Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Thursday, February 7, 2013

Tình Nghĩa Cho Người Nghĩ Đến Nhau

Tạp luận 


1.- SỐNG PHẢI CHO CÓ TÌNH CÓ NGHĨA

 Dân tộc Việt nam có một đặc tính cố hữu, đó là thói quen thích sống dựa vào gia đình, họ hàng và làng xóm. Cuộc sống dựa vào nhau làm nảy sinh sự cần thiết phải có một lẽ phải nào đó để con người giữ được mối giao hảo trong cuộc sống chung đụng. Chính vì thế mà mọi người mới bảo nhau, sống trên đời phải biết ăn ở làm sao cho có tình có nghĩa.
 
Tình nghĩa là do mối tương quan xã hội mà nảy sinh cho nên hễ có tương quan là có thể nói đến tình nghĩa. Do đó mà mỗi một người đều có không biết bao nhiêu là mối tình nghĩa ràng buộc: từ tình nghĩa gia đình, vợ chồng, anh em, họ hàng, bè bạn, xóm giềng, đồng nghiệp v.v..., cho đến tình nghĩa vua tôi, tình nghĩa dân tộc. Như vậy tình nghĩa được coi như là cái lẽ phải cần thiết để con người có thể sống hòa hợp với nhau một cách tốt đẹp, và đồng thời cũng là tiêu chuẩn dùng để đánh giá con người về mặt đạo đức.
 
Vốn bản chất thiên về tình cảm cho nên trong cuộc sống, người Việt nam vẫn thường hay lấy tình mà đối xử với nhau hơn là lấy lý. Do đó mà một khi tình nghĩa khởi xuất từ căn bản tình cảm thì thường không có quy định rõ rệt, mà chỉ là do nơi mỗi người tự cảm thấy nên xử sự thế nào cho vừa mình vừa người, cho nên rất chủ quan và phức tạp, và có liên quan đến triết lý và tâm lý xã hội của con người Việt nam, như lời mô tả trong câu ca dao:

Ở cho phải phải, phân phân
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa


Với cái triết lý sống mang tính chất hiện sinh vì sống có nghĩa là sống với người khác, và cách nhìn sự vật qua khía cạnh hiện tượng, người Việt nam thường chỉ quan tâm đến những cái gì có tính cách cụ thể và thực tế. Ðiều này khiến cho người Việt nam thường có cái tâm lý nông nổi, hay khoe khoang và thích những sự phô trương bề ngoài: "Ðẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại." Cũng vì thế mà tuy tình nghĩa là một đức tính tốt về tinh thần, nhưng con người cũng cần phải biết thể hiện nó qua hình thức bề ngoài cho người khác dễ nhận thấy mới được coi là con người có tình nghĩa. Do đó mà nảy sinh ra loại tình nghĩa hiện tượng.
 
Trước hết, tình nghĩa có thể được biểu lộ bằng lời nói. Muốn tỏ ra là con người tình nghĩa, con người sống cần nhau thì phải biết thường xuyên hỏi han, khuyên bảo nhau, san sẻ cùng nhau những nỗi vui buồn, cũng như biết lo lắng hay an ủi nhau mỗi khi hoạn nạn. Ðiều trung hậu bao giờ cũng phải là những điều hợp với đạo lý và thuận với tâm tư tình cảm của con người, cho nên mỗi người phải biết dùng lời ăn tiếng nói như thế nào để thể hiện được cái lòng ưu tư của mình đối với người khác, cũng như làm cho người khác có cảm tình với mình. "Nói ngọt lọt đến xương " như câu ca dao mọi người vẫn nhắc:
 
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau


Kèm theo lời nói, con người còn phải có những việc làm cụ thể khác được xem như là hành động biểu lộ tình nghĩa. Những thói quen như thăm viếng nhau, mời nhau chén trà hay điếu thuốc, mời nhau ăn bữa giỗ hay đám cưới đám khao, cũng như cái lệ cho quà nhau ngày lễ, ngày tết đều được coi như là những hành động không thể thiếu trong cuộc sống tình nghĩa. Ngoài ra, trong đời sống thường ngày, khi nhờ cậy người khác, hoặc giả khi được người khác giúp mình một việc gì, người thụ nhận sự giúp đỡ phải biết rằng làm như thế là mình đã mang ơn người khác. Do đó mà muốn tỏ ra mình cũng là người có tình có nghĩa, người thụ ơn phải biết tùy theo mức độ mang ơn người khác mà hoặc là quà cáp biếu xén khi này khi khác, hoặc là có khi còn phải biết xả thân để gọi là đền đáp công ơn người giúp mình. Ðây cũng là sự thể hiện luật công bằng có vay có trả theo đạo đức.

Những thói quen này vẫn được coi như những tập tục tốt đẹp vì có tác dụng làm cho con người trở nên gắn bó với nhau hơn. Tuy nhiên, nhiều khi do tình cảm chủ quan hay động cơ ích kỷ sai khiến làm cho con người chỉ chú trọng đến khía cạnh hiện tượng mà bỏ quên cái căn bản đạo đức của tình nghĩa, khiến gây ra những hành động có khi phản lại cái ý hướng tốt đẹp về mặt tinh thần, làm cho tình nghĩa bấy giờ chỉ còn là những hiện tượng giả dối hay phù phiếm, và điều này mới là cái đáng nói đến của vấn đề tình nghĩa phức tạp này.

 
2.-CON KỲ NHÔNG BIẾU ÔNG


Ca dao có một bài mô tả cái nếp sống tình nghĩa rất tiêu biểu của dân tộc Việt nam:

Sáng sớm mai tôi đi ra đồng, tôi bắt được con kỳ nhông
Ðem về cho ông, ông cho trái thị
Ðem về cho chị, chị cho bánh khô
Ðem về cho cô, cô cho bánh ú
Ðem về cho chú, chú cho buồng cau...


Từ một món quà đầu tiên, qua hành động "có đi có lại" vì tấm lòng nghĩ đến nhau, đã tạo thành một cái vòng liên hệ rộng rãi, đưa đến mối quan hệ tình nghĩa chằng chịt nhiều người. Nhưng động cơ của tình nghĩa lại là tình cảm nên một khi tình cảm bị va chạm hay bị sứt mẻ vì một lý do nào đó, thì tình nghĩa cũng không còn ý nghĩa gì nữa, do cái tâm lý "yêu nên tốt, ghét nên xấu". Thế là người ta lại nghĩ đến cái người ta đã bị mất đi mà không mang lại tình nghĩa, bởi vì "của là núm ruột", cho nên mới có chuyện:

Ðến khi sinh sự cãi nhau
Trả buồng cau cho chú
Trả bánh ú cho cô
Trả bánh khô cho chị
Trả trái thị cho ông
Ông ơi ông! Trả con kỳ nhông lại


Khi đòi lại quà thì cũng vì cái vòng liên hệ chằng chịt lúc cho nhau, khiến cho vòng tình cảm cũng bị sứt mẻ, và kéo theo sự mất tình mất nghĩa lây với nhiều người. Như vậy tình nghĩa hình thức thường không có tính cách tự tại mà chỉ là hiện tượng lệ thuộc tính cách tự phát của tình cảm, nên cũng có thể xuất hiện hay biến mất tùy theo tình cảm lúc vui lúc buồn.
 
Lúc thương nhau, cho đường thêm bánh
Buổi ghét nhau, tay đánh miệng la


Có thể nói đây là cái kiểu tình nghĩa rất thông thường của dân tộc Việt nam. Vừa mới tình nghĩa với nhau đó, bỗng chốc quên hết tình nghĩa. Rồi một lúc nào đó cơn giận dữ qua đi, người ta không còn ghét bỏ nhau mà lại cần đến nhau, thì những món quà cho đi cho lại để làm lành lại đưa con người trở về với tình nghĩa và cái vòng luẩn quẩn cứ thế mà tiếp tục.

Trong đời sống hằng ngày, thói quen quà cáp hay biếu xén là một hành động thường xuyên của người Việt nam. Tuy những sự biếu xén quà cáp này thường là do tự ý và trông bề ngoài thì có vẻ như là một sự cho đi, nhưng thật ra lại luôn luôn có ngụ ý trao đổi hai chiều. Người cho không đòi hỏi rõ ràng, nhưng trong thâm tâm vẫn trông đợi người được cho cũng phải có một hành động tương ứng. Người nhận dù không muốn đi nữa, cũng phải nghĩ rằng khi mình nhận một món gì của người khác là mình đã nợ người khác. Do đó mà muốn cho tình cảm tốt đẹp thì phải biết "có đi có lại, mới toại lòng nhau". Chính vì thế mà cái món quà cho đi thường không có nghĩa là cho đứt mà giống như là cho vay hay cho mượn, cho nên người nhận quà bao giờ cũng phải ý thức về món nợ này. Như vậy tình nghĩa cũng là một cái ơn và nợ lòng vòng xuất phát từ tình cảm, mà tình cảm thì bao giờ cũng chủ quan và ích kỷ, do đó tình nghĩa cũng theo tình cảm mà biến hóa khôn lường.

Vì những cái quà cáp biếu xén là cốt để tỏ tình ưu ái với nhau cho nên cũng có khi tuy "của ít" nhưng "lòng nhiều", thành thử cái nợ tình nghĩa thường không căn cứ trên giá trị của món quà mà đánh giá tấm lòng. Nhưng tấm lòng thì lại là cái gì rất mơ hồ và trừu tượng, khó đo lường, cho nên người ta vẫn cứ phải dựa vào cái giá trị vật chất để xét lòng nhau.

Mặt khác, trong cái cuộc sống lúc nào cũng là sống với người khác, sự liên hệ có thể không nhất thiết là đều do cảm tình quý mến nhau, mà nhiều khi còn do hoàn cảnh giao tế bắt buộc, cho nên người ta cũng có thể dùng cách thức mời mọc nhau hay giá trị của món quà cho nhau để biểu lộ cái tâm tình thầm kín bên trong đối với nhau:

Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu, bổ ra làm mười


Tuy yêu thích sự tình nghĩa, con người Việt nam cũng có nhiều tính xấu như thích xoi mói, khen chê bắt bẻ người khác, khiến cho việc ăn ở được lòng nhau không phải là dễ dàng. Hào phóng hay là keo kiệt đều có thể bị ngưòi đời bình phẩm như lời ca dao vẫn nói:

Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.


Ngoài ra, vì xã hội cũng thường hay đánh giá đạo đức con người qua hiện tượng tình nghĩa bên ngoài cho nên nhiều khi có những người lại quên đi cái căn bản đạo đức của tình nghĩa mà chỉ biết hành động theo lối hình thức phô trương cốt để lấy tiếng ngoài xã hội. Có biết bao trường hợp cha mẹ già bị con bỏ phế, nhưng khi cha mẹ chết rồi thì con cái lại lo việc ma chay hay cúng giỗ linh đình để phô trương cái lòng hiếu thảo của mình. Công ơn cha mẹ sinh thành lẽ ra phải được con cái báo đáp lúc cha mẹ còn sống chứ không phải bằng cách vẽ vời những hình thức tưởng nhớ phô trương khi cha mẹ đã chết.

Sống thời con chẳng cho ăn
Chết thì cúng giỗ, làm văn tế ruồi


Tình nghĩa trong những trường hợp này chỉ còn là hình thức giả dối của những con người thiếu đạo đức nhưng lại muốn tỏ ra mình đạo đức để che đậy cái mục đích ích kỷ.

 
3.-NGỌN CỎ NGOÀI ÐỒNG TRÂU ĂN


Nhưng tình nghĩa không phải chỉ giới hạn trong phạm vi con người với con người mà còn có thể nới rộng ra giữa con người và các loài sinh vật có liên hệ với cuộc sống của con người. Tiêu biểu cho cái tình nghĩa giữa người và vật có bài ca dao:

Trâu ơi! Ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ lúa chín đầy bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn


Trước đây, đa số dân Việt nam vẫn sống về nghề nông, quanh năm gắn bó với mảnh ruộng, con trâu và cái cày. Sự ấm no của con người ngoài việc lệ thuộc vào những điều kiện thiên nhiên, còn phải kể không biết bao là công lao mồ hôi của con người và súc vật. Suốt mấy ngàn năm sống trong cảnh "chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa", con trâu là một con vật rất gần gũi với con người và có công rất nhiều trong việc cọng tác với con người trong lao động sản xuất. Ðiều này tạo cho mối tình cảm của người đối với trâu trở thành thắm thiết. Vì thế mà bài ca dao trên được coi như là một sự biểu lộ cảm tình chan chứa của con người đối với con vật đã có công giúp mình.

Vừa mới nghe qua bài ca dao thì tưởng chừng như mối tương quan giữa người và trâu thật là tình nghĩa, nhưng suy nghĩ lại thì mới thấy trong cái tình nghĩa này hiển hiện tất cả cái đầu óc bóc lột kẻ khác và thủ lợi cho mình của con người. Trâu nai lưng ra kéo cày để giúp người sản xuất ra lúa gạo nuôi sống con người nhưng ngược lại, trâu được hưởng gì trong việc bỏ công lao động này? Câu trả lời là: "ngọn cỏ ngoài đồng". Ðó là chưa nói đến sự kiện trong thực tế, khi con trâu không còn sức để kéo cày thì con người cũng không ngần ngại đem trâu ra giết lấy thịt ăn, lấy sừng làm đồ dùng, lấy da bịt trống v.v...

Tuy bài ca dao mô tả cái tình nghĩa giữa người và vật, nhưng thực ra đó cũng là một khía cạnh tình nghĩa giữa con người với con người rất phổ biến trong xã hội. Trong cuộc đấu tranh với môi trường sống để sinh tồn, những sự gian lao và vất vả khiến cho con người dễ trở nên ích kỷ và nhỏ nhen, đưa đến "cái khó nó bó cái khôn", nên hễ có cơ hội hay điều kiện là con người thường quay ra khai thác bóc lột người khác để mang phần lợi về cho mình.

Khi hành động vì mục đích tư lợi thì bao giờ cũng "Ðược lòng ta, xót xa lòng người" cho nên người khôn khéo và có thủ đoạn vẫn hay đem những điều tình nghĩa hình thức ra để dụ dỗ hay xoa dịu kẻ khác. Những lời nói tình nghĩa đã trở thành một lợi khí để cho con người khai thác hoặc lợi dụng nhau một cách êm đẹp.

Thông thường người hiền lương vẫn yêu thích những điều đạo nghĩa, nhưng lại dễ bị xúc động về mặt tâm lý và thiếu suy luận theo lý trí, do đó mà một khi nghe một lời nói vừa tai thì cũng cho là điều nói phải, thành thử dễ bị lợi dụng để rồi cuối cùng mới nhận ra cũng vì chút tình nghĩa mà phải "đau lòng vì bạn, khốn nạn vì đồng hương". Nhưng vì cuộc sống cứ phải dựa vào nhau thì dù có không muốn, họ cũng đành phải chấp nhận nhau để mà sống, hoặc cũng có thể coi như đó chỉ là cái hiện tượng "Yêu nhau lắm, cắn nhau đau".

Cũng do cái tâm lý thích khoe khoang và thích được người khác khen mình, cho nên nhiều khi có những kẻ biết rằng người nào đó không tốt, không thật tình mà chỉ muốn lợi dụng mình, nhưng chỉ vì người đó ăn nói ra vẻ có tình có nghĩa, thành thử cứ bám vào niềm tin đó để rồi "ngọt mật chết ruồi", hoặc là "Ðược tiếng khen, ho hen chẳng còn". Ngoài ra, với cái tinh thần tình nghĩa ăn sâu vào tiềm thức khiến cho con người hành động gì cũng có thể nói đến tình nghĩa, ngay cả khi con người xử ác với nhau. Chẳng thế mà nhiều khi vì những mục đích ích kỷ hay quyền lợi riêng tư, người ta còn nhẫn tâm giết nhau, nhưng vẫn có thể che đậy những hành vi tàn nhẫn và độc ác dưới những lời lẽ hay hình thức tình nghĩa bề ngoài để che miệng thế gian như bài ca dao sau:

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn, mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng, khóc ngồi
Mẹ ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng


Con gà, con lợn là những con vật người ta nuôi để giết thịt cho nên tình cảm của con người đối với những con vật này nếu có cũng chỉ là một chút động lòng nào đó đối với một sinh vật. Nhưng con chó là con vật thân cận của con người, vẫn được kể là người bạn trung thành của con người và lúc nào cũng một lòng giúp chủ và bảo vệ chủ, tất nhiên có thể có tình nghĩa. Thế mà con người thì trái lại có thể đem chó ra giết thịt mà không ân hận, lại còn bảo tại vì con chó khóc đòi mua riềng cho nó. Dựa trên cái lối lý luận kiểu này mà xét lòng người thì quả thật cái tình nghĩa của con người cũng phức tạp vô cùng. Trên đời cũng không thiếu gì kẻ hiền lành thật thà, mang trong lòng cái mặc cảm tình nghĩa chân thành trong cuộc sống, nên cứ tận tụy hy sinh cho người khác để rồi khi bị người khác trừ khử hay không còn được sủng ái thì cũng chỉ biết than thân mà thôi.

Tình nghĩa chỉ có thể là một tương quan tốt đẹp khi mà các đối tượng có liên hệ với nhau cùng đặt mối tương quan đó trên căn bản đạo đức. Nếu có một bên lợi dụng mối tương quan đó và một bên vẫn bám vào tình nghĩa thì nhiều khi tình nghĩa chỉ mang lại sự thiệt thòi hay là sự ray rứt cho kẻ thật thà vì trót tin tưởng vào sự tốt đẹp của mối quan hệ tình nghĩa.

Trong lãnh vực chính trị, cái chiêu bài tình nghĩa vẫn thường được các nhà cai trị xưa nay xử dụng rất nhiều đối với dân chúng để chiếm đoạt và củng cố quyền hành cho mình. Ðặc biệt là trong giai đoạn lịch sử từ cuộc Khởi nghĩa 45 của dân tộc Việt nam, người cộng sản đã lợi dụng một cách tinh vi cái tinh thần tình nghĩa, cũng như cái lòng yêu công bằng và lẽ phải mà người dân hiền lành vẫn hiểu theo lối chất phác của mình, để bắt người dân cứ tận tụy hy sinh cho họ đấu tranh thực hiện tới cùng những mưu đồ cũng như tham vọng chính trị của họ.

Những khẩu hiệu thật dòn dã như "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", "mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người", "vì độc lập của Tổ quốc, vì hạnh phúc của toàn dân", hay là "vì tương lai con cháu muôn đời mai sau" chẳng qua cũng chỉ là những mỹ từ mà người cộng sản đã khôn khéo lợi dụng để khêu gợi cái tinh thần tình nghĩa dựa trên những tình cảm thật thà của người dân để bắt người dân cứ mãi mãi vướng mắc vào đó.

Cũng vì cái tinh thần tình nghĩa mà người dân miền Bắc, cũng như những người vốn là con dân miền Nam nghe theo lời Ðảng dạy, tập kết ra Bắc để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, đã phải trải qua hai thập niên "Thắt lưng buộc bụng" lo nhịn ăn nhịn mặc, ngày đêm nỗ lực chiến đấu bất kể mọi gian lao nguy hiểm, quyết tâm giải phóng miền Nam, chỉ vì xót thương người anh em miền Nam phải sống đọa đày dưới ách thống trị của "bè lũ Mỹ Ngụy".

Ngày đất nước thống nhất, những người anh em từ miền Bắc lại vì chút tình nghĩa, dè xẻn dăm ba ký gạo, chắt bóp mua vài món quà sản phẩm quốc doanh, hay chục chén dĩa do nhà máy sứ Hải Hưng sản xuất, loại không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước xã hội chủ nghĩa anh em, khệ nệ kéo vào Nam thăm anh em ruột thịt hơn hai mươi năm xa cách, để rồi mới thấy những món quà tình nghĩa của mình quả thật là bẽ bàng. Nhưng đó mới chỉ là một chút chua xót về thực tế vật chất. Còn cả một nỗi cay đắng về tinh thần và những hy sinh xương máu mà người dân miền Bắc cùng những người con dân miền Nam đã đổ ra trong bao nhiêu năm chỉ vì cái tấm lòng mang nặng nghĩa tình một cách thật thà bị lợi dụng mới là vấn đề đáng nói.

Ngoài ra còn phải kể cả những con người vì lý do chính trị mà bắt buộc phải bỏ nước ra đi tỵ nạn sau ngày chế độ miền Nam bị sụp đổ, mang trong lòng tâm sự của kẻ bị lưu đày, nhưng cũng vì cái mặc cảm tình nghĩa với những người ruột thịt hoặc đồng bào còn ở lại quê nhà mà vẫn cứ lo làm sao kiếm tiền gửi về giúp thân nhân. Hành động này có thể khiến cho chế độ bất công và độc tài mà họ từng chạy trốn có cơ hội kéo dài sự tồn tại nhờ vào sự bòn rút ngoại tệ của những người dân Việt tha thương để củng cố quyền hành. Và cái vòng luẩn quẩn cứ thế mà kéo dài mãi không thôi.

Cũng vì tình nghĩa là cái lẽ phải phát xuất từ lương tri của mỗi người chứ không dựa trên những nguyên tắc của lý trí suy luận cho nên nhiều khi do nơi cái lương tri của mỗi người mà không đồng nhất. Người chịu thiệt thòi đôi khi cũng có thể ý thức về điều đó, nhưng vì không tìm ra được cái lẽ phải nào khác hơn cái lẽ phải mà họ cảm nhận như có vẻ bất công, nên cũng cứ đành chấp nhận cho đúng với lương tri của mình. Còn kẻ nào đó khi làm một điều ác vẫn có thể cho rằng họ không hề phạm vào điều ác, chỉ vì lương tri của họ không hề cắn rứt, do đó mà họ vẫn có thể nghĩ là họ đã xử sự theo tình nghĩa. Vì những lẽ đó mà nhiều khi tình nghĩa cũng còn là một cái gì rất nghịch lý trong tâm hồn của mỗi con người.
 

4.-TẤM LÒNG CỦA CÒ


Cũng trong cái tinh thần tình nghĩa của dân tộc Việt nam còn có một khía cạnh đặc biệt khác nữa của cái mặc cảm đền ơn đáp nghĩa được biểu lộ trong bài ca dao sau đây:

Con cò mà đi ăn đêm
Ðậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi ! Ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Ðừng xáo nước đục, đau lòng cò con


Khi con cò chẳng may rớt xuống ao thì cũng kể như mình đã chết nên khi được có kẻ vớt lên thì cò đã mang sẵn trong lòng một cái ơn phải trả. Do đó mà kẻ vớt cò lên có xử sự với cò cách nào thì cò cũng cam lòng. Nếu kẻ vớt cò không thương xót cò mà chỉ biết đem cò ra làm thịt thì cò cũng chỉ còn biết xin được xáo với chút nước trong cho đỡ tủi mà thôi.

Trong trường hợp con người với nhau thì một khi cái ý thức mang ơn nợ và cái tình nghĩa phải đền đáp có những xung đột vì nghịch cảnh không lối thoát, thì có thể một bên liên hệ đành chấp nhận một giải pháp hy sinh hay thiệt thòi nào đó để coi như mình đã giữ tròn ơn nghĩa. Một Thúy Kiều sau mười lăm năm lăn lóc chốn giang hồ, cuối cùng ngày tái hợp vẫn còn xin giữ một chút trinh trong lòng với Kim Trọng cho trọn chút tình nghĩa ban đầu là một trong những thí dụ điển hình cho cái nỗi ray rứt này.

Ngày xưa đã từng có nhiều trung thần cam phận chết để thấy mình giữ tròn ơn nghĩa vua tôi thì ngày nay, trên phương diện chính trị, cũng có không biết bao nhiêu kẻ chỉ vì chút mặc cảm tình nghĩa trong lòng mà đành mang cái nỗi lòng của con cò. Và trong vô số những tấm gương tiết nghĩa, hay những con người được người khác tuyên dương như những kẻ "vì nước quên mình", "anh hùng liệt sĩ", hoặc là "Tổ quốc ghi công", có biết bao trường hợp họ chỉ là những con người bị kẻ khác lợi dụng đưa đẩy vào cuộc hy sinh để rồi được người đời tặng cho chút tiếng thơm để an ủi cho con cháu, cũng giống như cò được kẻ cứu mình đem ra xáo với chút nước trong cho khỏi đau lòng cò con.

Cái tinh thần tình nghĩa là một nét đặc sắc trong tâm hồn người Việt nam. Nó là một niềm an ủi cho con người trong cuộc sống đầy đau khổ. Nhưng mặt khác, nhiều khi vì thiếu sự hướng dẫn của những nguyên tắc lý trí, làm cho con người không phân tích để biết được đâu mới là cái lẽ phải chính xác, khiến cho tình nghĩa trở thành cái vòng luẩn quẩn của những tình cảm hỉ, nộ, ái, ố cùng với những dục vọng của con người không hơn không kém. Nhưng với cái quan niệm sống có tính cách hiện sinh thì tình nghĩa, kể cả tình nghĩa hiện tượng, vẫn là một cái gì đó mang lại chút ý nghĩa về cuộc đời cho con người. Do đó mà con người vẫn cứ phải loanh quanh với đủ mọi thứ hiện tượng tình nghĩa trên đời.

ĐOÀN VĂN KHANH


No comments:

Post a Comment