BỒNG SƠN VỚI GIÒNG SÔNG LẠI
Vượt hai ngọn
đèo, chúng tôi ra tới Bồng sơn. Qua khỏi cây cầu dài bắc
ngang con sông rộng, xe chạy vào thị trấn. Nhìn thấy giòng
sông, tự nhiên tôi có cảm giác như nhìn thấy một cái gì
thật êm ả. Về hướng đông là cây cầu sắt xe lửa bắc
song song. Xa xa về hướng mặt trời lặn có những chiếc đập
thấp bằng cây cọc và bờ cát chắn ngang sông, và sát bờ
là những cái guồng xa nước đang quay một cách đều đặn,
chậm chạp và hiền hòa.
Những guồng xa nước này mang nước
sông đổ vào máng dẫn vào các cánh đồng để tưới ruộng
tạo cho con sông Lại một hình ảnh đặc biệt mà những con
sông khác không có. Hai bên bờ sông là bát ngát rừng dừa
xanh mát.
Bồng sơn là phủ
lỵ của phủ Hoài nhơn. Ngày xưa phủ lớn hơn huyện nhưng
bây giờ Cách mạng đã xoá bỏ sự phân biệt phủ và huyện,
cho nên phủ hay huyện thì cũng ngang nhau và đều được gọi
chung là huyện. Do thi hành chính sách tiêu thổ kháng chiến,
các kiến trúc bằng gạch ngói đều đã bị phá hủy chỉ
trừ những ngôi nhà có vẽ lá cờ trên góc trái có ngôi sao
12 cánh màu trắng trên nền xanh,và dưới lá cờ có tấm biển
nhỏ kẽ mấy chữ: "Tài sản của người Hoa kiều" là còn
ngạo nghễ đứng nguyên. Dọc theo đường phố là giao thông
hào. Người ta phải bắc những khúc thân cây dừa làm cầu
để bước qua. Nhìn cảnh nhà cửa thì bị đập nát, đường
sá thì bị đào xẻ ngang dọc, tôi cảm thấy tiếc rẻ và
không hiểu nổi vì sao người ta lại tự gây ra khó khăn và
khổ sở cho mình. Tây đâu chẳng thấy, chỉ có mình đâm
ra vất vả mà thôi.
Ðang buồn nản
với nếp sống tẻ nhạt của vùng quê hẻo lánh, nay được
ra Bồng sơn ở, có những sinh hoạt mang tính chất phố phường,
tuy không bằng Quy nhơn, nhưng dù sao vẫn còn hơn miền thôn
dã, tôi rất mừng. Phố xá tuy đã bị phá hoại nhiều nhưng
trên những đống gạch vỡ, người ta đã dựng lại những
căn nhà tranh rộng, thoáng và sáng sủa. Tất cả đều là
tiệm buôn bán có người ra vô luôn. Có cả tiệm ăn và khách
khứa ăn uống nhộn nhịp. Lại có cả những gánh hàng rong
nữa, với những món ăn như phở, chè, bún, lục tào xá...,
vừa bán vừa rao. Chỉ thiếu ánh đèn điện ban đêm mà thôi.
Vì Bồng sơn nằm
ngay giao điểm của con đường quốc lộ 1 với những con đường
đi lên các huyện miền núi như Hoài ân, An lão và con đường
đi xuống cửa biển Bầu tượng và vùng Nước nhĩ, một vùng
nhiều cá mắm nên cũng là nơi trù phú từ lâu. Nay lại có
thêm các cơ quan của tỉnh Bình định và của Liên khu 5 dời
về đóng rải rác quanh vùng nên thị trấn Bồng sơn trở
nên như một thủ phủ phồn vinh của Liên khu 5 thời ấy.
Dân tản cư từ Quy nhơn và từ mấy thành phố xa xôi như
Huế, Nha trang, Ðà nẵng đổ dồn về đây làm ăn buôn bán
khiến cho thị trấn trở nên đông vui và sầm uất. Ðây cũng
là nơi quy tụ của nhiều giới văn nghệ sĩ trí thức tản
cư thời bấy giờ.
Tôi lại được
đi học có trường lớp, có bạn bè. Trường học xây bằng
gạch kiên cố đã bị phá hủy. Bây giờ người ta cất những
gian nhà lá khuất trong các vườn dừa cao và rậm rạp để
tránh máy bay. Xung quanh lớp học là các giao thông hào chạy
ngang chạy dọc. Hễ mỗi lần có kẻng báo động máy bay,
học sinh từ các lớp lại chạy tản ra các giao thông hào.
Lúc này máy bay cũng chưa bắn phá gì tại vùng này nên thường
thường mỗi lần có báo động, bọn học sinh nhỏ như chúng
tôi lại cảm thấy như được thêm một lần ra chơi trong
buổi học. Bạn bè cùng lớp nhiều đứa cũng là dân tứ
xứ tản cư về đây nên tôi cũng không còn cảm thấy mình
chỉ là một tên trọ trẹ lẻ loi.
Ra Bồng sơn, cha
tôi gặp được một gia đình đồng hương. Bác Tâm, bạn
cũ của cha tôi ở Huế dẫn ba con về thăm phía nội, rồi
vì chiến tranh nên không trở về ngoài ấy được, nên phải
ở lại đây với hai ông bà cụ. Song thân của bác Tâm, ông
bà Cả, cũng gốc gác từ Nghệ an. Ngày xưa ông Cả vào làm
việc ở phủ này rồi đến khi về hưu đã ở lại đây lập
nghiệp luôn. Bà cụ có một cửa hàng tơ lụa tại phố. Có
một điểm trùng hợp giữa gia đình ông Cả và gia đình bên
nội của tôi. Gia đình ông Cả cũng thuộc bên lương. Bác
Tâm ngày nhỏ ra Huế học trường nhà dòng nên đã trở lại
đạo và lấy vợ công giáo ở Huế.
Do tình đồng
hương lại là bạn thân của con mình nên ông bà Cả và luôn
cả những người trong gia đình đối xử với cha tôi rất
thân thiết. Thời buổi cách mạng rồi nên những tị hiềm
về tín ngưỡng cũng không còn sâu sắc để đến nỗi người
cùng một gia đình phải xa lánh nhau. Tôi chơi thân với mấy
đứa con bác Tâm như anh em và từ đó, tôi như tìm được
một đại gia đình bên nội. Tôi cảm thấy mình cũng gần
như có các cô các chú, và các cô chú cũng rất thương anh
em tôi giống như mấy đứa cháu khác của mình. Riêng đối
với cô Thùy, tôi nhận thấy cô ta có một vài nét nào đó
hao hao giống mẹ tôi nên tôi lại càng dễ mến cô ta hơn.
Ngày tết ngày giỗ nào chúng tôi cũng đều có mặt. Chỉ
có mẹ tôi bệnh yếu nên không còn đi đâu được cả.
Lui tới thường
xuyên nhà ông bà Cả, tôi biết thêm cô bé cùng học chung
trường chung lớp với tôi, có cái tên dài lê thê: "Công tằng
tôn nữ....," lại là cháu ngoại của ông bà Cả. Cô Ba có
một đời chồng trước thuộc hoàng phái, sinh được cô bé
bằng tuổi tôi, khá xinh nên chú Chinh thấy thế vẫn hay nhìn
tôi và bảo: " Gắng học giỏi rồi mai mốt chú gả cháu cho".
Tôi thấy người lớn hay nói về những điều mà con nít không
muốn người lớn nói. Còn cô bé thì lại sinh hoạt trong Nhi
đồng cứu quốc, đó là một điều làm tôi không thích.
Vốn là một huynh
trưởng say mê với phong trào Hướng đạo, nay đến đất
Bồng sơn này gặp được một số huynh trưởng khác, cha tôi
bèn đứng ra tổ chức lại phong trào Hướng đạo. Phong trào
lan rộng ra vài thị trấn khác như Tam quan, Bình dương, những
nơi có các cựu huynh trưởng Hướng đạo đang theo cơ quan
làm việc. Mặc dù lúc bấy giờ ở đâu cũng đã có những
tổ chức như Nhi đồng cứu quốc, Thiếu niên cứu quốc,
và vô số những tổ chức cứu quốc khác, nhưng phong trào
Hướng đạo cũng thành lập được một số Ấu đoàn, Thiếu
đoàn, và có cả Tráng. Chính tôi cũng sinh hoạt trong bầy
Sói con.
Tôi thấy đám
Nhi đồng cứu quốc lúc nào cũng có vẻ kiêu hãnh, nhưng hình
như bọn chúng không có những huynh trưởng giỏi. Chúng thích
gõ trống ếch ồn ào, thích nhảy "sol do mi", và chỉ biết
ca mấy bài ca đề cao lãnh tụ chứ không giống như Sói con
chúng tôi, yêu thiên nhiên, yêu mến tất cả mọi người và
hát những bài hát vui tươi. Còn chuyện yêu nước thì ai mà
chẳng yêu nước. Trong một buổi cắm trại làm lễ tuyên
hứa để trở thành một hướng đạo sinh chính thức, tôi
cũng đã từng nghiêm chỉnh đưa tay lên thề: "Trung thành với
Tổ quốc, giúp ích mọi người, tuân theo luật Hướng đạo".
Lời hứa đầu đời này đã ghi khắc vào tâm trí tôi, và
mãi mãi tôi không bao giờ quên.
Cuối niên học
này, tỉnh có tổ chức một đại hội Thiếu niên Nhi đồng
toàn tỉnh ngay tại Bồng sơn, có phát thưởng cho các học
sinh giỏi. Tôi hãnh diện trong bộ đồng phục Sói con lên
nhận phần thưởng từ tay chú Ðệ, chủ tịch Ủy ban Hành
chánh tỉnh trao tặng, và bắt tay chú Ðồng, Ủy viên Công
cán của Chính phủ tại Miền Nam tới dự khán. Chú Ðồng
và chú Ðệ đều nhắc nhở thiếu nhi hãy luôn luôn phấn
đấu để mãi mãi xứng đáng là cháu ngoan của Bác. Phần
thưởng gồm một khung kiếng lộng hình Bác, một quyển sách
tư tưởng Mác Lê nin và một số vật dụng học sinh. Mẹ
tôi thấy tôi mang phần thưởng về, vui lắm. Người như có
vẻ muốn ôm hôn tôi nhưng người không thể làm như thế
được. Phần thưởng mang về trừ mấy món linh tinh tôi đem
ra dùng, còn hình Bác và quyển sách tôi xếp vào một chỗ.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment