Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 2, 2013

Từ cơm tới cháo và... cháo heo

Phiếm luận


Kể từ khi con người thoát khỏi tình trạng “ăn lông ở lỗ” để tiến sang thời kỳ văn minh và có văn hóa thì cái ăn cũng trở thành phức tạp và cầu kỳ ra. Nhờ tìm ra lửa, con người không còn “ăn tươi nuốt sống” như các loài sinh vật khác, nhưng ăn cái gì và ăn bằng cách nào thì do bản chất vốn là loài tạp thực, cho nên bất cứ thứ gì biết nhúc nhích hay chỉ nằm yên tại chỗ trên quả đất này mà khi cho vào bao tử đều có thể tiêu hóa được và không gây ra sự ngộ độc chết người nào là con người xơi xả láng hết, chỉ khác hơn con vật ở một điểm là con người biết chế biến sao cho các thứ đó trở thành các món ăn “dành cho người” trước khi bỏ vào miệng.

Tuy nhiên, với sự gia tăng không ngừng của dân số trong khi nguồn thực phẩm tự nhiên có sẵn thì ngày càng cạn kiệt, khiến cho giòng giống người nếu không muốn bị tuyệt chủng thì không thể nào cứ buông trôi “nằm chờ sung rụng” mà cũng phải tìm cách sản xuất ra lương thực ngõ hầu đủ đáp ứng cho cái “miệng ăn núi lở” của mình. Do đó, bất cứ thứ gì mà con người sản xuất ra và chế biến cho mình có thể nhai và nuốt hàng ngày để sống đều là thực phẩm, và những tiếng như “cơm” hay “cháo” và hàng ngàn danh từ khác nữa, chỉ là những cái tên mà con người đặt ra để gọi và phân biệt những món thực phẩm khác nhau mà con người đã làm ra.

Vì con người phải “có làm mới có ăn” cho nên mỗi dân tộc do điều kiện địa lý, môi trường sinh sống và phương thức sản xuất của mình mà có những nguồn lương thực chủ yếu riêng, cho nên món ăn căn bản hàng ngày vẫn là những thứ được chế biến từ nguồn lương thực chính tự cung tự cấp đó. Dân ta cũng giống như nhiều dân tộc ở châu Á thì chủ về trồng lúa cho nên ta “được ăn cơm”, Tây chỉ biết trồng lúa mì nên phải ăn bánh mì, còn mấy ngài xì dầu “hằm bà lằng xắng cấu” thì vừa trồng lúa nước vừa lúa mì cho nên ngoài món cơm còn xơi luôn cả món mì sợi.

Kể ra thì gạo tức phần nhân của hạt lúa cũng có thể xay thành bột rồi chế biến thành nhiều món khác nhau như bún, các thứ bánh làm bằng bột gạo v.v… nhưng phải gia công quá nhiều, chỉ có cơm là món giản tiện nhất, lại được coi là món ăn chính để lấp đầy cái bao tử trong các bữa ăn thường ngày, trong khi thịt cá rau quả v.v… trở thành những món “đưa cơm”, cho nên hễ mà thiếu cơm là coi như thiếu tất cả. Cũng vì vậy mà khi dân ta có ăn món gì khác rồi, nhưng đến bữa ăn vẫn nhớ đến cơm và tưỏng chừng như chưa ăn cơm là chưa thực sự ăn. Điều này chỉ cần nhìn vào các bữa tiệc hay đình đám là thấy ngay, vì sau khi đã ăn đầy đủ những món thịt cá, sơn hào hải vị rồi, người ta cũng phải nạp thêm một ít “cơm chiên” nữa cho thật chắc bụng.

Do tiếng “cơm” đã thấm sâu vào tiềm thức cho nên khi gặp nhau người ta hay hỏi nhau đã “ăn cơm chưa” hoặc nhằm bữa ăn thì cũng lịch sự mời nhau “ăn cơm” dù có thể là đang ăn khoai vì không có gạo nấu. Còn dân Tàu có lẽ do bản tính háu ăn hơn dân ta cho nên vừa gặp nhau thay vì chào hỏi nhau trước tiên theo kiểu mấy ông Tây bà Đầm: “Chào ông buổi sáng… Chào bà buổi tối” v.v… thì đã vội hỏi nhau: “Cái lị xực cơm chưa”? Ngoài ra, khi rủ nhau đi ăn nhà hàng, ta cũng có thể hỏi ý kiến nhau nên đi ăn “cơm Tây”, “cơm ta” hay “cơm Tàu” mặc dù nhà hàng Tây không bán cơm giống ta.

Cũng vì cơm là nguồn sống của con người cho nên bất cứ những công việc nào hạp hay không hạp với sở nguyện của người làm công việc đó, nhưng lại được họ dùng làm cái kế sinh nhai đều được coi như là cái “cần câu cơm” của họ, và khi họ khư khư không muốn bị ai tranh mất công việc làm này thì chẳng qua cũng chỉ là nhằm bảo vệ cái “nồi cơm” của mình mà thôi. Chính vì thế mà khi một người nào đó bị đuổi việc, hay nguồn lợi tức sinh sống đó bị tước đoạt mất thì coi như người đó đã bị “bể nồi cơm” vậy.

Trong xã hội nông nghiệp ngày xưa, khi thuê mướn người làm, dân ta cũng hay dùng tiếng “nuôi cơm” để chỉ cách cho người khác ăn cơm hàng ngày thay vì trả công bằng tiền. Còn người đi làm công thì lúc nào cũng phải tuân theo sự sai bảo của chủ cho nên người ta mới nói: “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”. Tuy nhiên cũng có những người quá rảnh rỗi nhờ khỏi lo lắng về miếng ăn đâm ra buồn chán nên thường lăn xả vào làm những việc, có khi chỉ là “việc ruồi bu” và không được trả công, thì người ta bảo là những kẻ chuyên “ăn cơm nhà, vác ngà voi”. Còn những người chỉ biết “ăn cơm nhà nọ kháo cà nhà kia” hoặc chuyên lợi dụng cơm nhà này để cho mình có cái ăn nhưng lại đi làm việc cho nhà người khác theo kiểu “ăn cây táo, rào cây sung”, là những người đã hành động giống như kẻ phản bội. Dựa vào những câu tục ngữ này mà ngày nay trong lãnh vực chính trị người ta đẻ thêm ra những câu tương tự như: “Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”, “Ăn cơm Việt thờ ma Tàu” v.v…

Tuy nhiên, khi nghe dân chuyên nghề môi giới hay chạy mánh mung thương lượng với các thân chủ đang có những “áp phe” cần “làm ăn” với nhau nói câu: “Ông anh có cơm ăn thì em cũng có cháo húp” thì phải hiểu tiếng “cơm” ở đây không phải chỉ là cơm ngày ba bữa, mà còn là những món lợi nhuận to tát mà các “ông anh” tức là những người trực tiếp trao đổi “làm ăn” với nhau sẽ kiếm được, còn “cháo” là khoản hoa hồng phải chia cho người môi giới cũng phải theo tầm vóc của “cú áp-phe” trên mà thay đổi, cho nên nếu “cơm” đủ cho ông anh tha hồ mua sắm nhà cửa xe cộ, ăn toàn cao lương mỹ vị, thì “cháo” cũng phải đủ cung cấp cho “chú em” có được “thịt cá cơm canh” hàng ngày chứ không phải là cháo suông, để chú em có sức mà tiếp tục ung dung sống bằng cái “nghề nước bọt”của mình.

Có lẽ vì đầu óc lúc nào cũng quen nghĩ đến cơm mà dân ta mới dùng luôn từ này để ví von ngay cả khi đề cập đến những chuyện phòng the. Vào cái thủa mà “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng” thì bà nào có lỡ bị chồng bỏ chồng chê cũng chỉ đành bấm bụng mà than:

Chàng ơi bỏ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng

Nhưng đây chỉ là chuyện “cơm nguội” của cái thời các bà nhà ta còn tin vào lời giáo huấn của cụ Khổng dạy để chỉ biết lo “cơm nước” cho chồng kia, chứ ngày nay nam nữ đều bình đẳng, lại nhờ thiên hạ biết phát minh ra “mai-cồ-guê” thì đâu còn cơm nào là cơm nguội nữa đâu, cho nên nếu đức ông chồng nào đã sẵn có “cơm no bò cỡi” mà còn ham đi ăn “phở” rồi về nhà chê “cơm nguội” thì coi chừng có ngày chỉ còn nước “ăn chổi chà, ăn dao phay” mà thôi.

Tuy nhiên “cơm chay” thì lại là cơm ăn với các thứ rau quả, tương chao hoặc đậu phụ chứ không có thịt cá mà các vị tăng ni và Phật tử dùng hàng ngày để tránh việc sát sanh, tu tâm dưỡng tính, nhưng lại có một số Phật tử có lẽ do lòng trần chưa dứt nên đã bày vẽ ra những món ăn chay giả thịt cá để ăn cho khỏi phạm giới luật nhưng vẫn không mất đi mùi tục lụy. Còn “cơm chùa” thì cũng là cơm chay nhưng do nhà chùa nấu hoặc do các thiện nam tín nữ cúng dường cho chùa và nhà chùa mang ra đãi khách thập phương đến vãn cảnh hay lễ chùa. Vì cơm chùa ăn khỏi trả tiền cho nên khi ăn ở đâu, dù là “ăn mặn”, mà khỏi trả tiền, cũng được coi là “ăn cơm chùa” luôn. Ngoài ra, mấy tiếng này còn được hiểu như thế nào nữa thì tôi không biết nên không dám bàn.

Vì tiếng cơm có ý nghĩa quan trọng như thế cho nên từ hàng ngàn năm qua, khi muốn nêu lên cái mục tiêu mà con người cần phải đạt để đảm bảo cho cuộc sống của mình, dân ta cũng chỉ cần tóm gọn thành câu tục ngữ: “cơm ăn áo mặc”, và cái mơ ước đời người của dân ta cũng chỉ là thấy mình luôn được “no cơm ấm áo”. Chả trách ca dao ta có câu:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm…

Thế nhưng, cái niềm mong ước tưởng chừng như rất đơn giản và bình thường đó từ hàng ngàn năm qua vẫn cứ là ước mơ đối với không biết bao nhiêu người, chỉ vì lớp thì do “trời không thương”, làm ra bão lụt, hạn hán gây nên mất mùa; lớp lại do “người không xót”, vì “cái khó bó cái khôn” khiến cho hầu như ai cũng sẵn sàng dẵm đạp lên nhau để mà tranh sống. Thế là xã hội mới nảy sinh ra “kẻ khôn người khó”. Kẻ khôn thì luôn tìm cách tích lũy thêm của cải cho đầy cái túi tham của mình ngõ hầu có thể tha hồ mà “no cơm ấm cật rậm rật khắp nơi”, còn người khó thì chỉ biết cam lòng với số phận “bữa cơm bữa cháo”, hoặc có khi còn tệ hơn nữa là cứ phải “bữa cháo bữa rau”.

Rau đây không phải là “rau sạch” trồng trong nhà kiếng mà là bất cứ loại rau cỏ dại nào mọc hoang ngoài bờ ngoài bụi mà con người có thể tìm thấy và có thể nuốt vào mà không lăn quay ra chết đều là rau cả. Món này thì không còn ai rành bằng mấy ngài “lưu trú sinh” trong các trường “đại học cải tạo”, hay mấy ngài được ưu tiên xếp hạng đi “kinh tế mới” kể từ khi dân ta có “đảng lãnh đạo”.  

Chính vì cái bệnh ghiền cơm này mà một khi người ta không kiếm ra đủ lượng gạo để nấu cho đầy nồi cơm thì người ta phải cho thêm một vài thứ khác kém dinh dưỡng hoặc rẻ tiền hơn như bắp, bo bo, khoai mì, khoai lang v.v… cùng nấu chung với gạo để cũng coi là cơm nhưng được gọi là “cơm độn” hay “cơm ghế”, và mặc dù món cơm này không được bổ và ngon như cơm trắng, nhưng ít ra nó cũng giúp làm đầy cái bao tử lúc nào cũng háu đói của mình. Tuy nhiên có khi ngay cả những thứ dùng để độn ấy cũng không thể đào đâu ra thì người ta mới xoay ra dùng số gạo ít ỏi đó đem ra nấu cháo ăn thay cơm.

Cháo cũng như cơm là món ăn đơn thuần bằng gạo nấu với nước cho chín để ăn, nhưng cháo khác cơm ở chỗ khi nấu cháo thì lượng nước được dùng phải nhiều hơn để cho hạt gạo nở bung ra thật nhừ, và khi chín đem ra ăn vẫn còn dạng lỏng, còn cơm thì khi nấu chỉ dùng một lượng nước đủ làm cho hạt gạo vừa nở, cho nên khi chín hạt cơm phải dẻo, rời và khô, do đó khi dùng một chén gạo để nấu thành cơm, ta chỉ có vài chén thôi, nhưng nếu đem nấu cháo ta được cả chục chén. Chính vì thế mà khi ăn cháo tuy có đầy cái bao tử thật, nhưng bụng thì lỏng bỏng nước cho nên tục ngữ mới có câu: “ăn cơm chắc bụng, ăn cháo chóng đói”.

Mặc dù nguyên liệu dùng để nấu cháo thường là gạo, nhưng khi không có gạo người ta cũng có thể nấu cháo bằng các thứ nguyên liệu khác, và để phân biệt người ta thường gọi cháo nấu bằng gạo là cháo trắng hay là cháo hoa, vì hạt gạo nở toè loe như hoa gạo, còn khi nấu bằng các thứ khác thì người ta phải kèm thêm từ bổ nghĩa chỉ nguyên liệu đó mà gọi tên, chẳng hạn như cháo bột, cháo bắp, cháo bo bo v.v… Tuy nhiên đôi khi nấu cháo gạo người ta cũng có thể trộn thêm đậu xanh, đậu đen v.v… để cho ngon hơn, nhưng vì đậu thuộc loại nhiều dinh dưỡng và giá trị cao hơn gạo, nên người ta không gọi là cháo “độn” mà hãnh diện gọi là “cháo đậu” để không nhầm lẫn với “cháo trắng”, và dĩ nhiên chỉ những người “ngán cơm nên thèm cháo” mới thích ăn chứ không phải là món “chống đói” của những kẻ “chạy gạo toát mồ hôi”.

Vì cháo dễ tiêu hóa nên cũng được coi như là một món ăn nhẹ nên dân ta cũng hay dùng cho các bữa ăn lót lòng, bữa ăn phụ hay ăn thêm. Để lót lòng thì có cháo trắng, cháo đậu…, để ăn bữa phụ hay ăn thêm thì có các thứ cháo được nấu bằng gạo hoặc nếp có kèm thêm thịt cá tôm cua… và tùy theo cháo nấu với thứ gì thì người ta kèm thêm từ gọi thứ đó để đặt tên chẳng hạn như cháo lòng, cháo cá, cháo tôm cua, cháo gà, cháo vịt… cho chí cháo rắn, cháo rùa v.v… có điều là khi ăn cháo rùa thì chớ nói người khác “húp cháo rùa” vì ba tiếng này lại có ngụ ý chê là đồ chậm lụt như rùa vậy, dễ gây ra mất lòng lắm. Còn khi nói “cháo heo” cũng phải cẩn thận, vì đó không phải cháo nấu bằng gạo với thịt heo hay sườn heo, giò heo v.v… dành cho người ăn chơi hoặc bồi bổ mà lại là món cháo đặc biệt chỉ dùng để nuôi heo thôi.    

Heo tuy thuộc hàng gia súc nhưng cũng là loài tạp thực như người cho nên bất cứ thứ gì người ăn được thì heo cũng không hề từ chối. Nhưng heo cũng nổi tiếng về mặt ngu và lười biếng như tục ngữ vẫn nói: “ngu như heo”, “lười như heo”, cho nên mới bị người “rước” về để cho người “ra tay” hầu hạ. Còn người có bỏ công ra phục vụ cho heo chẳng qua vì người “khôn” hơn heo nên mới chịu khó vỗ cho heo “hay ăn chóng nhớn” hầu sớm mang ra giết thịt cho mình tẩm bổ. Đã thế, người còn “khôn” đến độ chỉ dùng những thứ mà người bỏ đi như cơm cháy, các đồ ăn thừa, canh cặn, đầu tôm xương cá… thu gom được sau các bữa ăn hay tại các cửa hàng cơm cho vào thùng đem về và gọi là “cơm heo”, nhưng heo đâu đã được ăn ngay món “cơm heo”, mà còn phải đợi cho người độn thêm thật nhiều bèo, thân cây chuối, giây lang v.v… đem băm nhỏ trộn chung với ít cám và đổ nước thêm cho thật đầy nồi, xong bắc lên bếp nấu chín thành một thức ăn sệt sệt như cháo gọi là “cháo heo” rồi mới chịu mang ra cho heo ăn.

Kể ra thì món cháo heo này chỉ hạp với khẩu vị của loài heo thôi, nhưng người có lỡ ăn vào thì cũng “chẳng chết thằng Tây nào”, cho nên nếu gặp trường hợp giống như trong vụ đói khủng khiếp từng xảy ra ở miền Bắc xứ ta vào cái năm “con gà chết tiệt” với hàng triệu người dân quê đã chết sau bao ngày tháng cầm cự với củ chuối, rau cỏ hoang, đến khi cả cỏ dại cũng không còn để mà ăn, thì đối với những người còn đang thoi thóp mà vớ được nồi cháo heo này thì cũng cầm bằng như bắt được nồi “tả pí lù” vậy.

Tuy nhiên, khi nói đến “cháo lá đa” thì lại là cháo trắng, nhưng vì được đựng trong những chiếc lá đa cuốn lại nên gọi là cháo lá đa nhằm cúng các cô hồn, tức là linh hồn những kẻ khi còn sống không nơi nương tựa, lúc chết xuống âm phủ thì lại không con cháu cúng kiếng, nên trở thành ma đói kinh niên, cả năm chỉ trông chờ có mỗi ngày rằm tháng bảy để được Diêm vương cho lên dương gian ăn xin, do đó, khi cúng cô hồn, gia chủ nào cũng phải khấn câu: “Sống thì nhờ miếng cơm, manh áo. Thác lại nhờ hớp cháo lá đa”. Sau khi cúng xong thì những chiếc lá đa đựng cháo này được gia chủ đem ra cắm ngoài đường hay gốc đa đầu làng để cho các “cô hồn sống”, tức là đám trẻ nhà nghèo tranh nhau cướp ăn .

Cái lý do khiến cho gia chủ đựng cháo bằng lá đa vì lá đa là thứ có sẵn khỏi tốn tiền mua, còn cô hồn thì đông cho nên gia chủ cũng chỉ có thể thí cho vài muổng cháo để cô hồn chỉ cần liếc qua là coi như đã ăn rồi, còn đám “cô hồn sống” thì đâu có thích “ăn lấy hương lấy hoa” mà chỉ cốt “ăn lấy no lấy béo”, cho nên nếu dùng bát đựng vài muổng cháo có khác nào bắt chúng “ăn cháo liếm bát”, hoặc khiến cho chúng giở trò “ăn cháo đái bát” để trả thù cho ăn không no mà thôi.   

Ngoài ra còn có món “cháo lú” là loại cháo chỉ nghe tên nhưng không ai biết nó ra làm sao cả vì chỉ ở âm phủ mới có. Đây là loại cháo mà Diêm vương bắt buộc những linh hồn sắp được đi đầu thai ở dương gian phải ăn trước khi rời khỏi âm phủ. Hễ kẻ nào ăn xong cháo này thì lập tức trở thành lú lẫn, không còn nhớ gì cả, từ chuyện kiếp trước cho đến ngay cả bản thân mình là ai, hầu khi trở lại chốn dương gian sẽ trở thành “con người mới” hoàn toàn, cho dù cái xã hội mà kẻ đó đầu thai vào vẫn là cái xã hội y như cũ.

Trở lại với cõi đời này thì thông thường ai cũng muốn mình luôn được ăn cơm chứ không phải là cháo, nhưng có những trường hợp người ta phải dùng cháo thay cơm vì không đủ lượng gạo để nấu thành cơm cho đủ suất ăn nên phải đem ra nấu cháo để lấy “lượng” thay “phẩm” hòng đánh lừa cái dạ dày lép xẹp của mình. Chính vì vậy mà bậc làm cha mẹ mỗi khi la rầy con cái khi thấy chúng không biết lo biết làm vẫn hay mắng: cái kiểu như mày lớn lên không đi ăn mày thì cũng chỉ “húp cháo”. Ngoài ra cũng có những trường hợp đi làm công mà gặp chủ thuộc hạng “trùm Sò” hay bạn cùng phường “khố rách áo ôm” nên cứ phải “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng” thì có than cũng bằng thừa thôi.

Cũng vì cháo là món dễ tiêu hóa, lại có thể húp rồi nuốt chứ không cần vận dụng đến răng nhai, cho nên nếu cháo chỉ là món “ăn cầm hơi” đối với những người thiếu ăn quanh năm, nhưng đối với những người như trẻ em chưa mọc răng, người đang bị bệnh nên bộ máy tiêu hóa không chịu làm việc, hoặc mấy người già cả mà cái dạ dày đã đến thời kỳ uể oải sau bao nhiêu năm tháng co bóp miệt mài, thì cháo là món ăn thích hợp nhất để cho họ duy trì sự sống. Hơn nữa, cháo để cho những người này dùng thường được nấu sao cho ngon và có kèm theo những thứ có chất dinh dưỡng cao để người ăn không ngán hay cảm thấy đói.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ăn cháo do “tự nguyện” của những kẻ “khôn quá hóa dại”, cho nên mặc dù mình có khả năng ăn cơm, nhưng vì bản tính quá hà tiện hoặc ưa chắt bóp tích lũy mong cho giàu hơn mà không nhọc xác cho nên mới chơi cái chiêu “ăn cháo để gạo cho vay” hòng kiếm lời, không ngờ lâu lâu lại bị tổ sư bịp trác cho một vố mất luôn “cả chỉ lẫn chài” rồi ngồi bấm bụng than trời. Điều này suy ra thì không phải chỉ đúng cho một số cá nhân nào đó mà có thể nói cho cả cái đám con Rồng cháu Tiên nữa.

Qua hai ngàn năm hết “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” thì lại “mẹ già cuốc đất trồng khoai” mà vẫn không đủ no, lại còn thêm cái nạn hết bị Tàu đến Tây đến Nhật hoạnh họe, rồi trận đói khủng khiếp xảy ra giết chết hàng triệu người khiến cho dân ta ai ai cũng mong ngóng có một vị thánh nhân nào đó ra đời cứu nhân độ thế cho dân đỡ khổ. Chợt đâu có một tay cáo già cùng với băng đảng mang toàn búa liềm từ rừng núi kéo về, tự xưng mình là những kẻ “vì nhân dân chiến đấu”, dùng lời ngon ngọt rủ rê tất cả hãy theo chúng vùng lên làm một cuộc “kách mệnh đổi đời” để xây dựng một xã hội mới mang no ấm đến cho toàn dân. Thế là cả đám con Rồng cháu Tiên chưa hề biết “đổi đời” hay dở ra sao nhưng cũng nhắm mắt tin theo. "Đảng búa liềm ta" bèn chợp ngay lấy cơ hội kêu gọi mọi người còn bao nhiêu vốn liếng hãy đem ra cho "đảng ta" vay để "đảng ta" làm việc lớn. Thế là sau khi đã thu gom xong từ nhúm gạo đến cả cái gia tài của cha ông để lại, "đảng ta" liền bắt mọi người phải gập lưng ra cho "đảng ta" sai bảo, ai cứng đầu cứng cổ là được "đảng ta" sẵn liềm búa trên tay đập bể ngay cái nồi cơm, hoặc huơ cho một đường “về với ông bà” là hết kêu ca.

Sau bao năm gom góp từng hạt gạo để “làm ăn” nhưng vẫn lụn bại, lại lôi kéo thêm đủ thứ “anh hùng hảo hán” tứ phương vào chia phe xẻ cánh đâm chém nhau làm cho hàng triệu người dân nữa phải tức tưởi nằm xuống thì một hôm bỗng nhiên phe “tư bản giãy chết” chán chơi cái trò đổ máu dằng dai bèn lẳng lặng cuốn gói. Thế là đảng ta “hồ hởi” ca bài “đại thắng”. Dân ta người hiểu ra thì ngơ ngác vì thấy mình lại thêm một lần nữa bị mất mát, kẻ ngây ngô thì lại reo mừng vì ngỡ rằng đã đến ngày no ấm yên vui, nào ngờ khi nhìn lại quanh mình thì vẫn chả thấy niềm “vui đời ấm no” đâu cả, mà chỉ thấy bo bo với khoai mì xuất hiện thay cho cơm gạo, còn "đảng ta" thì sau khi tranh nhau chiếm đoạt hết những thứ “phồn vinh giả tạo” của bọn “bám đít tư bản” tháo chạy bỏ lại, bèn xoay ra xẻ vụn cái gia tài của cha ông để lại đem bán rẻ cho “láng giềng gần” lấy tiền bỏ túi, rồi còn trơ trẽn tuyên bố mọi việc từ nay đã có nhà nước “no”, dân không cần “no”. Thế là đám con cháu Rồng Tiên lại ôm hận mà noi gương cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa thủa còn hàn vi: “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no…” nếu không có gan “húp cháo” rồi rủ nhau bị gậy đi kiện ông Trời.

Lẽ ra sau khi “thấm nhuần” cái màn kịch “nhân dân làm chủ” do “đảng ta ưu ái ban cho” nhưng cái “nồi cơm” thì chỉ có “đầy tớ nhân dân”, tức nhà nước do “đảng lãnh đạo” mới có quyền quản lý, dân ta phải “sáng mắt ra” để nói cho mọi người cùng hiểu rõ sự lừa đảo này, rồi cùng nhau hợp sức tìm cách giành lại cái quyền quản lý “nồi cơm” của mình mới phải, nhưng cũng vì cái hình ảnh rùng rợn của những chiếc búa liềm đẵm máu đã ăn sâu vào tâm khảm của các “chủ nhân bị cắt gân”, khiến cho ai nấy đều mang chứng bệnh run lập cập, hoặc giả điếc giả câm, nên lại cứ phó mặc cho “đảng lãnh đạo” dẫn đi loanh quanh theo cái vòng bất tận “bữa cơm bữa cháo”, hay “bữa cháo bữa rau” trong cái thiên đường “xuống hố cả nước” này.

Tuy vậy cũng có hàng triệu người sau khi thấy mình không còn con đường sống nào khác ngay trên đất nước của mình, nên đã liều chết vượt qua bao hiểm nguy để đi tìm một ngày mai tươi sáng hơn ở những phương trời xa lạ. Có biết bao người đã phải nằm xuống trong rừng sâu hay vùi thây ngoài biển cả, nhưng cũng có những người may mắn hơn đã đến được “bến bờ tự do” sau khi trải qua không biết bao gian nguy hãi hùng, rồi nhờ “chí thú làm ăn” mà khấm khá lên. Có điều không hiểu tại sao trong số người may mắn này vẫn có những kẻ sau khi đã “no nê” nhờ “bơ, sữa, bánh mì” nơi xứ người, thì lại sinh ra “rửng mỡ”, thèm “hương vị quê hương” nên bò về chốn cũ hòng tìm ăn cháo gà cháo vịt…, nào ngờ lại bị "đảng ta", nay đã trở thành “tư bản đỏ”, đem toàn “cháo heo”, “cháo lú” ra và bảo là “cháo đặc sản” nên cũng nhắm mắt ăn vào, khiến cho lại quên mất mình là ai, và lại tự nguyện biến thành những “con bò sữa” hay “con bò thịt” để cho "đảng ta" khai thác.

Một số nữa thì sau khi nghe "đảng ta" ca “Sống về mồ mả, không ai sống về cả bát cơm” bèn mò về tìm thăm lại “quê cha đất tổ”, rồi bị lóa mắt về những nhà cửa đồ sộ, nơi ăn chơi sang trọng cốt dành để câu khách mà không hề nhìn thấy những cảnh “cướp của giết người, bán nước buôn dân” của "đảng ta", nên lại oang oang làm cái loa ca tụng “công ơn đảng ta” hầu tiếp tay cho "đảng ta" đầu độc những thế hệ con cháu mai sau, và để cho "đảng ta" tha hồ dùng tiền moi được từ những “khúc ruột ngàn dặm” rồi gửi cho con cái chúng đang nhởn nhơ ăn chơi ở các xứ “tư bản giãy chết”. Riêng những “khúc ruột ngàn dặm” nào lại thêm một lần lỡ dại nghe theo lời "đảng ta" rủ rê mang vốn liếng về hùn hạp làm ăn để “góp phần xây dựng đất nước” thì sau khi bị "đảng ta" trấn lột sạch túi rồi mà không biết im lặng mau mau “bỏ của chạy lấy người”, lại còn kỳ kèo lý lẽ thiệt hơn thì lần lượt trước sau gì cũng bị "đảng ta" cho “côn đồ” với lại “quần chúng tự phát” thọi cho “lòi cơm” ra mới thôi.

Kể ra cái chuyện cơm với cháo của dân ta mà có nói mãi thì cũng chỉ “láo nháo như cháo với cơm” thôi, nên tôi cũng không muốn dài dòng thêm, chỉ cầu mong sao cho dân ta ai ai cũng sớm ý thức được hai tiếng “cơm áo” như là một mục tiêu cần đạt tới cho tất cả mọi người dựa trên lẽ công bằng thực sự, chứ không phải là một chiêu bài để cho những kẻ chuyên nghề dối gạt lợi dụng, hay một phương tiện để cho những kẻ xảo trá nắm bạo lực trong tay dùng để mua chuộc, sai khiến hay diệt trừ kẻ khác vì tư lợi. Có nhận định được như vậy thì mọi người mới có gan mạnh dạn hợp sức cùng nhau trừ khử hết những bọn chuyên sống dựa trên sự lừa đảo, hầu bảo vệ cái quyền “no cơm ấm áo” của mình, và giấc mơ ngàn đời của dân ta mới có cơ thành tựu.

ĐOÀN VĂN KHANH


No comments:

Post a Comment