Tôi chưa bao giờ gặp Văn Cao. Suốt hơn
50 năm sống ngay trên tổ quốc của chính mình, tôi cũng chưa hề biết mặt mũi
Văn Cao như thế nào, dù chỉ là qua hình ảnh nhìn thấy trên báo chí hay sách vở.
Mãi đến thời gian gần đây, sau khi đã rời bỏ đất nước để làm một kẻ tỵ nạn ở
xứ người, nhân xem cuốn video Tình Khúc Văn Cao (1), tôi mới thấy Văn Cao lần
đầu tiên trong đời mình qua hình ảnh xuất hiện trên màn ảnh, một Văn Cao đã
già nua và cằn cỗi, mà tôi thật không ngờ. Nhưng cái tên Văn Cao thì lại rất
quen thuộc đối với tôi, ngay từ thủa tôi còn nhỏ.
CÓ MỘT ÐÀN CHIM VIỆT
Tôi còn nhớ, đó là thời gian mấy năm sau cuộc khởi nghĩa
1945. Cao trào tranh đấu giành độc lập đang sôi nổi, tinh thần yêu nước, yêu dân
tộc đang bộc phát mạnh mẽ. Mọi người đều cảm thấy muốn được đóng góp chút gì cho
quê hương. Nền tân nhạc Việt nam vừa mới phôi thai trước đó không lâu, nay gặp
thời cơ thuận tiện càng thêm khởi sắc và phát triển mạnh mẽ, vừa trên bình diện
sáng tác, vừa trên bình diện phổ cập trong quần chúng. Nhiều nhạc phẩm giá trị
ra đời. Nhạc được sáng tác trong thời kỳ này ngày nay chúng ta thường quen gọi
là nhạc Tiền chiến, và có nhiều bản cho đến bây giờ vẫn còn được nhiều người ưa
thích. Trong số các nhạc sĩ sáng tác của thời đó như Văn Cao, Phạm Duy, Lê
Thương, Nguyễn văn Thương, Hoàng Giác, Phan Huỳnh Ðiểu v.v... Văn Cao là người
nhạc sĩ đầu tiên đã khiến cho tôi chú ý và nhớ đến nhiều nhất.
Lý do khiến cho tôi sớm làm quen với nhạc
của Văn Cao là do ảnh hưởng của các người lớn quanh tôi. Vào thời bấy giờ chưa
có những phương tiện truyền thông đại chúng tân tiến như truyền thanh hay truyền
hình hiện nay, nên các phương tiện giải trí tinh thần thông thường vẫn chỉ là
đọc sách báo hay đàn hát theo lối tự diễn. Cha tôi cũng như một số bạn bè của
người, vốn thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản thành thị, có lẽ cũng mang chút
ít máu văn nghệ trong người, nên vẫn có cái thú đàn hát vào những lúc rảnh rỗi.
Ngày ấy kỹ thuật ấn loát còn thô sơ và số
bản nhạc được xuất bản cũng còn rất hạn hẹp nên đa số người chơi nhạc vẫn phải
tự tay mình sao chép lại. Vì thích nhạc nên cha tôi đã đóng cả một quyển tập lớn
và dày, có bìa cứng và gáy vải thật đẹp, dùng để chép nhạc. Người lại còn bỏ
công chép thật nắn nót như in các bản nhạc với đầy đủ các lời hát. Tựa đề các
bản nhạc được trình bày bằng nhiều kiểu chữ với mực màu, đôi khi lại còn kèm
theo vài nét minh họa, nên tập nhạc của người quyến rũ tôi rất nhiều.
Cha tôi cũng đã chép gần như đầy đủ tất cả
nhạc mới được sáng tác thời bấy giờ, luôn cả những bản nhạc của lớp nhạc sĩ đi
trước như Nguyễn xuân Khoát, Dương thiệu Tước, Thẩm Oánh v.v... và nhà nhạc sĩ
tài danh nhưng mệnh yểu Ðặng Thế Phong. Trong tập nhạc ấy, cha tôi cũng chép gần
như đầy đủ các bản nhạc của Văn Cao như Thiên Thai, Trương Chi, Suối Mơ, Nhớ Bắc
Sơn,... và trang đầu tiên là bản Ðàn Chim Việt nên tên bài hát này vẫn dễ đập
vào mắt tôi mỗi lần tôi mân mê giở đến quyển nhạc. Tên nhạc sĩ sáng tác viết
dưới mỗi tựa đề đã làm cho tôi thuộc luôn cả tên của tác giả từ đó.
Cha tôi và mấy chú vẫn thường khen nhạc
của Văn Cao có cái thi vị của bài thơ Ðường, và có chú còn bảo bản Thiên Thai là
một trong số những bản nhạc hay trên thế giới. Tôi ngày ấy chưa đủ tuổi để hiểu
cái thâm trầm của một bài thơ Ðường hay là sự mơ mộng trong tình yêu và sự khao
khát một cái gì đó như là Chân, Thiện, Mỹ vượt ra ngoài hay bên trên cuộc đời.
Do đó, những bài như Thiên Thai, Trương Chi hay là Suối Mơ chẳng hạn không gây
cho tôi nhiều ấn tượng, mặc dù tôi vẫn thường nghe cha tôi và mấy chú hay đàn
hát mấy bản này nhiều hơn cả.
rong bao nhiêu bản nhạc thịnh hành lúc bấy
giờ, vui tươi có, hùng tráng có, êm dịu có, u buồn có, tôi vẫn thích nghe mấy
bản như Nhớ Bắc Sơn hay Ðàn Chim Việt hơn , nhất là khi nghe bản Ðàn Chim Việt
là tôi tự nhiên thấy mình xúc cảm bồi hồi. Tôi cảm thấy trong bản nhạc có tiềm
tàng một nỗi u uẩn nào đó mà tôi không biết làm sao để diễn tả. Tôi nhớ mãi hai
tiếng vọng: "Về đâu? Về đâu?" mở đầu bản Ðàn Chim Việt (theo như bản tôi biết
lúc bấy giờ) đã mang lại cho tôi nhiều tưởng tượng gần như là một linh cảm về
một sự đau buồn nào đó sẽ xảy ra, không phải chỉ riêng cho một ai mà còn chung
cho bao nhiêu người khác nữa. Mà quả nhiên điều tôi linh cảm một cách mơ hồ kia
đã xảy ra thật.
Những náo nức buổi đầu khi toàn dân hăng
hái vùng lên làm cách mạng, đánh Tây, đuổi Nhật giành độc lập rồi cũng tàn dần
khi cuộc kháng chiến trở nên trường kỳ và ngả sang màu đỏ. Bầu không khí chiến
tranh bắt đầu lan rộng với những cuộc oanh kích của máy bay Pháp nhằm vào các
trục giao thông. Cuộc sống đã có nhiều khó khăn, nhất là đối với dân tản cư. Tôi
quên chưa nói là trước năm 45, cha tôi được đổi vào làm việc tại Bình định nên
suốt từ đầu cuộc kháng chiến, gia đình tôi kẹt lại và phải sống trong vùng Việt
minh Liên khu 5. Chính nhờ thế mà tôi mới có cơ hội để biết gần hết những bài ca
kháng chiến cũng như được nếm mùi cộng sản sau đó.
Sau khi Cộng sản Trung quốc chiếm xong lục
địa thì Cộng sản Việt nam cũng bắt đầu lộ nguyên hình. Chính sách chuyên chính
vô sản và đấu tranh giai cấp được đem ra áp dụng tại các vùng Việt minh nắm
quyền. Nhiều sinh hoạt trưóc đây còn được chút tự do nay bắt đầu bị kiểm soát.
Trong giao tiếp xã hội, con người không còn bộc lộ sự chân tình mà trở thành
nghi kỵ lẫn nhau. Các tác phẩm văn chương trước chiến tranh, nhất là các tác
phẩm của nhóm Tự Lực Văn đoàn, bị đả kích và bị loại ra ngoài chương trình giáo
dục. Các bài hát trữ tình lãng mạn hay ca ngợi cuộc kháng chiến buổi ban đầu
cũng bị phê phán và cấm đoán. Thay vào đó là một loại văn chương văn nghệ mang
tính chất đấu tranh. Ngoài xã hội không còn nghe những bài hát đầy tình cảm nhẹ
nhàng mà chỉ còn vang lên những lời lẽ đấu tranh sắt máu. Tôi cảm thấy mình như
bị mất mát một cái gì thân yêu và tiếc nhớ những ngày êm vui đã qua.
Song song với những biến đổi khó khăn về
chính trị và xã hội ở bên ngoài là một loạt biến cố đau buồn xảy đến cho gia
đình tôi.Vì có những hoạt động chính trị chống đối chế độ nên cha tôi bị bắt và
bị tuyên án tử hình. Mẹ tôi cũng đã qua đời trước đó mấy năm vì bệnh phổi, một
chứng bệnh được cho là nan y vào thời bấy giờ. Tôi trở thành một thiếu niên vô
gia đình và lâm cảnh tứ cố vô thân vì tôi không có họ hàng thân thích nào sống ở
vùng này cả . Các chú bác bạn của cha tôi, nếu ai không bị liên lụy trong vụ bắt
bớ thì cũng có thái độ dè chừng và lảng tránh. Tôi bắt đầu một cuộc sống lang
thang, bơ vơ và lạc lõng trong một xã hội đầy nghi kỵ và đổ vỡ. Ðôi khi buồn cho
số phận mình, chợt nhớ lại mấy tiếng vọng mở đầu của bài Ðàn Chim Việt: "Về đâu?
Về đâu?", đã từng khiến cho tôi hay suy nghĩ vẩn vơ trước đây, tôi lại càng thấy
điều linh cảm mơ hồ của mình nay đang ứng nghiệm.
