Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Friday, February 8, 2013

Năm Heo Bàn Chuyện Trạng Lợn

Phiếm luận



Heo hay lợn thì cũng là một loài nhưng vì người miền Nam quen gọi heo còn người miền Bắc gọi là lợn cho nên gọi heo hay lợn là do tùy người tùy lúc, khỏi cần phải bàn cãi. Lại nữa, heo vốn quá quen thuộc với con người nên đem chuyện heo ra kể chẳng khác nào kể chuyện ăn cơm bữa, nhưng cũng vì cái việc con heo lại có tên trong danh sách bộ chi mười hai con giáp của niên lịch theo Tàu mới làm cho người ta cứ phải lôi heo ra làm đề tài  mỗi khi năm con lợn trở về. 

Dĩ nhiên từ khi loài người biết vươn cánh tay nối dài của mình ra kết nghĩa với muôn loài trong thiên nhiên thì loài heo cũng lọt vào trong danh sách mấy con vật ưu tiên được loài người quan tâm săn sóc cho nên mới có việc từ heo của núi rừng được biến thành lợn nhà và còn được phong cho cái hàm gia súc, và cũng kể từ đó lợn nhà mới không còn phải lang thang tự kiếm sống nữa mà được người nuôi nấng chăm lo cho miếng ăn chốn ở đầy đủ. Hơn thế nữa, khác với mấy con vật như trâu bò chó ngựa còn bị loài người khai thác khả năng lao động hay năng khiếu bẩm sinh để phục vụ cho những mục tiêu ích kỷ của con người  thì loài heo trái lại chả phải làm gì cả, vì từ khi sinh ra ngoại trừ một số nhỏ được tuyển chọn để làm nái thì chỉ có việc ăn với đẻ, và nọc thì chỉ có việc ăn rồi cung ứng chất tình cho mấy chị heo nái, số còn lại đều được chủ giúp giải phóng cái nợ tình trước khi biết tình là cái chi chi cho nên chỉ còn mỗi một việc ăn no ngủ kỹ cho phát phì ra càng nhanh càng nhiều càng tốt, chờ ngày chủ ca bài "mua hành cho tôi" là đủ xong một kiếp. Chính vì cái kiếp heo nhà nó thảnh thơi như thế đó nên chả trách có người đôi khi nhận thấy mình cứ phải nai lưng cật lực ra làm việc cả đời mà vẫn cứ là đói rách chứ không bao giờ được hưởng một ngày nhàn hạ ấm no lại quay ra suy bì với heo và đâm ra ao ước sao cho mình cũng được "sướng như heo".

Không biết có phải vì cùng chung quan điểm đó hay không mà mấy ông thầy Tử vi đẩu số con Trời cũng bảo rằng Hợi, cầm tinh con heo là một cung tốt, và người tuổi Hợi là người có số an  nhàn sung sướng. Các tay tướng số thì còn bảo tướng heo thuộc loại quý tướng và người có tướng heo luôn được hưởng thụ bổng lộc trời ban, mặc dù cái tướng này cứ công tâm mà nói thì không tài nào lọt vào con mắt thẩm mỹ của mấy nhà điêu khắc cổ Hy Lạp được. Tuy nhiên, các tay thợ gốm bên Tàu hay bên ta thì lại rất đắc ý với cái hình thù béo tròn của heo nên đã chọn ngay con heo làm vật mẫu cho mình bắt chước nắn thành những con heo đất đem nung để bán không những cho con nít và ngay cả người lớn mua về làm cái kho để dành tiền tiết kiệm, và tuy chỉ là heo đất thôi, nhưng mệnh thọ của nó cũng không hơn gì heo sống vì một khi bụng đã đầy hoặc khi chủ túng tiền thì heo đất cũng bị chủ đem ra gõ cho một búa là xong đời. 

Mặc dù có tin theo mấy ông thầy tử vi tướng số bên Tàu để mà tự hào hay tự an ủi và nuôi hy vọng, nhưng có lẽ dân ta không bao giờ quên được cái hận một thiên niên kỷ nô lệ con cháu Trư Bát Giái cho nên trong đời sống mỗi khi phải va chạm với những gì không vừa ý thì lại lôi heo ra mà trút bỏ lên đầu tất cả những cái gì xấu xa bỉ ổi nhất của con người cho bõ ghét như nào là: mặt thộn như mặt lợn, làm biếng như heo, ăn uống hỗn tạp như lợn, ở bẩn như heo...  Kể ra mắng heo kiểu này thì đôi khi cũng có phần oan cho heo vì nếu heo không bị con người giam hãm trong cái chuồng chật chội hôi thối và thúc heo phải hay ăn chóng nhớn cho mình chóng được đem heo ra mà xẻ thịt thì chắc gì heo đã như vậy? 

Ngoài ra heo cũng nổi tiếng không kém gì dê mà có khi còn bạo hơn dê trong lãnh vực thể hiện cái tiết mục thứ ba trong hàng tứ khoái của loài sinh vật người cho nên người ta mới bắt chước đem cái trò hùng hục như lợn (chứ không phải nhẹ nhàng thơ mộng như làn gió heo may) mà khai thác thành phim ảnh để hốt bạc, và cũng vì thế mà người ta mới dùng chung cái nhãn hiệu "con heo" để dán cho những phim ảnh thuộc loại này. Có điều lạ là loại phim ảnh này không những bị các nhà đạo đức từ cổ chí kim lên án, các quốc gia khắp nơi trên thế giới đều ra sức ngăn cấm bài trừ, nhưng từ người già tới trẻ của dân tộc nào đi nữa cũng thích lăn xả vào mua về xem để luyện thêm công phu, dù phải lén lút. Ngoài ra, đôi khi người ta cũng dùng heo để bày tỏ cái chủ tâm muốn bêu riếu người khác, thí dụ như trong các xã hội ngày xưa từng bị ràng buộc theo kiểu lễ giáo của các cụ con Trời thì cái chữ trinh của người con gái được đánh giá tới ngàn vàng, cho nên khi cha mẹ trót làm đám cưới cho con một cách linh đình rồi mà lại bê nhầm phải một nàng dâu đã lỡ mất trinh thì sau đêm động phòng của cô dâu chú rể , nhà gái thế nào cũng được nhà trai đáp lễ bằng một con heo bị xẻo mất tai cho nhà gái xấu mặt với làng nước chơi. 

Mặc dù chê heo bẩn, tướng heo xấu xí, nhưng thịt  heo lại được dân ta lẫn dân Tàu đánh giá cao vì không ai là không khoái ăn thịt heo. Không những thế, ngay cả ma qủy thánh thần cũng được dân ta suy bụng ta ra bụng người mà tin rằng các vị ấy cũng thích thịt heo luôn cho nên người ta mới hay giết heo để cúng tế, hối lộ cầu ân cầu phước, hay để chạy tội... Không biết khi nhìn con heo quay vàng lườm nằm trên mâm thì thần thánh có cảm thông gì không chứ dân ta hay dân Tàu thì ai cũng trố mắt nhìn và thèm rõ giãi ra cho nên đình đám, lễ lạc, cưới xin, ma chay gì mà vắng bóng con heo quay, miếng thịt lợn, kể như là cái đám đó không ra gì. Và khi heo bị giết để làm của cúng tế thì cái đầu heo hay còn gọi là thủ lợn, tượng trưng cho phần tinh hoa cao quý nhất, bao giờ cũng phải dành riêng để kiếng quan trên hay hàng thủ trưởng mới là hợp đạo. Tuy nhiên, đối với người dân thường thì cái đùi heo hay còn gọi là cái chân giò mới thật là cái món được cho là ngon nhất và đáng thèm thuồng nhất đến nỗi vào cái thời nhân dân ta và nhân dân Tàu còn được ưu ái sống dưói chế độ bao cấp của Đảng và nhà nước thì cho dù có được học tập nhuần nhuyễn chân lý cách mạng của Đảng cách mấy đi nữa, nhân dân cũng chỉ đạt đến trình độ nhận thức "chân lý đúng hơn chân giò nhưng chân giò mới thực sự to hơn chân lý". 

Ngoài cái việc chê bai heo vừa dị dạng vừa xấu nết ra thì về mặt trí heo còn bị khinh khi là loài ngu, đồng hạng với loài bò, loài chó. Nội cái việc dân ta cho dù là Nam hay Bắc không ai là không có lần lôi mấy cụm từ "ngu như heo, ngu như lợn" ra để mà bộc lộ sự khinh bỉ hay nỗi bực tức của mình trước một đối tượng nào đấy cũng đủ chứng minh cho nhận định này rồi. Như vậy là trong bộ chi mười hai con giáp chi phối cái vòng sinh hoạt luẩn quẩn của con người đã có ba con được dân ta điểm mặt là đại biểu cho thành phần ngu trên quả đất. 

Nói về heo thì có kể tới năm con lợn tận thế vẫn không hết chuyện, vả lại trong thiên hạ có nhiều vị còn biết nhiều và kể hay hơn tôi nên tôi không dám lan man đi sâu vào lãnh vực này mà chỉ xin kể ra một câu chuyện không phải về heo nhưng vì có cái tên lợn nên cũng coi như là chuyện heo. 

Như mọi người đều biết, dân ta rất sính được làm Trạng vì Trạng là người được coi như học rộng biết nhiều, tài cao trí giỏi, lại là người đỗ đầu trong kỳ thi cao nhất cuối cùng của chế độ thi cử để tuyển dụng người tài ra giúp vua giúp nước ngày xưa. Vì dăm ba năm mới có một lần mở khoa thi và trong hàng ngàn hàng vạn sĩ tử ứng thí tranh nhau chỉ có một người được, như vậy muốn thành Trạng nguyên đâu có phải chuyện dễ. Người đậu Trạng nguyên không những được vua ban cho nhiều bổng lộc, được dân chúng trọng vọng mà còn là niềm vẻ vang cho quốc gia dân tộc nữa. Sử sách của ta có liệt kê tên rất nhiều Trạng nhưng những ông Trạng mà sử sách có ghi lại thì hình như dân ta ít nhớ, trái lại có vài ông Trạng không biết ở đâu nhảy tỏm vào cái kho tàng văn học dân gian thì lại rất được dân ta bái phục ngợi ca như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn v.v...

Vì sử sách không có ghi tên Trạng Quỳnh cho nên không ai biết ông xuất thân từ đâu thời nào và cái tài kinh bang tế thế của Trạng ra sao hoặc Trạng đã làm được những gì để giúp nước giúp dân, nhưng truyện kể thì lại đầy dẫy những cái mưu trí và khôn ranh trong cách ứng xử của Trạng trong cuộc sống thường ngày rất phù hợp với cung cách cảm nhận của đa số quần chúng nông thôn nên truyện Trạng Quỳnh vẫn được dân ta mê mệt truyền tụng hết đời này qua đời khác. Còn Trạng Lợn thì lại đúng là truyện kể về một anh chàng lái heo thất học, nhưng số mệnh đưa đẩy khiến cho anh chàng lái lợn này gặp toàn cơ may và cuối cùng đã được vua phong cho làm Trạng, và cũng vinh hiển như ai. Như vậy là trong cái bộ chi mười hai con giáp của Tàu, nhờ óc sáng tạo của dân ta mà cũng nảy sinh ra được một Trạng nằm trong cái tổ tam ngu, có điều chỉ có Trạng Lợn chứ không phải Trạng Chó hay Trạng Bò. Lại nữa, truyện Trạng Lợn này xuất xứ ở miền Bắc và hình như chỉ được truyền tụng ở miền Bắc chứ không mấy phổ cập ở trong Nam cho nên mới không thấy ai đổi tên Trạng Lợn thành Trạng Heo cho phù hợp với cách danh xưng ở Miền Nam.   

Truyện Trạng Lợn khá dài  nên tôi chỉ xin tóm tắt đại để như sau: Có một anh chàng gốc đời ông tổ cũng vào hàng khá giả nhưng kể từ đời ông cố đến ông nội thì bắt đầu sa sút dần và qua đến đời cha thì lại càng nghèo khổ nên chàng ta từ thủa nhỏ không được học hành mà phải theo cha đi làm nghề lái lợn, do đó những gì chàng ta học được trên đời chẳng qua chỉ là một mớ tiếng lóng của dân lái heo. Một hôm chàng ta bỗng nảy sinh ra cái ý tưởng muốn làm Trạng. Mẹ chàng thương con đành bóp bụng chắt chiu gửi chàng đến học với một thầy đồ nhưng vì chàng ta vừa ngốc nghếch, vừa ngang như cua nên học chưa vô chữ nào đã vội chê thầy và đòi tự mình tiến thân. 

Trên bước đường trẩy kinh tìm công danh này, chàng ta đã gặp không biết bao nhiêu người và sự cố bất ngờ xảy ra cho chàng, nhưng do số trời đã định khiến cho gặp tình huống nào dù có khó khăn hay trắc trở cách mấy đi nữa thì không những chàng ta cũng đều may mắn vượt qua mà còn mang lại kết cuộc tốt cho mình. Có điều là những thành quả đó không phải là kết quả của cái tài phán đoán chính xác về sự việc và tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề mà chỉ vì các đối tác của chàng ta dù có kẻ được coi là tài cao trí rộng đi nữa, nhưng không hiểu sao khi tiếp xúc với anh chàng lái lợn thì lại cứ thộn mặt ra đến độ ngớ ngẩn rồi xem những hành động ngốc nghếch của chàng ta như là những phương pháp quyền biến vô song, hoặc suy diễn mấy cái tiếng lóng ngô nghê của chàng ta thành những chân lý  nhiệm mầu để rồi nhắm mắt tin theo và cứ thế mà tôn chàng lên. Tuy nhiên cũng phải đợi đến cái lần do một sự tình cờ chàng ta cõng nhằm đúng nhà vua đang trên đường chạy trốn đám gian thần khởi loạn trong triều, nên sau khi loạn đã yên, nhà vua thoát nạn trở về kinh, đã phong thưởng cho chàng ta làm Trạng thực sư. 

Trở thành Trạng rồi chàng ta cũng có lần được vua sai cầm quân đi đánh giặc và Trạng đã đánh cho quân Xiêm La chạy toé khói, nhưng bằng cách nào ở đâu lúc nào thì lại không ai biết. Do thành tích đó, Trạng cũng được vua ta sai đi sứ sang Tàu để làm rõ mặt nhân tài nước Nam với Thiên triều. Đám quan quân Tàu không biết cũng bị lây nhiễm cái bịnh ngố từ phương Nam truyền qua từ lúc nào mà khi nghe thấy những cử chỉ và lời lẽ ngớ ngẩn của Trạng thì cũng đâm ra lú lẫn và lẩm cẩm để rồi cứ đua nhau mà diễn dịch những lời lẽ ngô nghê đó như là những ý tưởng cao siêu rồi tâu lên vua khiến cho vua Tàu cũng tưởng Trạng là người uyên bác tinh thông nên bắt Trạng ở lại dạy dỗ cho Thái tử học. Vừa nghe vua Tàu phán như thế là Trạng đã run bấn cả người lên, nhưng nhờ trước khi đi sứ, Trạng có thủ sẵn vài chiêu có lẽ là học lóm được của Trạng Quỳnh nên mới xin vua Tàu cho lập một cái chòi thật cao và hàng ngày bắt Thái tử Tàu phải trèo lên trên cái chòi ấy thì Trạng mới truyền chữ cho. Vua Tàu chuẩn y, nhưng Thái tử Tàu vốn quen ăn sung mặc sướng thành ra cũng phì nộn không khác gì một con heo cho nên hễ leo lên là lại té xuống chỏng gọng hoài. Trạng lại vin ngay vào cái cớ đó để bắt lỗi thái tử thất lễ với thầy và nhờ chợt nhớ thêm ra cái câu "tiên học lễ, hậu học văn" vàng ngọc của thánh hiền mà thầy đồ đã dạy cho Trạng thủa còn xác xơ nên cứ đè thái tử Tàu ra mà đét đít khiến cho hoàng hậu đau xót cả lòng bèn nài xin vua thả cho Trạng về nước. Thế là may cho cả hoàng tử và cả Trạng, bằng không chắc chắn là trước sau gì cũng phải có chuyện lớn xảy ra. 

Sau lần đi sứ "đại thành công" này trở về thì Trạng được vua phong làm Thượng Quốc công nhưng cũng từ đó không còn nghe ai nói thêm gì về thành tích mới nào khác nữa của Trạng mà chỉ nói là Trạng chỉ an nhàn hưởng thụ thôi.  

Truyện Trạng Lợn đến đây kể như chấm dứt nhưng vì đang lan man về lợn nên tôi lại nhớ thêm ra một điều là theo quan niệm của người phương Đông thì hễ ăn gì tất bổ nấy cho nên nếu ăn tim sẽ bổ tim, ăn óc sẽ bổ óc v.v... do đó mà óc heo cũng từng được coi là một thứ thuốc bổ óc. Khổ một nỗi óc heo là óc của con vật được cho là thuộc loài ngu thì không hiểu khi ăn óc heo sẽ bổ theo kiểu nào? Điều này khiến cho tôi đâm ra băn khoăn thắc mắc không biết có phải do dân ta vì trót ăn óc heo cho nên mới đẻ ra truyện Trạng Lợn và từ truyện Trạng Lợn mà đất nước sau này mới sản sinh ra vô số những Trạng Lợn khác bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Quý vị nào không tin cứ đọc kỹ lại sử hiện đại nước nhà sẽ thấy ngay. 

Nếu những Trạng Lợn này chỉ an phận trong cái chuồng của mình thì cũng không có gì đáng lo. Khổ một nỗi là từ khi dân ta đua đòi theo trào lưu tiến hóa của nhân dân trên khắp năm châu để làm cuộc cách mạng gọi là dân chủ và truất phế vua đi thì đất nước lại bị toàn các ngài Trạng Lợn này ủn ỉn kéo ra tranh giành nhau thay vua mà lèo lái dân tộc đi theo con đường heo đi khiến cho hơn nửa thế kỷ đã qua mà đến nay dân ta vẫn loanh quanh không xa khỏi cái ao bèo. Nếu dân ta không sớm tỉnh ngộ và dứt khoát từ bỏ cái đầu óc chỉ muốn làm trạng hay chỉ biết nhắm mắt tôn sùng trạng, để rồi cùng nhau vạch ra một lối thoát cho mình, mà cứ tiếp tục ủn ỉn đi theo con đường luẩn quẩn dưới sự lãnh đạo của những ngài Trạng Lợn thì e rằng mãi mãi vẫn cứ là con đường tự nạp mình vào cái rọ không phải là của anh lái lợn này thì cũng lại là của anh lái lợn khác mà thôi.

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment