Năm Rồng qua đi thì năm Rắn
lại đến, và cái chu kỳ bất di bất dịch của 12 con giáp cứ thế mà xoay tròn, có
điều tại sao sau con rồng lại là con rắn thì tôi chưa thấy ai giải thích một
cách thỏa đáng. Người thì cho đó là do cái định luật âm dương của trời đất, những
cụ tinh thông lý số thì lại bảo đó là do cái lẽ huyền vi của tạo hóa đã sắp đặt
cho như vậy, nhưng với cái đầu óc đặc sệt Bờm như tôi thì chỉ thấy xưa nay dân
ta vẫn quen dùng hai tiếng rồng rắn đi
liền với nhau trong ngôn ngữ thường ngày, cho nên sau rồng tất nhiên phải là
rắn thôi, vừa đúng “lô- gíc”, lại rất
phù hợp với cái “luận lý con kỳ đà”
của ông cha ta từ ngàn xưa truyền lại.
Có lẽ từ mối liên hệ này mà dân gian ta vẫn coi rồng rắn là cùng
chung một họ, có điều là khi nói đến rồng
ta có thể tha hồ mà nặn ra, vì chưa có ai nhìn thấy
rồng bao giờ, chỉ có rắn mới không xa lạ gì với
con người nên chúng ta không thể nào “ăn ốc nói mò” được.
Theo Tử vi đẩu số của các cụ
con trời thì người tuổi rắn rất khôn ngoan, đầy quyến rũ và thường có danh vọng,
rất hạp với tuổi con trâu và tuổi con gà, chỉ kỵ tuổi con cọp, tuổi con
khỉ và tuổi con heo, nhưng các cụ thầy bói miệt vườn của ta thì lại phán như sau:
Tuổi Tỵ rắn ở ngọn cây
Nằm khoanh trong bộng có hay việc gì.
Còn dân ta có lẽ quen nhìn
rắn dưới con mắt ham nhậu nhẹt nên không cần phải vin vào những điều cao xa như
“tam hợp” với “tứ hành xung” cho rắc rối, mà chỉ cần chút quan sát là cũng thấy
không ai dại gì đem con gái tuổi Tý (cầm tinh con chuột) của mình gả cho một
anh chàng
tuổi Tỵ, vì làm như thế có khác nào “mang chuột dâng vào
hàm rắn”.
Còn như cậu trai nào sinh vào năm con gà thì
chắc chắn bậc làm cha mẹ cũng không bao giờ mong sẽ rước nhầm một cô dâu tuổi
Tỵ về nhà để cho mình mang tiếng “cõng
rắn cắn gà nhà”!
Ngoài ra, trong khoa đoán điềm giải
mộng (cũng do mấy cụ con Trời bày ra và rất được dân ta tin) thì nằm mơ thấy
rắn thường lại là điềm tốt. Chẳng hạn nằm mơ thấy rắn cắn vào bụng hay rắn quấn
quanh thân mình ắt sinh quý tử, Rồng rắn vào nhà hay cắn người là điềm được
của, Rồng rắn vào bếp thì được làm quan, trừ
phi thấy rắn vàng bạch là điềm
có việc rắc rối phải đến cửa quan, thấy rắn chui vào hang là điềm khẩu thiệt, và thấy rồng rắn giết người mới
là điềm rất xấu.
Riêng tôi thì thấy chỉ có điều này là đáng
tin nhất: ấy là các cậu trai bất kể tuổi gì, hễ ra
đường mà thấy cô nàng nào có vóc mình và dáng đi uyển chuyển như rắn thì cũng
nên cẩn thận đề phòng, vì nếu lỡ đụng vào thì coi chừng có ngày “không chết cũng bị thương”.
Nếu xét theo sử sách và luôn cả các kho tàng truyện tích dân gian
từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây thì khi nói đến rắn hầu như tất cả đều cho
rắn là một loài nguy hiểm và qủy quyệt.
Truyện thần thoại của ta có kể con Giao Long là vật tổ
của người Giao Chỉ, một sắc dân chuyên sống
nghề chài
lưới ở miền duyên hải Bắc Việt ngày xưa. Đây là một vùng
đất trũng, lắm sông hồ nên từng có nhiều giao long, thuồng luồng và
cá sấu sinh sống, cho nên người dân vùng này có tục xâm mình, vẽ hình rồng rắn,
để cho thuồng luồng, cá sấu trông thấy phải khiếp
sợ mà tránh xa, hoặc xem như là đồng loại mà không giết hại. Tập tục này kéo dài mãi cho
đến đời vua Anh Tông nhà Trần đầu thế kỷ 13 mới chấm dứt, tức là sau khi dân Giao chỉ đã trở thành dân
tộc Việt và thành lập nên một quốc gia độc lập.