Biến cố 54 với hiệp định Geneve chia đôi
đất nước là một vết đen đối với lịch sử dân tộc nhưng lại là một cơ may cho tôi
được sống còn. Tôi lại được trở về sống ở vùng quốc gia, gặp lại họ hàng thân
thích, được tiếp tục học hành và trưởng thành trong bầu không khí tự do. Tôi
được nhìn thấy những nhạc phẩm của Văn Cao được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành
rất trang nhã, kể cả những bản hành khúc như Lục quân Việt nam, Không quân Việt
nam, Hải quân Việt nam, chỉ trừ mấy bài có lời hát liên quan tới Việt minh.
Riêng bản Ðàn chim Việt thì mang tên là Bến xuân với lời hát khác hẳn, và tác
giả lại là Văn Cao và Phạm Duy. Tôi cũng được nghe đài phát thanh cho trình bày
rất nhiều bài hát cũ. Tuy vậy tôi vẫn cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó, một cái
tên quen thuộc với những lời hát thật mơ màng nhưng cũng thật xa vời:
Về đây khi gió mùa thơm ngát.
Ôi lũ chim giang hồ... [ Văn Cao ]
Như con chim lạc lõng trở về khu rừng cũ sau những ngày tháng
vật vờ trôi dạt, tôi hân hoan với những mơ ước ban đầu, nhưng để rồi nhận thấy
niềm vui của mình cũng không trọn vẹn. Cuộc chiến tranh Quốc Cộng lại tiếp diễn
và đến lượt tôi cũng đã đi vào cơn lốc của thời cuộc. Tôi trở thành người lính
quốc gia chiến đấu cho nền tự do của Miền Nam nhưng lòng thì thấy băn khoăn về
một tương lai không rõ rệt.
Bối cảnh lịch sử mà tôi đã sống vào thời
thơ ấu là một xã hội sôi động của ý chí căm thù bất công, của quyết tâm chống
ngoại xâm giành độc lập, của lòng khao khát tự do dân chủ và hạnh phúc thực sự
cho mọi người. Do đó mà mọi người đều hăng hái tham gia và sẵn sàng chấp nhận
mọi hy sinh để đi làm cuộc cách mạng. Nhưng nguyện vọng chân chính đó của toàn
dân đã bị đảng Cộng sản Việt nam phản bội, và hình ảnh hào hùng của hàng triệu
người dân Việt vùng lên xóa bỏ áp bức, xây dựng tự do dân chủ chỉ còn là kỷ niệm
của một cuộc cách mạng lỡ.
Xã hội tôi đang sống hiện nay là một xã
hội đang cố hàn gắn lại những đổ vỡ của lòng người để tiếp nối làm cuộc cách
mạng, nhưng ý nghĩa về những lý tưỏng cao đẹp đã bị phân hóa và nhiệt tình của
người dân bây giờ không còn mãnh liệt như trước. Rồi do những biến chuyển phức
tạp của tình hình chính trị trên thế giới, cuộc chiến đấu mất dần tính cách độc
lập của cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của một dân tộc. Âm điệu bản Ðàn chim
Việt được đài phát thanh Sàigòn dùng làm nhạc hiệu cho chương trình phát thanh
về Bắc với tiếng đàn bầu độc tấu đêm đêm càng thêm khơi gợi trong tôi nỗi tiếc
nhớ một cái gì rất tha thiết đã qua đi như lời chim hót trong thơ:
"...Chim reo thương nhớ, chim ngân xa, u ù u ú...
Hồn còn vương vấn về xưa..." [ Văn Cao]
Cuộc cách mạng mà toàn dân mong muốn, đã từng hăng hái tham
gia để mưu cầu hạnh phúc và tự do cho dân tộc chưa bao giờ được thực hiện. Bao
nhiêu hy sinh của mấy thế hệ dân tộc giờ đây chỉ còn là những hy sinh cho sự
tranh chấp của những thế lực đang cai trị thế giới. Do đó mà khi một thế lực
nhường bước thì tất nhiên sẽ có những con tốt phải hy sinh. Việt nam cộng hòa mà
tôi đang chiến đấu để bảo vệ là con tốt đó. Cộng sản đã chiếm được Miền Nam, và
một lần nữa tôi lại sống dưới chế độ cộng sản. Lần này thì tôi không phải lang
thang vất vưởng mà đi luôn vào trại tập trung. Ôi! cái đàn chim Việt của tôi sao
mà tang thương và tan tác đến thế.
Những năm tháng sống dưới sự kiềm chế gắt
gao trong trại cải tạo chỉ làm rõ hơn trong tôi hình ảnh một đàn chim Việt vẫn
còn dật dờ vì chưa tìm được tổ ấm. Ðể nguôi quên những gian lao và thiếu thốn
của kiếp sống tù đày, tôi vẫn âm thầm ru mình bằng điệu nhạc mơ màng quen thuộc
cũ. May mắn là tôi chưa đến nỗi phải chết rũ mòn trong trại cải tạo. Tôi cũng
còn được trở về xã hội nhưng chỉ để làm một kẻ không có quyền công dân ngay trên
đất nước của mình. Mà xã hội thì đang băng hoại đến cùng cực và đang trên đường
phá sản.
Thực ra tôi chỉ mới thoát ra khỏi cái trại
giam nhỏ hẹp để tiếp tục nhốt mình trong một nhà tù rộng lớn hơn. Những người
dân chung quanh tôi cũng chẳng hơn gì vì chẳng có ai dám nói, nghĩ, hay làm điều
mình yêu thích hay cho là phải, kể cả những người tự cho mình là kẻ chiến thắng
và có quyền khống chế kẻ khác. Các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ là cái
loa tuyên truyền cho chế độ. Âm nhạc cũng không còn là tiếng tự phát từ lòng
người mà chỉ là những âm thanh gượng gạo hô hào con người lao động, chiến đấu,
và ca tụng Ðảng mà thôi.
Trong cái chán chường của những sách báo
tôi thử đọc, tôi bắt gặp một bản nhạc của Văn Cao mà tôi chưa biết bao giờ. Ðó
là bản Mùa Xuân Ðầu Tiên. Tôi cũng muốn nghe thử nhưng không thấy ai đàn hát
bản này. Vả lại bấy giờ, hầu hết những nhạc phẩm của Văn Cao đã bị cấm hát hay
trình diễn ngoài xã hội từ lâu. Chỉ có bản Tiến quân ca (2) là vẫn còn vang vang
trong những buổi mít tinh hay hội họp, nhưng chính cái tên của tác giả thì đã
cho vào lãng quên kể từ khi phong trào Trăm Hoa đua nở ở Miền Bắc bị đàn áp, tờ
Nhân văn Giai phẩm bị lên án và các nhà văn nghệ sĩ chân chính bị đưa đi cải tạo.
Tôi không biết gì hơn về người nhạc sĩ tôi yêu mến này vì Văn Cao vẫn sống âm
thầm ở Miền Bắc và tôi sống trong nỗi dè dặt tại Miền Nam.
Nhiều bạn bè của tôi ở tù về đã ra đi vượt
biên. Tôi vẫn ở lại. Tôi không muốn trốn chạy hay là tôi nhát gan, sợ nguy hiểm?
Có lẽ cả hai điều trên đều đúng. Tôi cũng không biết rồi cuộc đời mình sẽ về đâu
nếu cứ tiếp tục kiếp sống bấp bênh và luôn luôn phập phồng bị bắt bớ trở lại bất
cứ lúc nào. Nhưng rồi định mệnh cũng đã an bài. Lại một lần nữa cũng do những
biến đổi về sách lược của các thế lực siêu cường trên thế giới mà tôi cũng như
các thành phần đã từng chiến đấu cho Miền Nam tự do trước đây và bị chế độ Cộng
sản giam cầm sau năm 75, được cho ra nước ngoài tỵ nạn. Và tôi đã đến định cư
tại Hoa kỳ sau nửa thế kỷ gắn bó với quê hương để nhập chung vào lớp người tỵ
nạn đi trước làm một đàn chim Việt tha hương, nhớ lời hát cũ mà thêm chạnh lòng.
"...Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thiết tha
Lưu luyến một trời xa. " [ Văn Cao_ Ðàn chim Việt ]
MƠ VỀ MỘT BẾN XUÂN
Vào lứa tuổi "tri Thiên mệnh" như tuổi tôi bây giờ, những háo
hức không còn nữa. Nhất là sau khi đã trải qua quá nhiều nỗi thăng trầm của cuộc
đời, tâm hồn ít hướng về tương lai mà thường quay về với kỷ niệm quá khứ. Nếp
sống mới xô bồ, đuổi theo văn minh vật chất của xã hội quanh tôi chỉ làm cho tôi
thấy buồn và thêm mệt mỏi. Cũng may là tôi còn âm nhạc. Những người dân Việt tha
hương khác có lẽ cũng mang một tâm trạng tiếc nhớ về những gì mình tha thiết mà
nay không còn nữa nên cũng đã tìm khuây lãng trong lời ca tiếng hát của âm nhạc
Việt nam. Nhờ đó mà phong trào sản xuất băng cassette, băng video, dĩa hát
karaoke cũng như những buổi trình diễn âm nhạc Việt tại các xứ có đông người
Việt tỵ nạn có cơ hội để phát triển.
Nơi xứ người là đất tự do (hiểu theo đúng
nghĩa của nó) mọi kiềm chế về tâm tư và tình cảm đều được giải tỏa. Mọi người có
thể nói, đọc, viết, nghe, hát những gì mình suy nghĩ hay yêu thích. Trong âm
nhạc cũng có nhiều sáng tác mới nhưng người ta vẫn không quên trở về với những
bản nhạc cũ. Có điều tôi vẫn cảm thấy thiếu vắng vì không thấy ai hát nhạc Văn
Cao và hình như cũng chẳng còn mấy ai nhớ đến Văn Cao. Bản Ðàn chim Việt từng ám
ảnh tôi suốt cuộc đời và tôi hằng mong muốn được nghe lại cũng chỉ còn là âm
hưởng vang vọng trong tôi mà thôi.
Bỗng một hôm có người quen cho tôi xem
cuốn băng video ca nhạc mang tựa đề: Tình khúc Văn Cao. Thế là tình cờ tôi đã
gặp được Văn Cao trên màn ảnh, được nghe Văn Cao nói năng và nhìn thấy Văn Cao
đi lại. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lần đầu tiên được nhìn thấy Văn Cao lại là
nhìn thấy hình ảnh một ông già hốc hác và lọm khọm như thế. Nhưng cảm tình của
tôi đối với Văn Cao không vì thế mà suy giảm. Hình như tôi lại càng thấy thuơng
mến ông ta hơn do liên tưởng đến những ưu tư và bất hạnh của một kiếp người mà
ông ta phải gánh chịu.
Tôi đã chăm chú lắng nghe một mạch hết 7
bài hát trong cuốn băng từ bản đầu tiên cho đến bản cuối.Toàn là những bài tôi
quen thuộc từ ngày nhỏ. Phần kỹ thuật quay phim và dựng phim cũng như phần trình
diễn của các ca sĩ có nhiều điểm không làm tôi hài lòng vì đây là một cuốn băng
video xuất xứ từ Việt nam. Nhưng đó không phải là điều tôi chú ý. Ðiều tôi quan
tâm là nội dung các bài hát và tôi đã xúc động bồi hồi khi nghe được bài Ðàn
chim Việt với lời ca tôi vẫn từng nghe cách nay đã gần nửa thế kỷ. Chỉ thiếu đi
hai lời vọng mở đầu :"Về đâu? Về đâu?" đã từng ám ảnh tôi suốt một cuộc đời về
một đàn chim mãi mãi giang hồ.
Tôi thích nhạc nhưng không rành về âm nhạc,
nên tôi chỉ biết nhận xét âm nhạc theo cảm quan. Tuân Tử xưa, khi bàn về âm nhạc
có nói rằng: "Âm là tự lòng người ta mà sinh ra...Cho nên nghe âm thanh mà biết
được chí hướng..., đạo đức, thịnh, suy, khôn, dại, hay, dở, đều hiện ra âm nhạc....Bởi
vậy, cứ lấy âm nhạc mà nghiệm được một nước ra thế nào."(3) Ðọc lời này rồi nhìn
lại xã hội Việt nam trong mấy thời kỳ vừa qua, tôi mới thấy âm nhạc quả có phản
ảnh xã hội và những linh cảm mơ hồ của tôi khi nghe bản Ðàn chim Việt không phải
là hoàn toàn vô căn cứ.
Vào thời kỳ Tiền Cách mạng và giai đoạn
đầu của cuộc Toàn dân kháng chiến, người nhạc sĩ xúc động truớc bối cảnh lịch sử
của dân tộc nên đã sáng tác nên những bản nhạc khơi dậy tinh thần đấu tranh
nhưng vẫn mang dấu ấn những suy tư và tình cảm của riêng mình.Và song song với
nguồn cảm hứng phát xuất từ lòng yêu nước, vẫn có nguồn cảm hứng hoàn toàn tự do
theo những tình cảm hoặc mơ ước riêng tư. Ðiều này được thể hiện rất rõ ràng qua
những tác phẩm của Văn Cao. Trừ bản Tiến quân ca có những lời lẽ dữ dằn như "...cờ
pha máu chiến thắng..." " thề phân thây, uống máu quân thù..." hay "tiến mau ra
sa trường....," những bản khác nói lên khát vọng một cách hiền hoà hơn như các
bài Nhớ Bắc sơn, Ðàn chim Việt, Làng tôi, Tiếng hát trên sông Lô,...và bên cạnh
đó lại có những bản nhạc hoàn toàn tình cảm đầy thơ mộng như Thiên thai, Trương
Chi, Suối mơ, Cung đàn xưa v.v..., từ lời ca đến âm thanh tiết tấu đều toả ra
một cái gì vừa nhẹ nhàng thanh thoát, vừa quyến luyến thiết tha, và bao trùm lên
tất cả là một nỗi tiếc nhớ xa xôi nào đó.
Không phải chỉ có một mình Văn Cao mà hầu
hết các văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến buổi ban đầu đều mang chung một lối sáng
tác biểu lộ sự hài hòa giữa tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh, chấp nhận gian
khổ với lại tình cảm phóng khoáng của tâm hồn yêu thích tự do. Ngay cả bài Giải
phóng quân của Phan Huỳnh Ðiểu vẫn mang nặng tính chất tình cảm. Và Phạm Duy vào
những ngày còn đi kháng chiến cũng đã có những bài ca ngợi sự hy sinh vì mục
đích chung của dân tộc như bài Chiến sĩ vô danh, Nhớ người thương binh, Bà Mẹ
Gio Linh vv... và cũng đã vẽ lên được những hình ảnh thật xúc động:
" ... Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi, bát đầy...." [ Bà mẹ Gio linh ]
Nền âm nhạc của Miền Nam tự do sau khi thành lập nền Cộng hòa,
có cố gắng tạo cho mình một nét hào hùng của truyền thống cách mạng nhưng thực
ra chỉ làm sống lại một số bài ca đề cao lòng yêu nước của thời kỳ trước, vốn bị
Miền Bắc Cộng sản lên án là thiếu lập trường giai cấp. Cũng có một số sáng tác
mới, cảm hứng từ phong trào di cư vào Miền Nam lánh nạn cộng sản. Còn những sáng
tác khác thường ngả theo khuynh hướng tình cảm ủy mị. Về sau, khi mà cuộc chiến
trở nên ác liệt, tang thương dẫy đầy, đời sống đảo lộn, thì âm nhạc cũng mang
đầy những thanh âm của sự than van khắc khoải hay là những tiếng kêu cuồng loạn
của nếp sống buông thả du nhập từ bên ngoài.
Còn âm nhạc dưới chế độ cộng sản chỉ là
phương tiện đấu tranh tuyên truyền cho Ðảng nên rất khô khan. Hầu hết các nhạc
sĩ nổi tiếng của thời kỳ Tiền chiến đã ngưng sáng tác ( hay chỉ còn sáng tác ở
trong lòng thì tôi không thể nào biết được ) chỉ còn lại đám văn nghệ sĩ sáng
tác theo chỉ thị. Âm nhạc không mang tính cách tự phát nên cũng không còn mang
đặc tính phản ảnh xã hội mà chỉ còn là phản ảnh của đường lối, chính sách của
Ðảng đề ra trong mỗi giai đoạn.
Cũng từ lời nói của Tuân Tử, tôi dựa vào
âm nhạc để nghiệm thêm về người. Cha tôi và mấy chú ngày xưa thích Thiên Thai,
Trương chi, Suối Mơ... vì tất cả đều là những con người trí thức tiểu tư sản
thành thị, yêu tổ quốc, yêu đồng bào,yêu cuộc đời một cách lý tưởng. Do bản chất
tình cảm mơ mộng này mà khi bước vào con đường chính trị đối đầu với một địch
thủ mưu mô tàn bạo, các người nếu không bị cộng sản lợi dụng thì cũng đã bị thất
bại chua cay. Tôi thích bản Ðàn chim Việt vì tôi hay ước mơ tưởng tượng mà lại
có quá nhiều tình cảm yếu đuối, thiếu cương quyết trong hành động nên thường
không thực hiện được những điều tôi muốn làm mà hầu như buông xuôi theo số mệnh
an bài. Còn chính con người tác giả của những bản nhạc trên thì như thế nào?
Trong cuốn băng, Văn Cao đã bộc lộ về mình:
"Tôi sinh vào mùa thu....Tôi thích mùa thu
vì mùa thu có cái ấm, cái se lạnh của nó....Mùa thu đem đến cho tôi nhiều tưởng
tượng nhất..." Khi đối diện với tình yêu thì Văn Cao lại "...dở giao lưu với
phái nữ..." và khi đối diện với cuộc đời thì "....tôi là con người luôn luôn
thất bại..." để rồi chỉ còn biết tìm cho mình những giấc mơ "...giấc mơ đưa tôi
mường tượng ngày tháng cũ, tìm thấy kỷ niệm, và tìm ra những gì đã mất trong
những ngày trẻ tuổi của tôi..." Dĩ nhiên Văn Cao chưa phải đã nói lên hết những
ý nghĩ thật của mình. A¨nh mắt xa vời và có một lần còn có cái khoát tay ra hiệu
chấm dứt đột ngột lời phát biểu của mình truớc ống kính quay phim cho tôi thấy
Văn Cao đang gượng gạo. Văn Cao đã để lộ cái dấu vết ám ảnh của những kiềm chế
tích lũy một đời người vì Văn Cao vẫn đang sống dưới chế độ cộng sản. Cuốn băng
được thực hiện không ngoài mục đích tuyên truyền cho chính sách cởi mở của Nhà
nước cộng sản Việt nam trong giai đoạn hiện tại. Còn biết bao mơ ước và suy tư
về một lý tưởng cao đẹp cùng với hoài bão của một đời người không hề được Văn
Cao đả động tới.
Trong lời dẫn nhập nguyên nhân đưa đến
hứng cảm sáng tác bản Ðàn chim Việt, Văn Cao chỉ nói vỏn vẹn như sau :"Tôi yêu
một người con gái...mà tôi không ngỏ lời với người ta....Nhưng mà họ hiểu, và họ
đến với tôi...thành ra mới có cái chuyện là em đến tôi một lần...(hừ)...thì cái
đó là một cái mối tình câm...mà rồi để lại cho đời mình thành một bài hát. Thế
thôi! Không có cái gì nữa." Với đôi mắt nhìn ơ hờ, miệng cười khẽ và cái gật gật
đầu gần cuối câu nói cho tôi cái cảm tưởng hình như Văn Cao đang tránh né cái
điều ông ta không muốn nói. Và nếu căn cứ theo cái tựa của bản nhạc cũng như lời
ca trong bài thì rõ ràng điều Văn cao nói với nội dung lời ca được trình bày
không có một chút liên quan nào cả.Tôi bỗng nhớ lại bản Bến Xuân và chợt nghĩ ra
rằng Văn Cao đang nói về Bến Xuân chứ không phải Ðàn chim Việt. Lời ca trong Bến
Xuân mới đúng là lời ca nói về một mối tình nào đó:
" Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân....."
Nếu như vậy thì hẳn là Văn Cao đầu tiên đã cảm hứng từ mối
tình để sáng tác nên bài Bến Xuân. Về sau, khi tham gia phong trào Việt minh,
xúc động trước cao trào yêu nước của dân tộc, Văn Cao đã đổi lời cho phù hợp với
hoàn cảnh chung của đất nước và đặt cho cái tên là Ðàn chim Việt. Nhưng tại sao
nhà dựng bộ phim ca nhạc cho trình bày Ðàn chim Việt mà Văn Cao lại không có lời
nào đả động đến ý nghĩa của lời ca theo như trong bài này? Ðây phải là một uẩn
khúc.
Tôi không có ý định viết về Văn Cao theo
kiểu khảo luận con người và tác phẩm mà chỉ muốn trình bày một vài suy tư của
tôi do ảnh hưởng của một số bài hát ông ta đã sáng tác nên tôi không đi sâu vào
lãnh vực nghiên cứu và phân tích. Tôi chỉ biết rằng, từ Bến Xuân đổi thành Ðàn
chim Việt, chỉ một chút này đã gây cho tôi không biết bao hoang tưởng về cuộc
đời, của tôi, của ai đó, của dân tộc.
Tôi ngày ấy là một đứa trẻ hay tưởng tượng,
thích những câu truyện thần tiên nhẹ nhàng, sống trong một môi trường mà cha chú
đều nhiệt tình với quê hương và dân tộc, lại được truyền thu giòng nhạc yêu nước
của thời đại, tôi đã đón nhận Ðàn chim Việt như một truyện thần tiên đến với
mình. Và cũng giống như truyện thần tiên, Ðàn chim Việt đã đưa tôi vào thế giới
của những ám ảnh về sự an bài của định mệnh. Tôi lại nghĩ, nếu Bến Xuân cứ mãi
là Bến Xuân, cuộc đời của Văn Cao có lẽ cũng khác hơn cuộc đời mà ông ta đã sống.
Rời bỏ bến nước êm đềm để nhập vào
"...lũ chim giang hồ.....dật dờ trên khắp cố đô ....
về nơi hoàng hôn Thái nguyên tung hoành
Rừng Bắc sơn (4) kia thời vung cánh..." [ Văn Cao_Ðàn chim Việt ]
Văn Cao xa lìa thế giới thơ mộng để lao mình vào một xã hội
đấu tranh cho một lý tưởng. Nhưng âm điệu và tiết tấu cùng lời lẽ của bài Ðàn
chim Việt không phải là âm điệu tiết tấu hay lời lẽ thôi thúc người ta hành động
mà là âm điệu lời lẽ có tính cách mơ màng và gợi nhớ mênh mang. Vốn bản chất
nhiều mơ mộng nên Văn Cao đã nhìn cuộc đấu tranh theo chiều hướng mơ mộng của
mình. Cho nên về sau khi thấy mình đã bị lợi dụng và cuộc đấu tranh không phục
vụ đúng những lý tưởng cao đẹp mà mình mơ ước thì Văn Cao cũng chỉ đành ấm ức mà
thôi.
Sau khi suy đoán về Văn Cao tôi lại ngẫm
nghĩ về mình. Nếu như ngày ấy không có Ðàn chim Việt mà chỉ có Bến Xuân đến với
tôi vào cái tuổi giàu tưởng tượng hoang đường, tôi có bị ám ảnh với những ý
tưởng về một đàn chim thân yêu cứ ríu rít, dật dờ, giang hồ, tung hoành, vung
cánh nhưng cuối cùng lại chỉ còn là lòng ngập ngừng, tha hương, thiết tha, lưu
luyến một trời xa với lại vương vấn về xưa...(5) để rồi thấy chính đời mình hình
như cũng chỉ mở ra một viễn ảnh mông lung? Bến Xuân chỉ là niềm mơ tưởng của một
cuộc tình, mà như tôi đã nói, tình yêu đâu đã có gì mê hoặc được tôi vào tuổi ấy.
Vậy thì từ Bến Xuân qua Ðàn chim Việt quả là một sự chuyển hướng đánh dấu cho
một bước ngoặt của đời người, bước ngoặt của cả lịch sử.
Do cứ suy nghĩ vẩn vơ từ khi xem cuốn
video Tình Khúc Văn Cao mà sau khi nghe lại nhiều lần những lời hát quen thuộc
đã từ lâu vắng tiếng, nhìn người nhạc sĩ tôi yêu mến nhưng lần đầu tiên tôi biết
được dung nhan thì chỉ còn là hình ảnh một ông già mệt mỏi và gần như có vẻ an
phận với đời, tôi lại tiếp tục thả hồn vào tưởng tượng, lấy các tựa đề bản nhạc
của Văn Cao đem ghép lạïi thành một bài thơ như sau:
Từ xa rời cõi "Thiên Thai"
Kìa! "Ðàn Chim Việt" lạc loài về đâu?
Qua bao lần "Thu Cô Liêu"
"Cung Ðàn Xưa" vẫn nâng niu bên mình
"Suối Mơ" dù cạn nỗi niềm
Vẫn còn vang vọng mối tình "Trương Chi"
"Mùa Xuân Ðầu Tiên" về chưa?
Có còn nghe "Tiến Quân Ca" trong lòng?
"Nhớ Bắc Sơn" lỡ một lần
Cuộc đời từ đấy như "Buồn Tàn Thu"
Tôi không biết khi đem tên các bản nhạc của Văn Cao ghép lại
thành bài thơ trên tôi có diễn đạt đúng phần nào tâm tư và cuộc đời của ông ta
hay không. Nhưng điều ấy cũng chẳng mấy quan trọng vì như trên tôi đã nói, tôi
không hề có ý làm một thiên khảo cứu về người nhạc sĩ này mà chỉ cốt trình bày
những suy tư tưởng tượng của tôi về một người nhạc sĩ đã mang lại cho tôi nhiều
ấn tượng. Tôi còn định gửi riêng cho ông ta bài thơ này như món quà giao duyên
giữa người nhạc sĩ tên tuổi và một kẻ ái mộ vô danh, nhưng chưa thực hiện được
thì tôi lại được tin ông đã mất. Lại một lần nữa, tôi vẫn không làm được cái
điều tôi muốn làm.
Ðối với Văn Cao, khi Nhà nước cộng sản
Việt nam cho thực hiện cuốn băng video ca nhạc Tình khúc Văn Cao trong giai đoạn
họ đang cần tỏ ra với thế giới bên ngoài là họ đã có cởi mở và đổi mới thì chính
ông ta lại cũng đang bị họ khai thác và lợi dụng vào mục đích tuyên truyền có
lợi cho họ. Nhưng dù sao thì đây cũng là một sự kiện khôi phục lại phần nào tên
tuổi cho Văn Cao, cái tên tuổi mà chính họ, những người cộng sản Việt nam đã một
thời cố dìm vào bóng tối của lãng quên.
Tôi nghe nói gần đây ở trong nước có phong
trào hát nhạc tiền chiến. Người ta còn tổ chức những buổi trình diễn nhạc riêng,
giới thiệu từng nhạc sĩ thuộc nhóm lão thành như Ðêm nhạc Ðoàn Chuẩn, Ðêm Văn
Cao... Tôi không biết người ta còn rung cảm nổi với âm điệu thanh thoát mơ màng
của người sáng tác, hay người ta chỉ biết hát theo thời thượng? Hơn nữa, chút
niềm vui an ủi cuối đời này không biết có đủ sức xoá đi những năm tháng sống âm
thầm lo vật lộn với cuộc sống khó khăn về vật chất và bao nhiêu gò bó về tinh
thần của người nhạc sĩ hay không? Tôi lại càng không biết. Nhưng tôi tin chắc là
dù sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, Văn Cao vẫn không bao giờ ngừng đi vào thế
giới mộng tưởng của mình, như lời ông diễn đạt trong thơ:
Dưới mái nhà
Một người đang ngủ
Với giấc mơ của những vì sao
[thơ_Văn Cao]
Bây giờ thì Văn Cao thật đã ngủ yên " với
giấc mơ của những vì sao ". Còn tôi đang ngồi đây, ở chỗ nửa vòng địa cầu cách
xa tổ quốc, suy nghĩ về Văn Cao mà thương cho quê hương, nhớ về ngày tháng cũ,
để rồi thấy mình tiếp tục bị ám ảnh về những suy tư của những " Vì sao ? "
và đầu tiên được đăng trên Ðặc san Ða Hiệu số 43 phát hành tháng 7 năm 1996
ĐOÀN VĂN KHANH
_______________
1 Tình Khúc Văn Cao_Video 13_Trung tâm Thùy Dương phát hành
2 Tiến Quân Ca là bài Quốc ca của nước Việt nam dân chủ cộng hòa. Sau cuộc thống nhất đất nước năm 75, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ra đời vẫn giữ nguyên bài Quốc ca trên. Người Quốc gia vẫn quen gọi đó là bài quốc ca Việt cộng.
3 xem Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như Nguyễn văn Ngọc
4 Ðịa danh nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa của Việt minh thời tiền Cách mạng tháng 8
5 những từ ngữ trong lời ca của bài Ðàn chim Việt
_______________
1 Tình Khúc Văn Cao_Video 13_Trung tâm Thùy Dương phát hành
2 Tiến Quân Ca là bài Quốc ca của nước Việt nam dân chủ cộng hòa. Sau cuộc thống nhất đất nước năm 75, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ra đời vẫn giữ nguyên bài Quốc ca trên. Người Quốc gia vẫn quen gọi đó là bài quốc ca Việt cộng.
3 xem Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như Nguyễn văn Ngọc
4 Ðịa danh nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa của Việt minh thời tiền Cách mạng tháng 8
5 những từ ngữ trong lời ca của bài Ðàn chim Việt
No comments:
Post a Comment