Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Sunday, May 5, 2013

Kỷ Niệm Khó Quên

Tạp Ghi 

Khi anh Vân làm Văn hóa vụ trưởng kiêm Trưởng khoa Toán thì anh Viêm làm Trưởng phân khoa năm I, tôi làm Trưởng phân khoa năm II, vì cả hai chúng tôi không đủ lon để đảm nhận chức vụ trưởng khoa. Lúc ấy khóa 24 mới vào trường nên cần được thi xếp lớp cho niên học mới. Việc ra đề toán dĩ nhiên là trách nhiệm của anh Viêm rồi. Không hiểu vì lý do gì mà anh Viêm có phép về Sài gòn, để lại chiếc Volkswagen cho anh Vân dùng. Bạn bè nói khích là anh Viêm muốn tránh việc để tôi phải gánh. Tôi khờ dại tin là thật; do đó trong buổi họp khoáng đại đầu năm phân chia công tác, khi anh Vân ra lệnh cho tôi thay anh Viêm ra đề toán, tôi đã mất khôn đứng dậy phản đối:

- Ðây là trách nhiệm của anh Viêm. Nếu Trung tá cho anh ấy đi phép thì Trung tá tìm người trong cùng phân khoa để thay thế. Tôi không ở trong phân khoa ấy. 
 
Anh Vân bực mình hỏi:

Vì lý do gì anh không nhận? 
 
Tôi đáp:

- Hiện nay tôi đang đau bao tử. Ngay chiều nay tôi sẽ khai bệnh và xin nghỉ phép một tuần để tĩnh dưỡng. 

 
Cả hội trường sững sờ khi nghe tôi không tuân hành lệnh. Tôi lại lém lỉnh viện dẫn bệnh đau bao tử là một bệnh mà bác sĩ khó lòng biết thực giả và bắt buộc phải cho nghỉ. Sau đó mọi người cười ồ thấy tôi quá ngô nghê không hiểu gì về kỷ luật quân đội. Những anh bạn đã khích tôi đâm ra hối hận vì đã xúi dại một thằng điếc không sợ súng.  
 
Anh Vân thấy tôi cứng đầu nên dọa:

- Nếu anh khai bệnh thì sẵn sàng ba lô đi đơn vị. 

 
Tôi cũng bực mình không kém nên thưa:

- Tôi đã sẵn sàng ba lô từ khi bước vào quân đội. Tôi bằng lòng đi đơn vị bất cứ giờ phút nào.
Buổi họp giải tán trong không khí bẽ bàng và thương hại của anh em. Sau này khi nghe anh em kể lại anh Hiến đã khai đau bao tử và cần hai người khiêng ra xe trước ngày mất nước, tôi đâm phục anh ấy quá. "Ðồng bệnh tương lân" có khác. 
 
Hôm ấy về nhà thấy vợ nước mắt lưng tròng khi nghe tin, tôi rất ân hận. Nhưng ăn năn thì đã muộn. Tôi đã ngồi trên lưng cọp, làm sao bước xuống. Tôi đang sửa soạn chương trình mang ba lô đi đơn vị với tâm hồn nặng trĩu lo buồn thì thấy anh Vân lái xe jeep đến thăm. Tôi vô cùng sửng sốt. Trong đời, tôi chưa bao giờ được cấp trên để ý đến như vậy. Sau vài câu xã giao, anh Vân vào đề ngay: 
 
- Khi chiều tôi hơi nóng. Ðáng lẽ phải giao việc cho người khác cùng phân khoa nhưng vì tin cậy anh hoàn toàn nên tôi mới phá lệ. Ðúng ra tôi phải bàn với anh trước, nhưng thôi anh hãy vì công vụ, vì sinh viên, dẹp tự ái, gắng làm xong việc này đi. Mọi chuyện coi như xí xóa. Tôi cảm động quá, cầm lấy tay anh Vân hứa:

- Khi chiều tôi cũng hơi nóng, xin Trung tá tha lỗi cho. Trung tá yên tâm, tôi sẽ hoàn thành công việc tốt đẹp. 

 
Trong buổi họp các Trưởng khoa và Trưởng phân khoa sau đó, anh Ðẩu nhắc lại chuyện cũ và nêu ra nguyên tắc phải thi hành lệnh phạt như đã tuyên bố để đưa giáo sư văn hóa vụ vào khuôn khổ kỷ luật nhà binh. Anh Hiến và Viêm yểm trợ. Anh Vân còn đang phân vân thì anh Thức lên tiếng: 
 
- Việc làm của anh Bộ không có gì sai. Ðiều khiển tập thể giáo sư văn hoá vụ không phải là dễ. Nếu không biết uyển chuyển, ta sẽ khó xin thêm được người vì bộ Quốc phòng sẽ dựa vào trường hợp của anh Bộ mà cho rằng ta không thiếu người. Vì tương lai của Trường, chúng ta hãy bình tĩnh, sáng suốt trong việc áp dụng kỷ luật. 
 
Nghe anh Thức nói đúng ý mình, anh Vân quyết định: 

- Chuyện đã qua không nhắc lại nữa.
Các anh Ðẩu, Hiến, Viêm lại nhất quyết không bỏ qua. Cuối cùng để dung hòa quan điểm, hội nghị đồng ý bỏ thăm. Ða số thầm lặng đã thắng và tôi không bị áp dụng kỷ luật. 
 
Ngày nay khi hiểu rõ nguyên lý âm dương, tôi thấy mình lúc ấy thật ấu trĩ. Tất cả những việc làm của các anh Vân, Thức, Hiến, Ðẩu, Viêm đều đúng cả vì mỗi người đều có lý do để bênh vực hành động của mình. Nếu mình vì nghe lời xúi giục nhất thời của bạn bè mà hành động bộp chộp thì thật chẳng hay chút nào. Thực sự nếu tôi phải đi đơn vị thì biết đâu tôi lại được sống oai hùng hơn, được chia xẻ và thấm thía hơn cái hẩm hiu của anh em chiến đấu rồi nhờ đó thai nghén được những tác phẩm giá trị như của Phan Nhật Nam để lại tiếng cho đời sau. Người hại không chết, chỉ có trời hại mới chết mà thôi. Làm sao để không thẹn với lương tâm là được. Toà án lương tâm mới là toà án công bằng và khắc nghiệt nhất. Nó sẽ trừng trị một cách âm thầm mà mình không biết. 
 
Hành động của anh Vân đến thăm tôi tối hôm đó là một hành động cực kỳ can đảm mà chỉ có những người có tâm hồn quảng đại biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết mới dám làm. Vì thế sau này tôi rất thương anh Vân và đã hoàn tất tốt đẹp những công việc anh giao phó, dù đôi khi vượt quá khả năng của tôi. Các anh Hiến, Ðẩu đòi áp dụng kỷ luật là đúng vì với một tập thể phức tạp như giáo sư văn hóa vụ, nếu không áp dụng kỷ luật thì làm sao điều khiển được. Các anh ấy đã làm theo sự đòi hỏi của quyền lợi chung. Việc làm của anh Thức càng có ý nghĩa hơn vì đã phân biệt thế nào là tình người và thế nào là kỷ luật khô khan. Hội nghị đã chấp nhận biểu quyết lấy ý kiến của đa số là một việc làm trái hẳn với kỷ luật quân đội nhưng lại rất hợp với tinh thần dân chủ. 
 
Chung qui lại, ở đời này chúng ta cần có một tấm lòng, một tinh thần uyển chuyển trong hành động và một sự hiểu biết rộng rãi trên nhiều khía cạnh khác nhau để có một cái nhìn trung thực và công bằng, tránh gây đau khổ cho những người chung quanh. Kỷ niệm xưa là một bài học quí giá cho tôi, nhờ nó tôi hiểu rõ cuộc đời hơn và có cái nhìn bao dung hơn đối với mọi việc. Tôi xin thành kính nhớ ơn các anh Vân, Hiến, Ðẩu, Viêm, Thức, đã cho tôi những bài học quí giá làm cho đời tôi tươi đẹp hơn và có ý nghĩa hơn. 
 
Thư anh Viêm vừa rồi chê trách bọn trí thức ở Pháp thiếu một tấm lòng càng làm cho tôi thấm thía giá trị của những hành động xưa kia của các anh Vân, Thức. Anh Vân đã có một tấm lòng nên được mọi người thương mến. Anh Thức cũng đã có một tấm lòng nên, tuy vào giờ chót ở Long thành anh ấy hơi khắt khe vì không đủ sáng suốt nhận định tình hình, anh em vẫn thương yêu anh ấy và không hề chê trách gì cả. Anh Hiến đã không có một tấm lòng. 
 
Một sinh viên khóa 22B đã viết cho một giáo sư cũ của mình như sau: "Thầy không nên mặc cảm chút nào về công lao của mình đối với các sinh viên sĩ quan. Thầy dạy rất tận tâm. Tuy xanh xao mà thầy chẳng bao giờ nghỉ bệnh, tuy gầy yếu mà thầy vẫn diễn giảng suốt từ đầu giờ đến cuối giờ. Tình cảm của chúng tôi đối với thầy vẫn luôn luôn thắm thiết như xưa." Anh sinh viên này là một người có lòng. Ước mong tất cả anh em chúng ta, sau bao nhiêu đau khổ và tủi nhục đã trải qua, hãy gắng tạo cho mình một tấm lòng. Những người nào trước đây chưa có thì hãy suy gẫm lại những việc làm trước mà tìm cách tạo cho mình một tấm lòng. Những ai đã có sẵn thì hãy làm cho lòng mình trong sáng và thắm thiết hơn lên. Sau này khi nhắc đến tập thể giáo sư văn hoá vụ mà mọi người khen: "Họ là những người có một tấm lòng", thì đó là điều chúng ta mong ước nhất.

PHÙNG VĂN BỘ
Bản tin VHV số 9 tháng 8-1990

No comments:

Post a Comment