Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Thursday, February 7, 2013

Chung Một Chuyến Đò

Tùy bút 



1.- TỪ MÙA THU SẦU MUỘN ÐẾN THU CÁCH MẠNG

Thực ra tôi chưa bao giờ biết mùa thu ở miền Bắc gợi cảm như thế nào, vì từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ sống quanh quẩn trên những vùng đất mà quanh năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Do đó mà những hình ảnh hay xúc cảm về thu trước đây của tôi cũng chỉ là những hình ảnh hay xúc cảm tưởng tượng từ ảnh hưởng của thi ca cổ điển và âm nhạc lãng mạn tiền chiến. Tuy thế, mấy tiếng "Thu Cách mạng" hay "Cách mạng Mùa thu" lại có vẻ như là một sự kết hợp kỳ lạ, vừa có vẻ thơ mộng, vừa mang tính đấu tranh, khiến cho tôi vẫn luôn luôn cảm thấy tâm hồn mình nửa như xúc động, nửa như ray rứt mỗi khi nghe nhắc đến mấy tiếng này.

Mùa thu là mùa cảnh vật bắt đầu đi vào sự tàn tạ và lòng người thì mang đầy nỗi nhớ thương luyến tiếc một cái gì sung mãn đã qua đi, cho nên mùa thu cũng là mùa đem lại cho những tâm hồn nghệ sĩ nhiều hứng cảm cũng như tưởng tượng để sáng tác. Trong văn chương từ cổ chí kim, đã có không biết bao nhiêu áng thơ văn xoay quanh đề tài này. Riêng vào thời kỳ tiền Cách mạng 45, cũng có nhiều văn nghệ sĩ của phong trào thơ mới nhạc mới, có lẽ đã xúc động trước những nỗi đau lòng về vận nước nhưng không biết phải làm gì, nên cũng đã quay ra tìm nguôi ngoai trong lời thơ tiếng nhạc và chỉ còn biết diễn tả những tình cảm của mình qua những lời lẽ than khóc cùng Thu.

Trong số các thi sĩ cũng như nhạc sĩ trẻ tuổi của phong trào lãng mạn thời bấy giờ đã có nhiều người dựa vào nguồn cảm hứng từ thu mà sáng tác nên nhiều tác phẩm được truyền tụng. Một Lưu Trọng Lư nổi tiếng với thi tập Tiếng Thu. Về âm nhạc, Văn Cao sáng tác bản nhạc đầu tay Buồn Tàn Thu vào lúc 16 tuổi. Ðặng Thế Phong, một nhạc sĩ tài hoa nhưng mệnh yểu, tuy sáng tác không nhiều, nhưng những bản nhạc do ông viết ra hầu hết đều nói về thu như Giọt Mưa Thu, Ðêm Thu, hoặc bối cảnh vẫn là thu như bản Con thuyền không bến.

Tôi không biết ở vào cái tuổi niên thiếu lúc bấy giờ khi sáng tác nên bản nhạc, người nhạc sĩ này có điều gì u uẩn ở trong lòng, vì tiểu sử của ông không nhắc đến và ông ta chết khi còn quá trẻ, lúc cách mạng chưa xảy ra, nhưng đối với tôi bây giờ, khi nghe lời ca và âm điệu của bài hát, không những tôi chỉ hình dung đến một con thuyền lênh đênh trên sông Thương vào một đêm thu với một nỗi niềm mông lung mà nó còn làm cho tôi liên tưởng đến vận nước trong giòng lịch sử từ khi toàn dân vùng lên đi làm cuộc cách mạng đổi đời. Bài hát đã gợi lên cả một nỗi niềm mông lung làm xao xuyến lòng người:

Ðêm nay thu sang cùng heo may
Xa trông sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng....

Từ cái hình ảnh một con thuyền lờ lững trôi xuôi này, người nhạc sĩ đã tưởng tượng đến một cái gì vô định trong giòng đời để rồi chỉ nhìn ra một tương lai không bờ bến:

Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi nao
Trên con sông Thương, nào ai biết nông sâu...

Và cũng chính từ cái viễn ảnh mông lung với một con thuyền lênh đênh không biết đâu là bến bờ này đã gợi lên cho tôi không biết bao suy nghĩ về những diễn tiến lịch sử của cuộc cách mạng dân tộc vừa qua và tôi cảm thấy những lời này cũng gần như hàm ý một sự tiên đoán về vận mệnh của dân tộc.
 
Có thể nói rằng thế hệ thanh thiếu niên của thời tiền cách mạng đều mang trong lòng một tình yêu tổ quốc và đồng bào, cho nên dưới lớp vỏ tình cảm ủy mị của những thương vay khóc mướn này, thực ra là cả một tấm lòng khao khát tự do và hạnh phúc cho dân tộc đang phải sống một cuộc sống lầm than dưới ách thực dân và phong kiến thời bấy giờ. Bên cạnh những nghệ sĩ giàu tình cảm đang bộc lộ nỗi xót xa về niềm mong ước không thể biến thành hiện thực của mình, thì cũng có không biết bao nhiêu người trai trẻ khác đã biến đổi những tình cảm thương xót thành hành động đấu tranh chống lại những thế lực đang đè nén lên người dân, để có thể giải phóng cho dân tộc.
 
Khi nói đến cách mạng là nói đến hành động để mang lại một cái gì đổi mới, tốt đẹp hơn cho con người, cho nên cách mạng đòi hỏi con người phải biết dùng ý chí cương quyết hành động để có thể đạt được mục đích. Do đó mà trong đấu tranh cách mạng, con người thường phải biết nghe theo lý trí và hy sinh tình cảm yếu mềm. Nhưng mùa thu không phải là mùa thôi thúc người ta hành động, nhất là những hành động có tính cách mãnh liệt, mà mùa thu lại là mùa gợi lên cho lòng người những tình cảm nuối tiếc những gì thuộc về quá khứ hơn là hướng về sự xây dựng một cái gì tốt đẹp hơn cho tương lai.
 
Thế mà cuộc cách mạng của dân tộc Việt nam lại bắt đầu từ một mùa thu, và từ mùa thu của những tình cảm thương vay khóc mướn đã chuyển thành mùa thu cách mạng, với khí thế sôi sục căm thù những gì là bất công và áp bức. Mùa thu không còn là mùa thu ủy mị mà là mùa thu của những tấm lòng nhiệt tình ra đi cứu nước xây đời. Nhưng hình như từ mùa thu của những tình cảm sướt mướt bước qua mùa thu cách mạng hào hùng, mùa thu vẫn cứ là cái khối tình cảm u buồn đè nặng lên con người không hơn không kém.
 
Mùa thu là tác động của định luật thiên nhiên, còn cách mạng là hành động của con người trong xã hội. Như vậy thì trong "Thu cách mạng", tác động của thiên nhiên và hành động của con người không tương hợp với nhau. Dân tộc Việt nam đã bước vào cuộc cách mạng trong một bối cảnh thiên nhiên mang đến cho tâm hồn những tình cảm u hoài hơn là ý chí hành động theo lý trí. Phải chăng đó cũng giống như là một cái điềm tiên báo cho cuộc cách mạng sẽ không thành vì ngay từ khi bắt đầu cuộc khởi nghĩa, người dân đã bồng bột để cho lòng thương đồng bào đói khổ và tình yêu quê hương đất nước chi phối khiến cho các kẻ lãnh đạo mị dân dễ dàng lung lạc lôi cuốn vào những hành động phiêu lưu không suy tính. Từ chỗ không phân biệt được thế nào là cách mạng hiểu theo nghĩa chân chính, người dân đã vô tình bị những nhà lãnh đạo mị dân lợi dụng đưa vào những sai lầm bế tắc để rồi cứ bị vướng mắc vào đấy khiến cho không bao giờ thực hiện được cái điều mong muốn chung của toàn dân mà ngay cả những ước mơ bồng bột lúc ban đầu cũng càng ngày càng thấy nhạt phai.
 
Ðó cũng là lý do sau này khi nghe nói đến Thu cách mạng hay cuộc Cách mạng mùa thu, tôi lại thấy lòng như nuối tiếc một nét đẹp lịch sử đã qua đi hơn là ghi nhớ khởi điểm của một cuộc cách mạng, vì thực ra ý hướng này đã bị phá vỡ do tham vọng sai lầm của những kẻ lãnh đạo và sự bồng bột nhẹ dạ của người dân, khiến cho công lao của toàn dân vùng lên làm cách mạng không mang lại kết quả mà chỉ còn lại hai tiếng Cách mạng mùa thu như là một âm vang tiếc nhớ trong lòng của mỗi người dân thiết tha với Tổ quốc và dân tộc.
 
  
2.-CÂY ÐA BẾN CŨ CON ÐÒ KHÁC ÐƯA

Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ, con đò khác đưa
Cây đa bến cũ còn lưa
Con đò sớm thác, thủa xưa đi rồi

Mấy câu ca dao trên có lẽ chỉ là sự bộc lộ niềm tiếc nuối của một khách đa tình mà trong một dịp qua đò nào đó đã thầm yêu một cô lái đò duyên dáng bên một bến sông, nhưng rồi khi trở lại bến đò xưa thì cô lái đò không còn nữa. Trong đời tôi, không mấy khi có dịp đi đò nên tôi cũng chưa bao giờ có cái diễm phúc thấy mình cũng biết tương tư một cô lái đò xinh đẹp. Tuy nhiên tôi lại thấy mình yêu mấy câu ca dao này một cách kỳ lạ, và đâm ra nghĩ ngợi về những cơ hội lỡ trong đời của con người. Từ những nuối tiếc ơ hờ này tôi lại suy nghĩ miên man về một mùa thu vẫn thường được nhắc tới trong lịch sử : Thu cách mạng, để rồi thấy tâm hồn mình thêm nuối tiếc cho một cơ hội lỡ trong lịch sử của dân tộc. 
 
Bên bến nước Tiên Rồng, cái gốc đa phong kiến cũng đã già được bốn ngàn năm và con đò quân chủ cũng đã mục nát, không còn khả năng chở dân tộc Việt nam theo kịp với trào lưu tiến bộ trên thế giới. Ngay cả Trung quốc, nước láng giềng khổng lồ với chế độ quân chủ phong kiến ngàn đời từng làm mẫu mực cho nền quân chủ phong kiến Việt nam cũng đã đứng lên làm cuộc cách mạng lật đổ Thanh triều để trở thành một nước dân quốc. Xã hội Việt nam cũng đang cần thiết một cuộc cách mạng.
 
Nhưng dân tộc Việt nam cho đến giữa thế kỷ 20 vẫn còn là một dân tộc bị trị, nghèo đói và lạc hậu. Trừ một thiểu số được hấp thụ nền học vấn Tây phương, manh nha một ít tư tưởng mới là muốn có những sự cải cách, đại đa số nhân dân vẫn chỉ là những người thất học, quanh năm vất vả với cuộc mưu sinh theo những phương thức lạc hậu cổ truyền, không biết gì hơn ngoài con trâu cái cày với cánh đồng làng và lũy tre xanh.
 
Mặc dù dân tộc Việt nam vẫn tự hào có bốn ngàn năm lập quốc, nhưng kể từ khi có sử, thì chỉ có hai ngàn năm, trong đó một ngàn năm bị Tàu cai trị và một ngàn năm kế tiếp dù có giành được quyền tự chủ, nhưng cái ám ảnh bị người Trung hoa thôn tính lúc nào cũng đè nặng trong tâm tưởng. Ðể tự bảo vệ mình, người dân Việt nam từ ngàn xưa vẫn quen sống thành làng có lũy tre xanh bao bọc. Nước dùng cho mọi sinh hoạt thường lấy từ ao. Do đó mà lũy tre xanh và cái ao vẫn là những hình ảnh tượng trưng cho quê hương với nếp sống giản dị thanh bình và luôn luôn gợi lên trong lòng người dân Việt một nỗi niềm tha thiết.
 
Trong trình độ bán khai với nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, con người thường phải tùng phục các điều kiện thiên nhiên, do đó con người thường có khuynh hướng trông chờ vào những thế lực bên ngoài hơn là tin vào sức mình như lời mô tả trong bài ca dao:

...Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng , đá mềm
Trời êm, biển lặng, mới yên tấm lòng

Ðiều này khiến cho người dân dễ nảy sinh thái độ thụ động. Trong vũ trụ, thiên nhiên có hài hòa hay không là do một ông Trời sắp đặt. Nếu Trời thương dân, cho mưa thuận gió hoà thì con người đỡ vất vả và no ấm. Nếu ông Trời độc ác, thích hành hạ con người, gây ra thiên tai bão lụt thì con người đành chịu đói khổ. Trong xã hội cũng có một cái trật tự như trong thiên nhiên. Nước có yên và dân có an cư lạc nghiệp hay không là tùy vào vị quân vương làm chủ. Nếu vua anh minh và đức độ thì dân được hạnh phúc. Ngược lại nếu gặp phải hôn quân bạo chúa thì nhân dân đành phải lầm than. Sự tin tưởng này tạo cho đa số người dân một thái độ cầu an và mặt khác, đối với một thiểu số nào đó có tham vọng thống trị thì lại mang cái tư tưởng muốn coi mình là minh chúa để cho người khác tôn phò.
 
Nếp sống bảo thủ và thụ động làm cho con người cảm thấy gắn bó với những cái gì đã trở thành quen thuộc và gần gũi với mình hơn là thích tìm kiếm những sự thay đổi mới lạ. Mấy ngàn năm qua, cái ao nhà Việt nam, hay đúng hơn, cái nền văn hóa của dân tộc đã nuôi dưỡng con người Việt nam về mặt tinh thần để chống lại sự đồng hóa của người Trung quốc hầu tiếp tục trường tồn đã khiến cho người Việt nam lúc nào cũng thấy mình tha thiết, hầu như không bao giờ quên được cái ao nhà, cho dù nó trong hay nó đục.
 
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn 

Nhưng thời thế đã đổi thay. Những phát minh khoa học kỹ thuật áp dụng vào đời sống do người Pháp sang cai trị mang lại cũng đã len lỏi vào nếp sống của người Việt nam cho nên dù muốn dù không, người Việt nam cũng đã bắt đầu làm quen với những tiện nghi mới lạ và nhận thức được bên ngoài cái lũy tre xanh che khuất tầm mắt mình cũng có nhiều cái hay lạ. Có thể nói năm 1945 đúng là một cơ hội tốt cho người Việt nam làm một cuộc cách mạng: Nhật đầu hàng Ðồng minh và sự bất lực của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trước hiện tình đất nước tạo nên một khoảng trống chính trị, đồng thời người dân Việt nam cũng đã quá phẫn uất vì những bất công trong cuộc sống của người dân bị trị dưới hai tầng áp bức của thực dân Pháp và phát xít Nhật, cũng như đã chịu đựng quá nhiều đau thương trong trận đói năm Ất Dậu nên tất cả đều sẵn sàng chung một lòng tìm một sự đổi thay tốt đẹp hơn. Và cuộc cách mạng dân tộc đã bùng nổ vào mùa thu năm đó.
 
Thực dân và phong kiến đã bị lật đổ, người dân đang làm chủ đất nước mình và nắm trong tay vận mệnh của mình. Trên con đò mang tên dân chủ, mọi người bắt đầu thay đổi cách xưng hô và nô nức hô hào cùng nhau đoàn kết để thực hiện cuộc cách mạng. Những từ ngữ mới lạ như tự do, dân chủ, bình đẳng v.v..., trở thành phổ biến trong mọi tầng lớp, nhưng ý nghĩa của những từ ngữ này như thế nào thì hình như cũng chẳng có mấy ai chịu tìm hiểu.
 
Khi bàn về dân chủ, một số nhà nghiên cứu đã dựa vào những nhận xét về cách thức tổ chức làng xã của người Việt nam hay hình thức giải quyết những vấn đề quốc gia đại sự như lần triệu tập Hội nghị Diên hồng dưới thời nhà Trần, để cho rằng dân tộc Việt nam vốn có một truyền thống dân chủ từ lâu đời. Ðiều này tuy đúng nhưng dù sao thì cái tinh thần dân chủ này vẫn phát xuất từ cảm tính chứ không phải được xây dựng trên những nguyên tắc của lý trí suy luận. Do đó khi người Việt nam rủ nhau vùng dậy theo những người khởi xướng làm cuộc cách mạng đổi đời có phải vì họ muốn xây dựng một xã hội mới theo tinh thần Dân chủ, Tự do, Bình đẳng như người Tây phương quan niệm hay không? Theo tôi nghĩ thì ngoại trừ một thiểu số trí thức quan tâm đến chính trị, đại đa số người dân chỉ vì mong muốn một cuộc sống ấm no yên lành, cho nên động cơ chính khiến họ nghe theo cách mạng vùng lên lật đổ chế độ phong kiến là do cuộc sống cùng cực và nhất là do trận đói khủng khiếp đang xảy ra lúc bấy giờ. Người dân cảm thấy mình không có con đường nào khác hơn là vùng lên phá bỏ cái cơ chế hiện tại vì cho rằng đó chính là bạo chúa đang gây cho mình đói khổ. Còn cái chuyện xây dựng lại một cơ chế mới như thế nào thì người dân vốn bản chất hiền hòa, ít chịu suy luận mà thường ỷ lại vào minh chúa, cho nên cứ việc phó thác cho cấp lãnh đạo.
 
Như vậy là đại đa số người bình dân, thành phần tích cực nhất trong cuộc cách mạng, đã đến với cách mạng trước tiên như là đến với một vị thần linh hay một vị minh chúa xuất hiện để cứu dân qua cơn hoạn nạn. Họ không hiểu cách mạng là gì và như thế nào mới là cách mạng cùng những tôn chỉ mà cách mạng đề ra, nhưng tin vào cách mạng bằng tình cảm của kẻ cô thế được người nghĩa hiệp ra tay giải thoát thì phải biết mang ơn và đem thân đền đáp. Nắm được cái tâm lý này của người dân nên những người làm chính trị của phe phái nào cũng cố nặn ra hình ảnh một lãnh tụ anh minh để thu phục lòng người. Từ đó mới nảy sinh ra những huyền thoại về lãnh tụ như một nhân vật phi thường hay những bài hát suy tôn lãnh tụ được tung ra với mục đích làm cho người dân bị mê hoặc vì những hào quang giả tạo để rồi cứ nhắm mắt tin tưởng vào những lời chỉ dạy của lãnh tụ như một vị minh chúa mà không còn biết chính người dân cũng phải suy nghĩ và hành động như thế nào.
 
Còn những người đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng thì lại mang nặng cái đầu óc nghĩa hiệp của những kẻ muốn làm chuyện cứu đời, hoặc là chỉ biết mù quáng chạy theo một chủ nghĩa ngoại lai, cho nên một khi nắm được quyền hành thì đều trở thành câu nệ và cố chấp, cho nên bản chất anh hùng tự tôn lại nổi dậy, tự coi mình như là minh chúa để rồi bắt mọi người phải nhắm mắt tuân phục mình cho dù mình đúng hay sai.
 
Cũng vì thế mà khi cuộc khởi nghĩa xảy ra rồi thì những khẩu hiệu như "tự do", "dân chủ", "bình đẳng"..., chỉ còn là cái bình phong để che mắt những người có tư tưởng cầu tiến, và là lá bùa để cho người nắm quyền hành sai khiến người dân, còn thực chất thì các nhà lãnh đạo chỉ biết nghĩ đến mục tiêu hay quyền lợi của đảng phái mình mà thôi.
 
Với cái tinh thần như thế, cuộc cách mạng vô tình đã bị làm mất đi tính chất đích thực là xây dựng dân chủ để mưu cầu một sự đổi mới tốt đẹp hơn cho mọi người mà còn trở thành phong kiến hơn cả thời phong kiến. Cái lề lối suy nghĩ cũ cùng với cái tư tưởng nhân trị vẫn nằm trong cốt tủy của mỗi người khiến cho những tư tưởng dân chủ pháp trị không có chỗ len chân, cho nên dù có thay con đò quân chủ bằng con đò dân chủ thì chẳng qua cũng chỉ là cái tên gọi, còn thực chất thì cái gốc đa ngàn đời phong kiến và cái bến cũ có lũy tre xanh vẫn còn đó khiến cho cơ hội qua đi và cách mạng rốt cuộc cũng chỉ còn là một danh từ rỗng.

   
3.-SÔNG THƯƠNG NƯỚC CHẢY ÐÔI GIÒNG

Sông Thương nước chảy đôi dòng
Trai quên vợ, gái quên chồng, thì lên

Câu ca dao này mô tả một hiện tượng tự nhiên của một con sông ở miền Bắc, có lẽ cũng chẳng liên quan gì đến lịch sử, nhưng cái hình ảnh "nựớc chảy đôi dòng" mà câu ca dao trên đề cập đến lại nhắc nhở tôi đến cái con thuyền không bến của nhạc sĩ Ðặng Thế Phong để rồi lại liên tưởng đến một con thuyền và một giòng sông trừu tượng: con thuyền Việt nam trên giòng sông lịch sử của thời đại. Và chính trên giòng sông lịch sử này cũng đã có không biết bao cảnh "trai quên vợ, gái quên chồng" do thời thế tạo ra.
 
Thực ra tôi không rõ con sông Thương nước chảy đôi giòng là chảy theo cách nào, nhưng khi nhìn vào bối cảnh lịch sử thế giới với những trào lưu chủ nghĩa từ các cường quốc đổ ra đang tranh chấp nhau cũng như đang ra sức lôi cuốn những quốc gia nhược tiểu vào trong giòng chảy của mình ở thế kỷ 20 này thì quả đúng là con thuyền cách mạng của Việt nam đang trôi trên một giòng sông Ðau Thương có hơn hai giòng nước.
 
Vào kỷ nguyên mà một quốc gia không thể nào chỉ đóng khung trong quốc gia mình mà bất cứ một diễn tiến nào trong nước cũng có liên hệ với những diễn tiến trên thế giới thì cái vấn đề ảnh hưởng quốc tế đối với nội tình của một nước không làm sao tránh khỏi. Tuy nhiên nhiều lúc tôi thầm nghĩ : Giả sử cuộc cách mạng dân tộc của Việt nam xảy ra vào một thời điểm khác, hay không bị vướng vào trong cái thế là mục tiêu tranh chấp của các cường quốc, hay là dân tộc Việt nam có được những người lãnh đạo khác khôn ngoan và sáng suốt hơn những người lãnh đạo lúc bấy giờ, thì con thuyền Việt nam có đến nỗi phải lâm vào một hoàn cảnh bi đát như đã xảy ra trong suốt nửa thế kỷ vừa qua hay không?
 
Thoạt nhìn qua thì cuộc cách mạng của dân tộc Việt nam xảy ra vào một thời điểm mà tình hình thế giới có vẻ như là thuận lợi. Thế chiến 2 kết thúc với sự thắng lợi của phe Ðồng minh và chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt. Phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị trị đang lan rộng khắp nơi. Tây phương đang bắt đầu xây dựng lại niềm tin của mình sau cơn khủng hoảng, và một kỷ nguyên hòa bình mới đang mở ra cho nhân loại. Nhưng tại Việt nam thì cuộc khởi nghĩa của toàn dân vùng lên lật đổ chế độ quân chủ tuy thành công nhưng cuộc cách mạng giành độc lập và xây dựng dân chủ lại không đạt được kết quả. Lý do của sự thất bại này ngoài nguyên nhân chủ quan là con người, còn một nguyên nhân khách quan nhưng lại vô cùng quan trọng, đó là vị trí địa lý của nước Việt nam.
 
Nếu dân tộc Việt nam yêu mến mảnh đất quê hương hiền hòa của mình thì các cường quốc cũng nhìn thấy nơi mảnh đất ấy một vị trí chiến lược tốt cho nên đều tỏ vẻ thèm muốn. Sự quyết định của phe Ðồng minh phân chia Việt nam thành hai vùng để cho quân đội Trung hoa và quân đội Anh vào giải giới quân đội Nhật đã mở đường cho thực dân Pháp lợi dụng thời cơ theo chân quân đội Anh ở nam vĩ tuyến 16 để quay trở lại Nam kỳ. Trung hoa cũng muốn nhân cơ hội có quân đội mình hiện diện ở phía bắc vĩ tuyến 16 để lập lại ảnh hưởng của mình đối với Việt nam mà một thế kỷ qua đã bị mất về tay người Pháp. Cuộc cách mạng của dân tộc Việt nam là một sự đối đầu với những ý đồ đó.
 
Do thái độ không dứt khoát của Hoa kỳ và ảnh hưởng của Nga sô chưa tác động mạnh tại vùng nam Thái bình dương nên Pháp đã thỏa hiệp với chính quyền lâm thời của Việt nam để loại Trung hoa ra khỏi miền bắc ngõ hầu dễ bề tái chiếm Việt nam. Nhóm Cộng sản kiểm soát chính quyền lâm thời của Việt nam cũng muốn lợi dụng Pháp để tiêu diệt các đảng phái quốc gia đối lập với mình. Nhưng sau đó thì xung đột Pháp Việt lại xảy ra đưa đến phong trào toàn quốc kháng chiến chống thực dân đã làm cho cuộc cách mạng xây dựng dân chủ của Việt nam lại phải chuyển thành cuộc chiến tranh giành độc lập.
 
Tiếp theo đó là sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản do Nga sô lãnh đạo khiến cho thế giới lại rạn nứt và rơi vào cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và khối cộng sản. Nhiều cuộc chiến tranh giải phóng khác cũng xảy ra tại các xứ thuộc địa cũ. Người Pháp thấy không còn hy vọng tái lập chế độ thuộc địa tại Ðông dương nên điều đình trao trả độc lập cho một chính phủ quốc gia ngõ hầu tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình. Cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc Việt nam vì thế cũng trở thành phức tạp và bị biến đổi về bản chất. Hành động của Nga sô biến các nước Ðông Âu thành chư hầu cộng sản của mình cùng với sự chiến thắng của cộng sản Trung hoa tại lục địa Á châu, đã khiến cho Hoa kỳ lo ngại và thay đổi chính sách. Ðể áp dụng chủ thuyết Domino vào việc ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc cộng sản, Mỹ bắt đầu can thiệp mạnh hơn vào vùng Ðông nam A¨ và hất chân Pháp ra khỏi Ðông dương để cho mình kiểm soát vùng đất chiến lược này. Thế là con thuyền Việt nam vô tình lâm vào vùng nước xoáy khiến cho không làm sao thoát ra được.
 
Các nhà lãnh đạo trong nước thì hoặc vì chỉ biết mù quáng tin vào một chủ nghĩa ngoại lai, hoặc vì thiếu chủ trương và thực lực, nên đều quay dựa vào một thế lực nào đó ở bên ngoài để yểm trợ cho mình, từ đó mà đi đến chỗ phân hóa và tranh chấp nhau, để rồi quên đi tất cả mục tiêu chính yếu của cách mạng dân tộc mà chỉ còn biết vận dụng dân chúng vào con đường đấu tranh tiêu diệt nhau để củng cố quyền hành cho phe phái mình. Hậu quả là hàng ngũ dân tộc bị chia rẽ, đất nước bị chia cắt theo ý đồ của ngoại bang, để rồi sau đó lại tiếp tục bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa những người Việt nam với nhau.
 
Như vậy là khi cuộc cách mạng dân tộc của Việt nam xảy ra thì cũng là lúc mà con thuyền Việt nam phải trôi trên giòng sông lịch sử thời đại đang có những trào lưu đối kháng. Những người lèo lái thì hoặc là không đủ tài cán, hoặc là quá cuồng tín vào một chủ nghĩa cho nên không biết hợp nhau để vin vào sức mình rồi nương theo giòng nước mà đi, trái lại cứ tranh giành nhau lèo lái khiến cho con thuyền cách mạng bị lao vào giòng nước xoáy để rồi cứ bị dằng co giữa những giòng nước ngược chiều nhau mà bập bềnh trôi nổi, không còn tiến lên được mà cũng chẳng còn biết đâu là bến bờ.

 

4.-THẰNG BỜM VÀ CHÚ CUỘI VỚI CON THUYỀN LÊNH ÐÊNH

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu...

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ới ời...

Trong kho tàng văn học dân gian Việt nam có hai nhân vật vui cười thường được mọi người đem ra làm đề tài để chế diễu nhau, đó là thằng Bờm và chú Cuội. Có thể nói Bờm và Cuội là hai mẫu cá tính tương phản. Bờm ngây ngô, khờ khạo, thật thà đến độ gần như đần độn, chỉ thích an phận thủ thường. Cuội là một kẻ khôn ngoan ranh mãnh và luôn luôn dối trá. Người ta thương cái ngây ngô khờ khạo của Bờm và chê cái dối trá ranh mãnh của Cuội, nhưng cũng không mấy ai cảm thấy phải ghét bỏ Cuội.
 
Thật tình thì Cuội không phải là một kẻ chuyên lừa bịp gian xảo. Chỉ vì Cuội hay lơ đễnh trong công việc nên dễ gây ra lầm lỗi và vì sợ bị trừng phạt nên mới nảy ra những kế lừa bịp để chống chế cho mình hoặc tìm cách đổ tội cho người khác để mình thoát nạn. Còn như người khác sở dĩ có bị Cuội lừa gạt là cũng vì do thâm tâm của họ cũng có những tham muốn hay là mong ước ngầm mà chính Cuội lại đánh trúng vào cái thâm ý đó.
 
Tuy Bờm và Cuội chỉ là hai nhân vật tưởng tượng trong ca dao và truyện kể, nhưng tôi cho rằng đây cũng chính là hình ảnh điển hình cho hai nét mâu thuẫn nổi bật trong cá tính chung của con người Việt nam. Vốn bản chất hiền hòa và giàu tình cảm, hay có lòng thương người và thích điều thật thà, nhưng có lẽ do suốt một ngàn năm bị người Trung hoa cai trị, lúc nào cũng bị đám quan lại người Tàu bóc lột và hà hiếp khiến cho con người Việt nam cảm thấy có những lúc cũng cần phải biết xảo trá quỷ quyệt để qua mặt đám người Tàu thống trị hầu có thể sống còn. Lâu dần tính đó ăn sâu vào tiềm thức rồi hòa nhập vào bản chất nguyên thủy để trở thành một bản tính có nhiều mặt mâu thuẫn.
 
Dĩ nhiên là trong thực tế không có ai hoàn toàn như Bờm hay như Cuội mà có người mang trong mình cái bản chất của Bờm nhiều hơn bản chất Cuội, và ngược lại cũng có một số người bị cái bản chất Cuội lấn át, khiến cho trong cách xử sự, có kẻ được người khác coi như Bờm và cũng có những kẻ bị gán cho là Cuội. Nhưng nói chung thì Bờm hay là Cuội cũng đều là những mẫu người thiển cận, cố chấp, nông nổi, hay làm liều chứ không suy luận theo lý trí. Với cái bản tính như vậy, khi người Việt nam rủ nhau đi làm cách mạng, có thật đúng là họ muốn làm cách mạng hay không? Ðây là cái điều vẫn gây cho tôi nhiều suy nghĩ.
 
Có thể nói là bất cứ người Việt nam nào cũng yêu quê hương, yêu người cùng chung một giòng giống. Trong lịch sử cũng đã từng có những lần dân tộc Việt nam một lòng đoàn kết để chống lại quân xâm lăng như trong những lần phá Tống, diệt Nguyên v.v.... nhưng một khi có được nhà lãnh đạo nào đó muốn tạo ra những sự cải cách như Hồ Quý Ly hay Nguyễn Huệ, thì hầu như tất cả những cố gắng trên đều thất bại, vì không được người dân hưởng ứng. Lý do là người dân thường quyến luyến với tất cả những gì đã trở thành quen thuộc nên đâm ra e ngại những chuyện đổi thay.
 
Trong trường hợp Cách mạng mùa thu cũng thế. Do thời cuộc xui khiến cuộc cách mạng lại gắn liền với cuộc chiến tranh chống thực dân giành độc lập cho nên lúc ban đầu cũng chính vì lòng yêu nước thúc đẩy mà người dân tham gia vào cách mạng. Về sau do biến chuyển của tình hình và sự phát triển từ từ của ý thức về chính trị, người dân mới đành phải chấp nhận những đổi thay mà có lẽ trước đó họ không bao giờ nghĩ tới.
 
Cái tư tưởng trở về với nếp sống yên vui của một cuộc đời bình lặng như bao nhiêu thế hệ cha ông ngày xưa không phải chỉ tiềm tàng trong đầu óc người nông dân Việt nam, mà ngay cả trong tâm hồn của các văn nghệ sĩ tham gia những ngày đầu kháng chiến cũng đã vẽ lên những hình ảnh như những bức tranh đẹp về những ước mơ ngàn đời này của dân tộc.

Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh ra đi diệt thù...
Từ ngày chinh chiến mùa thu...
( Nhớ người thương binh - Phạm Duy )

Những người thanh niên, con yêu của Tổ quốc, giã biệt xóm làng, tạm bỏ cái cày và mảnh ruộng ra đi chiến đấu xa nhà là cũng vì mục đích để cho những người thân yêu ở lại được sống yên vui và chờ đợi ngày những người con ra đi trở lại với cánh đồng cũ, cho dù:

Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre...
Ngày trở về, có anh thương binh chống nạng cày bừa.....
...có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ...
( Ngày trở về - Phạm Duy )

Cũng vì cái bản chất Bờm và Cuội tiềm tàng trong mỗi con người cho nên trong khi hô hào cùng nhau làm cách mạng thì người bình dân vẫn không chịu làm quen với cách suy luận theo lý trí mà vẫn thích lý luận theo bản năng tình cảm cho nên vẫn cứ là nhẹ dạ, cả tin vào những lời nói thuận tai nghe có tình có nghĩa , phù hợp với những ước mơ có tính chất hiện tượng của mình. Còn những người trí thức thì do suy nghĩ theo luận lý nên quay ra thích nếp sống riêng tư cho nên có vẻ như tách rời khỏi quần chúng. Vì lẽ đó mà người cộng sản khôn ngoan quỷ quyệt hơn, đã len lỏi đi vào với quần chúng để khai thác cái yếu điểm tâm lý này, nhờ thế mà họ đã dễ dàng tranh thủ được cảm tình của người dân nghe theo họ.
 
Có thể nói là những người Việt nam đầu tiên tìm đến với chủ nghĩa cộng sản cũng là do cái bản chất thiển cận và cố chấp cố hữu trong người khiến cho họ vội tưởng là họ đã tìm ra chân lý và trở thành mù quáng trong niềm tin của mình để rồi quyết tâm biến đất nước mình thành nước cộng sản. Do đó mà khi đã tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng và nắm được quyền hành trong tay, họ đã dùng cái chiêu bài đấu tranh giai cấp, đưa thành phần bần cố nông lên làm cán bộ thừa hành để cho họ dễ sai khiến và tạo cho dân chúng cái ảo tưởng như thế là hành động cách mạng, để rồi dựa vào đó mà thẳng tay đàn áp hay tiêu diệt trí thức, địa chủ và tôn giáo, những thành phần đối lập nguy hiểm cho họ. Dân chúng là những thằng Bờm ngây ngô dễ tin và chỉ nhằm vào những cái thiển cận nên cứ bị lừa. Cuội lại đang cầm trong tay nắm xôi của Bờm nên Bờm đành cứ phải chạy theo Cuội.
 
Với cái tinh thần nặng phần cảm quan mà yếu về mặt duy lý, nhưng lại cứ nói về cách mạng với những điều như là dân chủ pháp trị, tự do và bình đẳng thì quả là nghịch lý. Do đó mà những từ ngữ như Ðộc lập, Tự do, Dân chủ, Bình đẳng v.v... người Việt nam thường hiểu không hoàn toàn giống như được định nghĩa trong quan niệm triết học chính trị của người Tây phương, và riêng đối với những người cộng sản Việt nam thì những từ ngữ này còn được diễn dịch thành những ý niệm khác hẳn. Những người trí thức tiến bộ nhìn thấy sự phản bội của cộng sản đối với dân tộc, muốn truyền bá quan niệm tự do dân chủ chân chính hay muốn làm một cuộc cách mạng thật sự, thì lại lâm vào cái thế lưỡng nan : người dân thường không chịu hiểu họ, và quốc tế cũng không muốn ủng hộ hay nhìn nhận những người có đầu óc quốc gia dân tộc. Do đó mà những người có khuynh hướng tự do không thể sống với chế độ cộng sản, muốn tạo cho mình một chỗ đứng, lại phải chạy theo các cường quốc đối địch với cộng sản để mong được ủng hộ hay giúp đỡ, nếu không muốn thấy mình cũng sẽ lại bị tiêu diệt. Từ chỗ đó, dân tộc trở thành phân hóa, mất lòng tin, và đâm ra nghi ngờ tất cả những gì được gọi là cách mạng.
 
Cũng vì cái bản chất Bờm và Cuội đã khiến cho người Việt nam trong suốt thời gian qua không nắm được cái tinh thần của một cuộc cách mạng cho nên đã rơi vào cái vòng luẩn quẩn của những sự tranh chấp, đối đầu nhau, vì tin theo những điều lừa dối, che đậy, xuyên tạc, đả kích nhau phát xuất từ sự lãnh đạo của những đầu óc cố chấp và phong kiến bị ngoại bang sai khiến, và vô tình bị lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh trường kỳ với không biết bao nhiêu là hy sinh và mất mát để rồi lại bị các cường quốc chia cắt. Cuộc di cư của một triệu người trốn chạy cộng sản từ miền Bắc vào Nam và sự tập kết của một số người từ Nam ra Bắc đã gây ra không biết bao nhiêu vết thương lòng cho những gia đình phải phân ly.
 
Nhưng sự chia cắt đất nước chỉ là một hành động giải quyết tạm thời phát xuất từ chiến lược toàn cầu của những thế lực siêu cường đang tranh nhau quyền bá chủ, cho nên khi mà sự tranh chấp chưa ngã ngũ thì hòa bình cũng không thật sự đến mà chiến tranh lại tiếp tục xảy ra với dân tộc Việt nam. Từ những thương đau và đổ nát của cuộc chiến tranh, con người mất đi sự tin tưởng vào một cái gì tốt đẹp về tinh thần nên đành cứ bám vào những ước mơ rất Bờm và hành xử như Cuội để mong được sống còn.
 
Cuối cùng thì cũng do chiến lược của các siêu cường mà những người không cộng sản đã bị phe tư bản bỏ rơi khiến cho họ lại phải thêm một lần nữa phải trốn chạy ra nước ngoài, để cho người Cộng sản thôn tính luôn Miền Nam và đưa cả nước vào con đường phiêu lưu của việc thực hiện chủ nghĩa không tưởng của họ. Như vậy là rốt cuộc thì cả người cộng sản lẫn người không cộng sản đều không ai thực hiện cuộc cách mạng thực sự, mà chỉ núp bóng hai tiếng cách mạng để tiêu diệt nhau và làm tay sai cho ngoại bang mà thôi.
 
Hai triệu người chết đói là một vết thương đau mở đường cho dân tộc Việt nam vùng lên làm cách mạng để rồi bị sa lầy vào hai cuộc chiến ròng rã 30 năm với không biết bao nhiêu triệu người nữa đã phải hy sinh, chung quy cũng chỉ vì con người Việt nam đã để cho cái bản chất Bờm và Cuội thao túng tư duy và hành động của mình. Qua không biết bao nhiêu máu và nước mắt của người dân đổ ra để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc cho mình và con cháu mình theo như niềm tin tưởng lúc khởi đầu cuộc cách mạng, người dân chưa bao giờ thấy được ánh sáng của cách mạng mà ngay cả chút mơ ước tầm thường được sống yên lành với nếp sống bình dị ngàn đời cũng không còn nữa. Con thuyền Việt nam lại tiếp tục lênh đênh không biết đâu là bờ bến và dân tộc Việt nam vẫn đành cứ phải ngậm ngùi cho cái thân phận hẩm hiu của mình:
"... bốn ngàn năm ròng rã buồn vui...khóc cười theo vận nước nổi trôi..." (Tình ca - Phạm Duy).


5.-GIA TÀI CỦA MẸ VÀ NHỮNG QUẢ DƯA ÐỎ

Vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến tranh Việt nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sáng tác một số ca khúc liên quan đến chiến tranh và được nhóm du ca phổ biến, nhưng chính quyền Miền Nam lúc bấy giờ thì lại lên án vì cho rằng đây là những bài ca có tác dụng làm nhụt ý chí chiến đấu của quân dân Miền Nam và vô tình làm lợi cho đối phương. Trong số những bài ca này có bài Gia tài của Mẹ đã gây cho tôi nhiều suy nghĩ:

Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ, để lại cho con
Gia tài của Mẹ: một nước Việt buồn...

Tôi cho rằng khi sáng tác những bài hát liên quan đến cuộc chiến này, Trịnh Công Sơn chỉ nhìn vào thực trạng đau thương do chiến tranh đang gây ra tại Miền Nam với bom đạn của Mỹ đổ lên đầu dân tộc chứ không có ý gì đả động đến Miền Bắc vì thực ra Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ chưa hề biết Miền Bắc và cũng không hiểu chế độ cộng sản ở Miền Bắc như thế nào. Tuy nhiên với bài Gia tài của mẹ thì có thể nói đây quả là một lời lên án chung cho cuộc chiến tranh phi lý này và một tiếng khóc chung cho cả dân tộc, không riêng gì cho một giai đoạn còn đang tranh chấp vừa qua mà còn cho đến cả bây giờ, khi cuộc chiến đã kết thúc và người cộng sản không ngớt hô hào đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
 
Những con người cộng sản bây giờ không còn đối tượng là quân xâm lược hay kẻ nội thù để phải đấu tranh hay dùng đó làm cái bia hứng chịu những sai lầm của mình, nhưng cái chủ nghĩa mà họ du nhập vào với mộng tưởng thiết lập một thiên đường hạ giới trên mảnh đất nghèo nàn lạc hậu cũng chẳng mang lại được một chút ấm no hạnh phúc nào cho dân tộc vì với cái ranh mãnh của Cuội, họ chỉ giỏi lừa dối, tráo trở và khoác lác để cưỡng bức người dân nghe theo mình trong việc đả phá đối phương chứ không có khả năng xây dựng xã hội theo những nguyên tắc dân chủ khoa học. Về kinh tế thì với cái bản chất Bờm, họ cũng không thể nào tạo cho mình cái trình độ và kiến thức cần thiết để biết cách làm cho dân được ấm no, mà chỉ biết khuyên dân chúng " thắt lưng buộc bụng" mà thôi.
 
Trước đây họ là con cờ trong ýđồ bành trướng của Cộng sản quốc tế. Ngày nay thế giới đều nhận thức được sự lỗi thời của chủ nghĩa này, và ngay cả tại xứ sở của cha đẻ ra chế độ cộng sản cũng không còn là cộng sản, nhưng cũng vì cái bản chất Bờm và Cuội khiến cho người cộng sản Việt nam vẫn cứ bám víu vào cái lý thuyết đó để mà tồn tại.
 
Ðối với những người không cộng sản thì dù muốn dù không họ cũng đã phải nhìn nhận sự thất bại của mình. Biến cố 1975 khiến cho nền Cộng hòa tại miền Nam bị sụp đổ và cuộc di tản vĩ đại của những con người trốn chạy cộng sản đã mở đường cho một sự ra đi tìm cuộc sống mới ở xứ người. Từ con thuyền mẹ Việt nam lênh đênh đã tạo ra không biết bao nhiêu chiếc thuyền con lênh đênh cùng với sóng gió biển Ðông. Lần này, những con người Việt nam phải xa xứ mới thực sự là những kẻ lưu vong và mang tâm trạng của kẻ bị lưu đày để rồi nhớ về quê hương cũ mà thấy lòng xa xót.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Câu ca dao trên trước đây có thể chỉ cốt diễn tả nỗi nhớ nhà của một người con gái đi lấy chồng xa nhưng ngày nay câu ca dao đó cũng có thể dùng để nói lên nỗi niềm nhung nhớ của bất cứ một ai phải sống xa quê nhà. Xưa kia, sự xa cách có thể chỉ mới là một cánh đồng hay một con sông nhỏ ngăn cách hai làng, nhưng ngày nay thì sự xa cách lại càng thêm diệu vợi vì phải tính bằng đại lục hay đại dương.
 
Nơi quê hương cũ thì người dân qua bao đời quen chịu đựng nay lại tiếp tục âm thầm chịu đựng. Nói như thế không có nghĩa là người dân sống dưới chế độ cộng sản không bao giờ biết phản kháng, nhưng những sự phản kháng thường lẻ tẻ hoặc có tính chất tiêu cực hơn là dẫn đến hành động. Lý do khiến cho sự chống đối không gây thành bạo động cũng không ra ngoài cái nguyên nhân cố hữu, đó là bản chất cầu an và thụ động chỉ trông chờ có minh chúa của người dân, và trong khi minh chúa chưa xuất hiện thì người dân lại cứ đành học theo Cuội " lách lòn lươn lẹo " để mà sống. Còn đối với chế độ thì cho dù là họ có oán ghét, họ cũng chưa có thể làm được gì ngoài cái việc truyền tụng với nhau những câu chuyện châm biếm hay mỉa mai cho nguôi ngoai phần nào những phẫn uất đang đè nặng trong người.
 
Trên đất nước người thì những con người Việt nam phải bỏ nước ra đi cho dù cuộc sống vật chất có đem lại cho họ ít nhiều tiện nghi thoải mái hơn, nhưng lúc nào cũng cứ phải chạy theo tốc độ của nhịp sống quay cuồng của nền văn minh khoa học kỹ thuật, con người Việt nam lại càng thấy tâm hồn mình như lạc lõng nên lại càng thêm thiết tha nhớ về quê mẹ. Do đó mà cái nỗi "ruột đau chín chiều" của những người Việt nam ly hương ngày nay không phải chỉ là nỗi tiếc nhớ ngôi nhà đầm ấm có những người thân yêu quây quần với nhau mà còn là sự cảm thương cho người ở lại phải sống đọa đầy.
 
Tuy nhiên những con người Việt nam lưu vong cũng không làm được gì hơn vì nếu không bị vướng vào cái mặc cảm thất bại cùng với tư tưởng cầu an thì lại mang nặng đầu óc xôi thịt, anh hùng cá nhân, hay muốn làm minh chúa, khiến cho họ vẫn chưa bao giờ có được cái tinh thần cầu tiến để hành động. Do đó mà đa số hầu như cũng chỉ còn có mỗi một điều quan trọng là lo thích nghi với nếp sống mới. Ngoài ra nếu có còn thương quê hương thì cũng chỉ biết bấu víu vào những kỷ niệm cũ để tự an ủi và trong nỗi xót thương người ở lại thì cũng không còn cách bộc lộ nào khác hơn là gửi tiền gửi quà về giúp đỡ những người thân yêu cho trọn tình trọn nghĩa.
 
Huyền sử Việt nam có câu chuyện Sự tích quả dưa đỏ. Xưa, An Tiêm bị vua Hùng nghi ngờ nên đã bị đày cùng với vợ con ra hoang đảo, nhưng nhờ vào những quả dưa đỏ mà An tiêm đã trồng được khi sống trên hoang đảo gửi về cho vua Hùng mà vua Hùng hiểu được tấm lòng trung trực của An tiêm nên đã cho phép An tiêm được trở về kinh thành.
 
Nhưng đó là điều xa xưa. Ngày nay những quả dưa đỏ dưới hình thức những món quà hay món tiền mà những con người Việt nam tha hương gửi về quê mẹ có bao giờ làm cho các ông vua phong kiến mới của thời đại mở mắt ra không thì lại là một vấn đề khác hẳn. Trong thực tế, những món quà tình nghĩa từ các phương xa gửi về cho người ở quê mẹ tuy có làm cho đời sống của một số người bớt cơ cực, nhưng cũng là điều kiện để cho những người cộng sản có phương tiện củng cố địa vị của mình để thụ hưởng sau bao nhiêu năm dài nhịn ăn nhịn mặc. Ðại đa số người dân vẫn cứ tiếp tục kéo dài cuộc sống khó khăn và âm thầm chịu đựng với niềm ước mơ trông chờ một cuộc cách mạng xảy ra có vẻ như càng ngày càng nhạt phai.
 
Cái gia tài văn hóa Việt nam được xây dựng bằng tình cảm nhiều hơn lý trí nên con người Việt nam dễ sinh tình quyến luyến những gì đã qua đi khiến cho con người vẫn cứ quẩn quanh với những tình cảm có tính cách hiện tượng. Chính vì thế mà con người Việt nam vẫn chưa lập được cái thế quân bình cần thiết giữa lý trí và tình cảm trong lề lối tư duy để có thể thực hiện một cuộc cách mạng thực sự. Xã hội Việt nam vì thế vẫn chưa có thể tiến hóa, quốc gia Việt nam vẫn cứ là con thuyền lênh đênh trên giòng sông lịch sử, và cái cứu cánh tối hậu là hạnh phúc của dân tộc vẫn chỉ là một viễn ảnh xa vời như lời trong bài Con thuyền không bến của nhạc sĩ Ðặng Thế Phong:

Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong...

Từ những suy nghĩ trên, tôi lại càng cảm thấy lòng như tiếc nuối cho cuộc cách mạng mùa thu của dân tộc Việt nam vừa qua, tuy có là một ngọn lửa ấm nhưng vừa mới bùng lên đã bị dập tắt. Cái hành động dũng cảm của hàng triệu người nhất tề vùng lên cướp chính quyền để xây dựng một cuộc sống tự do dân chủ đã bị một nhóm người cuồng tín và mị dân cướp công để rồi dẫn dắt cuộc cách mạng vào chỗ bế tắc khiến cho tất cả những gì còn lại của cái hình ảnh hào hùng kia chẳng qua cũng chỉ là một chút kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi người.
 
Mai đây, những thế hệ về sau khi lần lại trang sử Việt, đọc đến giai đoạn lịch sử này có thể chỉ còn nhìn thấy nơi đây một bài học lịch sử để mà rút kinh nghiệm chứ không còn là những kỷ niệm để mà xa xót. Tuy nhiên đối với những con người Việt nam của những thế hệ vừa qua, có liên hệ đến cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng tự do dân chủ cho dân tộc, thì cho dù họ là những kẻ đang nắm quyền bính, là người dân sống dưới chế độ mà họ chấp nhận hay buộc lòng chấp nhận, hay là những con người thất bại phải bỏ chạy ra nước ngoài nương thân, hay những kẻ đã đành tâm lìa bỏ quê hương để mưu tìm một cuộc sống mới, thì dù muốn dù không, đối với lịch sử dân tộc trong suốt giai đoạn vừa qua, họ đều là những kẻ đã cùng chung một chuyến đò. 
 
ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment