Nhắc tới cọp là ai cũng cảm
thấy sợ. Mà không sợ sao được vì tục ngữ có câu: “sợ như sợ cọp”, loài thú dữ
chỉ thích ăn thịt sống chứ không hề dùng rau quả, cho nên cứu cánh đời cọp chỉ
là săn đuổi các loài động vật khác, và đôi khi bắt cả người làm mồi cho mình
nhậu. Nhưng sợ thì sợ, còn cà kê thì cứ cà kê, cho nên nhân dịp hết năm trâu bắt
đầu năm cọp, thiên hạ lại lôi chuyện ông hùm ông hổ ra kể làm cho tôi cũng thấy
nôn nao, dẫu biết mình kiến thức chẳng tới đâu, nhưng vì có chút nghề “xỉa răng
cọp”, nên cũng xin được góp vài câu chuyện về cọp theo “con mắt nghề nghiệp” của
mình.
Chắc có nhiều vị nghe nói đến
nghề xỉa răng cọp hẳn là ngạc nhiên lắm. Ngay chính tôi lúc mới được cậu tôi
giới thiệu về cái nghề này cũng đã từng ngạc nhiên không kém. Vậy để giúp quý vị
hiểu cái nghề này như thế nào tôi xin phép được kể câu truyện.
Ngày còn nhỏ, lần đầu tiên
mới đặt chân đến “Hòn ngọc Viễn Đông”, tôi được ông cậu thân yêu vốn coi mình
như thổ công của vùng đất thủ đô lúc bấy giờ dẫn đi “xem sở thú Sài gòn cho biết”.
Lúc xem đến khu chuồng cọp, tôi để ý thấy nơi mấy cái ghế đá bên ngoài có một số
người cứ ngồi thờ thẫn nhìn vào chuồng cọp, bèn thắc mắc hỏi ông cậu là mấy
người ấy làm trò gì ở đây vậy. Cậu tôi bảo: - Đó là mấy người chuyên “xỉa răng
cọp”. Thấy tôi há mồm trợn mắt (không phải để bắt chước cọp mà chỉ vì vừa sợ vừa
ngơ ngác không hiểu) cậu tôi bèn cười lớn: - Mầy không biết là cọp có bao giờ
cần phải xỉa răng đâu, cho nên mấy người ngồi kia là mấy người đang thất nghiệp
nên vào sở thú ngồi nhìn cọp ăn cho đỡ buồn. Đến đây thì quý vị đã hiểu cái nghề
xỉa răng cọp của tôi nó là như thế nào rồi, và nó cũng chả đòi hỏi người hành
nghề phải có đức tính can đảm hay sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy đến tính mạng
như nghề săn cọp của mấy ông thợ săn, hay nghề “vuốt râu hùm” của mấy thầy
chuyên dạy thú ở mấy gánh xiếc lớn.
Cũng vì ngồi xỉa răng cọp
hoài cho nên tôi hay thắc mắc. Không biết mấy cụ con trời tinh thông lý số ngày
xưa chiêm nghiệm thế nào mà khi sắp đặt cái trật tự vận hành của thiên lý lại để
cho cọp đi liền sau con trâu? Phải chăng đó là cả một vấn đề rất “lô-gích”, và
còn kèm thêm thâm ý nữa? Chả là để cho cọp đứng trước trâu thì vừa thấy cọp là
trâu đã lo tìm đường tẩu thoát chứ đâu dại gì mà thò đầu vào xếp hàng diễu hành
chung với cọp. Còn cái thâm ý của các cụ là khi để trâu đứng trước cọp thì cọp
đâu cần phải rình mò săn bắt làm gì nữa cho nhọc xác, mà lúc nào cần xơi tái thì
cọp chỉ việc ung dung giương nanh vuốt ra khều một cái thôi là xong ngay. Dân ta
từ ngàn xưa vốn được tiếng là hiền hòa, lại rất chi ư là cần cù nhẫn nại như
trâu, chỉ biết nai lưng ra làm mà ít khi được hưởng, lại còn hay chắt bóp để
dành, để lâu lâu mấy ông cọp ngồi sau lưng tha hồ mà thảnh thơi giải quyết gọn.
Chẳng thế làm sao tục ngữ của ta lại có câu “Kí cóp cho cọp nó xơi.”
Tuy cọp nhỏ hơn voi nhưng rất
khoẻ và dữ, còn voi lớn xác nhưng chậm chạp, lại quen ăn chay trường, không hiếu
sát, nên không được muông thú trong rừng khiếp sợ như cọp, nhờ đó mà cọp chiếm
được cái ngôi vị chúa tể rừng xanh. Đúng ra thì ngôi vị này là của sư tử, nhưng
sư tử thì ở tận bên Phi châu, còn rừng xứ ta chỉ có cọp, cho nên cọp đương nhiên
nắm quyền. Vả lại sư tử, cọp, beo hay mèo rừng mèo mướp gì đi nữa thì cũng họ
hàng dây mơ rễ má với nhau cả như trong bộ “gia phả truyền khẩu” của dân ta có
nói: “con mèo là dì con cọp”, vậy thì cọp với sư tử nếu không là anh em cô cậu
thì cũng là con nhà chú nhà bác, nên mới chia nhau mà trị để tránh cảnh huynh đệ
tương tàn thế thôi.
Đó là chuyện giữa loài thú
với nhau, còn giữa cọp với người thì cả hai đều có tham vọng làm bá chủ mặt đất
này nên không ai chịu khuất phục ai, nhưng muốn tiêu diệt nhau cũng không dễ
dàng gì, cho nên mới thỏa hiệp ngầm là giang sơn nào thì anh hùng nấy, miễn đừng
động chạm đến nhau là ổn rồi. Có lẽ vì thế mà người lúc nào cũng không muốn phải
đối đầu với cọp, và cọp thấy người thì cũng thường lảng tránh đi chỗ khác.
Thông thường thì cọp lúc nào
cũng tỏ ra tôn trọng thỏa hiệp, chỉ khi nào kẹt lắm mới đột kích về xóm làng tóm
cổ một vài chú trâu bò đã dại dột nghe lời dụ dỗ của người mà về sống chung dưới
một mái chuồng, xong rồi là rút êm chuồn lẹ, nhưng người thì lại không bao giờ
chịu từ bỏ cái dã tâm bành trướng của mình nên từ xưa đến giờ vẫn không ngừng
giành dân lấn đất với cọp, khiến cho giang sơn của cọp cứ càng ngày càng co cụm,
và giòng giống cọp rất có nguy cơ bị diệt vong. Cũng vì thế mà ngày nay con
người lại đề ra chính sách bảo vệ cọp, không phải vì thương yêu gì cọp, mà do
nỗi sợ hãi sự mất quân bình sinh thái sẽ đưa đến sự hủy diệt luôn cả sự sống
trên trái đất, trong đó có con người.
Tuy dân ta có nhiều người sợ
cọp đến nỗi không dám gọi cọp bằng “con cọp”, nghe có vẻ xách mé đối với vị chúa
sơn lâm, mà tôn kính gọi bằng “ông cọp”, có khi còn kiêng luôn cả cái tên cúng
cơm để chỉ gọi bằng những nickname do người đặt ra như “ông mễnh”, “ông cà um”,
“ông ba mươi” v.v... Tuy nhiên vì cái xác cọp lại có giá trị kinh tế cao trên
thị trường tiêu thụ, cho nên vẫn có những người không nề nguy hiểm đến tính mạng,
tìm đủ cách săn lùng và hạ sát cọp để thu lợi nhuận. Nếu cọp bắt được người thì
chỉ xơi hết thịt, bỏ xương lại cho quạ rỉa, còn mình thì tìm chỗ đánh một giấc
là xong, trái lại người mà giết được cọp thì không chừa một thứ gì, thịt thì ăn,
xương thì đem luyện thành cao hổ cốt làm thuốc tẩm bổ để mong cho mình cũng
khoẻ như cọp, còn da thì đem thuộc rồi căng lên tường, hay nhồi bông giả cọp
sống để trưng bày ở nơi trang trọng nhất trong nhà như một thành tích về sự dũng
cảm hay sang giàu của chủ nhân để cho khách khứa xem mà trầm trồ.
Không biết đã có người thợ
săn nào khi bị cọp tấn công dám liều lĩnh nhảy lên lưng cọp mà ngồi để khỏi bị
cọp vồ hay không, nhưng dân ta vẫn có câu thành ngữ: “leo lên lưng cọp”, hay
“cỡi lưng cọp”. Khi một đứa bé chăn trâu cỡi trâu hay cỡi bò là để cho mình
khỏi phải đi bộ, quân binh cỡi ngựa là để có thể tiến nhanh, tiến mạnh, tiến
thục mạng vào quân thù mà đâm chém cho thỏa chí nam nhi, vua chúa cỡi voi là để
cho muôn dân thấy mình thêm cao trọng v.v…, nhưng khi một kẻ nào đó cỡi cọp thì
không phải để bắt cọp phục vụ cho mình mà chỉ vì không còn lối thoát nào khác
hơn trước nguy cơ bị cọp vồ. Một khi đã ngồi lên lưng cọp rồi thì mặc cho cọp
nhảy nhót tung hoành, còn mình thì cố mà bám lấy cổ cọp chứ sơ sẩy ngã xuống là
bị cọp xơi tái ngay. Dĩ nhiên ai cũng biết câu thành ngữ này phải được hiểu theo
nghĩa bóng nhiều hơn.
Cọp cũng có nhiều đặc tính
hơn người cho nên dân ta thường so sánh khoẻ như cọp, oai như cọp, dữ như cọp…,
riêng có một điều là dân ta không ai ví ngu như cọp, nhưng quý vị nào trước đây
có cơ may được học sách “Quốc văn giáo khoa thư” của “Nha Học chính Đông Pháp”
xuất bản thời dân ta còn bị mấy ông Tây cai trị, ắt hẳn chưa quên bài tập đọc “Người
khôn hơn loài vật”, nguyên văn như sau:
Ngày xưa, có một người đi
cày đánh đập con trâu thế nào cũng phải chịu. Con cọp ngồi trên bờ, nom thấy mới
hỏi trâu rằng: "Trâu kia, mày to lớn nhường ấy, sao mày để nó đánh đập như thế?".
- Trâu nói: "Nó bé nhưng trí khôn nó lớn". Cọp lấy làm lạ, không biết cái trí
khôn ra thế nào, mới bảo người rằng: "Người kia, trí khôn của mày đâu, cho tao
xem?". - Người nói: "Trí khôn tôi để ở nhà". - "Mày về lấy đi". - "Tôi về, rồi
ông ăn mất trâu của tôi thì sao? Ông có thuận để cho tôi trói ông lại, tôi về
lấy cho ông xem".
Cọp muốn xem, thuận để cho trói. Trói xong, người lấy bắp cày (ỉnh cày) đánh mãi, bảo rằng: "Trí khôn tao đây!".
Cọp muốn xem, thuận để cho trói. Trói xong, người lấy bắp cày (ỉnh cày) đánh mãi, bảo rằng: "Trí khôn tao đây!".
Đây cũng là câu chuyện được
dân gian ta dùng làm sự tích cắt nghĩa tại sao trâu chỉ có một hàm răng, còn
mình cọp thì lại có vằn có vện. Chả là khi nhìn thấy cọp ngây ngô chịu trói để
rồi bị người đánh cho bầm mình bầm mẩy thì trâu khoái trá nhe răng cười lăn lộn
đập mõm vào mô đất làm gãy luôn cả hàm răng trên, cho nên loài trâu sau này không
còn hàm răng trên nữa. Còn loài cọp về sau thì mình có vằn có vện, là do dấu
tích những vết lằn bị người đánh.
Bài đọc trên kết luận bằng
một câu: Vậy mới biết: mạnh chẳng tày khôn.
Không những cọp thua trí con
người mà nhiều khi còn thua mưu các loài vật khác như trong câu truyện dân gian:
“Cọp thi nhảy xa với cóc”. Nắm được thói quen của cọp mỗi khi nhún mình nhảy tới
là cũng phải quất cái đuôi về phía trước nên cóc đã làm bộ chấp cọp đứng trước
mình rồi lén ngậm chặt miệng vào đuôi cọp, cho nên khi cọp vừa phóng mình tới
thì cái đuôi cọp cũng đã hất cho cóc văng ra xa hơn trước mặt cọp rồi. Thế là
cọp đành chịu thua.
Tuy đây chỉ là những câu
chuyện khôi hài trong dân gian để giúp cho con người tìm chút niềm vui cho cuộc
đời không được mấy khi vui của mình, nhưng ngẫm lại cái xã hội loài người thì
xưa nay cũng chẳng thiếu gì cá nhân, dân tộc chỉ biết ỷ mạnh để ra oai hay hiếp
đáp thiên hạ, nhưng nhiều khi lại ngu si đến nỗi bị kẻ yếu kém hay gian manh lừa
cho những vố nên thân, hoặc để cho vài vết sẹo không bao giờ lạt phai, không
khác gì con cọp trong mấy câu truyện trên đây. Quý vị không tin thì cứ giở lịch
sử ra mà "ngâm kíu" là rõ ngay.
Cọp cũng là đầu dây mối nhợ
gây ra bệnh “cúm sư tử”. Nghe nói cúm sư tử chắc có nhiều vị lại ngạc nhiên tiếp,
cho là tôi nói dốc vì lâu nay thiên hạ chỉ phải lo đối phó với mấy loại cúm gà
cúm vịt cúm heo đang hoành hành khắp nơi chứ đâu có ai nói tới cúm sư tử bao giờ.
Tôi xin thưa ngay đây là một căn bệnh có thật từ ngàn xưa và rất phổ biến ở
những nước vốn tự hào có một nền văn hiến lâu đời, nhưng vì không có thuốc chữa
nên người ta mới lờ đi cho được việc. Còn tại sao bệnh này lại có tên là cúm sư
tử thì do ngày xưa ở bên Tàu có nhà thơ Tô đông Pha một hôm đến chơi nhà một
người bạn bị bệnh này đã tình cờ khám phá ra cái căn nguyên là bởi “Hốt văn
Hà đông sư tử hống” (chợt nghe sư tử Hà đông rống) mà ra, cho nên người đời
sau mới dựa vào đó mà đặt tên cho bệnh này là bệnh cúm sư tử. Lẽ ra ở xứ ta
không có sư tử mà chỉ có cọp cho nên phải gọi cúm cọp mới hợp lý, nhưng cái tên
cúm sư tử nghe quen tai hơn, lại có trước, thành thử tôi cũng không dám tự tiện
thay đổi.
Bệnh này hình như không có
nơi loài cọp hoặc sư tử mà chỉ xuất hiện nơi con người thuộc phái mày râu và
không lây lan từ cá nhân này sang cá nhân khác, nhưng lại có thể di truyền từ đời
bố sang đời con, thậm chí có khi đến đời cháu đời chắt cũng không chừng. Bệnh
cũng chỉ xuất hiện khi người ấy đã đến tuổi trưởng thành và bắt đầu thích nuôi
“pet”. Lúc mới đầu thì cũng tưởng là mình rước một ả mèo xinh ngoan về làm bạn
sớm hôm cho vui cửa vui nhà, nhưng bỗng một hôm thức dậy thấy mèo hiện nguyên
hình là con cọp cái, thế là bệnh bắt đầu bộc phát. Mức độ gây nguy hiểm của bệnh
này thì cũng tùy người, tùy lúc. Đối với những người vốn có mệnh số “thờ bà”
như anh chàng Thúc Sinh trong
truyện Kiều, hay lỡ lâm vào cảnh “về nhà xua gà”, thì chỉ thấy mình bỗng nhiên nhụt chí anh
hùng, còn đối với những kẻ từng có chút tài năng hay nhờ “phúc đức ông bà tổ
tiên để lại” mà phất lên rồi làm hùm làm hổ với thiên hạ, nhưng đến khi vướng
phải bệnh này rồi thì cũng có thể trở thành u mê ám chướng, thân bại danh liệt,
hay tiêu tan luôn cả sự nghiệp và nhiều khi còn gây ảnh hưởng tai hại cho cả
quốc gia dân tộc nữa.
