khi nghe tin Võ bị di
tản. Cũng may sau đó các bạn đều được an toàn. Ngày Phan Công Huỳnh cưới
vợ, rất vội vã, bạn bè còn được dịp gặp gần đủ mặt... Trong câu chuyện mua vui có người còn bàn về việc khắc hay hợp tuổi giữa cô dâu và chú rể vì biết được cô dâu
"cầm tinh con cọp". Ðã có người tin vào "mệnh số" thì lo cho Phan Công Huỳnh
"không thọ" !!! Chẳng biết sự trùng hợp có phải là do "định
mệnh" hay không, nhưng chỉ sau đám cưới ít ngày thì Huỳnh cũng phải từ giã gia đình đi
"học tập cải tạo" và sau đó đã mất trong trại tù cộng sản! Những người bạn như Phan Công
Huỳnh, như Bùi Nhữ Trụ, như Nguyễn Ngọc Trụ... mà mất đi một cách oan khuất như thế thì có đáng tiếc không
chớ!!! Những tâm hồn trong sáng, những tấm lòng nồng ấm và chân thật như thế mà phải chết để cho những bộ mặt
"mặt người dạ thú", những tâm địa gian ác, những kẻ chuyên gieo rắc tai họa thì lại được nhởn nhơ trêu ngươi... Trời già thật éo le cay độc!
Tôi cũng chia xẻ chung cái cảnh của kẻ bại trận bị đày đọa như các bạn còn kẹt lại trong vòng rào Cộng sản. Từ Trảng
lớn, Tây ninh, đi Phú quốc, về Long khánh, lên Bà Rá Phước long. Qua các trại tù, được gặp lại một số bạn cũ ở Võ bị, đa số là các SVSQ cũ; lén lút gặp
gỡ, hàn huyên, an ủi, chia xẻ vui buồn, chung những ước mơ... Mời nhau một hơi thuốc ấm, một chén chè ngọt, một miếng kẹo bùi, một ly cà phê loãng, hay có khi chỉ là một bát nước cây chùm bao phơi khô sao vàng nấu vội... Tự nhiên những người Võ bị lại dành cho nhau một cái tình, một sự xót thương, một chia xẻ mặn
nồng... không nghi ngại, không tính toán... Trong sáng và chân thật. Và tuyệt nhiên trong tất cả những trại tù Cộng sản tôi đã đi qua không hề bao giờ người Võ bị Ðà lạt lại bán rẻ lương tâm và khí phách của mình, cam tâm làm
"chó săn chim mồi" cho giặc! Không hề có màn thầy trò Võ bị mang tiếng làm "antenna" cho cán bộ cộng
sản. Tôi đã suy nghĩ rất lung về cái "chất Võ bị" này.
Nước Việt nam chúng ta hiện nay, hơn bao giờ hết, rất cần có những thế hệ thanh niên trong sáng và nhiệt thành như
thế, tài năng và cường tráng như thế, đồng thời lại rất tình nghĩa và trung tín...
Nếu không nhờ sự cứu đỡ của các bạn bè Võ bị cũng như các bạn tù khác khi ở Bù Gia Mập thì tôi đã bỏ xác ở rừng Bà Rá rồi. Sau một tháng bị đưa lên Bù Gia Mập tôi bị sốt rét ngã nước rất
nặng. Lúc đó chưa có ai liên lạc được với gia đình để xin tiếp tế thăm nuôi. Ăn đói, ngủ ngoài trời sương, muỗi vắt... quất tôi sụm rất mau. Gần hai tháng
trời, mỗi ngày trung bình tôi chỉ tỉnh táo được khoảng vài tiếng đồng
hồ. Tôi hết thuốc, bạn bè hết thuốc, cả y tá CS cũng hết thuốc... Mỗi ngày bạn bè đi vô rừng làm rẫy nghe theo lời chỉ dẫn của người Thượng kiếm về cho tôi một bó lá cây
rừng, đủ loại tôi không nhớ hết, sắc lên cho tôi uống, một chất nước lờ lợ, chua chua, khai
khai... và thật khó uống... Tôi đã sống sót nhờ những bó lá cây rừng đó, nhưng hơn thế nữa tôi đã sống sót nhờ vào tình bạn và vào sự nhất định sống của tôi. Ngày ấy tôi đã tự nhủ là phải cố sống để còn
"làm một cái gì". Phải, tôi biết tôi còn phải "làm một cái gì" để trả những món nợ ân tình cho bạn bè, cho người thân, và cho cả Dân tộc và Ðất nước
nữa.
4
Làm sao chịu nổi cái cảnh sống "bên lề xã hội" mà chế độ CS dành cho chúng
ta. Cái cảnh sống trong tâm trạng bất lực, và cái thòng lọng để hờ trên
cổ!!!
Tôi phải dứt bỏ tất cả tình cảm quyến luyến gia đình tìm đường vượt thoát. Ba tháng sau khi ra khỏi nhà tù, tôi theo một người bạn vượt biển đi ra ngoài tìm cuộc sống tự do. Chúng tôi đâm đầu ra biển cả, bất chấp tất cả, rồi tàu bị hư máy, trôi vật vờ trên
biển, hết thực phẩm và hết cả nước uống... chờ chết... và phép lạ xảy đến. Một chiếc tàu chở dầu của Nhật nhưng thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đều là người Ðại Hàn. Vị thuyền trưởng lại là người đã từng qua tham chiến ở Việt nam. Ông vẫn theo dõi tin tức Việt nam và biết rõ vế chuyện người Việt vượt biển đi tìm tự do. Ông nhìn thấy chúng tôi ngồi chen chúc trong một chiếc thuyền đánh cá nhỏ bề dài 11 thước, bề ngang 3 thước rưỡi, 48 mạng phần lớn là đàn bà và con nít. Ông biết ngay đây là một thuyền của người tỵ nạn. Ông ra lệnh cho tàu ngừng lại và xin phép về Nhật để được cứu chúng tôi. Chúng tôi may mắn được cứu sống, vừa vặn chưa có ai bỏ mạng. Ðúng là một sự tái
sinh! Từ đó tôi làm lại cuộc đời mới với một chiếc quần xà lỏn, một cái áo
thun, với hai bàn tay gầy guộc và một cõi lòng tan nát khi tưởng nhớ về quê hương và gia đình, nhưng lại xây đắp bao nhiêu là mộng ước ở ngày
mai!
Một tuần lễ sau chúng tôi bước chân lên đất Nhật. Tokyo thật huy hoàng, tráng lệ và tân
kỳ. Chúng tôi được tạm trú trong khuôn viên một ngôi nhà thờ thuộc tỉnh Fujishawa phía nam Tokyo. Mỗi lần muốn lên Tokyo chơi chỉ phải mua vé xe điện giá 500 Yen và khoảng một tiếng đồng
hồ. Lúc đó người Việt nam ở Nhật không đông, chỉ có khoảng gần một ngàn người tỵ nạn, đa số được tàu Nhật vớt, đang chờ xin đi định cư ở các nước khác. Số sinh viên Việt nam qua Nhật du học trước đây có khoảng vài trăm người, một số chịu ảnh hưởng tuyên truyền của cộng sản nên hoạt động cho Sứ quán cộng sản. Phần đa số thì cầu an, nghĩ là cộng sản đã
thắng, yên phận là dân một nước mà không cần phân biệt chế độ chính trị nào
cả. Chỉ có một thiểu số ý thức chính trị tương đối cao, hiểu rõ tính phi nhân của chế độ cộng sản nên lập hội chống
Cộng. Các sinh viên này đi đến các trại tỵ nạn Việt nam rải rác trên đất
Nhật, giúp đỡ, thông dịch, huớng dẫn sinh hoạt cho người tỵ nạn, chia xẻ tâm
sự, cùng người tỵ nạn vận động chính phủ và nhân dân Nhật thông
cảm, giúp đỡ dân tỵ nạn Việt nam, cũng như phản đối các vụ đi ăn xin viện trợ của các viên chức cộng sản Hà nội. Thời gian này uy tín của cộng sản Hà nội xuống rất thấp trong dư luận
Nhật. Chúng tôi được mời đi đến nói chuyện, kể các kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản cho các sinh viên đại học
Nhật. Các nghiệp đoàn công nhân Nhật cũng tận lực giúp đỡ người tỵ nạn Việt nam. Một số hãng xưởng gần tỉnh chúng tôi ở giúp đỡ bằng cách thâu nhận người tỵ nạn vào làm việc trong thời gian còn tạm trú tại
Nhật, giúp chúng tôi kiếm tiền gởi về giúp gia đình...
Các bạn sinh viên Việt nam tại Nhật hầu hết đã tốt nghiệp nhưng không thể trở về nước phục vụ theo ước
nguyện. Có một số nhờ cậy cục xin chế độ Hà nội cho về nhưng chỉ vài tháng sau đã hoàn toàn thất vọng và lén gửi thư qua cho bạn bè khuyên không nên về nước
nữa.
Tôi đã được ở Nhật đúng 9 tháng 10 ngày. Khoảng thời gian ở Nhật tuy ngắn nhưng cũng đủ giúp cho tôi hiểu những điều kiện căn
bản, những việc cần phải làm để có thể trở nên hùng cường như nước
Nhật.
Người Nhật rất trọng kỷ luật. Người trên bảo người dưới
nghe. Xã hội Nhật rất có tôn ti trật tự. Ðàn anh và đàn em rất phân
minh. Những người kỳ cựu, thâm niên phải được trọng nể.
Cái cách đối đãi "đàn anh đàn em" mà tôi đã có dịp biết những tháng năm phục vụ ở Võ bị thì ở Nhật được áp dụng rất phổ biến, tất cả mọi môi trường sinh hoạt trong xã hội Nhật đều thực thi "anh phải lo cho em và được em kính nể vâng
lời".
Tôi được dịp quen biết một vị tu sĩ Việt nam qua Nhật học. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện ông "lên núi" về Ðại Bản sơn tu thực tập thiền học sau khi đã học lý thuyết ở đại học Tokyo. Hôm ông đi về Ðại Bản sơn, dọc đường có gặp một tu sĩ người Nhật, hai người làm quen chuyện trò vui vẻ. Xe điện vừa ngừng, vị tu sĩ Nhật bản vội vã xuống xe trước, ba chân bốn cẳng rảo bước đi về chùa mà không đợi vị tu sĩ người Việt dù rằng hai người đã biết là sẽ về cùng một ngôi chùa và cùng theo một khóa học. Vị tu sĩ Việt nam vừa đi vừa ngắm cảnh không bận tâm. Ðến khi vào chùa được phân chia công tác mới hiểu ra tại sao mà vị tu sĩ Nhật đã phải vội vã lên chùa trước. Hóa ra là nhà chùa cũng áp dụng qui chế "đàn anh đàn em", ai bước vào cổng chùa trước thì sẽ được làm "đàn anh" của người đến sau dù chỉ cách nhau một bước.
Tôi được dịp quen biết một vị tu sĩ Việt nam qua Nhật học. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện ông "lên núi" về Ðại Bản sơn tu thực tập thiền học sau khi đã học lý thuyết ở đại học Tokyo. Hôm ông đi về Ðại Bản sơn, dọc đường có gặp một tu sĩ người Nhật, hai người làm quen chuyện trò vui vẻ. Xe điện vừa ngừng, vị tu sĩ Nhật bản vội vã xuống xe trước, ba chân bốn cẳng rảo bước đi về chùa mà không đợi vị tu sĩ người Việt dù rằng hai người đã biết là sẽ về cùng một ngôi chùa và cùng theo một khóa học. Vị tu sĩ Việt nam vừa đi vừa ngắm cảnh không bận tâm. Ðến khi vào chùa được phân chia công tác mới hiểu ra tại sao mà vị tu sĩ Nhật đã phải vội vã lên chùa trước. Hóa ra là nhà chùa cũng áp dụng qui chế "đàn anh đàn em", ai bước vào cổng chùa trước thì sẽ được làm "đàn anh" của người đến sau dù chỉ cách nhau một bước.
Ở nhà trường có một số sinh viên tự chọn con đường "sống và chết cho danh dự nước
Nhật". Họ cũng mặc đồng phục như các sinh viên khác nhưng đặc biệt họ cạo trọc đầu. Họ được đật vào một kỷ luật rất nghiêm túc. Họ được huấn luyện cả văn và võ. Những người này sẽ trở thành những nhà lãnh đạo của nước Nhật sau này. Họ rất kỷ luật và trọng danh
dự. "Thà chết vinh hơn sống nhục" là điều tâm niệm của
họ.
Một điều đặc biệt nên nói tới là cái tính rất ghét những kẻ ăn
cắp. Người Nhật rất khinh ghét những kẻ ăn cắp. của đánh rơi hoặc để quên trên xe điện được giữ lại để hoàn trả cho sở hữu
chủ, không ai muốn lấy cái gì không thuộc quyền sở hữu của mình. Nhớ đến điều này tôi chạnh nghĩ đến nước Việt của chúng ta ngày nay dưới chế độ cộng
sản, tình trạng ăn cắp, cướp giựt, trộm đạo, lường gạt ... đầy dẫy từ trên xuống dưới...
Con ơi mẹ bảo con này
Cắp đêm là trộm cướp ngày là quan
Chế độ và Ðảng Cộng sản đã đẻ ra một lũ ăn gian nói dối, tham lam, nhũng lạm... còn dân chúng bị áp bức đói khổ thì tìm cách ăn quẩn của nhau! Ðến bao giờ đất nước chúng ta mới phục hồi được những đức tính cao qúy để đi lên con đường văn minh tiến bộ!
Người dân Nhật còn có tinh thần tôn trọng của công một cách đặc
biệt. Thành phố Tokyo rất đông dân vậy mà không hề dơ dáy. Những trạm xe điện hàng ngày có cả triệu người đi qua vậy mà không có cảnh xả rác bừa bãi, bao nhiêu trạm xe điện ngầm không hề có một vết dơ, chẳng bù với xe điện ngầm ở thành phố New York!
Dĩ nhiên là người Nhật cũng không "toàn hảo", có những cái không hay như là "óc bài
ngoại" của dân Nhật và tinh thần "trọng nam khinh nữ" kỳ lạ của người
Nhật...
5
Thế rồi tôi lên đường đến định cư ở Mỹ. Quả thực dất Mỹ là
"thánh địa" của " Cá nhân - Cơ hội - Vị lợi chủ nghĩa". Ðất Mỹ chấp nhận tất cả những cuộc "thử sức đo tài", cạnh tranh và phiêu lưu. ai có sáng kiến độc đáo và biết cách khai thác thì có thể trở nên giàu có ngay lập tức không hề bị
"kỳ thị" vì màu da, tiếng nói hay nòi giống sắc tộc. Khắp thế giới người đổ xô vào nước Mỹ kiếm sống, kiếm tiền và huởng thụ vật chất... Ðời sống con người ở Mỹ phải "ăn
khớp" như những răng cưa của một bộ máy luôn quay đều như chiếc kim đồng
hồ. Ai có cá tính khác lạ, khó thích ứng thì lúc nào cũng khắc khoải, u uẩn và có thể bị "điên"! Tôi cũng là một trong số những kẻ hơi bị "điên điên" đó. Cũng có lần thì tôi bực mình, nổi nóng,
"cự lộn" với xếp lớn rồi bỏ hãng đi về khơi khơi, đã chẳng được lãnh tiền thất nghiệp mà lại còn khó khăn trong việc đi kiếm việc làm khác. Thế là lại tá túc với bạn bè vài tuần chỗ này, vài tuần chỗ khác.
Tôi đã đi qua gần khắp nước Mỹ, từ đông sang tây Mỹ, lên miền bắc lạnh lẽo, xuống miền nam nắng cháy. Ði Canada, đi
Mexico...chẳng có nơi nào "đất lành cho chim đậu". Mấy năm đầu tiên ở Mỹ của tôi gần như bị
"xài phí" chẳng được "tích sự" gì. Tôi vẫn chưa thực sự "định cư"! Rồi vợ con tôi cũng tìm cách vượt biển và tới được
Bidong, Mã lai. Tôi phải tính lại, cái lối sống lêu bêu không còn thích hợp nữa, từ nay phải thật sự "định cư" mới xong. Ðón vợ con đến Mỹ với một chiếc xe cũ lọc
xọc, lâu lâu lại trở chứng "khó ở"; nhà mướn chật chội, việc làm vừa mới bắt đầu ở mức lương thấp nhất... thật là chật
vật! Không đói nhưng mà thiếu thốn - cái thiếu thốn do tâm lý -
"Tưởng là!..." Vâng, ai cũng tưởng là... Ngày đó tôi ở Mỹ đã gần được 4 năm vậy mà mới như vừa bước chân vào xã hội cạnh tranh
Mỹ! Dĩ nhiên là có sự so sánh - "người ta" "hơn" mình xa quá!!! - Cái lối so sánh chỉ giết lòng
nhau!
Lâu dần rồi cũng qua, rồi cũng quen... vì cuộc sống vất vả không cho phép phí sức vào những chuyện
"vô bổ" đó. Tôi trở về đời sống "thực tế" - quá "thực
tế" - Tôi đi làm thật chăm và đi học lại. Vài năm nay tôi là một cái máy quay đều - đi làm - đi học - ăn - ngủ - đi làm - đi học - ăn - ngủ - xoay tròn theo vòng kim đồng
hồ. Lâu lâu có một người bạn từ xa tới thăm, tôi xin nghỉ việc một ngày tiếp bạn. Bạn thấy tôi quá bận chẳng muốn ở lâu. Bạn về tôi lại quay theo vòng kim đồng
hồ. Thế rồi, tình cờ nhận được Bản tin VHV. Biết được là có những người bạn còn nhớ đến
nhau. Xa mặt mà lòng không xa! Các bạn ta chỉ nhân danh có tình bạn cao đẹp mà
"vác ngà voi" - nhớ đến nhau, lo lắng cho nhau, chia xớt với
nhau..."một chút tình" - một lời thăm hỏi, một món quà mọn... "chắt chiu", gởi về cho các bạn hữu còn kẹt lại ở bên nhà
..."Một miếng khi đói bằng một gói khi no" và "lá lành đùm lá rách", hóa ra người Việt mình vẫn còn nhớ kỹ lời dạy của tổ tiên. Tôi như người vừa "qua cơn mê", vừa đến bờ giác
Những người bạn thiên cổ
Yêu nhau chịu đựng nhau
Bạn hữu là nghĩa đó
Phú qúy mà chi đâu!...
Dallas, tháng 10, 1990
TRỊNH NGỌC BẰNG
Bản tin VHV số 10
No comments:
Post a Comment