Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 8, 2013

Tình Nghĩa Xui Người Nghĩ đến Trâu

Phiếm luận

Lại năm hết tết đến. Lại đến lúc thiên hạ đem mười hai con giáp ra làm đề tài. Lại …thân, dậu, tuất, hợi và… lỡ một năm Tí trốn chui như con chuột nhũi, đến nay năm Sửu trở về, nghe mọi người lại nhắc đến trâu, tôi bỗng nhiên cũng thấy mình nổi máu trâu bò, ngứa ngáy mài bút - vì không có sừng - để đâm đầu vào húc chút chơi cho vui ba ngày xuân.  

Bỏ qua tất cả những chuyện trâu từ thời tiền sử, trâu khắp năm châu, trâu rừng, trâu hoang dã …, là những chuyện tôi không biết, hoặc có biết đi nữa thì dẫu nói mấy cũng không cùng, cho nên tôi chỉ xin nói về chuyện trâu nhà và được giới hạn trong diện “Trâu ta ăn cỏ đồng ta, Tuy là cỏ cụt nhưng là cỏ thơm” thôi. Có điều cỏ cụt có thật là cỏ thơm không thì cái đó lại do nơi nhận xét của mỗi người tôi không dám bàn.  


Khi nói đến trâu thì người ta cũng hay nghĩ luôn đến bò vì tuy trâu và bò là hai con vật khác nhau nhưng cùng một họ, cho nên dân ta cũng thường hay ghép đôi lại thành cái họ kép trâu bò để chỉ chung đôi bạn già mà gốc gác xa xăm vẫn là từ rừng núi thiên nhiên nhưng đã trót nghe theo tiếng gọi của loài người mà từ bỏ cái thú tính ngang tàng để về sống hiền hòa dưới mái chuồng tranh, tuân thủ theo nề nếp văn minh của loài người và để được gọi là gia súc từ đó. 


Trâu và bò đều to con nhưng so ra thì “Trâu gầy cũng tầy bò giống” và lông trâu thì màu xanh hoặc đen chứ không nâu hoặc vàng như bò, họa hoằn mới có con lông trắng vì dân ta ngày xưa tin là “trâu trắng đi đâu, mất mùa đến đấy” cho nên trâu trắng sinh ra thường bị giết thịt sớm chứ không được nuôi. Trâu khoẻ và được việc hay không là nhờ nơi bộ vó cho nên tục ngữ có câu: “Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi”. Đầu trâu có một cặp sừng lớn, cong và nhọn hoắt để trâu tự vệ vì trâu cũng giống như bò thường chỉ rành có mỗi môn võ húc mà thôi cho nên người ta mới bảo: “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”.
 

Cả trâu lẫn bò đều thuộc loài nhai lại cho nên lúc nào mồm cũng nhóp nhép ra cái điều ta đây cũng biết nghiền ngẫm hương vị của thức ăn, mặc dù thức ăn chỉ là cỏ, còn lúa tuy rất thèm đấy, nhưng lại bị nghiêm cấm, cho nên sau một ngày lao động vất vả, đến chiều về chuồng chỉ mong được chủ bồi dưỡng thêm nắm rơm khô đã là hạnh phúc lắm. 


Khỏi phải nói thì ai cũng thừa biết trâu và bò đều là nguồn cung ứng thực phẩm giàu chất đạm cho người. Thịt trâu hơi dai, nhưng dân ta bảo thịt trâu lành và mát, còn thịt bò tuy có mềm, ngon và bổ hơn thịt trâu nhưng cũng dễ gây ra chứng phong ngứa, nổi mề đay v.v… Tuy vậy xưa kia dân ta lại không mấy ai dám mơ tưởng đến cái món thịt được coi là xa xỉ này trong bữa ăn thường ngày mà chỉ khi nào có hội hè đình đám hay lúc khao quân mới có chuyện "vật trâu" hay “mổ bò” để cúng thần thánh, tổ tiên… và tế ruồi, rồi mới hưởng lộc thôi


Bò và trâu còn là nguồn cung ứng sữa cho con người dùng để tăng thêm sức lực, nhưng dân ta thường nghe nói đến sữa bò chứ ít ai nghe đến sữa trâu, và cũng phải đợi tới khi mấy quan thực dân từ bên trời Tây chịu khó lặn lội sang cánh đồng ta nói là để giúp ta khai hóa thì dân ta mới bắt đầu tập làm quen dùng sữa bò, nhưng chỉ là sữa đóng hộp đã chế biến có đường được nhập cảng vào chứ không phải sữa tươi nguyên chất, vì trâu bò ta vốn không đủ sữa cho nghé bú thì đào đâu ra sữa mà hiến cho người. Vì sữa hiếm và quý nên chỉ để dành nuôi em bé và cho người bệnh hay mấy kẻ có tiền mới được hưởng. Chả trách vào thời Tây mới sang, nho học suy tàn, đã khiến cho một cụ Tú Xương lận đận với thi cử, thất bại về công danh, đành than thở cho thân phận bằng mấy câu thơ: 


Biết thân đi học làm ông Phán
Tối uống sâm banh sáng  sữa bò... 


Dân ta ngày xưa muốn được làm chủ một con trâu thì ít ra nhà cũng phải khá giả một chút chứ nghèo thì chỉ có nước đi ở mướn chăn trâu thôi, vì thế ca dao mới có câu: 


Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,
Trong ba việc ấy lọ là khó thay


Chính vì xem trâu như là cái vốn quý nên dân ta thường nuôi trâu bò không phải để ăn thịt hay lấy sữa mà là để kéo cầy, kéo bừa, kéo xe… và nói chung là để thay người làm những công việc nặng nhọc. Trâu chịu nước, bò thích khô, do đó ruộng nước thì cần phải trâu cày mới xuể cho nên dân ta mới hay nói con trâu kéo cày, con bò kéo xe, mặc dù “Trâu năm sáu tuổi còn nhanh, Bò năm sáu tuổi đã tranh về già” nhưng trâu bao giờ cũng chậm hơn bò. Còn loại xe dùng trâu hay bò kéo thường thô sơ và nặng nề hơn xe ngựa, phải ì à ì ạch mới lăn nổi bánh cho nên khi ta hỏi về cuộc sống của ai đó mà được nghe câu trả lời: “Khoẻ re như bò kéo xe” là cũng đủ hiểu người đó sung sướng đến độ… “bở hơi tai” với cái số kiếp kéo cày trả nợ.


Tại sao trâu lại phải kéo cày trả nợ thì đây là một câu hỏi người không trả lời được đành phải cậy đến trời để giải thích bằng sự tích con trâu. Rằng xưa, Ngọc Hoàng Thượng Đế thương trần gian đói khổ, người không có đủ lúa gạo ăn, súc vật không có đủ cỏ để gặm, bèn động lòng sai Tiên Đồng mang xuống hạ giới một bó lúa và một bó cỏ thần để gây giống làm thức ăn cho người và vật. Tiên Đồng này vốn có họ hàng với chú Cuội nên xuống đến trần thì cứ mãi vui chơi quên cả nhiệm vụ nên chỉ mới gieo bó cỏ mà chưa kịp gieo lúa thì đến kỳ trở về. Tđó cỏ mọc lan tràn nhưng lúa thì vẫn còi cọc khiến loài người vẫn cthiếu ăn. Ngọc Hoàng thấy thế bèn nổi giận, phạt đày Tiên Đồng xuống trần gian biến thành con trâu nai lưng kéo cày trả nợ cho người, còn mình chỉ được gặm cỏ để chuộc lỗi xưa. 
 

Vì cái kiếp con trâu vất vả như thế cho nên về phương diện lý số, dân ta tin ai sinh vào năm Sửu thuộc tuổi con trâu thì số phải vất vả là cái chắc, và bậc làm cha mẹ thường không muốn sinh con vào năm Sửu. Nói thì nói thế thôi chứ thực tế thì chưa có bản thống kê nào chứng minh cho thấy số sinh năm Sửu kém hơn các năm khác bao giờ. Còn người dù thuộc tuổi nào đi nữa mà phải sống kiếp trâu bò kéo cày trả nợ thì người ta bảo là trả nợ kiếp trước, trả nợ đời, trả nợ người… và có khi còn có cả cái nợ quái đản như trường hợp các anh hùng bại trận thời 75 trước đây từng được “đảng anh minh” phong tước cho là “ngụy quân ngụy quyền” và “được nhà nước ta cho đi cải tạo” thì được coi là để “trả nợ máu đối với nhân dân” v.v…  Thế là khỏi cần thắc mắc làm chi cho rắc rối cuộc đời. 


Con trâu đối với người nông dân ta ngày xưa là cả một gia sản, còn làng nước thì lắm kẻ chỉ chờ mong có dịp vật trâu để cúng tế và được ăn miếng thịt nên mới đẻ ra lắm cái lệ phạt vạ nộp trâu đối với những ai vi phạm tập tục truyền thống tốt đẹp của làng cho nên nhiều khi con người đành phải hy sinh thay trâu để cứu gia đình như trường hợp cô gái nào lỡ thuộc nằm lòng câu ca dao: “Không chồng mà chửa mới ngoan, Có chồng mà chửa thế gian sự thường” để khi thấy mình bỗng nhiên: 


Phềnh phềnh lớn giữa lớn ra”  - thì chỉ đành ca tiếp:
Mẹ ơi, con chẳng ở nhà được đâu
Ở nhà làng bắt m
ất
trâu
Cho nên con phải đâm đầu ra đi.


Tuy nhiên cũng có những cô nàng chồng rồi mà vẫn chịu chơi hết mình thì đâu có ngán:


Anh đánh thì tôi xin thưa
Tánh tôi hoa nguyệt chẳng chừa được đâu
Ăn quen chừa được chẳng lâu
Lệ làng, làng bắt mất trâu mặc làng


Riêng những anh chàng nào vốn thuộc họ Bần cố hay Hà tiện mà lại thích trèo cao:


Dẫn trâu, sợ họ máu hàn
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng đau gan
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân mời làng


lại lỡ yêu nhằm cô gái kênh kiệu đưa ra cái yêu sách:

Anh về bán ruộng cây đa
Bán cặp trâu già mới cưới đặng em. 


thì cũng chỉ đành âm thầm ôm lấy mối tình tuyệt vọng mà thôi. Còn đối với thần linh vốn không thể nhìn thấy sờ sờ trước mắt được nên đôi khi con người có lỡ van vái khẩn cầu và hứa tạ lễ bằng trâu đi nữa, nhưng đến khi được việc rồi thì lại quá tiếc trâu nên cũng hết sợ thần thánh, bèn gi trò qụyt luôn: 


Cầu được khn bà một trâu
Được rồi thì có trâu đâu cho bà


Vì quen gần gũi trâu nên dân ta cũng hay dùng trâu để mà ví von về người. Mặc dù trâu được tiếng hiền lành nhưng mạnh húc nên người ta mới ví những người to con lớn xác, mặt mày dữ dằn nhưng chỉ biết sai đâu đánh đó là thứ “đầu trâu mặt ngựa”. Khi muốn chê bai những kẻ chậm lụt nên thường thua thiệt trong cuộc sống đầy dẫy bon chen thì người ta bảo "trâu chậm uống nước đục". Nói về kẻ làm công việc một cách thiếu phương pháp thì người ta gọi họ là kẻ: "Đặt cái cầy trước con trâu". Đối với những kẻ kém may mắn, lại hay thất bại trong cuộc đời nên thường ganh ghét kẻ có ăn có mặc hoặc thành công hơn mình thì người ta gọi là "Trâu cột ghét trâu ăn". Cụ lão nào dư ăn dư để nên sinh tật vớ thêm cô hầu nàng thiếp trẻ măng về để cho mình cày thì người ta bảo "trâu già gặm mạ non". Ngày nay thế sự có đổi mới cho nên nhiều cụ chỉ cần cái “mác” “Việt kiều về thăm quê hương” là tha hồ "cơm no, bò cưỡi". Còn khi tiếc cho nàng thục nữ nhan sắc mà lấy phải một gã không ra gì thì cũng chẳng khác nào "hoa nhài cắm bãi cứt trâu" v.v...


Lại có những trường hợp như anh chàng chăn trâu lsi tình con gái của chủ theo kiểu “thương em từ thủa mẹ bồng trên tay, rồi đến khi cô nàng lớn lên thì bỗng có một anh chàng xa lạ từ đâu đến rước đi mất, để cho anh chàng chăn trâu chỉ còn đành một mình đứng bên chuồng trâu mà thở than: 


Công anh chăn nghé đã lâu
Bây giờ nghé lớn thành trâu ai cày


Nhưng không phải chỉ có các chàng mới đem các nàng ra mà ví với trâu đâu, mà chính các nàng như trường hợp hai chị em quá quắt nhà này cũng không ngần ngại gì mà không coi chàng cũng giống như trâu vậy: 


Của chua ai thấy cũng thèm
Em cho chị mư
ợn chồng em vài ngày

Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.


Ngoài ra cũng còn những câu ví như: “Đi sông đi biển không chết, về chết vũng trâu đằm” hoặc "Anh hùng chết lỗ chân trâu". Kể ra cái vũng trâu đằm thì có bao lớn mà chết thì là tại số cũng chẳng nói làm chi, còn như lỗ chân trâu chỉ nhỏ như cái chung uống trà thì có nghĩa gì đâu để đến nỗi người phải bị chết ngộp, nhưng vì cái lỗ chân trâu này lại ám chỉ vào một cái khác hơn lỗ chân trâu thật sự thường thấy trên con đường làng cho nên mới gây ra cái cớ sự cho Từ Hải bị chết đứng như trong truyện Kiều vậy. 


Mặc dù dân ta thường ví chậm như trâu, ngu như bò, cho nên trong cái tổ "tam ngu" dân ta quen nêu đích danh “heo bò chó” còn trong "chi bộ 12 con giáp" thì chỉ có tên trâu chứ không phải tên bò, nhưng trâu hay bò thì cũng chung một họ ngu thôi. Không ngu sao được khi trâu chịu để yên cho người xỏ mũi tròng dây kéo đi và để cho người quàng lên cổ mình một cái ách nặng nề. Đã thế, cả đời lại cứ mãi đâm đầu “Trâu tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu”, và suốt mấy ngàn năm chung sống với người trâu vẫn thản nhiên để cho người ru mãi bằng mấy câu tình nghĩa: 


Trâu ơi! ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ cây lúa trổ bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn


Trâu nai lưng ra kéo cày để giúp người sản xuất ra lúa gạo nuôi sống con người nhưng ngược lại, trâu được hưởng gì trong việc bỏ công lao động này? Câu trả lời là: "ngọn cỏ ngoài đồng". Ðó là chưa nói đến chuyện một khi trâu không còn sức để kéo cày thì con người cũng không ngần ngại đem trâu ra giết lấy thịt ăn, lấy sừng làm đồ dùng, lấy xương làm khuy áo, lấy da bịt trống v.v... Nói tóm lại là không để rơi rớt một chút nào của trâu cả như bài ca dao tế trâu sau đây đã mô tả: 


…Hồi nào mầy ở với tao
Đến khi mầy chết, tao cầm dao tao xẻo thịt mầy
Thịt mầy nấu cháo linh binh
Da mầy bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mầy tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược thưa  lược dày…


Thôi thì một khi đã biết tình nghĩa của người là “Trâu ngã lắm kẻ cầm dao” thì xin trâu  cũng đành: “Trâu già đâu nệ dao phay” cho xong một kiếp trâu.  


Cũng vì trâu bị coi là ngu cho nên khi Tây mới chiếm đất Lục tỉnh của ta, ông Nguyễn Văn Lạc, một sĩ phu miền Nam đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, mới làm ra bài thơ Vịnh Con Trâu, nhằm chửi xéo những kẻ đã đầu hàng làm tay sai cho giặc để mong hưởng chút “bơ thừa sữa cặn” mà không còn nghĩ gì đến quốc gia dân tộc:


Mài sừng cho lắm vẫn là trâu
Ngẫm lại mà coi thực lớn đầu
Trong bụng lam nham ba lá sách
Ngoài cằm lém đém một hàm râu
Mắc mưu đốt đít quay đầu chạy
Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu
Nghé ngọ ngàn đời quen nghé ngọ
Năm cung đờn khẩy biết nghe đâu?


Thực ra trâu không hề bị điếc vì người thợ cày vẫn hét lên những tiếng như: “ví, thá, họ, vắt…” để khiển trâu đi đứng, cũng giống như ông cai hô: “nghiêm, nghỉ, bước đều…” để ra lệnh cho lính khi diễn tập, cho nên câu tục ngữ "đàn gảy tai trâu" hoặc câu ca dao: 


Đàn đâu mà gảy tai trâu
Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi.


không phải nhằm vào việc chê trâu thiếu máu văn nghệ mà chỉ nhằm ám chỉ hạng người không biết nghe theo lời hay lẽ phải thôi chứ không dính dáng gì tới trâu cả. 


Tuy nhiên về mặt võ thì trâu chưa đến nỗi quên cái ngón sở trường của mình cho nên tục ngữ mới có câu: “Có ăn có chọi mới gọi là trâu”, và dân ta cũng thích xem trâu húc nhau làm niềm vui cho mình đến nổi nâng lên hàng các thú tiêu khiển và tổ chức các ngày hội chọi trâu để cùng vui chơi mà nổi tiếng nhất là hội chọi trâu ở Đồ Sơn thuộc miền Bắc:  


Dù ai buôn đâu bán đâu
Mùng Chín tháng Tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng Chín tháng Tám thì về chọi trâu


Cũng do cái chuyện chọi trâu này mà đẻ ra thêm cái chuyện Trạng Quỳnh đem nghé ta ra chọi với trâu Tàu. Truyện rằng: một hôm vua Tàu muốn dò xét xem tình hình nhân tài nước ta để còn mưu đồ việc thôn tính, bèn sai sứ đem theo một con trâu cổ rất to lớn và hung hăng qua thách chọi với trâu của ta. Vua ta thấy trâu Tàu oai phong lẫm liệt quá nên cuống cà kê cho triệu Trạng Quỳnh vào cung vấn kế. Trạng Quỳnh bèn tâu vua cấp cho mình một con nghé nhỏ rồi hẹn ngày thi đấu với trâu của sứ Tàu. Trước ngày thi đấu, Trạng Quỳnh bỏ đói con nghé cho nên khi thả vào trường đấu, con nghé thấy trâu Tàu thì tưởng trâu mẹ nên cxông vào để bú vú. Trâu vốn chỉ quen chọi nhau với trâu ngang ngửa như mình, nên khi trâu Tàu không thấy trâu đâu cả mà chỉ gặp con nghé nhỏ đang đói cứ lủi đầu vào dưới bụng thúc thúc tìm sữa mà trâu đực thì làm sao có vú cho nên nhột nhạt quá phải lủi đầu chạy quanh. Thế là Trạng Quỳnh công bố trâu ta toàn thắng và sứ Tàu thì thua mưu đành ra về. Còn chuyện sứ Tàu có nghĩ là mình cũng ngu như trâu hay không thì tôi chưa thấy có sử sách nào nhắc đến.


Nếu suốt mấy ngàn năm trước đây hình ảnh con ngựa vẫn gắn liền với chiến tranh vì con ngựa rất có công trong việc giúp con người đi chinh chiến, thì trái lại hình ảnh con trâu lúc nào cũng gợi lên trong lòng người một cuộc sống thanh bình như cảnh:


Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa


Trong cuộc “kháng chiến thần thánh” chống Pháp vừa qua dưới sự “lãnh đạo sáng suốt của đảng quang vinh”, nhạc sĩ Phạm Duy cũng không quên vinh danh con trâu qua câu hát trong bài Ngày Trở Về: "…có anh thương binh chống nạng cày bừacó con trâu xanh hết lòng giúp đỡ…" Tuy nhiên trong một bài hát khác của cùng tác giả mang tên Quê Nghèo thì không còn trâu mà chỉ còn cái hình ảnh thương tâm: “...Ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày...


Thật ra cái cảnh con trâu lặng lẽ kéo cày hoặc em bé ngồi vắt vẻo lưng trâu thổi sáo có  gợi cho ta một cuộc sống êm đềm, bình lặng, hiền hòa thì xin cũng đừng ai quên nghĩ đến những nỗi lam lũ vất vả trong lao động cũng như những lần cay đắng bó tay trong cuộc chạy đua vật lộn với thiên nhiên của người dân ta để sống còn, cho nên ngày nay hình ảnh con trâu với cái cày cũng là hình ảnh biểu tượng của sự chậm tiến. Lại nữa, ngay cả cái hình ảnh con trâu ngoan ngoãn kéo cày hay hiền lành gặm cỏ ngoài bờ đê cũng không phải do trâu tự nhiên như thế, mà chỉ được duy trì bằng cây roi luôn luôn răn đe tới tấp trên mình trâu của anh trai cày hay chú bé chăn trâu. 


Ngoài ra, nếu khi nghe kẻ nào ca bài: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…” thì cũng xin đừng có vội tin mà có ngày mất luôn cả thóc giống vì từ xưa ca dao cũng đã từng có câu:


Con cậu cho học chữ Nho
Cháu cậu, cậu bắt chăn bò chăn trâu


Cũng vì đi cày hay chăn trâu thì cứ phải đánh trâu hoài mà vẫn không thể ngóc đầu lên được trong cuộc đời cho nên mới có những chú bé chăn trâu, những chàng trai cày bỗng nhiên một hôm thấy mình không còn thích vui đời "đánh trâu" nữa, bèn bỏ làng ra đi để lăn mình vào cuộc “đấu tranh”, và thế là tránh đâu cho khỏi con đường bạo động. 


Điều đáng buồn là bốn ngàn năm thanh bình kiểu “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” đã tạo ra cho đất nước ta có quá nhiều 


Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
B
ờm rằng Bờm chẳng lấy trâu…


mà chỉ cần “hòn xôi thôi là cũng đủ cho Bờm cười”. Bên cạnh đó lại có vô số: 


Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời…


cho nên trong thế kỷ vừa qua đất nước ta mới có dịp làm mồi cho khói lửa suốt ba thập niên và dân ta tha hồ rủ nhau cỡi trâu ngao du về miền thanh thản. 


Kho chuyện trâu còn nhiều, nhưng tôi thì cũng đã giống như trâu già nên mài bút húc đến đây cũng đã thấm mệt, lại thấy năm Sửu này không riêng gì trên cánh đồng ta mà khắp nơi trên mặt đất này, vẫn cái cảnh trâu bò húc nhau để cho ruồi muỗi tha hồ chết một cách vô tội vạ cho nên nhiều lúc cũng đâm ra thấy thương câu hát ru em thủa nào: 


Ầu ơ… Ví dầu ví dẩu ví dâu
Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng


và phân vân không biết mình có nên cầu mong cho nhân loại hãy quên đi những chuyện đấu tranh để quay về vui với cuộc đời đánh trâu và mơ lại giấc mơ của người xưa: 

Bao giờ đồng rộng thảnh thơi,
Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu.


ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment