Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Monday, May 6, 2013

Tâm Tình Lính Giáo

Tạp Ghi 

Chỉ Mười Năm Sau   
Và 18 Năm Sau Nữa   
Chuyện Cũ Không Quên   

NGUYỄN BÙI THỨC,
cựu Trung tá Trưởng khoa Khoa KHOA HỌC XÃ HỘI 
Hình do hoạ sĩ TẠ TỴ, cựu Trung tá QLVNCH vẽ 
tại trại Cải Tạo Suối Máu 1975 

CHỈ MƯỜI NĂM SAU

Tôi về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam vào cuối mùa văn hoá năm 64 nên không có giờ dậy. Văn Hoá Vụ Trưởng lúc đó là Thiếu Tá Ngô Văn Dzoanh, vì ông quá dễ tính nên quyền sinh sát đối với anh em giáo sư nằm trong tay Văn Hóa Vụ phó là đại úy Chân (mãi về sau mới phát giác là kỹ sư dởm), và Trưởng phòng điều hành là Ðại úy Trình.

Lúc đó mỗi giáo sư phải dậy 16 giờ một tuần; nếu dậy thêm thì được hưởng tiền phụ trội, và khi không có giờ dậy thì phải có mặt trong trường. Vì vậy thân với ai thì hai vị đại úy nói trên cho thêm giờ dậy hoặc dồn 16 giờ vào hai ba ngày liền để anh em nào có giờ dậy tư ở Saigon có thể đi xe Minh Trung về làm ăn, hoặc ở nhà đánh mạt chược, còn đối với những người mới hoặc không ưa thì 16 giờ sẽ được rải đều suốt tuần.

Qua mùa văn hoá năm 65 tôi có giờ dậy thì đã có chỉ thị cho ngưng chi tiền phụ trội (đúng là trâu trắng) nên không phải né "hai ông kẹ" đồng cấp với mình. Nhưng môn tâm lý học đã được anh Trần Như Chương (về trường cùng một ngày với tôi) nhanh tay chọn trước, nên tôi được Thiếu Tá Dzoanh cắt dậy môn Ðịa lý quân sự, song song với anh Tạ Ký dậy môn Sử quân sự.

Môn Ðịa lý quân sự là môn tôi chỉ có thể dựa vào tài liệu của những năm dậy Nghiên cứu địa thế và Ước tính tình báo ở Trường Ðại Học Quân Sự và một số tài liệu của Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu để soạn bài. Mỗi bài được hát đi hát lại trong 16 lớp học nên chẳng có gì là hứng thú. Nhưng không hiểu sao có một bữa nọ tôi nổi hứng kết thúc bài học về tài nguyên thiên nhiên trên phương diện quân sự bằng cách hỏi một SVSQ: 

- Anh có thể cho tôi biết là tất cả những gì anh đang mang trên người, từ đầu xuống chân, được sản xuất ở đâu không? 

- Thưa thầy, tất cả đều là đồ Mỹ.
- Thế còn vũ khí, đạn dược?
- Thưa thầy, dĩ nhiên là do Mỹ cung cấp. Cả lương tiền và các vật dụng khác.
- Vậy anh có nghĩ là một ngày kia có thể xẩy ra một trong hai trường hợp: hoặc vì tự ái dân tộc, chúng ta khước từ mọi sự trợ giúp về vật chất của nước ngoài, hoặc vì một lý do gì đó người Mỹ không chịu viện trợ cho chúng ta nữa. Trong trường hợp đó thì quân đội của chúng ta sẽ ra sao?
- Em hiểu, nhưng theo ý thầy thì chúng ta phải làm gì? 


Thực tình tôi cũng không biết phải trả lời anh như thế nào. Tôi chỉ muốn khêu gợi sự suy nghĩ của các anh, nhưng nếu các anh muốn thì tôi có thể nói đại khái như thế này: Những người từ lứa tuổi tôi trở lên có thể coi như là "hỏng cả rồi ", chỉ còn trông cậy vào các anh. Nhà trường cố gắng đào tạo các anh chu đáo để khi ra trường các anh chiến đấu anh dũng, và nhờ vượt qua chiến trận, các anh sẽ lên tới cấp tướng. Lúc đó các anh cải tổ quân đôi, các anh xây dựng đất nước... Tôi mới nói tới đó thì anh SVSQ đã xin phép hỏi ngay: 

- Nhưng thầy có tin rằng đất nước mình tồn tại cho tới khi tụi em lên đến cấp tướng không? 

Câu hỏi thật bất ngờ. Khi nói lứa tuổi mình "hỏng rồi " tôi đã chợt lo không biết phải trả lời thế nào nếu được hỏi tại sao lại bảo những vị đàn anh của mình, những vị tướng đang "lãnh đạo quốc gia ", không đáng tin tưởng. Không dè anh SVSQ lại đặt vấn đề xa xôi như vậy. 

Lúc đó tôi đã trả lời một cách mơ hồ - nhưng thành thật - rằng "Tôi hy vọng như thế ".

Lúc đó niềm tin của tôi lẽ ra phải mạnh hơn niềm tin của anh SVSQ. Lúc đó với cương vị ông thầy, lẽ ra tôi phải khích động tinh thần anh ta và quả quyết rằng miền Nam sẽ vĩnh viễn tồn tại và hùng cường. Nhưng tôi chỉ nói là mình hy vọng. Không ngờ niềm hy vọng đó chỉ kéo dài được đúng mười năm. Mười năm đủ cho Trường Võ Bị Quốc Gia thay đổi chương trình từ 2 năm lên 4 năm, đào tạo thêm nhiều sĩ quan cho quân đội để rồi chấm dứt bằng một lễ mãn khóa thê thảm nhất trong lịch sử của Trường tại Long Thành. Mười năm đủ cho tôi leo từ đại úy lên trung tá, còn những SVSQ khoá 20 cũng lên được cấp bậc khá cao.

Trong thời gian lưu đầy từ Nam ra Bắc qua nhiều trại, tôi đã gặp được học trò cũ của mình. Kiểm điểm lại tôi thấy cựu SVSQ kháo 20 có người mang cấp bậc ngang tôi, và có người hình như đã lên đại tá (tôi không nhớ rõ người tử thủ Tống Lê Chân có phải khóa 20 không). Chưa có ai, hay đúng hơn chưa đủ thời gian cho SVSQ khóa 20 lên tới cấp tướng thì nước đã mất rồi, mất một cách tức tưởi vì biết bao tướng lãnh chạy trốn ra nước ngoài sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trách Hoa Kỳ "không viện trợ 300 triệu thì lấy gì đánh giặc", và trước khi kịp nghe Tổng Thống Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Vị Tổng Thống bỏ nước chạy thoát thân là tướng 3 sao, và vị Tổng Thống run rẩy đón quân "giải phóng" vào dinh Ðộc Lập là tướng 4 sao của Quân Lực VNCH (!) 

Chỉ mười năm sau, chỉ đúng mười năm sau Trường VBQGVN đã "âm thầm " cuốn gói rời Dalat, chạy qua Phan Rang rối loạn để thành một thứ rắn không đầu chạy hụt hơi từ Phan Thiết, qua Bình Tuy, Biên Hòa về Long Thành, và ít ngày sau tan hàng tại Thủ Ðức.. Chỉ mười năm sau cả thầy và trò lũ lượt vào tù, gặp nhau cay đắng ngậm ngùi, biết nói gì hơn là khuyên nhau giữ vững tinh thần và sẵn sàng chia sẻ áo cơm. Riêng tôi lúc ở Trại 6 Nghệ Tĩnh đã nhận: 

Áo thun, bánh sắn, nửa viên đường
Dăm viên thuốc bệnh, câu thăm hỏi
Ðiếu thuốc say, nhiều ý sót thương.

Chỉ mười năm sau, điều mà thầy trò tôi - một già một trẻ , trước thời cuộc rối ren dưới quyền hô phong hoán vũ của các tướng tá thời đó - tuy không dám nói ra nhưng thầm lo trong bụng đã trở thành sự thực, sự thực vô cùng cay đắng đối với một triêu mốt quân và hơn hai mươi triệu người miền Nam. 

Chỉ mười năm sau có thể có một số SVSQ trong lớp học ngày đó đã bị Cộng sản cầm tù lâu hơn thời gian mang cấp bậc sĩ quan. Nhưng đến hôm nay hy vọng là không còn ai bị giam trong các trại cải tạo. Cá nhân tôi cũng chỉ phải xé gần trọn 13 cuốn lịch, và đã được đặt chân lên miền đất tự do này đúng 9 tháng trước đây. Tôi không biết bao nhiêu học trò cũ của mình đang may mắn sống ở nơi đây và còn bao nhiêu người khác ở lại quê hương đau khổ. Tôi không biết câu chuyện hỏi đáp giữa thầy trò tôi hồi 27 năm trước đến nay có phải là hoàn toàn vô nghĩa.

Bây giờ, ở đây, ngồi nhớ quê hương, nhớ Dalat, nhớ đường Lý Thường Kiệt, nhớ khu Quang Trung, Lê Lợi, Nhà Văn Hoá Mới, tôi chợt nhớ đến anh Tạ Ký. Anh đã mất trước khi tôi ra khỏi nhà tù. Nếu anh còn sống, không biết tôi có nên hỏi ý kiến anh về bài Quân Sử ngày 30-4-1975? Tôi cũng ao ước được gặp lại anh SVSQ khóa 20 đã đưa tôi vào ngõ bí, nhưng tôi cũng sợ anh ta lại hỏi: 

- Theo ý thầy bây giờ chúng ta phải làm gì khi tạm sống nhờ trên đất nước tuy nhiều tự do nhưng rất ít ân tình nầy?

NGUYỄN BÙI THỨC 
(10-92) - Bản Tin VHV số 15
@
.   
VÀ MƯỜI TÁM NĂM SAU NỮA
 
27-3-93: Gia đình Văn Hoá Vụ họp mặt đầu năm.

27-3-75: Văn Hóa Vụ ứng chiến trăm phần trăm và hình như tất cả đều âm thầm chuẩn bị. Tôi đã được chỉ định "tạm coi" Văn Hoá Vụ chỉ vì thâm niên cấp bậc. Ðúng là "quyền rơm vạ đá". Nhưng tôi đã thi hành nhiệm vụ cho đến khi tan hàng.


Tôi không ân hận vì chuyện không chịu tính đường "dzọt sớm". Có số cả. Thiếu gì người đôn đáo tìm đường để rồi cuối cùng cũng tới cửa trại tù như nhau. Có khác chăng là kẻ ở lại "mút mùa Lệ Thủy" và người "số đỏ" được về sớm để bây giờ lại không đủ tiêu chuẩn 3 năm... 

Trong tù làm không biết bao nhiêu bản tự khai mà khi ra về trên giấy ra trại còn được ghi chức vụ "Trưởng Khoa Khoa Học Kỹ Thuật". Chắc hẳn vì cán bộ cộng sản quen áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng khoai lang và rau muống nước. Tính đến nay sau mười tám năm, tôi vẫn chưa hết dính líu với Trường Võ Bị. Khi gặp ai hỏi trước kia làm gì, tôi vẫn hãnh diện trả lời là dậy học tại Trường Võ Bị. 

Truớc khi qua đây, trong những chuyến trở lên Dalat, tôi chỉ có thể đứng bên ngoài cổng gác Lý Thường Kiệt nhìn vào căn nhà B3 ngày trước. Tôi không biết bên trong trường bây giờ ra sao. Tôi cũng không còn tấm ảnh nào chụp ở trong trường, nhưng tôi nhớ rõ mọi vị trí thuộc cả hai khu Quang Trung và Lê Lợi. Lúc này tự nhiên tôi nhớ đến Miếu Tiên Sư và Cổng Nam quan. Tôi có vào Miếu Tiên Sư nhưng bây giờ không nhớ là bên trong như thế nào. Còn các anh em Văn hoá vụ khác chắc nhớ rõ hơn, vì có nhiều đêm trực ở đó chung vối mấy chú lính Thượng. Tuy gọi là Miếu Tiên Sư nhưng nếu tôi không lầm thì suốt 4 năm học, các SVSQ chẳng có dịp nào vào "trình diện" trước lễ gắn Alpha hay "bái Sư" trước lễ Truy Ðiệu và Mãn Khóa, để có thể hạ sơn cứu khốn phò nguy. Chẳng biết có phải vì thế mà vài sĩ quan thủ khoa của các khóa sau này đã sớm được Tổ Quốc ghi công? 

Tôi nhớ cổng Nam Quan là vì lời "hăm dọa" của anh Tạ Ký. Có lần anh đã nói với tôi: 

Ðược, bây giờ anh là đại úy tôi phải chào anh. Anh cứ đợi đấy, mai mốt tôi giải ngũ về làm Bộ Trưởng Giáo Dục, tôi sẽ lên thăm trường. Chắc chắn lúc đó anh vẫn còn trực cổng Nam Quan. Thấy anh dàn chào, tôi sẽ hỏi: "Thế nào, Ðaị úy còn nhớ tôi chứ?" 

Tôi xin khấn thầm: "Anh Tạ Ký. Có phải vì cộng sản chiếm miền Nam nhanh quá nên anh không kịp về thăm trường?" 

Cộng sản đã chiếm Trường Võ Bị mười tám năm rồi. Thật lạ lùng. Mười tám năm không còn bước vào các lớp học, không còn dậy SVSQ, nhưng tinh thần võ bị vẫn còn đây trong gia đình cựu giáo sư Trường Võ Bị, ngay cả với những người chỉ phục vụ vài ba tháng ( như anh Ngô Ðình Long). Vậy có phải "rằng thì là" anh em mình đang lìa bỏ quê hương (hay là bị "quê hương ruồng bỏ" nhưng không "lạc loài dăm bẩy đứa"). Anh em mình kết hợp với nhau vì chung "hờn vong quốc" hay vì tình đồng đội, đồng nghiệïp ngày xưa? Tìm nguyên nhân sự gắn bó giữa anh em mình đúng là điều lẩm cẩm. Trong dịp Tết Quý Dậu vừa qua, tôi có nhận được thư của anh Tôn Thất Sam nhờ "gửi lời thăm và chúc tết các anh em trong Văn Hóa Vụ." Anh Sam còn cho biết là không có hy vọng qua Mỹ theo diện H.O, nên đã cưới vợ cho con thứ hai và anh "rất tiếc không được dịp đón tiếp quý anh để các cháu biết các bác, các chú đã một thời cùng đi dạy với ba các cháu, cái thời mà ba các cháu xem là quãng đời đẹp nhất của cuộc sống." 

Có thể đối với nhiều anh em khác, những ngày ở Trường Võ Bị không "đẹp nhất" nhưng vẫn là những gì còn lại "để nhớ để thương". Nhớ những toán SVSQ nghiêm chỉnh, nhớ Phòng Ðiều Hành, nhớ các buổi họp Khoa, họp VHV, điểm danh ứng chiến rồi "úp cái đồn", nhớ đồi Bắc, nhớ ấp Thái Phiên, nhớ lễ Mãn Khóa... Thương rượu Ngô Như Khương, bún bò cây số 4, cà-phê Tùng, nhà Thủy Tạ, và nhất là khách sạn Thuỷ Tiên 2. Dalat khó quên, Dalat dễ thương. Dalat có "mía ngọt " đến nỗi hai anh khoa Khoa Hoc Xã Hội và một anh Khoa Sinh Ngữ đã rủ nhau "đánh hết cả cụm". Chỉ tội nghiệp cho anh chàng chậm chân nhất, mãi tới khi chạy về Saigon rồi mới kiếm đâu ra bộ đồ vét cũ đem tới cho tôi mặc để đóng vai đầu tầu trong tiệc cưới để rồi chẳng bao lâu sau anh đã ra đi vĩnh viễn trong trại "học tập cải tạo". Cũng vẫn là tại số mà thôi.

Tìm hiểu lý do kết hợp anh em mình đã là lẩm cẩm rồi mà tôi còn muốn làm chuyện lẩm cẩm hơn nữa. "Số là" khi đọc cuốn Cái Chết của Nam Việt Nam: Những Trận Ðánh Cuối Cùng thấy tác giả đã trích dẫn lời ca ngợi các SVSQ Võ Bị Dalat của một ký giả ngoại quốc. Tôi tự hỏi là anh em Văn Hóa Vụ mình đã đóng góp ra sao vào việc rèn luyện những người "không hổ danh là sinh viên của quân trường đã đào tạo rất nhiều cấp chỉ huy cho Quân Lực VNCH ". Trên đường di tản, tôi đã nhận ra tình huynh đệ giữa các cựu SVSQ khi thấy anh Quách Tinh Cần nhờ các bạn đồng khóa là Liên Ðoàn Trưởng Biệt Ðộng Quân và Chi Ðoàn Trưởng Thiết Giáp hợp lực mở đường đưa các "cùi Võ bị " ra Hàm Tân. 

Trong tù, tôi đã nghe kể lại thành tích chiến đấu của các cựu SVSQ. Nhưng tất cả là nhờ chương trình huấn luyện tổng quát. Còn riêng phần đóng góp của VHV? Chúng ta có được phép chia vui với những cựu SVSQ trước hoặc sau 75 đã nhờ khả năng văn hoá của cấp bằng "Cử nhân khoa học ứng dụng" mà thành công trong việc học hết chương trình đào tạo cao học và tiến sĩ ở Mỹ, và những cựu SVSQ đang làm việc trong Hội Trí Thức Yêu Nước và các công ty sản xuất ở Saigon với cương vị giám đốc hoặc phó giám đốc. Phần đóng góp của Văn Hóa Vụ dẫu khiêm tốn vẫn là thành tích của gia đình mình.

NGUYỄN BÙI THC  
Bản Tin VHV số 16 - 1993
@
   
CHUYỆN CŨ KHÔNG QUÊN 

Sắn khoai chia sẻ qua cơn đói
Chăn áo nhường nhau lúc lạnh về

Có mấy chuyện khó quên tôi muốn nói ra để cám ơn vài nguời bạn trứơc gia đình VHV nhưng không buổi họp nào gặp được đầy đủ nên hôm nay muốn viết gửi Bản Tin. 

Nhớ lại cuộc di-tản khỏi Dalat, tôi không thể nào quên chặng dừng quân tại tiểu-khu Phan-Thiết. Sau khi gặp anh bạn cũ đang giữ chức Tham-mưu-trưởng Tiểu-khu và được biết tình-hình tôi đã thông báo với anh em VHV là ngày mai sẽ theo đường biển chạy bộ ra Bình-Tuy. Sáng hôm sau khi chưa kịp di-chuyển thì tiểu-khu Phan-Thiết bị pháo-kích. Trong giờ phút nguy-hiểm ấy, một anh bạn thuộc khoa công-chánh ở bên cạnh tôi. Anh đã xô tôi ngã xuống và nằm sát một bên như có ý che chắn cho tôi, nhưng may mắn là đạn không trúng chỗ chúng tôi ẩn nấp. Anh bạn đó hiên nay đang được tất cả anh em chúng ta thương mến vì tính hiền hoà và lòng chân thực. Anh là người ít nói, tôi cũng không dám nói nhiều, nhưng không thể không cám ơn anh Nghiêm Xuân Ðốc, người bạn thích chụp hình gia đình VHV trong các buổi họp mặt rồi có khi cả hai ba năm sau mới bỏ trong bì thư chia cho từng người một.  

Chuyện khó quên thứ hai có liên-hệ tới những ngày "học-tập cải-tạo" của tôi tại Trại Thanh-Chương, Nghệ-Tĩnh. Tôi đã gặp anh bạn này ở Sơn-La, nhưng chỉ vài tháng sau anh bị di-chuyển đi nơi khác. Chúng tôi gặp nhau lần thứ hai ở Nghệ-Tĩnh. Anh thuộc đội trồng mía, làm mật và nấu rượu. Tôi thuộc đội trồng khoai trồng sắn. Hàng ngày khi có chút mật mía và ngô khoai "bồi-dưỡng" của đội phân phát thêm anh đều chia sẻ cho tôi. Nhưng đáng quý hơn nhiều là việc mỗi mùa đông đến anh đều cho tôi mượn một tấm chăn đắp vì lý-do là anh trẻ hơn và khỏe hơn tôi. Khi còn làm việc ở TVB, lúc ở tù , cũng như khi về làm việc tại một trung tâm dạy sinh-ngữ ở Saigon, anh luôn luôn làm hết sức mình. Tôi còn nghe nói khi qua Mỹ lúc mới đi làm ở hãng xưởng anh đã nói thẳng với supervisor là không cần phải kiểm soát vì anh biết thế nào là tinh thần trách nhiệm. Anh bạn mà tôi muốn cám ơn là anh Lâm Văn Do. 

Tôi được tha về ngày 27 Tết (1988), hai hôm sau một anh bạn trẻ khoa Khoa-học Xã-hôi đã đem đến gói quà tết nói tặng "tân-lang và tân giai-nhân" ( tức là cặp vợ chồng già chúng tôi sau 13 năm cách biệt.) Mấy tháng sau vì thấy gia đình tôi ở tại căn nhà quá chật hẹp trong một ngõ hẽm đường Nguyễn Thiện Thuật, anh bạn này đã mời chúng tôi về ở chung nhà và hứa dành riêng cho tôi một phòng yên tĩnh trên lầu để có chỗ đọc sách. Biết rõ bạn thật tình thương mình, tôi suy nghĩ kỹ và từ chối với lý do là "anh em mình ở xa thương nhau nhiều hơn; ở chung nhà biết đâu lại chẳng có chuyện mất lòng ngoài ý muốn". Chúng tôi hiểu nhau nên không gượng ép và cho tới ngày nay trên đất tạm-dung này vẫn thương mến nhau. Anh bạn trẻ này là người mà tôi đã biết rõ tính hào hoa ngay từ khi anh tạm dừng chân ở Hoa Thịnh Ðốn trước khi về trường đại-học ở Nashville -Tennessee (nếu tôi nhớ không sai). Tôi còn nhớ chuyện anh đưa tờ giấy bạc một đô-la cho cô bé hippy chỉ muốn xin anh 50 cents. Cô ta đã ghi số phòng và hôm sau đem trả lại 50 cents. Cô bé đã tới lui trò chuyện thân mật với anh trong mấy ngày liền. Tôi muốn nhờ Nguyễn Thanh Trang "bật mí" cho biết ai mà "hên" vậy.

NGUYỄN BÙI THC
Bản Tin VHV số 30 - 1998 


No comments:

Post a Comment