Chính vị vua này là người đầu tiên đã dám cãi lệnh vua cha, không chịu xâm mình và ra lệnh bãi bỏ tập tục này trong dân chúng. Phải chăng đây cũng là cách bày tỏ một thái độ dứt khoát với cái quá khứ đau thương
của tổ tiên có nguồn gốc chài lưới, phải lặn lội dưới biển mò
ngọc trai, tìm san hô dâng cho giặc Tàu suốt một ngàn năm nô lệ Bắc
phương, để chuyển sang thời kỳ nông nghiệp và cường thịnh của một dân tộc
tự chủ.
Còn theo khoa học thì rắn, liu điu, thuồng
luồng, cá sấu v.v... đều cùng chung một
họ có máu lạnh, và cùng lớp với các loài có vảy như thằn lằn, tắc kè, nhưng thuồng luồng thì dài như con chình khổng lồ và lội ở dưới nước, còn cá sấu thì lại có chân, vừa sống dưới nước, vừa có thể ở trên cạn, da rất dày, miệng rộng tới mang tai và hàm răng thì lởm chởm như răng cưa. Trái lại rắn thì hầu như có mặt khắp mọi nơi nhưng lại không có chân và bò sát đất, và theo sự nghiên cứu của các nhà khoa
học thì trên mặt đất này cũng có hơn ba ngàn loài rắn khác nhau, cọng
thêm khoảng hơn ba trăm loài rắn có mang nọc độc gây chết người.
Rắn có loại to như mãng xà, chỉ xuất hiện ở mấy xứ đất rộng người đông như xứ
“cà ri nị” và xứ “xì dầu” chẳng hạn, mình dài cả chục thước. Riêng
ở xứ ta và mấy xứ láng
giềng đồng hạng “cắc kè” với nhau thì lại
có loài rắn giun, được kể như là
loại nhỏ nhất, dài không quá mười phân. Còn
như nói về cách ăn
ở thì rắn có loại sống trên mặt đất như rắn hổ, mái gầm, chàm quạp..., hoặc sống trên cây, trên các mái nhà tranh như rắn lá, rắn
lục, rắn sọc dưa, rắn ráo..., hoặc sống
chui trong đất như rắn giun. Sống dưới nước thì có rắn ri, rắn nước... và một số loài rắn biển thường gọi là con đẻn, chỉ sống ở vùng nước mặn hay nước lợ.
Mặc dù ca
dao của ta có câu hỏi cắc cớ “rắn không chân rắn bò khắp rú”, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết sở dĩ rắn di chuyển được là nhờ thân mình rắn có các vảy cứng giúp cho rắn có thể trườn bò. Khi
rắn muốn “đi lại” thì những chiếc vảy hơi dựng lên,
rìa nhọn của những chiếc vảy siết lên mặt đất đẩy rắn trườn tới. Rắn muốn leo cây thì quấn mình vào thân cây rồi trườn lên. Vì vảy rắn không lớn lên theo
thời gian được, do đó, cứ vài ba tháng rắn lại lột vỏ một lần để có lớp vảy mới to hơn, và thân rắn
có thể lớn thêm và dài hơn trước một ít.
Từ hiện tượng này mà tục ngữ ta có câu: "Rắn lột da, người lột xác", có nghĩa là rắn lột da để sống đời
nhưng người mà lột xác thì chỉ còn “thấy
bóng thiên đàng thênh thang” mà thôi. Ai oán hơn thì có câu: “Rắn già
rắn lột. Người già người cột vào săng” (tức là bỏ vào hòm mang chôn). Phải chăng vì xót
xa cho cái số phận đáng buồn này mà người bèn tự an ủi bằng câu
truyện: Rằng ngày xưa rắn và người đều không phải chết khiến cho mặt đất đâm ra chật chội không còn chỗ chứa. Một hôm Ngọc Hoàng Thượng đế thấy
cần phải sửa chữa lại sai lầm này bèn sai Thiên Lôi xuống trần truyền lệnh rằng: “Người già người lột, rắn già cột vào săng”.
Khi xuống đến hạ giới thì không biết vì lú lẫn sao đó hay bị rắn gian ngoan hơn,
biết dùng miệng lưỡi mua chuộc nên Thiên Lôi mới
phán ngược lại khiến cho loài người đành phải ôm hận.
Truyện hoang đường còn giải thích vì sao rắn
lại không chân. Đúng ra thì ngày xưa rắn cũng có chân, chẳng qua vì phạm trọng tội nên
mới bị Ngọc Hoàng Thượng đế sai Thiên Lôi vặt trụi tứ chi làm cho rắn trở nên
trụi lụi như ngày nay. Thế là từ đó họ hàng nhà rắn đâm ra thù Thượng Đế. Nhưng
tại sao rắn lại thù lây đến con người? Truyện cho rằng vì con người trông cũng giống Thượng đế. Thật tình tôi
không biết con người có giống Thượng đế hay không, nhưng khi nhìn thấy ngài
xuất hiện trên sân khấu thì quả thật Ngài cũng có đầy đủ đầu mình tay chân và
ăn mặc áo xống cân đai mang hia đội mão như con người. Không những thế, ngài
còn ăn nói nhiều khi cũng lẩm cẩm không kém gì cái anh chàng lẩm cẩm nào đó trong
bài ca dao:
Ngồi buồn đốt một đống
rơm
Khói lên nghi ngút chẳng
thơm chút nào.
Khói bay lên tận Thiên
tào
Ngọc Hoàng phán hỏi:
Thằng nào đốt rơm?
Cái tính khôn ranh của rắn thì không
phải chỉ có dân ta mới đặt điều ra mà trong Thánh kinh của Thiên Chúa giáo cũng
đã có đề cập đến. Theo Sáng thế ký của người Do Thái thì thủa Thiên Chúa mới
tạo dựng nên trời đất muôn vật thì tất cả mọi vật đều tốt lành. Thiên Chúa lại
còn ban cho ông A-dong và bà E-và, thủy tổ của loài người, một cuộc sống thật
là thong dong và hạnh phúc nơi vườn Địa đàng, và cho phép họ được ăn mọi thứ
trái cây trong vườn, ngoại trừ trái của một cây có tên “Hiểu biết”. Bấy giờ qủy
Satan (vốn cũng là thiên thần được Chúa tạo dựng nên từ trước để thờ phượng
Thiên Chúa nhưng lại phản bội Thiên Chúa nên bị Chúa đày vào Hỏa ngục), thấy
thế bèn sinh lòng ganh ghét nên mượn hình con rắn hiện lên dùng lời lẽ ngon
ngọt dụ dỗ bà E-và. Nghe rắn bảo nếu ăn trái cấm này thì sẽ trở thành ngang
hàng với Thiên Chúa làm E-và khoái quá, bẻ xuống ăn ngay, lại còn âu yếm đút cho
A-dong cùng ăn luôn.
Vừa nuốt xong miếng trái cây
này thì cả hai ông bà bỗng nhận thức ra sự trần truồng đáng xấu hổ của mình bèn
lấy lá cây che thân mình lại rồi đi tìm chỗ trốn, nhưng Thiên Chúa bỗng hiện ra
trước mặt, hỏi hai ông bà vì sao dám cãi lời Thiên Chúa. E-và đổ lỗi cho con
rắn, nhưng Thiên Chúa vẫn trừng phạt hai ông bà về cái tội không vâng lời và
sai thiên thần đuổi họ ra khỏi vườn Địa đàng, lại còn nguyền rủa họ từ nay đất
sẽ sinh ra cỏ gai và họ phải lao động “đổ
mồ hôi, sôi nước mắt” mới kiếm được miếng ăn. Còn con rắn thì mang cái tội
đã xúi dại bà E-và nên bị Thiên Chúa chúc dữ, bắt phải bò sát đất để cho con
người đạp lên đầu, cho nên giữa người và rắn từ đó có một mối thù không đội
trời chung: hễ người trông thấy rắn là tìm cách đập chết, còn rắn mà đụng phải
người thì cứ nhằm chân người mà cắn thôi.
Sở dĩ người cho rắn có tài dụ
dỗ có lẽ do rắn có cái lưỡi đặc biệt hơn tất cả mọi loài. Nếu quan sát ta sẽ
thấy phần đầu lưỡi của rắn chẻ đôi như cái chỉa. (E-và chỉ có một cái
lưỡi nhỏ, ngắn và dày thôi đã đủ làm cho đời
A-dong đâm ra khốn nạn, huống hồ cái lưỡi của rắn đã dài và
mảnh, lại còn được chẻ làm hai). Khi gặp mồi, rắn
thè lưỡi ra và lao theo, ngoạm lấy mồi bằng các răng
nhỏ. Rắn độc thì có thêm những răng nanh dài và cong để tiêm nọc độc làm cho
con mồi to lớn hơn mình bị tê liệt hoặc chết để rắn có thể cứ từ từ mà nuốt. Mức độc của nọc rắn cũng mạnh yếu khác nhau tùy loại
rắn cho nên tục ngữ ta có câu: “Rắn mai tại lỗ,
rắn hổ về nhà”, nghĩa là ai bị rắn mai cắn sẽ chết ngay tại chỗ, còn bị rắn
hổ mang cắn thì về đến nhà mới chết.
Tùy theo loài rắn và môi trường sống mà thức ăn của rắn
có thể là chuột bọ, cá tôm, thằn lằn, ếch nhái... cho đến các loài chim hay muông
thú nhỏ. Đặc biệt, loài rắn cạp nong còn xơi luôn những con rắn khác, còn loài trăn
thì ngay cả người cũng bị chúng nuốt chửng luôn, cho nên khi thù ai người ta
hay rủa người đó là cái thứ “chằng ăn
trăn quấn”. Riêng về mặt sinh sản thì có vài loài cũng đẻ con như rắn lục,
rắn đẻn..., các loài rắn khác chỉ biết đẻ trứng nên ca dao có câu:
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Liu điu lại nở ra giòng liu điu
Vì rắn thường mang lại những
hình ảnh xấu xa, tồi tệ, trong tâm trí con người cho nên người ta mới khuyên nhau tránh xa những nơi được coi như
“hang hùm nọc rắn”. Gặp kẻ nào mặt mũi khó ưa thì người ta chê “Bạnh như cổ hổ mang”, hoặc kẻ nào lòng dạ nham hiểm là “lòng dạ rắn rết”. Đối với hạng người chuyên lừa đảo người khác nhưng miệng lúc nào cũng nói toàn điều thiện thì người ta
gọi là “khẩu Phật, tâm xà”, cũng như mấy nhà tu hành mà còn tham sân si hơn cả chúng sanh
thì được gọi là “sư hổ mang”.Còn mấy đứa con nít mà ngỗ nghịch, bướng bỉnh
thì người ta thường gọi chúng là cái thứ "rắn đầu, rắn
mặt”! Nhưng cũng nhờ có cái tính “rắn đầu” mà kho tàng văn học của ta mới có được một bài thơ độc đáo về rắn của Lê Qúy Đôn.
Số là Lê Quý Đôn ngay từ thủa còn để chỏm đã tỏ ra thông minh xuất chúng,
nhưng phải cái tội biếng học, lại hay nghịch ngợm, cho nên thường bị thân phụ
nọc ra đánh đòn. Một hôm bị cha đánh đòn quá đau nên cậu bé vừa khóc vừa năn nỉ
xin tha. Vì xót con phải chịu đòn đau nên thân phụ ông bằng lòng nhưng buộc cậu
bé phải làm một bài thơ, trong đó câu nào cũng phải có chữ “rắn” hay liên hệ
đến rắn để tạ tội. Lê Qúy Đôn bèn ứng khẩu đọc ngay bài thơ sau:
Chẳng phải “liu
điu” vẫn giống nhà
“Rắn” đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn “hổ lửa” đau lòng mẹ
Nay thét “mai gầm” rát cổ cha
“Ráo” mép chỉ quen lời dối trá
“Lằn” lưng chẳng quản vệt dăm ba
Từ nay Châu Lỗ xin chăm “học”
Kẻo “hổ mang” danh tiếng thế gia.
Thẹn đèn “hổ lửa” đau lòng mẹ
Nay thét “mai gầm” rát cổ cha
“Ráo” mép chỉ quen lời dối trá
“Lằn” lưng chẳng quản vệt dăm ba
Từ nay Châu Lỗ xin chăm “học”
Kẻo “hổ mang” danh tiếng thế gia.
Nói về rắn trong văn chương
điển tích thì quá nhiều, tôi chỉ có thể kể vài câu thông dụng đã học lóm được như
“vẽ rắn thêm chân”, gốc từ điển tích “Họa xà thiêm túc” của mấy cụ con trời được ta mượn làm của mình. Rằng xưa có mấy anh chàng rủ nhau thi vẽ rắn và hễ
người nào vẽ xong đầu tiên thì được thưởng. Một anh chàng vẽ xong rắn nhưng thấy mấy người kia vẫn còn đang hý hoáy bèn tiếp tục điểm tô thêm cho rắn vài cái chân thì một anh chàng khác cũng vừa
vẽ xong liền trình làng để nhận thưởng. Anh chàng thứ nhất tức quá bèn cãi là
mình vẽ xong nãy giờ, chỉ vì muốn thêm cho rắn vài cái chân nên chưa trình ra
thôi. Mọi người nghe xong đều bật cười chế nhạo và bảo: đã gọi là rắn thì làm gì có chân. Từ đó người ta mới dùng
thành ngữ này để chế diễu những kẻ hay bày
vẽ lôi thôi, làm những việc thừa thãi không hợp tình hợp lý.
Cũng có những câu bắt nguồn từ một sự tích nào đó như câu: “Len lét như rắn mồng năm”. Số là ngày
xưa ở bên Tàu có lệ hàng năm cứ đến ngày mồng 5 tháng 5 âm
lịch là mấy cụ con trời lại rủ nhau đi giết sâu bọ,
bắt rắn làm thuốc, khiến cho họ hàng nhà rắn rất khiếp sợ cái ngày này. Tục lệ
này sau đó theo chân mấy cụ con trời truyền sang ta cho nên ta mới có câu thành
ngữ trên để ám chỉ những kẻ hay tỏ vẻ sợ hãi trước người khác mỗi khi mình trót
làm điều lầm lỗi nào đó.
Trong phạm vi xử thế, để chê trách thói đời trọng phú khinh bần thì ca dao của ta cũng có câu:
Khó khăn ở quán ở lều
Bà cô, ông cậu chẳng điều hỏi sao
Giàu sang ở tận bên Lào
Hùm tha rắn cắn, tìm vào cho nhanh.
Còn tục ngữ thì có những câu dùng để khuyên như: “Rắn đến nhà không đánh thành quen”, ý nói đừng để cho kẻ xấu la cà gần mình, hoặc khi thấy một người nào đó tài thuyết phục được
người khác thì người ta bảo là nói khéo đến nỗi “Rắn trong lỗ bò ra”, hoặc khi muốn
mô tả tình trạng rối loạn của một nhóm người nào đó khi không còn ai chỉ huy thì bảo “như rắn mất đầu”. Còn những câu như “Rắn đổ nọc cho lươn” là nhằm chê trách những
kẻ sau khi làm điều sai trái lại không chịu nhận trách nhiệm về mình mà lại còn
đổ lỗi cho người khác, và những kẻ nào chỉ biết có quyền
lợi riêng tư mà quên mất nghĩa đồng bào
nên nhẫn tâm rước giặc về giết hại
người cùng chung một giòng giống với mình là “Cõng rắn cắn gà nhà”.
Kể ra rắn là con vật có nọc độc và có thể cắn chết người, nhưng xét lại thì rắn cũng rất có
ích cho nhân loại vì giúp cho thiên nhiên cân bằng
được sinh thái. Nhờ có rắn ăn chuột mà nhà nông đỡ
được cái nạn bị chuột phá hoại mùa màng. Không những thế, nọc rắn tuy độc nhưng
con người cũng có thể dùng nó theo kiểu “dĩ
độc trị độc” để chế ra nhiều thứ thuốc trị bệnh. Tuy nhiên, cái
hình ảnh con rắn trên các biểu tượng của
ngành y tế mà chúng ta thấy hiện nay thì lại bắt nguồn từ câu truyện thần
thoại của Hy
Lạp.
Theo truyền thuyết thì Esculape là con của Thần Apolon, nhờ học được nghề
thuốc từ một kỳ nhân nên không những đã cứu được nhiều người khỏi bệnh tật, lại còn có khả năng làm
cho người chết sống lại. Điều này khiến cho Thần Zeus nổi giận, sai Thiên Lôi
búa chết Esculape. Người đời sau nhớ công ơn của Esculape bèn dựng tượng để tôn vinh và con rắn nhờ cũng có công trong việc cứu
nhân độ thế của Esculape nên được để cho quấn quanh cây gậy của ông ta. Sau đó vào đầu
thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, ở La Mã bỗng xảy ra một trận đại dịch giết hại rất nhiều người làm cho mọi người đổ xô
nhau dâng rượu cúng Thần Esculape để cầu cho tai qua nạn khỏi. Thế là người ta bèn đặt thêm cái ly bên cạnh chiếc gậy nên ngày nay
chúng ta mới thấy có hình con rắn quấn quanh chiếc gậy hoặc quấn quanh cái ly
trong các biểu tượng của ngành y tế. Để
phân biệt, dân y khoa xứ ta có câu: “Rắn quấn gậy là y,
rắn quấn ly là dược”!
Hình ảnh rắn cũng còn xuất
hiện trong các công trình kiến trúc hay nghệ thuật điêu khắc, nhưng mang một ý
nghĩa khác hơn, như trong các chùa chiền ở miền tây Nam bộ, nơi có nhiều người
dân gốc Khmer theo Phật giáo nguyên thủy sinh sống. Điều này bắt nguồn từ sự
tích kể về Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật. Cứ theo sự tích này thì
khi ngài đang tọa thiền dưới cội Bồ đề thì một cơn mưa bất thường đổ xuống như
trút nước lên thân thể ngài. Ngay lúc đó có một con rắn Naga bò ra, cuộn mình
thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng
bảy chiếc đầu của mình làm thành chiếc tán che cho Đức Phật. Từ đó, người ta
mới hay tạc hình rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma
và bảo vệ đạo Phật, hoặc dùng xà cừ chạm trổ hình rắn Naga uốn quanh những cánh
cửa chùa, trên tủ đựng kinh sách, hay trên những chiếc xe tang như một vị thần
linh đưa người chết về cõi vĩnh hằng.
Nếu miền Bắc do ảnh hưởng của
sự khai phá lâu đời làm cho môi trưòng sống của rắn bị thu hẹp lại nên hình ảnh
về rắn cũng ít đi trong tâm tư tình cảm của con người thì ngược lại, người dân
Miền Nam kể từ khi theo chân chúa Nguyễn vào mở mang bờ cõi đến tận vùng đất
phì nhiêu của chín con rồng uốn lượn, nhưng nhìn ra chung quanh người ta chỉ
thấy
Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội tợ bánh canh
Cỏ mọc cọng thành tinh
Rắn đồng đà biết gáy
thì con rắn cũng bớt đi vẻ ghê rợn cho
nên hình ảnh con rắn mới xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi muốn diễn đạt
tình yêu đôi lứa.
Lúc chàng và nàng mới gặp nhau thì:
Con rắn không chân, con rắn biết,
Đá có ngọc ẩn, thì đá hay,
Anh cùng em mới gặp nhau đây
Biết thời biết mặt nào hay trong lòng
Đến lúc duyên tình đã bén, sinh lòng nhớ thương thì:
Con quạ đen con cò trắng
Con ếch ngắn, con rắn dài
Em trông anh trông mãi, trông hoài
Trông cho thấy mặt thấy mày mới yên
Và khi duyên tình đã trở nên khắng
khít rồi thì:
Đôi ta như rắn liu điu
Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau
Trường hợp gặp phải một anh chàng nào đó thuộc loại cà chớn để nàng phải hờn trách thì rắn
cũng không vắng mặt:
Con rắn hổ đất nằm trên cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Trách anh bạn tình gian dối đảo điên
Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em
Còn hôn nhân mà thiếu môn đăng hộ đối thì người ta cũng đem rắn ra để so sánh
thở than:
Con công ăn lẫn với gà,
Rồng kia rắn nọ, xem đà sao nên?
Và ngay cả khi muốn ám chỉ những mối
tình xấu xa vụng trộm, người ta cũng gọi đến rắn:
Con chi rọt rẹt sau hè
Hay là rắn mối tới ve chuột chù?
Hơn thế nữa, người dân trong Nam không
phải chỉ dùng hình ảnh rắn để mô tả hay ví von mà còn dùng rắn làm thứ thực
phẩm cho con người nữa. Người ta ăn thịt rắn cũng như ăn thịt ăn cá, và khi làm
rắn người ta chỉ bỏ cái đầu vì sợ bị trúng nọc độc, còn lại cái gì của rắn cũng
qúy cả.
Nếu là rắn còn đang sống thì khi làm thịt, người ta thường
cắt cổ lấy máu hòa với rượu đế rồi uống ngay. Còn mật rắn, nhất là rắn hổ, thì được
đem ngâm rượu. Người ta còn bắt rắn hổ còn sống thả luôn vào keo, đổ rượu trắng có nồng độ cao vào cho ngập rồi
ngâm khoảng 3 tháng thì thành rượu rắn hổ. Nếu khi ngâm người ta cho thêm cả rắn ráo, rắn
cạp nong... vào thì gọi là tam xà tửu, (hoặc
ngũ xà tửu nếu dùng 5 thứ rắn). Những thứ rượu trên đều
được coi là rượu thuốc và chỉ dùng để trị các chứng bệnh đau nhức hoặc suy nhược.
Trong cách ăn thịt rắn thì đơn giản nhất là “rắn nướng trui”. Đi làm ruộng
làm vườn mà gặp rắn thì phang cho chết, rồi lấy thanh tre kẹp
lại đem nướng trong lửa rơm hoặc lá tranh khô cho thịt rắn
vừa chín tới thì đem ra cạo sạch vỏ và tro, dùng tay xé thịt rồi chấm với muối ớt ăn liền. Để làm món mặn thì có “rắn hầm sả”. Rắn làm sạch chặt thành khúc, bỏ vào chảo xào bằng mỡ heo phi sẵn với sả ớt băm nhuyễn và đảo đều cho săn,
xong đổ nước sâm sấp rồi bỏ thêm lá và cọng sả vào, đậy kín vung hầm đến khi thịt
rắn mềm, nêm nếm thêm cho vừa ăn là được.
Đáng kể nhất là món “cháo rắn”. Loại rắn thường được dùng cho món này là hổ hành và hổ
đất, mặc dù có mùi tanh. Theo kinh nghiệm dân gian thì thịt rắn hổ kỵ thớt me
cho nên khi làm thịt rắn hổ không được dùng thớt làm bằng gỗ me để cắt chặt. Còn
cháo rắn hổ thì kỵ bồ hóng (tức là lớp muội khói đen bám trên dàn bếp), cho nên
không được để cho bồ hóng rớt vào nồi cháo. Nếu vô tình “phạm” phải hai điều
tối kỵ này thì người ăn thịt rắn hổ ấy sẽ khó qua khỏi.
Khi làm món cháo rắn thì người ta thường bỏ rắn vào nồi cháo nấu với đậu xanh cà, có thêm
nước cốt dừa càng tốt. Lúc thịt rắn đã chín tới
thì vớt ra đem xé nhỏ rồi trộn với hành củ thái mỏng ngâm
giấm có thêm một ít đường cát, rắc thêm rau răm cùng với đậu phọng rang là thành
món gỏi. Đúng là một công hai việc: vừa có cháo ăn cho
ấm bụng, lại được thêm món gỏi để
cùng bạn bè đưa cay vài xị đế. Chả trách ca dao miền
Tây có câu:
Cần chi cá lóc cá trê
Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.
Trên đây là những món rắn phổ cập ở
Miền Tây thời xa xưa, khi mà muốn ăn thịt rắn người ta chỉ cần đi bắt, chứ
không như bây giờ, rắn đã trở nên hiếm và được nâng lên hàng đặc sản nên cũng
phải nuôi mới đủ cung ứng cho thị trường, lại thêm những cửa hàng chuyên về
thịt rắn biết chế biến ra nhiều món ăn cầu kỳ hơn thì muốn thưởng ngoạn thịt
rắn không còn là chuyện dễ.
Muốn bắt rắn, kẻ chuyên
nghiệp chỉ cần tìm hang rắn để đào rồi bắt sống. Người tay ngang thì dùng xiên
đâm cho dính được rắn rồi mới dám đào lên. Người ta cũng có thể dùng một loại
bẫy giống như cái lờ bắt cá, trong có thả vài con chuột rồi đem đặt gần miệng
hang hay trên các đám cỏ rắn thường qua lại. Rắn thấy chuột, bò vào để ăn là bị
kẹt luôn. Người
ta còn nói có nhiều ông thầy bùa chỉ cần đọc chú hay dùng ngãi xoa
vào tay rồi vỗ lên miệng hang là rắn tự
động bò ra
nạp mạng. Điều này có thật hay không thì có
trời mới biết chứ tôi không dám quả quyết. Ngoài ra, nghề bắt rắn cũng rất nguy
hiểm cho nên những chuyện “sinh nghề tử
nghiệp” rất nhiều, tôi không muốn dài dòng thêm. Còn những chuyện vì giết
rắn nên bị rắn báo thù thì giai thoại dân gian cũng vô số nên tôi chỉ nêu lên
một truyện tiêu biểu có liên quan đến lịch sử nước ta mà thôi.
Sử chép rằng, vào năm Nhâm Tuất
(1442), vua Lê Thái Tông (con vua Lê Lợi) đi tuần du phương đông, duyệt võ ở
Chí Linh, nên Nguyễn Trãi (lúc ấy đã về trí sĩ) bèn ra nghênh tiếp xa giá. Khi Lê
Thái Tông đến viếng chùa Côn Sơn là nơi có ẩn am của Nguyễn Trãi, nhìn thấy tì
thiếp của Nguyễn Trãi là Thị Lộ nhan sắc lộng lẫy, lại có biệt tài về văn
chương, bèn phong cho chức Lễ nghi Học sĩ, bắt phải theo hầu bên cạnh nhà vua. Lúc
xa giá tới Lệ Chi Viên, thuộc xã Đại Lại, huyện Gia Định, thì thình lình nhà
vua nhuốm bệnh. Thị Lộ phải hầu hạ, thang thuốc ngày đêm, nhưng vua vẫn không
qua khỏi. Các quan phải vội vã phụng giá về Kinh rồi mới làm lễ phát tang. Tất
cả triều thần đều buộc tội Thị Lộ đã đầu độc vua, liền đem nàng ra giết. Việc này
xảy ra nhằm lúc trong triều đang có sự tranh chấp. Nhóm võ quan theo phe Lê Sát
thấy ngày trước Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tổ trọng dụng nên vẫn mang lòng ganh
ghét, chỉ
muốn trừ khử, bèn nhân dịp này vu
cho tội chủ mưu sát đế để giết luôn cả ba họ.
Cái án oan này, mãi đến hơn hai mươi năm sau mới được vua Lê Thánh Tông,
một vị minh quân của triều Lê, thấy có nhiều điều hàm hồ, oan ức cho một đại
công thần khai quốc, bèn đem ra xét lại và truyền lệnh hủy bỏ bản án trước kia, truy phục chức cho Nguyễn Trãi,
cho tìm kiếm con cháu để đưa ra làm quan, lại còn cấp
tư điền để con cháu lo việc tế tự hàng năm.
Từ sự kiện lịch sử này mà sau đó trong dân gian mới lưu truyền câu truyện rắn
báo oán sau:
Truyện kể rằng: Nguyễn Trãi thời
chưa ra làm quan, một hôm có ý định cho sửa sang lại khu vườn nhà thì nằm mơ
thấy có một người đàn bà bụng mang dạ chửa đến van xin ông hãy hoãn việc này lại
để cho bà ta có thể yên tâm tá túc cho qua kỳ sinh nở. Khi tỉnh dậy nhìn ra
vườn, ông thấy không có dấu hiệu gì tỏ ra có người cư ngụ ở đó nên cũng không lấy
gì làm quan tâm cho nên hôm sau cứ sai đám học trò ra dọn vườn như đã dự định. Trong
khi dọn dẹp, đám học trò bắt gặp một ổ rắn bèn giết chết luôn cả ổ gồm mấy mẹ
con. Sau đó rắn mẹ tái sinh, bò lên trần nhà, nhìn thấy Nguyễn Trãi đang đọc
sách bèn nhỏ một giọt máu đào rơi xuống thấm xuyên qua ba tờ giấy, như một dấu hiệu
ám chỉ ba họ. Thời gian sau, khi Nguyễn Trãi đang làm quan thì cũng con rắn đó
hóa thân thành Thị Lộ, giả lảm ả bán chiếu gon ở Tây Hồ để gặp Nguyễn Trãi, cùng
xướng họa thi ca rồi trở thành tì thiếp để lọt vào gia đình ông ta chờ cơ hội báo
thù. Do đó, việc Nguyễn Trãi bị giết cùng ba họ bị tru di chính là hậu quả của món
nợ máu ngày xưa mà ra.
Thông thường, khi nghe một câu truyện
hoang đường ít có ai chịu đào sâu vào thâm ý của người đặt truyện, nhưng trong
truyện này thì đây chính là vấn đề đáng bàn. Phải chăng người đặt ra câu truyện
này đã có ý lợi dụng tính nhẹ dạ và lòng mê tín của đa số người dân để làm họ
quên đi cái tội ác của những kẻ đang nắm quyền hành đã gây nên? Nguyễn Trãi
không hề có chủ tâm giết rắn, nhưng những người giết Nguyễn Trãi thì lại có chủ
tâm rõ rệt. Hơn nữa, nếu đem cân nhắc cái hành động vô tình giết một con vật
trong thiên nhiên với cái hành động có chủ tâm vu oan của một nhóm người lòng
dạ xấu xa để hại một con người kèm luôn cả ba họ thì đó có phải là lẽ công bằng
không? Và điều này không phải chỉ xảy ra có một lần vào cái thời xa xưa mà ngày
nay vẫn còn liên tục xảy ra dưới nhiều hình thức mới và thâm độc hơn ở cái xứ
sở mang danh “con Rồng cháu Tiên”
này. Chả trách tục ngữ ta có câu: “Nọc người hơn mười nọc rắn”.
Chuyện rắn thì có kể hoài
cũng không hết nên tôi xin phép được ngưng. Có điều khi nhìn lại niên lịch thì
thấy lúc này cũng là cái thời điểm đuôi rồng đầu rắn giao nhau làm cho tôi lại
nhớ đến câu sấm sau đây được cho là của Trạng Trình, một nhà tiên tri của ta
sống ở thế kỷ 16:
Long Vĩ Xà đầu khởi chiến chinh,
Can qua tứ xứ khổ đao binh
Mã đề Dương cước anh hùng tận,
Thân Dậu niên lai kiến thái bình
Can qua tứ xứ khổ đao binh
Mã đề Dương cước anh hùng tận,
Thân Dậu niên lai kiến thái bình
Bốn câu trên dịch nôm na ra có
nghĩa là cuối năm Rồng đầu năm Rắn thì xảy ra chiến tranh. Khắp nơi dân chúng sẽ
phải chịu nhiều cảnh đau khổ vì những cuộc chém giết nhau. Sang tới năm Ngựa đá
chân Dê thì anh hùng nào rồi cũng “tiêu táng thoòng”. Nhưng phải qua đến năm
con Khỉ và năm con Gà thì nhân dân mới lại thấy được cảnh thái bình.
Kể từ khi trên thế giới này bỗng
nổi lên hàng loạt không biết bao “anh
hùng hảo hán” đua nhau “tranh bá đồ
vương”, rồi tiếp theo là loài rắn “mác
lê” ra đời gieo tai họa trong thiên hạ thì người dân tứ xứ phải chịu không
biết bao nỗi tang thương, nên mỗi lần cái chu kỳ 12 con giáp đến đoạn rồng rắn
ra đời là thiên hạ lại đem câu sấm này ra bàn tán. Mặc dù sau đó lịch sử cũng
đã nhiều lần cho thấy “anh hùng” nào
rồi cũng “đi đoong”, ngay cả loài rắn “mác
lê” ở nhiều nơi cũng đã tàn, và dân chúng lại được sống an vui, nhưng ở xứ
ta thì đã qua bao lần “rồng đi rắn tới,
ngựa đá chân dê”, duy chỉ có các “anh
khùng” (vì chỉ còn lại toàn là đám bị nhiễm nọc độc “mác lê”) thì vẫn chưa chịu tận, cho nên cái cảnh thanh bình tự do
no ấm cho người dân vẫn cứ là ảo ảnh.
Lần này trước viễn cảnh biển
Đông đang đến hồi dậy sóng, không biết cục diện rồi sẽ ra sao, tôi không dám
lạm bàn, chỉ cầu mong sao cho dân ta sớm thoát khỏi cái vòng oan nghiệt vẫn đeo
đẳng từ bao đời nay, để người dân Việt không còn phải gánh chịu những nỗi khổ
đau, chết chóc gây ra bởi những kẻ lỡ mang trong mình nọc độc của loài rắn nên đã
đánh mất đi cái tính người.
ĐOÀN VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment