CĂN NHÀ ÐẦU TIÊN
TRONG THỜI BUỔI KHÁNG CHIẾN
Từ hồi đi tản
cư đến giờ, mẹ tôi thì bệnh mà gia đình tôi lại cứ
toàn đi ở đậu nhà người ta nên cũng có lắm cái bất tiện.
Lúc mới ra Bồng sơn này, cha tôi cũng thuê nhà gần phố.
Về sau thấy mẹ tôi đã quá yếu, cần được yên tĩnh hơn
mà ở gần phố thì cứ bị cái nạn kẻng báo động máy
bay làm cho giật mình hoài nên cha tôi không biết được ai
giới thiệu mà đã tìm vào họ đạo Trung an, xin với ông
biện Sáu để dựng nhờ một căn nhà nhỏ trong khu vườn
của ông ta. Nghe cha tôi nói đang cất nhà riêng và sẽ dọn
về nhà mới nay mai, tôi náo nức trong lòng.
Từ trước tới giờ, cha mẹ tôi nếu không ở nhà thuê thì cũng là ở nhà chính phủ. Chiến tranh đã trở thành dai dẳng làm cho ước mơ trở lại Quy nhơn của tôi chỉ còn là mộng tưởng, vì thế mà từ ngày về Bồng sơn đến bây giờ, tôi cũng đã bằng lòng với giòng sông ở đây. Căn nhà riêng đầu tiên này của cha mẹ tôi sẽ là cái chốt để cho tôi có thể gắn chặt với vùng đất này và coi nó như là quê hương của mình.
Từ trước tới giờ, cha mẹ tôi nếu không ở nhà thuê thì cũng là ở nhà chính phủ. Chiến tranh đã trở thành dai dẳng làm cho ước mơ trở lại Quy nhơn của tôi chỉ còn là mộng tưởng, vì thế mà từ ngày về Bồng sơn đến bây giờ, tôi cũng đã bằng lòng với giòng sông ở đây. Căn nhà riêng đầu tiên này của cha mẹ tôi sẽ là cái chốt để cho tôi có thể gắn chặt với vùng đất này và coi nó như là quê hương của mình.
Lúc nhìn thấy
căn nhà mới, tôi chợt bàng hoàng như vừa qua cơn ngủ mê.
Căn nhà chẳng giống với bất cứ một căn nhà nào tôi đã
nhìn thấy nơi xứ sở này. Mái lợp tranh, xung quanh vách cũng
che bằng tranh rạ và bên dưới không có nền mà trống lỗng,
để lộ những hàng cột bằng cây rừng chống đỡ một cái
sàn nhà bằng phên tre.Vì mẹ tôi bệnh nên cha tôi muốn cất
căn nhà theo kiểu nhà sàn để cho thoáng và hợp vệ sinh hơn.
Tôi chưa bao giờ
tưởng tượng căn nhà mơ ước của mình lại giống như một
cái chòi tranh xứ Thượng nên không hài lòng tí nào, nhưng
các anh các chú Hướng đạo thì lại rất thích thú với mẫu
kiến trúc rất Hướng đạo này. Chú Nai, (tên rừng của Hướng
đạo đặt cho chú) có khiếu vẽ, liền vẽ ngay một bức
tranh ngôi nhà này bằng màu nước và tặng cho cha tôi. Ngắm
ngôi nhà trong tranh tôi thấy cũng thơ mộng lắm, nhưng bước
vào căn nhà thì tôi lại rất bực mình vì mỗi bước chân
đi là sàn nhà lại run rẩy và kêu cót két, nghe như có tiếng
thở than, mà mẹ tôi thì lại rất cần yên tịnh.
Khu vườn của
ông Biện gồm nhiều mảnh rộng nối liền nhau, xung quanh có
lũy tre bao bọc. Trong vườn có dừa, có mít, có thơm và những
đám mía, khoai lang, khoai mì. Rải rác trong vườn có nhiều
ngôi mộ lớn đắp cao bằng đất. Ðó là mộ những thân
nhân đã quá vãng trong gia tộc ông Biện. Cảnh trí cô tịch
khiến cho tôi đôi lúc nhớ lại trò chơi phiêu lưu cũ hồi
còn ở Ðại an nhưng bây giờ tôi đã có bạn bè, lại thường
ra phố, và mỗi cuối tuần vẫn đi họp hay đi cắm trại
cùng bầy Sói con nên tôi cũng không còn thấy mình muốn làm
một anh chàng Lỗ bình sơn cô độc. Riêng có mẹ tôi, do hoàn
cảnh chiến tranh đưa đến nhiều thiếu thốn về vật chất
lẫn tinh thần, người đãsuy yếu rất nhanh và đến nay thì
gần như chỉ còn nằm một chỗ chờ cái chết đến từ từ.
Trong cảm giác
thiếu thốn tình mẫu tử, nhiều lúc tôi đã thầm ao ước
có được một người mẹ bình thường nào đó, chứ không
như người mẹ hiện tại không còn mang lại được niềm
thương yêu an ủi cho gia đình mà chỉ còn là một gánh nặng
cho những người thân yêu. Trong khi đó, cô Thùy lại có vẻ
thương anh em chúng tôi lắm và cũng thường hay săn sóc anh
em tôi mỗi khi chúng tôi ra nhà ông bà Cả. Ðôi khi thấy móng
tay tôi hơi dài, cô Thùy lại cắt cho. Lần nào đó, thấy
tôi có vẻ mệt, cô Thùy sờ thăm trán tôi rồi lấy dầu
xức cho tôi và bảo tôi nằm nghỉ. Những cái săn sóc thật
nhỏ nhặt nhưng cũng rất là đáng yêu đó đã chiếm được
cảm tình của những đứa con đang khao khát có được sự
nâng niu chiều chuộng của một người mẹ đã làm cho tôi
thêm qúy mến cô Thùy và có nhiều lúc tôi đã ao ước phải
chi cô Thùy là mẹ mình. Tôi không biết cha tôi có la mắng
tôi không nếu tôi nói điều mơ tưởng này của tôi cho cha
tôi biết.
Còn cha tôi thì
thật là vất vả. Ðể có đủ tiền chi phí cho gia đình,
nhất là để lo cho mẹ tôi được ăn uống đầy đủ trong
những tháng ngày còn lại nên cha tôi đã phải một thân kiêm
nhiệm nhiều công tác. Chính quyền lúc ấy cũng đang cần
mua chuộc những người có khả năng và uy tín như cha tôi
nên đã để cho cha tôi kiêm luôn nhiều chức vụ để có
thể lãnh nhiều khoản lương khác nhau. Vừa là Chánh án ở
Tòa án, vừa là hiệu trưởng kiêm giảng viên trường đào
tạo Cán bộ ngành Tư pháp, lại vừa là ủy viên gì gì đó
nữa nên cha tôi phải đi lại nhiều nơi mà phương tiện di
chuyển thì chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch trên những con
đường đất gập ghềnh, khi về nhà lại còn phải chăm sóc
cho mẹ tôi nữa. Tuy nhiên nhờ bản tính năng động và tinh
thần Hướng đạo, người vẫn vui vẻ trong mọi công tác,
cũng như vẫn hăng say trong những hoạt động khác của mình.
Thời buổi kháng
chiến nên hầu như trong lãnh vực nào cũng có những công
việc được coi là hành động kháng chiến. Người dân được
khuyến khích mỗi lần nấu cơm lại bốc bớt một nắm gạo
trong nồi của mình bỏ vào một cái hũ gọi là " hũ gạo
kháng chiến " để dành mang nộp cho Nhà Nước nuôi quân. Người
đi làm việc cho Nhà nước cũng được khuyến khích trồng
thêm luống rau hay vài bụi khoai mì quanh nhà nơi cơ quan của
mình trú đóng để góp phần cải thiện bữa ăn tập thể.
Ngay cả học sinh nhỏ cũng được khuyến khích nuôi "gà kháng
chiến" để góp phần sản xuất ở hậu phương.
Sẵn xung quanh
nhà là đất vườn rộng rãi nên tôi cũng đã dùng tiền bỏ
ống nhờ cô Tám láng giềng mua hộ tôi một con gà mái tơ.
Tôi sửa soạn cho gà một chỗ ở ngay dưới sàn nhà. Về
khoản ăn uống của gà thì tôi cũng không cần phải lo lắng
mấy vì gà có thể tự kiếm ăn trong vườn. Những lúc cô
Tám phơi lúa hay đậu, con gà của tôi cũng có thể thừa cơ
hội nhập bọn với đàn gà của cô Tám mà thi nhau mổ và
ăn đến căng cứng cả diều. Tôi tính toán: rồi đây gà
sẽ đẻ trứng, trứng lại nở ra gà con, gà con sẽ lớn lên
và rồi sẽ lại đẻ trứng...Tôi sực nhớ câu chuyện ngụ
ngôn Cô bé bán sữa của La Fontaine và ngưng tưởng tượng.
Lúc này lớp học
của tôi lại được dời về Trung lương, trên con đường
đi làm hằng ngày của cha tôi nên cha tôi muốn đèo tôi bằng
xe đạp vào mỗi sáng để tôi đỡ phải cuốc bộ mấy cây
số đến trường. Nhưng khi cha tôi chở tôi đến nơi thì
hầu như bữa nào học sinh cũng đã vào lớp cả rồi. Thầy
giáo của tôi gốc người Quảng nam, hơi lùn và nét mặt lúc
nào cũng có vẻ khó khăn, lại rất tích cực trong việc thể
hiện nội quy nhà trường nên hầu như không bao giờ thầy
chấp nhận điều tôi trình bày về lý do đi học trễ của
mình.
Tôi đem chuyện
mình hay bị thầy phạt vì vô học trễ ra nói với cha tôi
để xin phép được tự đi bộ sớm một mình cho kịp giờ
sắp hàng vào lớp thì cha tôi lại cứ nghĩ là tôi muốn đi
sớm để vui chơi nên không cho. Cái đồng hồ của thầy giáo
và cái đồng hồ của cha tôi hình như không bao giờ chỉ
giờ giống nhau. Thế là tôi đành bị cha la rầy hoặc thầy
giáo phạt liên miên vì tôi không có cách nào để làm hài
lòng hai tâm hồn giàu thiện chí nhưng không đồng quan điểm
cùng một lúc.
Ngoài cái tội
hay đi học trễ, tôi lại còn thêm cái tội hay có nhiều ý
nghĩ tưởng tượng. Một hôm vào giờ tập vẽ, thầy giáo
cho học sinh vẽ quả ớt. Vốn thích màu xanh lá cây nên sau
khi vẽ xong hình quả ớt, thấy thằng bạn bên cạnh có hộp
bút chì màu, tôi liền mượn và sơn luôn quả ớt lẫn cuống
và lá thành màu xanh lục. Lúc thầy giáo chấm bài, nhìn quả
ớt tôi vẽ, đã phết ngay một con zéro to tướng và đưa
lên cho cả lớp xem cái lối nhìn sự vật bị coi là ngu xuẩn
của tôi. Tôi thưa với thầy là quả ớt lúc chưa chín vẫn
có màu xanh , nhưng thầy giáo vốn không bao giờ tưởng tượng
ra ngoài những giáo điều và ước lệ cố hữu mà thầy đã
tiếp thu được từ lúc còn là học trò nên thầy cũng không
bao giờ chấp nhận nổi cái lối suy luận này.
Năm học ấy tôi
là một học sinh kém nhất lớp. Mẹ tôi buồn. Cha tôi nghĩ
rằng tôi ham chơi. Chỉ riêng tôi thấy cuộc đời không cho
phép tôi sống theo điều mình mơ tưởng. Cũng từ ấy trở
đi, tôi bắt đầu giữ lấy điều suy nghĩ cho riêng mình và
không bao giờ thấy mình còn khâm phục người lớn như tôi
vẫn hằng khâm phục.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment