Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, May 7, 2013

Nguồn Gốc của Tiếng "Cùi"

Tạp Ghi 

Trong một buổi họp mặt Hội cựu SVSQ Trường Võ bị Quốc gia Việt nam tại tiểu bang Washington, một vị cựu sinh viên sĩ quan hỏi riêng tôi: "Tụi nó dùng chữ CÙI gọi nhau. Cùi là gì vậy anh?" Vị này đã chọn đúng người để hỏi. 

Giải thích nguồn gốc chữ "CÙI" quả thật là một chuyện dài.

Bắt đầu khóa 15, chương trình 4 năm bắt đầu với mục tiêu là sau khi tốt nghiệp, Sinh viên sĩ quan sẽ được cấp văn bằng tương đương với bằng đại học của bất cứ một trường đại học nào của các ngành khác trong quốc gia. Chương trình học gồm hai phần: Văn hóa và Quân sự. Mỗi năm học được chia ra làm hai mùa: Mùa Văn hóa và Mùa Quân sự. Cơ cấu của trường được tổ chức làm 3 khối: 

Khối Văn hóa do một Văn hóa vụ trưởng, ít nhất phải có bằng cử nhân, cầm đầu.
Khối Quân sự do một Quân sự vụ trưởng cầm đầu
Khối Yểm trợ Tiếp vận chỉ huy bởi vị Trưởng khối Yểm trợ và Tiếp vận 

Văn hóa vụ trưởng đầu tiên là cụ Ðỗ Trí Lễ, cựu Giám đốc Học chính tại Hà nội. Sau khi cụ Ðỗ Trí Lễ về hưu, Trung tá Trần Ngọc Huyến được bổ nhiệm về trường thay thế. Chữ "CÙI" xuất phát từ lúc khóa 16 còn tại trường và Trung tá Huyến giữ chức vụ Chỉ huy trưởng kiêm Văn hóa vụ trưởng của trường. 

Mặc dù là Chỉ huy trưởng nhưng ông thường trực tiếp lên lớp với khóa 16 với tư cách một giáo sư văn hóa giảng dạy môn "Huấn luyện Tinh thần". Có lẽ vì chương trình bốn năm dài đằng đẵng, phần đông sinh viên đã ngán văn hóa, nhưng khi vào trường lại gặp phải văn hóa nên sinh ra ù lì, biếng học. Thái độ tiêu cực của một số sinh viên sĩ quan trong các giờ "học về tinh thần" làm vị giáo sư này nổi giận. Ông áp dụng kỷ luật, rầy la nhưng thấy cũng không có hiệu quả mấy. Ông đổi ra phương cách khích động tinh thần. Ông đã để ra hàng giờ lý luận với sinh viên sĩ quan phương trình A phải bằng A, thuyết phục sinh viên sĩ quan là phải chấp nhận khi vào trường là phải học hành đến nơi đến chốn chứ không được lạng quạng

Càng cố gắng, ông giáo sư này càng gặp bực mình. Một hôm nọ, sau khi sinh viên sĩ quan ra khỏi lớp, còn lại mình ông và tôi, ông cằn nhằn:  

"Tụi sinh viên của "toi" bê bối quá. Cùi hủi gì đâu! Chỉ có cùi mới không sợ ghẻ lở. "Moi" phải gọi tụi nó bằng cùi mới được." 

Ông vừa nói xong thì lớp khác vào học, ông bèn gọi sinh viên sĩ quan là cùi luôn. Ông dùng chữ CÙI như để "mắng yêu" sinh viên sĩ quan. Có một vị giáo sư nào mà không thương yêu học trò? Ðối với sinh viên sĩ quan, Trung tá Huyến là người "giơ cao đánh khẽ". 


Chữ "Cùi" xuất phát từ đó và vô hình chung đã trở thành một tên gọi dễ thương mang tính cách truyền thống. Các vị niên trưởng và đại niên trưởng ngày nay nếu có nghe các khóa trẻ xưng hô với nhau qua chữ "Cùi", xin đừng chấp nhất và nếu có một vị niên trưởng nào đó viết bài cho Ða Hiệu lấy bút hiệu là "CÙI" như "CÙI 3", "CÙI 5" v.v... chắc chắn vị đó sẽ được "Cùi" đàn em hoan hô hết mình.  

HUỲNH BỬU SƠN QSV 
[Trích Ðặc san ÐA HIỆU số 40 Tháng 10-1995]

No comments:

Post a Comment