Không biết có
phải vì quá sợ cái bệnh này hay không mà ngày xưa các cụ mới bày ra cái trò bói
toán và gán cho phái nữ thuộc tuổi Dần nhiều tiếng ác như nào là hung dữ, nào là
cao số…, để hy vọng chận đứng bớt cái nết lăm le trổ tài bẻ gãy sừng trâu của
mấy nàng cọp cái, khiến cho nhiều cô nàng sinh vào năm cầm tinh con cọp cứ phải
lận đận lao đao. Nhưng nói thì nói thế thôi chứ thực tế đâu có phải cô gái nào
tuổi Dần cũng là cọp cái và mấy cô gái tuổi khác là con mèo ướt hay “con nai
vàng ngơ ngác” cả đâu, vì ngay vào cái thời mà đàn bà con gái nước ta chỉ biết
mặc váy chứ không thèm mặc quần đã có một bà Hồ Xuân Hương, không biết thuộc
tuổi con gì trong mười hai con giáp, nhưng lại rất nổi tiếng không những về các
bài thơ bất hủ của bà, mà còn về đường tình duyên lận đận nữa. Ngay vào lúc hãy
còn xuân mà bà đã trải qua hai lần “làm lẽ” rồi, và lần nào cũng phải sớm khóc
tiễn đưa đức ông chồng của mình về nơi chín suối. Thế mà không hiểu sao vẫn có
một anh chàng văn nhân nọ dám lẽo đẽo theo chọc ghẹo khiến bà phải thương hại
cảnh cáo:
Anh đồ tỉnh, anh đồ say?
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này, chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.
Không ngờ anh
đồ này cũng là nòi cọp (vì tên ông ta là Phạm Đình Hổ mà) cho nên có gặp phải sư
tử, cọp beo, rắn rít, cá sấu…, thì cũng coi như pha, tỉnh bơ đáp lại ngay:
Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày…
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bỗng chốc tay.
Tuy nhiên
sau đó không biết có phải vì chưa quên lời dạy của các cụ, hay là tấm gương sờ
sờ trước mắt vẫn còn đó mà ông Hổ này rốt cuộc lại hóa ra cọp giấy, chỉ dám chọc
ghẹo kiểu văn nghệ thế thôi, chứ chưa có gan “rước xuân về nhà”. Còn trong thời
đại văn minh ngày nay thì chẳng mấy ai bận tâm đến chuyện xem tuổi tác làm chi
cho rắc rối. Hễ chàng trai nào đã rắp tâm “mó hang hùm” để tìm bắt cọp con về
làm giống thì cứ nhắm mắt mà nhảy lên lưng cọp, chỉ khi nào bị cọp cào cấu cho
tả tơi hay bị ăn tươi nuốt sống rồi thì lúc bấy giờ mới đổ cho tại cái số.
Nếu cọp gieo tiếng xấu cho
các cô các bà thì đối với phái nam càng giống cọp càng sang càng tốt. Người có
khuôn mặt vuông vắn thì được gọi là có tướng “hổ đầu” (tức là đầu cọp), đi đứng
dõng dạc thì gọi là “hổ bộ” (dáng đi của cọp), múa may theo những ngón võ của
cọp thì gọi là “hổ quyền”, đấm đá nhau một cách mãnh liệt tận tình thì gọi là
“long tranh hổ đấu”, đàn ông ăn uống ào ào thì bảo “nam thực như hổ” v.v…
Hổ nổi danh như vậy nên nhiều
bậc làm cha mẹ cũng hay chọn Hổ để đặt tên cho con, mong là con mình sau này sẽ
làm rạng rỡ tông môn. Tuy nhiên, không hiểu sao tiếng đồng âm với “hổ” trong
tiếng Nôm lại không mang chút ý nghĩa hay đẹp nào mà chỉ toàn là cái dở như: xấu
hổ, hổ ngươi, hổ thẹn, hổ lốn…và phải chăng vì thế mà cũng có những trường hợp
thay vì “Hổ phụ sanh hổ tử” (cha tài ba sanh ra con cũng tài ba) lại hoá thành
“Hổ phụ sanh khuyển tử” (cha tài giỏi mà con chả ra gì) chỉ làm cho giòng giống
thêm xấu hổ mà thôi. Còn trong tiếng Nôm cũng có một tiếng đồng âm với “cọp”
nhưng không liên quan gì tới cọp, cũng không mang chút tính chất hào hùng nào
của loài cọp, mà chỉ dính dáng tới tiền, đó là “coi cọp”, như khi tìm cách chui
luồn lẩn tránh nhân viên gác cửa hay soát vé để cũng được coi như coi hát, coi
đá banh v.v… mà không phải trả tiền.
Vì bản chất cọp là sống tự do
và ngang tàng nên con người không bao giờ có thể “cải tạo” cọp của núi rừng
thành “một con cọp tốt” hay “một con cọp mới” để sống hạnh phúc trong một “thế
giới đại đồng”. Cũng vì thế mà trừ một số rất ít đã bị người lén bắt cóc từ nhỏ
rồi đem về nuôi và dạy dỗ để làm trò biểu diễn cho người xem như vẫn thấy trong
mấy gánh xiếc, số còn lại hễ mà bị bắt sống thì đều bị đưa vào sở thú, nhốt suốt
đời trong cái chuồng kiên cố có song sắt, để cho công chúng có dịp tham quan
thấy được tận tường mặt mũi “thủ phạm gây tội ác đối với loài người” mà không
phải run sợ. Ngắm cảnh này, Thế Lữ, một nhà thơ tiền chiến trước đây có cảm tác
ra bài thơ “Nhớ rừng”:
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm...
Tuy bài thơ có nội dung như
là “lời của một con hổ ở trong vườn Bách thú”, nhưng người đọc không khỏi liên
tưởng ngay đến con người. Trong quá trình lịch sử dân tộc ta với không biết bao
nhiêu lần chinh chiến, bao nhiêu cuộc phân tranh, đã có biết bao nhiêu lần, bao
nhiêu anh hùng nghĩa sĩ, vì sa cơ lỡ vận mà bị giết chết, tù đày, hoặc phải sống
trong sự ngược đãi.
Tục ngữ có câu: "hùm dữ chẳng
ăn thịt con", còn con người vốn tự hào cao quý hơn loài vật thì hình như lại
không được như vậy.
Vì quyền lợi, vì tham vọng, vì
ích kỷ, con người có thể hành hạ nhau, giết nhau mà không hề thấy xót xa, và khi một bạo chúa lên nắm quyền thì mọi con dân trong xã hội
không còn được coi là người nữa mà chỉ là công cụ để cho bạo chúa xử dụng hay
sinh sát theo ý muốn. Do đó những con dân nào bị coi là cứng đầu cứng cổ không
chịu khuất phục trước uy vũ của bạo chúa đều được bạo chúa giúp cho siêu thoát
sớm hoặc lùa vào các chuồng trại biệt lập cho khỏi chạy nhăng chạy nháo “gây rối
loạn trật tự xã hội”. Không những thế, bên cạnh đó còn có thêm những cái chuồng
nhỏ chật chội hơn, tối tăm hơn, dơ dáy hôi hám hơn, và được trang bị nhiều món “đồ nghề”
lỉnh kỉnh khủng khiếp hơn, cũng mang danh “chuồng cọp” nhưng không phải để nhốt
cọp, mà để dành cho những con dân nào còn tiếp tục muốn ngo ngoe ngóc đầu dậy
đòi “quyền làm người” vào đó ngồi mà nghiền ngẫm tiếp.
Dân ta thường hay nói: “Cọp
chết để da, người ta chết để tiếng”. Da của cọp thì chỉ là một
bộ lông dùng làm vật trang trí thôi, nhưng cái tiếng của con người để lại thì có
hai: một là tiếng tăm mà hai là tai tiếng. Nếu được cái tiếng tăm là cái tiếng
thơm để cho người đời sau ngưỡng mộ thì thật là diễm phúc, còn lỡ như lại là tai
tiếng là cái tiếng xấu để cho mọi người nguyền rủa đến muôn đời thì không còn gì
ô nhục bằng.
Kể ra cứ ngồi
mà xỉa răng cọp hoài thì cũng chỉ khươi thêm mùi xú uế (vì miệng cọp có bao giờ
thơm đâu), gây ô nhiễm môi trường khiến cho quý vị nào chỉ quen hít thở không
khí trong lành e phải bịt mũi bỏ đi chỗ khác chơi nên tôi xin phép được ngưng.
Còn quý vị nào nãy giờ thấy tôi ngồi lâu mỏi lưng mỏi cổ nên động lòng thương
(theo kiểu cho roi cho vọt), muốn tìm tôi để tẩm quất free cho một trận thì cũng
xin đừng có la cà vào sở thú, vì nhiều khi chưa chắc đã gặp tôi mà lại đụng phải
cọp sổng chuồng thì không biết đường nào mà chạy.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment