Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Sunday, May 5, 2013

Nhớ Về Đà Lạt

Tạp Bút 

LTS - Vi Sao là người sinh trưởng nơi miền cao nguyên sương mù, thuộc từ lùm cây bụi cỏ, từng khóm hoa vườn Bích câu, từng gốc anh đào đường vòng khúc khuỷu. Ðọc Vi Sao, bạn sẽ tìm lại được một góc cạnh rất thân thương, rất ư là... Ðà lạt.
Nói đến Ðà lạt chắc mọi người đều biết, hoặc nghe tên hoặc có lần đật chân đến miền đất cao nguyên đầy sương mù này.

Ðà lạt là quê hương nhỏ bé của riêng tôi, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi vẫn được mệnh danh là trung tâm du lịch của Việt nam mà một số du khách ngoại quốc gọi là "Petite Paris". Ðây là một thành phố xinh đẹp nằm trên vùng đồi núi thuộc cao nguyên Lâm viên, cách thủ đô Saigon 250km đường chim bay. Nhờ ở cao độ 1.500m nên khí hậu lúc nào cũng dễ chịu, trung bình là 18 độ bách phân. Ðà lạt có hai mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Ðôi lúc cũng có mưa đá. Sương mù hay xảy ra vào mùa mưa phủ trên các thung lũng một tấm áo trắng lạnh toát. Riêng trên bề mặt cao nguyên chỉ có một lớp mù mỏng làm cảnh vật trở nên diễm ảo.

Trước năm 1897, Ðà lạt vẫn còn là vùng đất xa lạ đối với nhiều người. Rừng núi hoang vu, quanh năm mây mù, lác đác dưới những thung lũng một vài thôn ấp nhỏ, mấy cụm chòi tranh lưa thưa, những nhà sàn thô sơ được bao quanh bởi những rặng thông xanh bát ngát cùng những đóa lan rừng hoang dại. Ðó đây bầy cà tong nhàn nhã dạo chơi, bầy nai lững thững gặm cỏ bên con suối róc rách nước trong veo... Ngày ấy, vùng đất này thuộc quyền cai trị của viên tù trưởng Thượng Yagut, thuộc chủng tộc Koho. Sau này để nhớ ơn người tù trưởng đã góp phần khai phá, dân chúng Ðà lạt đã lấy tên ông đặt cho một con đường (dinh thự của bà Ngô Ðình Nhu tọa lạc trên con đường này).

Mùa thu năm 1897, một y sĩ Pháp, ông Yersin và người yêu là nữ hầu tước Luxembourg, lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất này đã nhận thấy nơi đấy đúng là nơi lý tưởng để khai hoang lập nghiệp. Ý nghĩ của y sĩ Yersin phù hợp với tham vọng của viên toàn quyền Pháp lúc bấy giờ là Paul Doumer. Ông này cho thiết lập các cơ sở hành chánh, đài khí tượng, vườn ươm cây..., đắp một con đường giao thông huyết mạch nối Ðà lạt với vùng hạ du qua đèo Ngoạn mục (Belle Vue) và một đường khác xuôi nam qua đèo Bảo lộc, dẫn về Sài gòn.

Ðà lạt thời đó như một thiếu nữ dậy thì duyên dáng kiêu sa đã thu hút mọi giới đổ xô đến lập nghiệp hoặc xây cất những dinh thự làm nơi nghỉ mát. Về thắng cảnh, Ðà lạt có khá nhiều hồ: hồ Xuân hương nằm ở trung tâm thị xã, hồ Mê linh, hồ Than thở nằm cách thị xã 5km... với những rặng cây bạch tùng, ngô tùng và thông mọc san sát trên các con đường vòng uốn khúc, tạo cho toàn cảnh một vẻ nên thơ đặc biệt. Ngoài ra, do cấu tạo địa chất, các sông suối của Ðà lạt chảy qua nhiều loại đá khác nhau tạo nên nhiều ghềnh thác: thác Cam ly, rất đẹp, nguồn của sông Ðồng nai; đập Suối Vàng cách Ðà lạt 18km, thác Prenn, thác Liên khương, thác Gougah hùng vĩ...

Ðối với nhiều người, nhắc đến Ðà lạt là nhắc đến các loại rau, hoa ôn đới. Nhờ khí hậu ôn hòa, thành phố này có thật nhiều màu xanh. Màu xanh của những rặng thông già, của những đồi cỏ trùng trùng điệp điệp, hòa lẫn màu xanh của hồ nước, của trời, tạo cho con người cảm giác thoải mái, gần gũi với thiên nhiên. Ðà lạt qui tụ rất nhiều kỳ hoa dị thảo. Tất cả các loại hoa hiếm qúy của thế giới đều có thể trồng được ở Ðà lạt. Từ những khóm hoa nhỏ bé như violette, forget-me-not, pensée đến những loại hoa anh đào Nhật bản... Chỉ riêng hoa hồng, Ðà lạt đã có mấy chục loại, khác nhau từ hương đến sắc khiến cho những kẻ yêu hoa phài mê mẩn. Hoa lan có đến hàng ngàn thứ, từ những loại dễ trồng trong chậu như thổ lan đến những loại sống bám trên cây như hương lan mà hương sắc vô cùng phong phú, chỉ có những tay sành lan mới có thể phân biệt được. Nhà văn Nhất Linh lúc sinh tiền đã biến khuôn viên của ông thành một vườn lan nổi tiếng vào thập niên 50, 60. 

Là một thành phố tân lập, ngoài những sắc dân thiểu số, cư dân Ðà lạt đến từ nhiều miền đất nước nên giọng nói mang một âm hưởng đặc biệt vì pha trộn cả ba miền Nam Trung Bắc, nghe thật ngộ nghĩnh và ngọt ngào dễ thương. Ðặc biệt là các thiếu nữ Ðà lạt có làn da thật mịn màng, đôi má lúc nào cũng hây hây hồng làm rung động biết bao nhiêu trái tim trai trẻ.

Sinh hoạt Ðà lạt bắt đầu từ tờ mờ sáng. Khi màn đêm còn bao phủ, người còn nồng say giấc điệp thì tiếng chuông công phu chùa Linh sơn đã ngân vang, thức tỉnh thế gian. Ðây là ngôi chùa lớn nhất Ðà lạt, toạ lạc trên một ngọn đồi ở đường Phan Ðình Phùng. Sau chùa là đồi chè bát ngát xanh um, kế tháp chuông là trường trung học Bồ Ðề. Giờ này, trên khắp các nẻo đường từ thành phố, những người sống bằng nghề trồng rau đang lũ lượt kéo nhau về sau phiên chợ khuya. Ai nấy gánh những quang gánh nhẹ tênh vì rau cải, bắp sú, mận, dâu... đã được bán cho các bạn hàng tiểu thương đóng rau chở về các tỉnh. Vài chiếc xe ngựa nặng nhọc thồ những kiện rau cải lớn về chợ Ðà lạt. Tiếng móng ngựa gõ trên đường khuya hòa lẫn tiếng nói cười của những cô gái quê đi chợ sớm tạo thành một âm thanh ma quái trong sương khuya. 

Chợ đêm, một sinh hoạt rất đặc biệt của Ðà lạt, họp từ 1 giờ khuya đến khoảng 5 giờ sáng thì tan chợ. Khi ánh tà dương ló dạng, những tia nắng đầu ngày chiếu xuyên làn sương mù trông như những hào quang của phép lạ, làm lóng lánh những hạt sương đêm còn đọng trên búp hoa, trên tàu lá, trên những thảm cỏ nhung xanh biếc... thì lác đác trên những con đường từ buôn làng dẫn vào thành phố, vài nhóm người Thượng thuộc chủng tộc Koho đi hàng một, thành từng hàng nhỏ. Người nào cũng đen đúa, phần đông đi chân đất, có người còn đóng khố, vai vác chà gạc, lưng đeo gùi đựng đầy những củi ngo dùng để nhóm bếp hay những giò lan rừng đem ra chợ để đổi lấy gạo, muối.

Ðêm Ðà lạt với màn sương giăng giăng một màu lam tím nhạt, ánh đèn đường vàng vọt yếu ớt chiếu không lọt qua màn sương tạo thành một thứ ánh sáng mờ ảo huyền hoặc như từ một thế giới nào không thực. Những cơn gió từ mặt hồ Xuân hương gây gây lạnh khiến ta thèm thuồng không khí ấm cúng và giòng nhạc trữ tình của cà phê Tùng với hương vị cà phê thật đặc biệt, đậm đà, ấm áp, uống một lần là nhớ mãi. Người ta đồn cà phê Tùng có pha hạt cau nên hương vị có khác những cà phê quán khác. Ðiều này không biết thực hư như thế nào nhưng tất cả dân Ðà lạt đều kháo nhau như thế. 

Nếu thích không khí bập bùng quyến rũ với ly cà phê pha rhum thì bạn nên đến cà phê Vui của minh tinh màn bạc Kim Vui. Sau đó nếu còn hứng, bạn cùng tôi từng bước từng bước thầm, tay trong túi manteau nhẩn nha dạo phố. Ði một lúc mỏi chân khát nước, thì đây, mời bạn ghé lề đường Minh Mạng uống một ly sữa đậu nành nóng hổi thơm phức mùi lá dứa mà bạn đã ngửi thấy từ xa trên đầu ngọn gió. Bạn cũng nên mua trái bắp nướng nóng hổi của người bán rong bên vỉa hè, vừa đi vừa lẩy từng hạt bỏ vào miệng, vị ngọt ngào và dẻo quánh của từng hạt bắp mới hái ngon mộc mạc mà đằm thắm như tình quê hương. 

Bạn cũng đừng quên ông già bán đậu phộng rang của Ðà lạt. Ông nầy có tài rang đậu phụng thật khéo, thật dòn, thật nóng mà lớp vỏ nâu nâu vẫn còn nguyên. Một đặc điểm khác là trông ông rất nghệ sĩ, điển trai kiểu tài tử gánh xiếc, lúc nào cũng đóng bộ quần áo của ông bầu đoàn xiếc, chiếc nơ không khi nào thiếu trên cổ và nụ cười không khi nào vắng trên môi. Ông thường đeo thùng đậu phụng rang trước bụng bán trong các rạp hát Ngọc Lan, Ngọc Hiệp, Hoà Bình, sau đó ông đeo thùng đậu phụng đằng sau xe đạp, rảo quanh khắp các phố chính, nơi nhiều du khách qua lại với tiếng rao khàn khàn đục đục: "Ðậu phụng don don, đậu phụng dòn dòn đây..."

Ðêm đã khuya, bụng đã đói, mời các bạn ghé đường Trương vĩnh Ký, sau lưng nhà hàng khách sạn Thủy tiên. Nơi đây bạn tha hồ chọn món ăn: Một tô cháo lòng hay phở xào bà Béo, miến gà Thủy Tiên hay mì hoành thánh chú Ba, một bát chè trứng vịt hay chè chế-mà-phủ, chè kê... của cô Tàu dễ thương ngọt ngào không kém chi chè của cô ta... Những thức ăn bình dân ở đây cam đoan với bạn nấu không thua gì nhà hàng Chic Shanghai hoặc Sơn Nam, Nam Kinh...

Ngoài thắng cảnh, khí hậu, Ðà lạt còn nổi tiếng vì là nơi toạ lạc của trường Võ bị Quốc gia và Ðại học Chiến tranh Chính trị, nơi đào tạo những thanh niên ưu tú của đất nước. Những ai từng dự lễ mãn khóa tại trường Võ bị, chắc chắn không thể quên hình ảnh oai hùng của Sinh viên Sĩ quan Thủ khoa lúc bắn bốn mũi tên đi bốn phương, tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ; cũng như không thể quên được lễ Ðeo Nhẫn và đêm Chiêu hồn Tử sĩ.

"Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ,
màu lam tím Ðà lạt sương phủ mờ,
từng đôi đi trên phố vắng
bước chân êm giữa không gian hoàng hôn của màn đêm..."

Bản nhạc gợi nhớ khôn nguôi đến Thanh Tuyền, người ca sĩ nổi tiếng của Ðà lạt mà tiếng hát vẫn còn réo rắt từ hải ngoại đến quốc nội. Rồi Lệ Khánh với thi phẩm "Em là gái trời bắt xấu" giờ đang lưu lạc nơi đâu?... Hỡi những nữ sinh Bùi Thị Xuân, nam sinh Trần Hưng Ðạo, các bạn Trí Ðức, Văn Học, Việt Anh, Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux... giờ này các bạn đang ở đâu, có nhớ về Ðà lạt với bao nhiêu tiếc nuối như tôi? Rừng Ái Ân, hồ Than thở, vườn Bích câu... nơi hẹn hò của bao nam thanh nữ tú. Thung lũng Tình Yêu bên bờ hồ Ða thiện với đường vòng Lâm viên, cùng bạn bè thi đua đạp xe leo dốc nhà thờ dựng đứng. Rồi sân Cù, thác Cam ly ầm ầm đổ, đèo Prenn với những bờ đá cheo leo phủ đầy hoa rừng vàng tím, đập Suối Vàng với làn nước lúc nào cũng óng ánh vàng, Giáo hoàng Học viện với thư viện đồ sộ lớn nhất Ðông Nam Á, dòng tu Ðông Các Cô (Don Bosco) mà chỉ toàn các thầy với tiếng thánh ca chiều nào cũng vang dội một góc Ðà lạt...

Giờ đây Ðà lạt đã nghìn trùng xa cách. Kể từ khi lọt vào tay cộng sản, Ðà lạt mất hẳn địa vị thành phố du lịch mà bị hạ xuống thành một thị trấn cao nguyên bé nhỏ. Những vườn hoa của những ngôi biệt thự được thay thế bằng những luống lang và vài hàng rau húng rau răm trông thật rất tội nghiệp. Những ngôi nhà nguy nga, đẹp đẽ xưa kia nay trở thành những khu nhà tập thể, cán bộ nuôi heo gà trong phòng ngủ, quần áo phơi la liệt trước ban công, trên sân thượng... Tất cả mọi nẻo đường đã vắng bóng những chiếc áo dài tha thướt. Nhìn đâu cũng thấy cảnh tiêu điều tang thương.

Ðến năm 1987 nhà nước cộng sản cho tu bổ nâng cấp trở lại làm thành phố du lịch hầu thu hút ngoại tệ, biết bao giờ Ðà lạt mới lấy lại phong độ xưa!!!

VI SAO
Bản Tin VHV số 22 tháng 10-1995

No comments:

Post a Comment