Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, April 20, 2013

Sơ Lược Tiểu Sử Đoàn Đức Thoan

Ðoàn Ðức Thoan sinh năm 1912 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ an, trong một gia đình Nho giáo, là con trai áp út của cụ Hồng Lô Tự Khanh Ðoàn Ðức Giảng, nguyên quán làng Tử nê, tổng Chi Nê, huyện Tiên du, tỉnh Bắc ninh.

Thủa nhỏ theo học Quốc ngữ và chữ Hán rồi vào học ở collège Vinh. Sau khi tốt nghiệp bằng Thành chung, ông ra Hà nội theo học tại trường Bảo hộ (thường gọi là trường Bưởi, tiền thân của trường Chu Văn An sau này) và tốt nghiệp bằng Tú tài Pháp và Tú tài bản xứ. Gia đình muốn cho ông du học Pháp về ngành y nhưng vì thái độ không thân thiện với Pháp của thân sinh ông lúc còn tùng sự tại tỉnh này nên đơn xin du học của ông không được Công sứ Pháp ở Vinh phê chuẩn.

Ông xuất thân với nghề dạy học tại Vinh nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó thì lại chiều theo ý thân phụ nên đã xin qua ngành hành chánh khởi sự với ngạch Thừa phái và đầu tiên làm việc tại Văn phòng Tổng đốc tỉnh Thanh hoá (lúc bấy giờ do Phạm Phú Tiết làm Tổng đốc).

Vốn hấp thụ tư tưởng tự do của nền văn hóa Tây phương cho nên ông có một cái nhìn cuộc đời rất phóng khoáng và cuộc hôn nhân của ông cũng bắt nguồn từ tình yêu. Do cảm mến một người bạn gái của chị mình mà ông đã làm quen rồi tiến đến hôn nhân, đó là bà Lê Kim Hóa, con gái của cụ Thị Ðộc Học sĩ Lê Toàn Giai, quê quán ở Hà Tĩnh. Ðám cưới được cử hành năm 1935. Vì bên gia đình cụ Lê Toàn Giai vốn theo đạo Công giáo cho nên ông cũng đã trở lại đạo Công giáo từ đó. 

Sau một thời gian tùng sự tại Thanh hoá, rồi tại Vinh, đến năm 1942 ông được đổi vào làm việc tại bộ Hình của chính phủ Nam triều ở Huế dưới quyền Thượng thư Bùi Bằng Ðoàn. 

Trong thời gian tùng sự tại Huế, ông có theo học trường Hậu bổ của Chính phủ Nam triều mở, do đó trong kỳ thi tuyển Tri huyện năm 1944, ông đã tham dự và trúng tuyển nên được bổ nhậm làm Tri huyện Phù cát thuộc tỉnh Bình định (vào thời gian này Phạm phú Tiết cũng đang giữ chức Tổng đốc Bình Ðịnh). 

Dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim (sau khi Nhật đảo chánh Pháp 9-3-45), ông được bổ nhậm chức Tri phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cùng lúc đó thì con gái nhỏ của ông bị bệnh nặng phải đưa vào nằm bệnh viện Qui Nhơn điều trị dài ngày nên ông để gia đình ở lại Qui nhơn và chỉ một mình đi trưóc vào Phú Yên nhận nhiệm sở. Chưa đầy một tháng thì xảy ra cuộc Tổng Khởi nghĩa toàn quốc 1945, ông bàn giao nhiệm sở và quay trở về sống ở Quy Nhơn cùng gia đình. 

Lúc mới cướp được chính quyền, Việt Minh đã cho thi hành chính sách sát hại nhiều phần tử của các đảng phái quốc gia hầu có thể tiến đến chế dộ độc tài toàn trị nhưng sau đó để tránh gây hoang mang trong dân chúng nên Việt Minh đã buộc phải đứng ra thành lập Chính phủ Liên hiệp có sự tham dự của các đảng phái Quốc gia hòng thu phục nhân tâm. Núp dưới chiêu bài Ðại Ðoàn Kết, Việt minh đã cho mời các thành phần nhân sĩ trí thức có uy tín trong toàn quốc ra cộng tác nên ông cũng được Việt minh mời tham gia chính quyền và Mặt trận Liên Việt tại tỉnh Bình Ðịnh. Lúc đầu ông từ chối, định trở lại nghề dạy học nhưng sau đành chấp nhận và được cử làm Chánh án Toà án Ðệ nhị cấp tỉnh Bình định. Vào thời gian này thì người vợ ông cũng bắt đầu vướng phải chứng lao phổi. Cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ rồi lệnh tản cư và chính sách tiêu thổ kháng chiến được ban hành. Ông phải di chuyển theo cơ quan và gia đình cũng phải tản cư về thôn quê. Trong thời gian công tác, nhờ có uy tín và khả năng chuyên môn nên ông được Liên Khu Ủy đề bạt kiêm giữ chức Hiệu trưởng trường Ðào tạo Cán bộ Tư pháp của Liên Khu V. 

Năm 1946, do Huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy có chân trong chính phủ Liên hiệp được Hồ Chí Minh chấp thuận cho phép tái lập Phong trào Hướng đạo thì giáo sư Tạ Quang Bửu nguyên là Tỗng Ủy viên Hướng đạo Trung kỳ trước kia và hiện đang nắm giữ chức vụ Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp bèn gửi thư cho ông để đề nghị ộng đứng ra tái lập Phong trào Hướng đạo tại tỉnh Bình Ðịnh. Vốn là một người ham hoạt động và có tư tưởng tiến bộ nên từ thời trẻ đã sớm say mê tham gia Phong trào Hướng đạo và trở thành một Huynh Trưởng Hướng đạo có bằng Bạch Mã, nên ông đã kiên trì vận động với Liên Khu ủy để xin tái lập Phong trào tại tỉnh nhà, nhờ thế mà khi được sự chấp thận của chính quyền, ông đã đứng ra quy tụ các cựu huynh trưởng trong tỉnh để gây lại Phong trào Hướng đạo trong tỉnh này. 

Nhờ có một số huynh trưởng năng động như Nguyễn Chữ, (một huynh trưởng Hướng đạo và cũng là một đảng viên QDÐ từng giữ chức Ðại biểu Quốc hội khóa 1 trong thời Chính phủ Liên hiệp, nhưng đã bị Việt minh bắt cóc trong vụ trụ sở VNQDÐ ở phố Ôn như Hầu ở Hà nội bị Việt minh tấn công, rồi bị đưa vào an trí ở Liên khu V), Ngô Chanh, giáo sư trường Trung học Nguyễn Huệ và một số cựu hướng đạo sinh yêu thích phong trào mà một số Tráng đoàn, Thiếu đoàn và Ấu đoàn đã được thành lập tại các thị trấn và ông được ủy nhiệm giữ chức vụ Ðạo trưởng đạo Bình Phú. Phong trào hoạt động mạnh nhất tại hai thị trấn Bồng sơn và Tam Quan. Mặc dù hoàn cảnh gia đình chật vật, vợ bị bệnh nan y, con còn nhỏ dại nhưng ông vẫn hăng say hoạt động cho Phong trào Hướng đạo nhằm liên kết các bạn bè cùng khuynh hướng. Ngoài ra ông cũng còn có nhiều liên hệ mật thiết với tổ chức Công Giáo Tiến hành trong tỉnh. 

Thấy ông có khuynh hướng tự do, muốn độc lập với đường lối của chính quyền trong việc tái lập Phong trào Hướng Đạo, nên Phạm Văn Ðồng, lúc bấy giờ đang là Công cán Ủy Viên Chính phủ tại Miền Nam bèn đề nghị Liên Khu Ủy đổi ông ra làm Chánh Án Toà án tỉnh Quảng ngãi, chủ đích nhằm ngăn cản ông sinh hoạt với Phong trào Hướng đạo và Phong trào Công giáo Tiến hành. Ông phải để gia đình ở lại Bồng sơn và ra Quảng ngãi làm việc. Ít lâu sau đó thì Phạm Văn Ðồng được triệu ra Bắc giữ chức Thủ tướng nên ông mới được Liên Khu Ủy cho trở về Bình Ðịnh gần vợ con và làm việc tại Sở Tư Pháp Liên Khu V, kiêm chức vụ Hội thẩm Hội đồng Phúc Án Liên Khu V mà Chánh thẩm là Phạm Phú Tiết. 

Ðựợc trở về Bình Ðịnh, ông tiếp tục hoạt động cho phong trào Hướng đạo. Năm 1948, ông tổ chức một cuộc Họp bạn Hướng đạo chung cho liên tỉnh Ngãi Bình Phú tại đồi Thiết Ðính - Bồng Sơn nhằm cổ võ cho một mẫu người năng động, tháo vát, có tâm hồn thẳng thắn, cương nghị và phóng khoáng, yêu Tổ quốc, và muốn phục vụ cho dân tộc nhưng không mù quáng chạy theo một lý tưởng không tưởng. Ðúng ngày 24-7 là ngày khai mạc trại Họp bạn Hướng đạo thì cũng là ngày người vợ qua đời sau ba năm chống chỏi tuyệt vọng với chứng bệnh nan y. Tuy thế trại Họp bạn vẫn tiến hành tốt đẹp. 

Sau khi người vợ qua đời, ông càng tích cực tham gia nhiều hơn vào các hoạt động liên kết những người có khuynh hướng tự do và không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản. Hành động này khiến cho Liên Khu Ủy bắt đầu hạn chế nhân viên các cơ quan tham gia sinh hoạt không nằm trong các đoàn thể do Việt Minh lãnh đạo. Một vài huynh trưởng bắt đầu ngả theo cộng sản như Ngô Chanh, một số trở thành dè dặt trước tình thế. Phong trào Hướng đạo bị bắt buộc ngưng hoạt động nên ông đành hướng về các hoạt động của các đoàn thể tôn giáo. 

Năm 1949, do tình hình thế giới biến chuyển với sự thắng thế của Mao Trạch Ðông trên lục địa Trung hoa thì ở các vùng do Việt Minh kiểm soát, người Cộng sản cũng thay đổi bộ mặt để thực hiện chế độ vô sản chuyên chính. Việt Minh bắt đầu cho phát động Phong trào Học tập trong quần chúng nhằm gây mâu thuẫn giai cấp và tạo sự căm thù đối với các thành phần được gọi là "Trí, Phú, Ðịa, Hào". Trong chính quyền thì Việt Minh cho thực hiện chính sách biên chế để loại trừ các thành phần lưng chừng, hoặc có tư tưởng đối lập ra khỏi các cơ quan Nhà nước. Ông nhân cơ hội này xin nghỉ giả hạn không lương, và ra làm giáo sư cho trường Trung học tư thục Công giáo Ðặng Ðức Tuấn tại Gia hựu thuộc huyện Hoài nhơn. 

Mặc dù bản thân không gia nhập đảng phái nào nhưng vì yêu lý tưởng tự do dân chủ, muốn chống lại mọi hình thức bất công và độc tài nên trong thời gian này ông thường có những cuộc tiếp xúc với các thành phần trí thức và những nhân vật của các đảng phái Quốc gia và tôn giáo như nhóm QDÐ ở Quảng ngãi, nhóm của ông Nguyễn hữu Lộc ở Nam Bình Ðịnh và để tiến tới thành lập một Mặt trận Liên Tôn chống Cộng tại Liên Khu V. 

Năm 1950, tiến thêm một bước trong việc cô lập và triệt hạ dần các thành phần trí phú địa hào, Việt Minh ban hành lệnh Tổng động viên và ra lệnh đóng cửa tất cả các trường tư thục. Ông cũng như nhiều giáo sư tư thục khác như Nguyễn Hữu Lộc, Võ Thu Tịnh v.v.., phải tạm thời xoay ra mở các lớp dạy tư gia để sinh sống. Chính sách siết chặt của Việt Minh tại các vùng họ kiểm soát đã khiến cho càng ngày càng có nhiều thanh niên trí thức rủ nhau vuợt tuyến về vùng Quốc gia. Thấy tình hình khó khăn và nguy hiểm, một số anh em trong tổ chức đề nghị ông nên vượt tuyến về thành để lánh nạn nhưng ông đã cương quyết ở lại để hoạt động. Sau khi xảy ra vài vụ vượt tuyến tại các vùng cửa biển trong tỉnh Bình Ðịnh bị bại lộ và bị bắt, Việt Minh bắt đầu khám phá có nhiều phần tử tình nghi quan trọng cũng đã vượt tuyến như Nguyễn Chữ, Lương Duy Ủy..., cho nên tháng 10 năm 1950, ông bị Công an Liên khu V bắt, và sau đó là Việt minh bắt đầu cho thực hiện một chiến dịch bắt bớ quy mô các thành phần tình nghi trong các tỉnh thuộc Liên khu V. 

Ðể có cớ buộc tội và nhằm mục đích khủng bố và triệt tiêu các mầm mống chống lại chế độ Cộng Sản, Việt Minh đã cho xuyên tạc sự thật, dàn dựng ra một cái được gọi là vụ "Gián điệp Bình Ðịnh" rồi vu cho những người bị bắt là làm gián điệp cho Pháp và khép họ vào tội phản quốc. 

Ðến cuối năm 1951, Việt Minh cho tổ chức một phiên toà Quân sự Ðặc biệt tại Song Thanh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh để xét xử những người bị bắt. Ngồi ghế Chánh án là Phạm Phú Tiết nhưng thật ra thì ghế chánh án chỉ là hư vị còn mọi quyết định đều là của Liên Khu Ủy. Sau nhiều đêm nghe Công tố viên Huỳnh Lắm Ủy viên Công an Liên Khu V đọc cáo trạng và mặc dù có nhiều bị cáo không nhận tội, Toà vẫn tuyên án tử hình ông cùng với các ông Nguyễn Hữu Lộc, Võ Minh Vinh. Riêng cụ Tạ Chương Phùng vì đã trốn thoát về thành trưóc đó nên vị xử tử khuyết tịch. Ngoài ra còn có nhiều án tù chung thân và án tù hữu hạn khác dành cho những người bị khép vào tội liên can với tổ chức gián điệp nói trên. 

Vào đầu năm 1952, sau khi Liên Khu Ủy quyết định cho thi hành bản án, ông đã bị đưa ra pháp trường thiết lập tại Gò Rộng xã Mỹ Chánh huyện Phù Mỹ và bị xử bắn vào chiều ngày 24-2-1952 cùng với hai ông Nguyễn Hữu Lộc và Võ Minh Vinh .

Chính vì yêu tự do dân chủ và không chấp nhận độc tài mà ông bị Việt Minh gán cho cái tội Việt gian bán nước để xử tử nên trước giờ bị hành quyết, lời trăn trối cuối cùng của ông với người con trai còn nhỏ lúc bấy giờ là :"Con phải hiểu là ba không phải là Việt gian và không hề phản bội tổ quốc." 


D.V.K.

No comments:

Post a Comment