Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, May 7, 2013

Hơn 10 Năm Tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam

Tạp Ghi 

Ðời lính 24 năm của tôi bao gồm gần 13 năm phục vụ tại các quân trường. 

Năm 1959 tôi được thuyên chuyển từ Phòng 3 Quân Ðoàn I về làm huấn luyện viên ban Tham Mưu taị Trường Ðại Học Quân Sự (đường Võ Tánh, Phú Nhuận). Qua năm 1964, sau thời gian học ở Ðaị học Văn khoa Saigon, tôi về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam làm giáo sư văn hoá vụ.Tôi đã phục vụ dưới quyền năm vị Chỉ Huy Trường là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Kiểm, Ðại tá Nguyễn Văn Trung, Ðại Tá Ðỗ Ngọc Nhận, Trung tướng Lâm Quang Thi, Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ và bốn vị Văn Hoá Vụ Trưởng là Trung tá Ngô Văn Dzoanh, Hải quân Ðại tá Nguyễn Vân, Ðại tá Nguyễn Văn Huệ, Trung tá Nguyễn Phước Ưng Hiến. 


Khi tôi mới về chương trình xây cất từ năm 1961 chưa hoàn tất. Bộ Chỉ Huy chưa xây xong. Văn phòng Chỉ Huy Trưởng còn ở trên lầu Nhà B, Văn phòng Văn Hoá Vụ Trưởng và Phòng Ðiều Hành VHV ở trên lầu nhà A. Sau mười năm nhà trường đã có thêm những cơ sở lớn mà các đại học bên ngoài mong ước như Nhà Thí Nghiệm Nặng, Nhà Văn Hoá Mới, Phòng Ấn Loát và Thư Viện. Giáo sư đoàn lúc đầu khoảng trên dưới ba chục người, không có phòng làm việc riêng, ngoài giờ dây chỉ tụ họp nhau tại một phòng dưới lầu nhà A. Tới năm 1972 thì Tổng số giáo sư đã lên tớí 160 người, các Trưởng khoa đã có văn phòng riêng và mỗi giáo sư cũng có một bàn làm việc tại Nhà Văn Hoá Mới, Nhà A, nhà H.

Chương trình giáo dục văn hóa từ 2 năm đã đổi thành 4 năm. Với tư cách là trưởng khoa tôi đã tham gia vào việc sửa đổi chương trình văn hoá nóí chung và các môn học về nhân văn xã hội nói riêng, nhất là các môn học có liên hệ với lich sử và văn hóa Việt Nam. Sử gia Ðại tá Phạm Văn Sơn đã được mời cộng tác trong việc biên soạn những bài quân sử Việt Nam qua các triều đại.

Tôi đã tham dự nhiều Lễ Truy Ðiệu rất xúc động và nhiều Lễ Mãn Khóa rất hào hùng tại Vũ đình trường Lê Lợi. Tôi đã nhìn thấy những tân sĩ quan hãnh diện mang quân phục cuả binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, Lực Lượng Ðặc Biêt ngay sau lễ mãn khóa vì đã chọn được những đơn vị chiến đấu này. Tôi thấy hổ thẹn khi nhớ lại năm 1952 lúc ra trường tôi buồn vì không được chọn về các bộ tham mưu mà phải vào miền Trung theo đơn vị tác chiến. Tinh thần hăng say của các SVSQ sau những năm tháng được đào tạo tại TVBQGVN quả thật là phần thưởng xứng đáng cho tất cả những ai đã đóng góp vào việc huấn luyện. Tôi cảm thấy it nhiều an ủi khi nghĩ mình đã không trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường.

Tôi đã chứng kiến sự thăng trầm của TVBQGVN trong hơn mười năm. Tôi rất vui mừng trong ngày khánh thành Nhà Thi Nghiệm Ðào Thiện Yết, Nhà Văn Hóa Mớí, Thư Viên. Tôi không bao giờ quên nỗi xót xa khi được lênh chuẩn bị di tản. Trên đường rút lui tôi còn nghe thấy tiếng mìn nổ phá huỷ những cơ sở quan trọng của nhà trường. Với trách nhiệm xử lý thường vụ chức vụ Văn Hóa Vụ Trưởng tôi đã cùng các sĩ quan giáo sư VHV theo đoàn quân di chuyển khỏi Dalat. Trên đường di tản tôi đã thấy rõ tinh thần kỷ luật rất cao của các SVSQ. Tôi cũng nhận ra tình huynh đệ thiết tha khi thấy các cựu SVSQ với chức vụ Liên Ðoàn Trường Biệt Ðộng Quân và Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Giáp đã điều động đơn vị của mình cùng hợp lực mở đường đưa "các cùi võ bị" đàn em về đến Bình Tuy an toàn. Tôi đã tham dự lễ mãn khoá "bất đắc dĩ" của hai khóa 28 và 29 tại Trường Bô Binh Long Thành, một lễ mãn khóa "bi thảm" nhất trong lịch của TVBQGVN. Tôi cũng đã có mặt tại Liên Trường Võ khoa Thủ Ðức khi Ðại Tá Lộ Công Danh nhận đươc công điện xử lý thường vụ Chức vụ Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN. Nhưng tôi đã "may mắn" vắng mặt lúc Liên Ðoàn SVSQ thực sự tan rã vào ngày 29 tháng 4, may mắn vì không phải chứng kiến cảnh tan hàng quá đau đớn này. 

Trong những năm tháng lưu đầy từ Nam ra Bắc sau này tôi đã ở chung trại với nhiều cựu SVSQ. Tôi lại thêm một lần nhận ra tình huynh đệ thắm thiêt giữa các khóa, đàn anh làm gương cho đàn em, đàn em thực tình kính trọng đàn anh.Tôi đã gặp lại những học trò cũ của mình và sung sướng hơn nữa khi thấy một vài cựu sinh viên các khóa trước khóa 20, những người không học với tôi, cũng thân mật gọi tôi bằng thầy. Tôi đã nói là chỉ xin nhận lời xưng hô này như một danh xưng nghề nghiệp. Khi bị giam ở Trại 6 Nghệ Tĩnh tôi đã viết một bài thơ dài trong đó có đoạn như sau:

Sư đệ tình xưa còn nghĩa nặng
Áo thun, bánh sắn, nửa viên đường
Dăm viên thuốc bệnh, câu thăm hỏi
Ðiếu thuốc say nhiều ý xót thương

Xót thương cho thân phận tù đầy của cả thày lẫn trò. Xót thương cho cảnh nước mất nhà tan. Xót thương cho bạn bè đã ngã gục trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc.

Ðời lính của tôi dài 24 năm. Kể từ ngày giã từ vũ khí cũng đã 24 năm qua. Tôi không thể nào quên những ngày làm việc ở TVBQGVN. Không những chỉ riêng tôi, người có hơn mười năm tại trường, mà ngay cả những bạn cũ của tôi, những sĩ quan trừ bị hoặc giáo sư dân chính chỉ làm việc tại đây trong một hai năm cũng vẫn không quên quãng ngày tươi đẹp đó nên chúng tôi đã họp nhau lại thành Gia Ðình Cựu Giáo Sư Văn Hoá Vụ có sinh hoạt thường xuyên. 

Nếu tính từ khi được thuyên chuyển về TVBQGVN thì đã 35 năm qua. Tôi vẫn không quên được HƠN MƯỜI NĂM làm việc tại nơi mà các "cùi võ bị" thân thương gọi là Trường Mẹ. Kỷ niệm về sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với SVSQ là môt đêm trực có nhiệm vụ dẫn SVSQ đi tuần bên ngoài vòng đai nhà trường. Mới về tôi chưa rành đường đi từ phía sau Phạn Xá SVSQ ra cổng Tôn Thất Lễ, đi vòng qua hồ Mê Linh về cổng Lý Thường Kiệt vào khu Quang Trung và trở về khu Lê Lợi. SVSQ toán trưởng đã dẫn tôi đi hơn là tôi dẫn anh em đi. Ngoài ra còn một kỷ niệm buồn đau không sao quên được.Trong thời gian SVSQ khoá 19 theo học lớp Rừng Núi Sình Lầy ở Dục Mỹ Nha Trang một tai nạn về mìn đã xẩy ra làm thìệt mạng ba hoặc bốn SVSQ tôi không nhớ rõ. Tôi là một trong số mấy sĩ quan cấp đại úy được cử đi Dục Mỹ nhận quan tài đem về Saigon để thân nhân làm lễ an táng. Về tới nơi tôi mới biết SVSQ xấu số Nguyễn Thế Long Trọng là cháu gọi tôi bằng chú họ. Lúc đó tôi không biết phải nói sao với bà chị họ mà đã lâu tôi không gặp. 

@

Cuối năm 1998 khi đươc mời tham dự Lễ ra mắt Hội Cựu SVSQ-TVBQGVN San Diego tôi rất xúc động khi nghe Cựu sinh viên Vũ Xuân Thông Khóa 17 đọc bài chiêu hồn tử sĩ :

Chiến sĩ trân vong!
Phút chốc! Liệt vị đã trở nên người thiên cổ
Sự nghiệp đang công theo đuổi
Thôi cũng đành gián đọan nửa đường
Lúc quốc thù chưa gột rửa
Chí làm trai chưa toại mộng hải hồ
Thì hận tuyền đài làm sao ngăn được dòng huyết lệ?
Chiến sĩ trận vong!
Hãy trở về chứng giám
Ngày mai đây, một đoàn trai sẽ hăm hở lên đường,
Nối chí tiền nhân, làm tổ quốc non sông thêm tỏ rạng
Chiến sĩ trận vong!
Có linh thiêng hãy chỉ lối đưa đường.
Hay nung nấu tâm can chúng tôi bằng ngọn lửa thiêng truyền thống.

Không khí của Lễ Truy Ðiệu như phảng phất đâu đây. Tôi tin rằng khi nghe được những lời chiêu hồn này tất cả những ai đã từng làm thầy hay làm trò tại TVBQGVN đều không khỏi bùi ngùi nhớ lại những tháng năm xưa và không khỏi xót xa nghĩ rằng quân trường cũ hịên nay đang nằm trong tay những người đã và đang đem lại đau thương cho nhân dân cả hai miền Nam Bắc Việt Nam. Ðoàn trai hăm hở ngày nào giờ đây trẻ nhất cũng đã vào tuổi "tri thiên mệnh". Những người già đã quá tuổi "cổ lai hi". Tất cả thiết tha mong cho "Tổ Quốc Non Sông thêm tỏ rạng" nhưng phải chăng giờ đây chỉ còn biết "mài kiếm dưới trăng"? Tôi xin tạm ngưng những dòng hoài niệm và thiết tha mong sao những Ðoàn Thanh Thiếu Niên Ða Hiệu sẽ được "chỉ lối đưa đường" để nối tiếp sự nghiệp cha ông đang còn dang dở.

NGUYỄN BUÌ THỨC
San Diego, tháng 8-1999 


No comments:

Post a Comment