Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Thursday, February 7, 2013

Đạo Lý vì Đời Là Vay Trả

Tạp luận




Người Việt nam vẫn thường nói: "Làm người phải có đạo lý." Câu nói này đã trở thành một tiền đề để cho con người tự hào về giá trị hành vi của mình hay phê phán hành vi của kẻ khác. Nhưng cái đạo lý làm người ấy như thế nào thì đây mới là vấn đề đáng bàn.


1.- LẼ CÔNG BẰNG TRONG TRỜI ÐẤT

Vào thời còn sống trong nền văn minh bộ lạc, do sự khiếp sợ trước những mãnh lực thiên nhiên mà người Việt nam đã tin rằng, ngoài cái thế giới hữu hình con người sinh sống này còn có một thế giới vô hình thần bí của các vị thần linh, các bậc tiên thánh, và cả ma qủy nữa. 

Các thế lực này tuy vô hình nhưng hình như lại có quyền năng tác động đến đời sống con người cho nên con người phải biết kính sợ. Do đó mà con người phải biết làm những điều tốt và tránh điều xấu để cầu mong được các thần linh che chở hay tránh bị ma qủy quấy nhiễu. Ngoài ra, do cuộc sống gắn bó với nhau qua nhiều thế hệ làm nảy sinh mối cảm tình khắng khít khiến cho con người không muốn nghĩ rằng những người mình yêu thương sẽ vĩnh viễn trở thành mất mát. Do đó mà người Việt nam còn cho rằng người chết đi chưa có nghĩa là hết, mà anh linh người chết vẫn còn tồn tại ở một thế giới khác, và có thể tìm về bên cạnh con cháu để báo mộng hoặc phù hộ cho con cháu gặp điều may, tránh được điều rủi.

Do những tin tưởng đó mà người Việt nam thường dùng những câu nói như: "Thần linh cứu giúp", "Ma xui quỷ khiến", "Ông bà phù hộ" v.v... Những câu nói đó bộc lộ một sự hàm ý giữa hành động của con người và tác động của các thế lực vô hình có liên hệ với nhau, và những điều phúc hay họa mà con người được hưởng hay phải gánh chịu trên đời này, tuy có sự can dự của những thế lực vô hình, nhưng nguyên nhân vẫn là do nơi các hành vi tốt hay xấu của chính con người đã gây ra trước đó.

Kể từ khi tiếp xúc với nền văn hoá Trung hoa và nền văn hóa Ấn độ, người Việt nam cũng đã dần dà tiếp thu những hệ tư tưởng của Nho, Phật và Lão để làm giàu thêm cho cái vốn liếng văn hóa của mình. Vì những học thuyết trên có khác nhau về mặt yếu tính cũng như quan niệm về cuộc đời có những cách thế xuất xử khác nhau, cho nên do mức độ ảnh hưởng của mỗi học thuyết đối với sự nhận định của giai cấp sĩ phu lãnh đạo của mỗi thời kỳ có thay đổi mà những hệ tư tưởng này đã có những lúc tranh nhau ngôi vị độc tôn trong vai trò lãnh đạo đời sống tinh thần của quốc gia như đã từng xảy ra trong các thời Lý và Trần.

Tuy nhiên, trên bình diện đạo đức thì tất cả các học thuyết trên đều cùng chung một cứu cánh là hướng con người đến chỗ thiện, cho nên đối với người Việt nam vốn không chú trọng đến vấn đề siêu hình thì tất cả những giáo điều luân lý của các học thuyết đó đều được xem như là những nguyên tắc chung có giá trị như nhau. Riêng đối với người bình dân thì những quan niệm ấy khi du nhập vào nếp sinh hoạt trong xã hội lại càng mất đi cái tính chất siêu hình trừu tượng, mà chỉ còn giữ lại phần các giáo điều tin tưởng, cho nên đã có thể hòa đồng với những tin tưởng phiếm thần cố hữu của thời kỳ huyền sử để trở thành một thứ đạo lý dân gian được phổ cập trong mọi tầng lớp, kể cả tầng lớp thượng lưu.

Do ý thức những đe dọa luôn luôn rình rập trong cuộc sống khiến cho con người thấy cần có một cái lẽ phải nào đó để cho con người có thể được sống một cách yên lành. Chính vì thế mà trong thâm tâm mỗi người nảy sinh ra một sự tin tưởng mặc nhiên vào cái lẽ công bình được đúc kết bằng câu tục ngữ : "ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ".

Có thể nói đây là một nền đạo lý xây dựng trên cơ sở của niềm tin vào một cái lẽ phải được coi như là một công lý trong trời đất: "có vay thì có trả." Trên bình diện đạo đức, vay là cái hành động con người đã làm trong cuộc đời và trả là cái kết quả mà con người đó nhận được. Và theo đúng lẽ công bằng thì vay thế nào, trả phải thế ấy, cho nên hành động tốt, tất nhiên hậu quả sẽ lành, và ngược lại, hành động xấu sẽ đưa lại những hậu quả không hay.

Vậy thì hệ luận của sự tin tưởng này là mỗi người nếu muốn thấy mình được may mắn và hạnh phúc thì hãy làm những điều tốt và tránh điều xấu, đồng thời khi nhìn thấy sự hạnh phúc hay đau khổ mà một người nào đó đang hưởng hay phải gánh chịu, người ta cũng có thể suy luận theo đó để đánh giá hành vi đạo đức của người ấy, vì đó chẳng qua cũng chỉ là hậu quả tất yếu của các hành vi tốt hay xấu mà người ấy đã gây ra trong cuộc đời.

Do quan niệm triết lý có tính cách hiện sinh và cách nhìn sự vật qua hiện tượng, người Việt nam thường tin tưởng vào cái giòng sống liên tục từ thế hệ này truyền qua thế hệ khác, và sự hiện hữu của mỗi cá nhân chỉ là cái mắt xích trong chuỗi hiện hữu của một giòng họ. Như vậy, khi một người chết đi, điều ấy không có nghĩa là sự hiện hữu của người đó đã hoàn toàn chấm dứt, mà chính là vẫn còn hiện hữu gián tiếp qua những thế hệ sau đó. Cũng vì thế mà bất cứ hành vi nào của một người không phải chỉ là nguyên nhân đưa đến cái hậu quả tốt hay xấu cho riêng cá nhân ấy ngay trong cuộc sống hiện tại, mà còn có thể truyền thừa qua các đời con đời cháu, cũng như những hậu quả tốt hay xấu mà con người đó nhận được trong kiếp sống hiện tại không nhất thiết chỉ là hậu quả các hành vi của chính mình, mà nhiều khi còn có thể là do những hành vi nguyên nhân từ những thế hệ cha ông để lại. Những câu tục ngữ như: "Phúc đức ông bà để lại", "Cha mẹ hiền lành để đức cho con", "Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước"...là những biểu lộ về mối liên hệ kế thừa nguyên nhân và hậu quả trong hành vi của con người theo quan niệm này.

Mặc dù những tin tưởng triết lý không tiến sâu vào lãnh vực siêu hình để hệ thống hóa thành một quan niệm nhất quán, người Việt nam cũng còn tin có một Ông Trời, nhưng không phải một ông Trời như là đấng tối thượng, nguyên ủy của mọi sự vật, mà chỉ là một Ông Trời đầy nhân tính vì cũng biết thương yêu và ghét bỏ, cho nên ông Trời vẫn thường được xem như là một hiện hữu siêu nhiên để chứng giám cho cái lẽ công bằng nơi con người. Những tiếng than "Trời ơi!" mỗi khi gặp bất công, oan ức hay khốn khổ và những câu nói như: "Trời xanh có mắt", "Ðèn Trời soi xét"... cho thấy người dân Việt nam vẫn hằng tin vào một cái lẽ công bằng có sẵn trong trời đất và mong muốn cái lẽ công bằng ấy được thực hiện.

Do những tin tưởng đó mà thông thường người Việt nam vẫn có thói quen sống nhẫn nhục, cam chịu hy sinh nếu thấy mình có phải chịu thiệt thòi, vì trong thâm tâm mỗi người luôn luôn có một sự tin tưởng mặc nhiên rằng những bất công khốn khổ mình phải chịu ngày hôm nay, nếu không được đền bù bằng hạnh phúc cho chính mình trong kiếp này thì cũng sẽ được đền bù cho các thế hệ con cháu mai sau. Có lẽ đây cũng là cái lý do đã khiến cho dân tộc Việt nam vẫn phấn đấu để tồn tại và vẫn giữ được cái bản sắc của mình qua suốt một thời gian dài bị người Trung hoa đô hộ và manh tâm đồng hóa.

Một ngàn năm Bắc thuộc, phải chịu đựng không biết bao nhiêu điều hà hiếp bóc lột và nỗi đe dọa bị người Trung hoa tiêu diệt, người Việt nam đã phải nương tựa vào nhau để có thể sống còn, do đó tình gia đình và làng xóm càng thêm gắn bó. Nếu nhờ vào sự biết đùm bọc lẫn nhau này mà người Việt nam phát triển được cái tình thương yêu đối với những kẻ cùng chung thân phận thấp hèn và cho rằng đó là những người ngay lành thì đồng thời người Việt nam cũng ý thức về một sự thù hận đối với kẻ cai trị giàu có, hách dịch, khác chủng tộc, vì cho rằng họ chính là những người ác, chỉ biết gieo sợ hãi và cướp đi cái lẽ sống của kẻ khác.

Sự áp bức bóc lột kéo dài triền miên suốt mười thế kỷ đã làm cho con người Việt nam mang một nỗi niềm cay đắng trong lòng để biến thành một mối thù kết đọng trong tiềm thức, cho nên dù rằng bản chất có hiền hòa và yêu mến điều thiện, người dân Việt nam hình như cũng không thể nào bỏ qua những bất công mà mình phải chịu, do đó mà có câu ca dao:

Ơn ai một chút chớ quên
Oán ai một chút để bên dạ này

Như vậy thì cái luật công bằng vay trả cũng chính là cái lẽ phải mà con người phải chấp nhận. Nhưng nền đạo lý dân gian không phát xuất từ một quan niệm về yếu tính để xác định đâu là cái lẽ phải của lý trí mà hầu như chỉ căn cứ vào cái lẽ phải nơi lương tri của mỗi người, cho nên dễ mang tính chất chủ quan và bị chi phối bởi cái triết lý cũng như cách lý luận dựa trên tình cảm của người dân Việt nam.
 

2.- CÂU TRUYỆN TẤM CÁM

Với bản chất nặng tình cảm, người Việt nam hầu như lúc nào cũng nhắc nhở đến tình người: "Sống phải có tình." Nhưng tình cảm thì không phải chỉ có thương yêu mà còn cả thù hận. Chính vì thế mà ngay cả nền đạo lý dân gian cũng mang một sắc thái đặc biệt vì thường được gắn liền với cái ý tưởng về nợ "Ơn đền, oán trả ". Cái quan niệm công bằng theo kiểu này trong đạo đức được thể hiện rất rõ qua câu truyện Tấm Cám, một câu truyện dân gian có tính cách luân lý rất phổ cập trong quảng đại quần chúng qua hàng bao đời nay.

Thông thường loại truyện có tính cách luân lý đều theo một bố cục người ngay lành dù có bị gian nan khốn khó cuối cùng vẫn được hạnh phúc. Kẻ ác bao giờ cũng bị trừng phạt hay đền tội. Tuy nhiên trong truyện Tấm Cám, nếu hạnh phúc cuối cùng mà Tấm được hưởng là một sự ân thưởng của Trời Phật để đền bù lại những đau khổ mà Tấm đã phải chịu đựng thì trái lại, cái hành động trừng phạt kẻ ác lại do chính Tấm thực hiện.

Truyện kể rằng Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm hiền lành xinh đẹp nhưng Cám thì lại xấu người xấu nết. Khi cha chết rồi, mẹ ghẻ của Tấm độc ác, chỉ thương con ruột mình là Cám, và ghét Tấm là con riêng của chồng, nên luôn luôn bắt Tấm phải làm lụng vất vả. Cám cũng giống tính mẹ nên luôn luôn tìm mọi cách để hành hạ Tấm. Tuy nhiên Tấm vẫn cam phận, và những lúc quá đau khổ thì cũng chỉ biết cầu Trời khấn Phật mà thôi.

Có một lần mẹ Cám sai Tấm và Cám đi tát cá, và hứa ai bắt được nhiều cá sẽ được thưởng cho chiếc yếm đào. Tấm ham làm nên chẳng mấy chốc đã bắt được cá đầy giỏ. Cám lười nhác ham chơi nên suốt buổi không bắt được con nào, sợ mẹ đem yếm đào cho Tấm, bèn lập mưu chê đầu Tấm lấm bùn cần phải tắm gội trước khi về kẻo bị mẹ mắng. Tấm tin lời bèn xuống sông tắm và trong lúc Tấm đang ngụp lặn cho sạch sẽ thì Cám ở trên bờ đem giỏ cá của Tấm trút vào giỏ mình rồi mang về lãnh thưởng. Tấm tắm xong lên bờ nhìn lại giỏ thì cá đã hết sạch, chỉ còn sót lại một con bống con nên chỉ đành ôm mặt khóc. Bụt thương hại bèn hiện lên bảoTấm hãy đem con cá còn sót lại trong giỏ về thả xuống giếng nuôi, và hàng ngày nhớ nhịn bớt phần cơm của mình để mang ra cho cá.

Tấm bèn theo lời Bụt dạy mà làm. Mỗi lần cho cá ăn Tấm lại đọc:

Bống vàng bống bạc
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người

Mẹ con Cám thấy Tấm mỗi bữa đều nhín cơm để dành mang ra giếng liền theo rình. Khi biết được chuyện này, mẹ Cám bèn sai con mình một hôm giả bắt chước Tấm mang cơm ra và đọc lời Tấm vẫn gọi để cá trồi lên ăn cơm. Khi cá vừa trồi lên thì mẹ con Cám thộp ngay cá mang về làm thịt. Mẹ con Cám ăn xong đem xương cá quăng ngoài bụi tre. Khi Tấm như lệ thường mang cơm ra cho cá thì mãi chẳng thấy cá xuất hiện bèn ôm mặt khóc. Một con gà trống đang bươi đất kiếm ăn gần đấy thấy Tấm khóc mãi bèn cất tiếng gáy:

Khóc gì mà khóc,
Cho ta nắm thóc, ta chỉ xương cho

Tấm liền lấy thóc cho gà thì gà chỉ cho Tấm ra chỗ bụi tre. Nhìn thấy cá chỉ còn là bộ xương, Tấm lại khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm đừng khóc nữa mà hãy đem xương cá về chôn dưới chân giường của mình, về sau sẽ được may mắn. Tấm đành làm theo lời Bụt dạy.

Vào kỳ nhà vua mở hội, dân chúng nô nức rủ nhau đi xem.Tấm cũng náo nức xin đi. Mẹ ghẻ muốn bắt Tấm ở nhà cho nên đã đem một thúng thóc đổ lẫn với đậu bắt Tấm phải lựa riêng ra cho xong mới được đi. Tấm biết rằng lựa cho xong thúng thóc lẫn đậu này thì cũng hết hội nên đành ngồi khóc. Trời Phật động lòng thương liền sai một bầy chim sẻ đáp xuống lựa giúp Tấm nên chẳng mấy chốc công việc đã xong xuôi. Tấm hớn hở để đi xem hội nhưng thấy mình không có quần áo lành lặn nên lại khóc. Bụt lại hiện lên bảo Tấm đến chỗ chân giường chôn xương cá ngày nọ đào lên sẽ có quần áo đẹp. Tấm làm theo lời Bụt dạy thì quả nhiên thấy có đầy đủ quần là áo lụa liền mặc vào đi xem hội.

Lúc Tấm đi qua cầu thì đánh rơi mất đôi hài. Khi voi của vua đi đến bờ sông thì không chịu đi nữa mà dừng lại bên sông rống mãi. Vua thấy điềm lạ bèn sai quân sĩ xuống sông mò tìm thử thì lượm được đôi hài đẹp của con gái. Vua cho là duyên Trời sắp đặt bèn truyền lệnh cho bất cứ người con gái nào mang vừa vặn đôi hài này sẽ được vua rước về làm hoàng hậu. Các cô gái và luôn cả Cám nghe tin đều đua chen ướm thử nhưng không ai mang lọt đôi hài xinh đẹp này. Ðến lượt Tấm ra ướm thử thì mẹ con Cám dè bĩu:

Chuông khánh còn chẳng ăn ai
Nữa là mảnh chỉnh vất ngoài bụi tre

Tuy nhiên sau đó mọi người đều ngạc nhiên thấy Tấm đã mang rất vừa vặn đôi hài và được nhà vua rước về cung. Mẹ con Cám ghen tức lắm nên một hôm bèn lập mưu xin vua cho Tấm được về nhà để giỗ cha. Mẹ ghẻ sai Tấm trèo lên cây cau hái lấy một buồng để cúng. Tấm vâng lời trèo lên cây thì mẹ con Cám đứng dưới đất rung gốc làm cho cây lung lay khiến cho Tấm bị tuột tay rơi xuống bể đầu chết. Dì ghẻ Tấm liền tâu trình vua rằng Tấm rủi ro té chết nên xin đem Cám vào cung thế Tấm hầu hạ nhà vua.

Tấm vì chết oan ức nên được hóa kiếp thành con chim vàng anh, liền bay vào đậu trong cung. Trông thấy Cám mỗi lần giặt áo cho vua đều đem phơi ở bờ rào, chim bèn hót:

Giặt áo chồng tao
Có phơi thì phơi bằng sào
Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao.

Vua thấy lạ bèn ra xem và nói với chim:

Vàng ảnh vàng anh
Có phải vợ anh, chui vào tay áo

Nói xong vua giương ống tay áo rộng lên thì chim liền bay ngay vào. Vua liền sai làm một chiếc lồng sơn son thếp vàng thật đẹp để cho chim ở và nâng niu qúy mến chim vô cùng. Cám thấy vua chỉ quý chim mà không để ý đến mình sinh ra tức tối nên nhân một hôm vắng vua, Cám liền bắt chim làm thịt ăn rồi đem xương ra chôn ở ngoài vườn. Lúc vua về Cám nói dối vua là chim đã ngã bệnh bất thình lình chết và đem chôn rồi. Vua thương tiếc chim lắm nên vẫn thường ra chỗ chôn chim ngồi tưởng nhớ.

Chỗ Cám chôn xương chim sau đó bỗng mọc lên hai cái cây cao lớn có tàn bóng mát thật đẹp khiến cho vua lấy làm thích thú bèn sai quân mắc võng cho mình nằm nghỉ ngay tại đó. Cám lại càng ghen tức bèn lén vua sai người đốn hai cái cây ấy đi và lấy gỗ đóng thành cái khung cửi để cho mình dệt vải. Nhưng cứ mỗi lần Cám ngồi vào khung cửi bắt đầu đạp máy dệt thì máy khung cửi lại phát lên tiếng kêu:

Kẽo cà kẽo kẹt
Mầy lấy chồng bà, bà móc mắt ra

Cám nghe thấy thế sợ quá bèn sai người đem chiếc khung cửi ra đốt thành tro rồi đem tro đổ ở một nơi cách xa kinh thành. Chỗ tro đổ sau đó bỗng mọc lên một cây thị xanh tốt. Một bà lão bán hàng nước gần đấy hàng ngày đi ngang qua nhìn lên cây không thấy trái nhưng lúc nào cũng ngửi thấy có mùi thơm của thị chín toả ra ngào ngạt. Bà lão cố tìm hoài thì thấy trên ngọn cao có một quả thị độc nhất đã chín vàng rất đẹp. Bà lão ao uớc có được quả thị đó đem về để cho thơm nhà nhưng thị lại cao quá không làm sao hái được bèn khấn với Trời Phật rằng, nếu phải cơ duyên thì xin cho thị hãy rụng vào bị bà lão.

Khấn rồi bà lão mở bị ra thì tự nhiên quả thị rụng ngay vào bị. Bà lão đem thị về dấu ở trong buồng. Từ hôm ấy trở đi, mỗi lần bà lão đi chợ búa, lúc trở về thì thấy cơm nước đã được nấu sẵn, cửa nhà đã được quét dọn sạch sẽ, hàng quán đã được bày biện tươm tất, bèn lấy làm lạ mà không biết do đâu. Một hôm bà lão bèn giả vờ đi chợ như thường lệ, nhưng vừa mới đi ra một chút thì quay trở lại núp một chỗ rình xem. Chẳng mấy chốc bà lão nhìn thấy vỏ quả thị nứt ra rồi từ bên trong một cô gái xinh đẹp bước ra ngoài. Sau khi làm xong mọi chuyện trong nhà, cũng là độ chừng đã đến lúc bà lão trở về thì cô gái lại tiến đến chỗ để cái vỏ thị chui vào trong biến mất. Quả thị lại trở lại nguyên hình dạng cũ.

Sau khi khám phá ra điều này, bà lão liền quyết định hôm sau cũng giả vờ đi chợ rồi quay về tìm chỗ núp chờ đợi. Khi quả thị nứt ra và cô gái đã bước ra ngoài để làm công việc nhà thì bà lão vội vàng chạy lại ôm chặt cô gái và chụp lấy cái vỏ thị xé nát. Cô gái bị bà lão bắt gặp quả tang và cái vỏ thị cũng đã bị xé nát không còn biết ẩn náu vào đâu nên đành thú thật sự hóa thân của mình và từ đó giữ nguyên hình ở lại với bà lão, hằng ngày đỡ đần bà lão trong công việc, và cả hai sống với nhau đầm ấm như hai mẹ con ruột thịt.

Một hôm nhà vua giả dạng tuần du ra khỏi kinh thành, ngang qua quán bà lão liền ghé vào uống nước. Nhà vua cầm lấy miếng trầu lên ăn thì nhận thấy trầu têm rất giống như trầu Tấm vẫn từng têm cho vua trước đây liền hỏi bà lão ai têm trầu mà khéo thế. Bà lão nói là trầu này do con gái bà lão têm. Nhà vua liền đòi bà lão cho cô gái ra trình. Lúc cô gái bước ra thì nhận ngay ra đó là nhà vua đồng thời nhà vua cũng nhận ra cô gái kia chính là Tấm nên vô cùng mừng rỡ, liền đón Tấm trở lại hoàng cung nối lại cuộc sống hạnh phúc.

Câu truyện tuy dài nhưng chưa phải kết thúc ngang đây, vì nếu chỉ có thế thì cũng chẳng có gì khác với những câu truyện luân lý thông thường khác. Trái lại câu truyện còn được tiếp nối thêm phần trả thù của Tấm, và đây mới là cái điều đáng nói về cái lẽ công bằng vay trả theo lối suy luận bằng cảm tính của người Việt nam.

Truyện kể tiếp là sau khi Tấm được vua đón về cung, Cám gặp lại Tấm thấy Tấm càng trắng đẹp hơn xưa mới lấy làm lạ bèn hỏi nhờ đâu mà Tấm lại trắng đẹp như thế. Tấm rắp tâm trả thù Cám nên mới bảo nhờ tắm bằng nước sôi. Cám tưởng thật, lại đang ước ao làm cho mình đẹp như Tấm để cũng được vua thương yêu bèn sai người nấu cho mình một nồi nước sôi. Khi Cám nhảy vào nồi nước sôi để tắm thì liền bị phỏng và chết. Tấm liền đem xác Cám ướp làm mắm gửi về biếu mẹ ghẻ. Hằng ngày mẹ ghẻ của Tấm lấy mắm ra ăn đều tấm tắc khen ngon thì có con quạ bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng:

Ngon gì mà ngon
Ăn thịt con, có còn cho miếng

Mẹ Cám nghe thấy thế lấy làm tức giận lắm nhưng không làm sao đuổi được quạ đi. Ðiều ấy cứ xảy ra mãi cho đến hôm mẹ Cám ăn gần hết hũ mắm thì chợt thấy dưới đáy hủ là cái đầu lâu của con mình mới vỡ lẽ ra, vừa thương xót con, vừa uất ức mà chết luôn.

Nhìn chung thì nội dung câu truyện vẫn đề cao cái quan niệm "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ." Tấm là người hiền lành cho nên dù có trải qua bao hoạn nạn đi nữa thì cuối cùng vẫn được hạnh phúc. Mẹ con Cám độc ác nên kết cuộc đã phải chết để đền tội. Trong câu truyện lại chứa đựng những tình tiết dựa trên những tin tưởng tôn giáo khác nhau như luân hồi của Phật giáo hay phép tiên của Lão giáo. Chính vì thế mà tùy theo khuynh hướng tôn giáo của người kể mà có thể nói đến Trời, Phật, Tiên hay Thánh đều được cả và đều mang ý nghĩa như nhau. Riêng phần kết thúc thì phải đầy đủ " ơn đền oán trả ", nói lên cái tinh thần Ðạo lý dân gian được xây dựng trên sự suy luận về công bình theo cảm tính của người Việt nam.


3.- CÁI VÒNG LUẨN QUẨN CỦA S VAY TRẢ

Nếu đứng trên bình diện tâm lý mà nói thì hành động Tấm giết Cám chỉ là một sự thực hiện cái ý muốn lập lại cái công bằng vay trả, và điều này rất phù hợp với cái tâm lý chung của người bình dân Việt nam. Tuy nhiên nếu đứng trên bình diện đạo đức học siêu hình mà xét thì hành động này của Tấm cũng chỉ là một việc ác không hơn không kém và chẳng qua chỉ nhằm vào mục đích trả thù. Ðây chính là cái điểm cho thấy cái tinh thần nghịch lý của con người Việt nam: mặc dù yêu điều thiện, nhưng lại dễ bị khích động bởi tình cảm, cho nên khi gặp cảnh bất công, con người có thể phản ứng lại bằng những hành động ác vẫn không sợ bị kẻ khác lên án vì cho rằng đó chỉ là sự thực hiện lẽ công bằng.

Trong nếp sống yên lành và thuận thảo thì những điều như "Kính trên, nhường dưới" là những biểu hiện tốt của con người. Tuy nhiên khi mà xích mích xảy ra khiến cho "cơm không lành, canh không ngọt" thì con người cũng dễ buông thả theo những xúc động tâm lý cho nên hễ mà "Chú đánh cha tôi, tôi tha gì chú". Với bản chất hiền hòa, người dân Việt nam đã chấp nhận tất cả những tin tưởng cao đẹp của các học thuyết về đạo đức, và cũng có những lúc sống theo tinh thần "Từ bi hỉ xả", của Phật giáo, "Dĩ ân báo oán" của Lão giáo, hay "Dĩ trực báo oán" của Khổng giáo. Tuy nhiên, do những bức thiết trong cuộc sống khiến cho "cái khó nó bó cái khôn" thì con người cũng có thể vì sự sống của mình mà quên đi đức hiền lành nhịn nhục để chỉ còn nhớ cái luật công bằng vay trả, cho nên mới có chuyện "Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại."

Do mặc cảm thấp kém về thân phận cùng với cái tâm lý bị những ẩn ức đè nén giống như "con giun xéo mãi cũng quằn" mà khi có cơ hội phản kháng lại điều bất công thì người Việt nam cũng rất tàn nhẫn và phạm vào những bất công không kém. Trong câu truyện Tấm Cám, Tấm đã phải trải qua không biết bao là bất công và đau khổ nhưng vẫn nhẫn nhục chịu đựng, tuy vậy Tấm vẫn không quên nỗi oán hờn đối với kẻ đã nhẫn tâm giết mình, dù đã qua mấy lần hoá kiếp. Cuối cùng khi đã được trở về kiếp người lại có cơ hội và phương tiện, Tấm mới không thể nào tha thứ cho kẻ đã gây cho mình đau khổ. Và đây cũng là cái điểm khiến cho con người cứ bị ràng buộc mãi vào cái vòng ơn oán đời này qua đời khác.

Chính vì cái lòng yêu mến lẽ phải và mong muốn thấy sự công bằng được thể hiện mà con người đã vượt qua cái giá trị tự tại của những hành vi thiện và ác, do đó mà xấu và tốt có khi không còn mang ý nghĩa khách quan, nhưng đã bị cái tâm lý tình cảm chủ quan chi phối khiến cho điều ác ban đầu bị coi là xấu, thì điều ác trả lại thường bị lãng quên cái bản chất xấu đi để được coi như sự công bằng cần thiết, như trong trường hợp Tấm và Cám. Ngoài ra, ơn oán lại chỉ là những hiện tượng mang tính cách hoàn toàn chủ quan của những người cùng liên hệ, và thường do nơi tình cảm "yêu nên tốt, ghét nên xấu" cho nên dễ đưa đến những sai lầm trong nhận định chân lý. Cũng vì tính chủ quan trong nhận định mà có khi cùng một hành động được người này coi là do thiện chí thì đối với người kia lại bị xem như là do ác ý, do đó mà nảy sinh thêm cái hiện tượng " làm ơn mắc oán ", khiến cho cái đạo lý đặt trên căn bản tình người nhiều khi cũng rất phức tạp.

Cái mặc cảm "ơn đền oán trả" này không phải chỉ tiềm tàng trong tâm tư người bình dân mà ngay cả bậc sĩ phu cũng không tránh khỏi. Thi hào Nguyễn Du khi viết Ðoạn Trường Tân Thanh cũng đã để cho cái tư tưởng này bộc lộ trong tác phẩm của mình. Kiều sau khi được Từ Hải chuộc ra khỏi chốn lầu xanh thì cũng đã dựa vào thanh thế của Từ Hải để trả thù những kẻ đã làm hại mình, và đền ơn cho những người đã có lòng tốt với mình trong cơn hoạn nạn. Có thể cho rằng đây chỉ là sự mô tả cái tâm lý thường tình của đàn bà, vì Thúy kiều cũng chỉ là một người đàn bà thường tình như tất cả mọi người, nhưng xét cho cùng thì điều này vẫn mang cái đặc tính của đạo đức ơn đền oán trả nêu trên.

Do bản chất mang nặng tình người cùng với kinh nghiệm làm dân bị trị "thấp cổ bé miệng, kêu Trời không thấu", bị người Trung hoa áp bức bóc lột mà vẫn cứ phải nhịn nhục, khiến người Việt nam dễ cảm thông với những người nghèo khổ, hay có khuynh hướng đứng về phía kẻ yếu kém thế cô, và dễ tôn sùng những hành vi có tính chất anh hùng hảo hán. Tuy nhiên cũng do cách hiểu sai lệch cái đạo lý dựa trên nguyên tắc công bình vay trả này mà người Việt nam cũng có quan niệm như ăn cắp, bòn rút hay phá hoại của nhà giàu, của kẻ cai trị, của chủ nhân, nhất là của tư bản ngoại quốc, nhiều khi không phải là điều xấu mà chỉ là đòi lại lẽ công bằng, nếu những người này bị coi là đã hành động bất công. Người làm chủ thì lại hay nghĩ rằng mình mang lại nguồn sống cho người làm công mà người làm công lại không biết tròn bổn phận phải đền đáp cho tương xứng cái công ơn đó.

Cái lối suy nghĩ này đã làm cho con người dễ bao biện cho cái đầu óc thủ lợi riêng tư của mỗi người, gây phương hại đến sự hợp tác trên quy mô rộng lớn và lâu dài, đưa đến những hiện tượng tiêu cực khiến cho nền kinh tế không những không phát triển mà còn hay lâm vào nạn phá sản.

Về mặt chính trị và xã hội, có thể nói là cái tinh thần đạo lý này cũng đã có phần tác động trong việc phá vỡ cuộc Cách mạng của toàn dân vào năm 1945, vì trong khi muốn thiết lập một xã hội công bình chân chính, người Việt nam vẫn mang trong đầu cái quan niệm ơn oán theo cảm tình cho nên đã phạm vào không biết bao sai lầm đưa đến chỗ bế tắc.

Vào lúc bắt đầu cuộc Cách mạng rồi sau đó bị biến thành cuộc đấu tranh Quốc Cộng, người cộng sản đã dễ dàng tranh thủ được sự ủng hộ của người dân vì họ đã biết khai thác cái khía cạnh tâm lý tình người và khôn khéo ngụy trang thành vai trò nghĩa hiệp, đồng thời khơi động cái tính căm thù tiềm ẩn trong lòng mỗi người, nhờ đó mà họ đã có thể vận động được quần chúng, đặc biệt là các thành phần nông dân và lao động tham gia vào cuộc đấu tranh giai cấp để tiêu diệt những kẻ đối lập hay không nghe theo họ, vì người cộng sản đã chụp cho những kẻ này cái mũ tội ác và gán cho họ những món nợ máu tày trời không thể nào tha thứ.

Chính vì tính thù ghét sự áp bức tiềm tàng trong lòng mỗi người đã bị các nhà lãnh đạo mị dân lợi dụng một cách tinh vi để biến đổi không biết bao nhiêu người dân vốn hiền lành chất phác trở thành những kẻ chỉ biết chạy đuổi theo cái công bình của một lý thuyết không tưởng để rồi căm thù tất cả những người theo chân lý khác vì tin đó là những người ác. Do đó mà họ đã có thể tay cầm dao giết người hay đối xử độc ác và man rợ đối với đồng bào ruột thịt, nhưng miệng thì vẫn có thể thản nhiên nói đến tình người chứ không hề cảm thấy xấu hổ hay lương tâm ray rứt, vì họ vẫn tin là họ đã hành động đúng đạo lý.

Người Quốc gia sở dĩ gặp khó khăn cũng chỉ vì họ thường là những người xuất thân từ thành phần trung lưu, mang cái vỏ tiểu tư sản, chịu ảnh hưởng của những tư tưởng mới Tây phương, thường suy luận theo lý trí, khiến cho họ có vẻ như xa rời với quần chúng. Vả lại, những tư tưởng tiến bộ mà họ muốn đem ra áp dụng đôi khi lại quá trừu tượng, thường không phù hợp với những ước mơ tình cảm thiển cận và thực tế của người bình dân. Hơn nữa, những tư tưởng này có khi lại giống như liều "thuốc đắng đã tật " và khi muốn thuyết phục người dân nghe theo mà không muốn mị dân thì lại bị "lời thật mất lòng", khiến cho họ dễ bị đối phương lợi dụng những sơ hở để tuyên truyền xuyên tạc, biến họ thành như những người xấu, có ác ý, nên không được dân ủng hộ, do đó mà đành phải thất bại.

Còn quần chúng một khi tỉnh ngộ về sự lừa dối của cộng sản thì hoặc là nhiệt tình cách mạng cũng đã nguôi ngoai nên chỉ còn mong muốn được sống an thân, hoặc là lại mang quá nhiều mặc cảm ơn oán trong đời để rồi cũng chỉ hành xử trong cái vòng luẩn quẩn của sự vay trả những điều ân oán cá nhân hơn là tự mình thay đổi cách tư duy để có thể góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Vào kỷ nguyên mà khắp nơi trên thế giới, mức sống vật chất của con người không ngừng được nâng cao, giá trị con người và những nguyên tắc tự do nhân quyền được tôn trọng, thì tại Việt nam tự do của con người vẫn bị chà đạp, kinh tế vẫn bấp bênh, và đời sống người dân nghèo vẫn đầy dẫy bất công. Do đó, muốn làm cuộc cách mạng xây dựng lại một xã hội tự do dân chủ tốt đẹp và lành mạnh thật sự cho quốc gia, người Việt nam cần phải có một sự đổi mới cách tư duy trong mọi lãnh vực, ngay cả trong tư duy về quan niệm đạo đức, tạo cho mình một quan niệm đúng và hài hoà giữa lý trí và tình cảm, vừa để không đánh mất đi cái truyền thống dân tộc, nhưng cũng không để cho mình vướng mắc mãi vào cái mặc cảm "ơn đền oán trả" nặng tính chất tình cảm, để rồi cứ tự hào với những hành động công bằng ích kỷ nhỏ nhen mà phá hỏng cái lẽ công bằng chân chính của đại cuộc. 
 
ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment