VÀ MẸ KHÔNG CÒN NỮA
Cũng mùa hè năm ấy, phong
trào Hướng đạo tổ chức một trại họp bạn Hướng đạo toàn
tỉnh trong hai ngày liền ngay tại trang trại của ông bà Cả trên
vùng đồi Thiết đính gần Bồng sơn. Cha tôi được cử làm
trại trưởng. Ðây là dịp họp mặt của các Ấu đoàn, Thiếu đoàn,
và Tráng đoàn từ các thị trấn khác nhau. Ðối với ngành Ấu và
Thiếu thì trại là một dịp gặp gỡ vui chơi, cùng nhau thi thố tài
năng và tháo vát nên tôi rất náo nức mong đến ngày mở trại.
Nhưng đối với các huynh trưởng trong ngành Tráng, trại chính là một dịp gặp gỡ để cùng nhau trao đổi về "Ðường". Dĩ nhiên lúc bấy giờ tôi chưa hiểu "Ðường" là gì và cũng chẳng cần quan tâm đến "Ðường" như người lớn đang bận tâm.
Nhưng đối với các huynh trưởng trong ngành Tráng, trại chính là một dịp gặp gỡ để cùng nhau trao đổi về "Ðường". Dĩ nhiên lúc bấy giờ tôi chưa hiểu "Ðường" là gì và cũng chẳng cần quan tâm đến "Ðường" như người lớn đang bận tâm.
Ngay đêm trước ngày khai
mạc trại thì mẹ tôi bỗng trở bệnh nặng. Cha tôi sai tôi theo
ông Câu trong họ đến rước cha sở đi kẻ liệt. Cha sở già
biết bệnh mẹ tôi là loại bệnh kéo dài nên không đi ngay mà
hẹn sáng sẽ đến. Tôi trở về nhà nằm ngủ và khi trời vừa sáng,
tôi đã vội vã thức dậy thay đồng phục. Cha tôi đã dậy từ lúc
nào và hình như đang dọn dẹp một vài thứ. Người yên lặng nhìn
tôi sửa soạn, nắn lại nút khăn quàng cho tôi và khi thấy tôi
tiến về hướng giường mẹ tôi nằm, cha tôi khẽ bảo: "Ðừng
đánh thức mẹ". Thấy mẹ như ngủ yên, tôi nhẹ nhẹ bước
ra.
Với cái túi đeo lưng đựng
đồ cắm trại trên vai, tôi rảo bước đi đến điểm tập trung
của bầy Sói con để theo bầy đi lên khu đồi. Lục tục các đoàn
Hướng đạo từ nhiều nơi cũng theo nhau nhập trại. Tiếng ca hát
vui tươi ròn rã. Các đoàn chia nhau dựng lều trại của mình. Khi
mặt trời đã lên cao, mọi việc chuẩn bị đâu đã vào đấy thì
cũng đến giờ khai mạc. Tôi không thấy cha tôi xuất hiện mà
lại là một huynh trưởng khác đứng lên tuyên bố mở trại và
cho biết cha tôi bận việc nên phải vắng mặt sáng hôm nay. Tôi
linh cảm có một chuyện gì đó nhưng thấy không ai nói năng gì và
trại vẫn sinh hoạt vui vẻ nên cũng an tâm vui chơi với các bầy
Sói bạn. Mãi đến sau khi đã ăn bữa cơm trưa ở trại rồi thì
tôi thấy cô Thùy đến. Anh bầy trưởng kêu tôi ra và bảo hãy đi
theo cô Thùy về nhà. Tôi ra đi mà lòng thì vẫn tiếc rẻ mấy trò
vui đang còn tiếp tục.
Ra khỏi khu cắm trại, cô
Thùy mới nói cho tôi biết là mẹ tôi đã mất trong đêm khuya nhưng
cha tôi đã tránh không nói cho tôi biết ngay vào sáng sớm nay. Tôi
oà lên khóc và lần đầu tiên trong đời ý thức về một sự
mất mát to lớn nhất trong tất cả những gì tôi đã từng mất mát
từ khi vào ở đất Bình định này. Khi tôi về tới nhà thì mọi
việc tẩm liệm mẹ tôi cũng đã xong xuôi nên tôi không còn được
nhìn mặt mẹ tôi lần cuối. Một số người trong họ đạo đang
lo phụ giúp mọi chuyện và đọc kinh cầu hồn.
Ðám tang mẹ tôi được
tổ chức thật đơn giản và nhanh chóng trong ngày. Bốn người
trai tráng khiêng cái dàn đòn đặt chiếc quan tài vẫn còn nguyên
màu gỗ, có cắm mấy ngọn nến hắt hiu trong gió. Tuy nhiên người
đi đưa đám khá đông nối đuôi nhau thành một đoàn dài đi bộ
về hướng ngọn đồi Thiết đính. Ngoài một số bạn bè của
cha tôi còn có đại diện của các cơ quan và các đoàn thể, trong
đó có cả một toán Hướng đạo mặc đồng phục, đại diện
cho Trại Họp bạn. Tôi trong bộ đồng phục Sói con yên lặng đi
sau quan tài mẹ, không khóc nhưng mắt nhìn xa xăm. Tôi nhận thấy
có cả cô bé Nhi đồng cứu quốc đi với cô Thùy. Em tôi đi bên
cạnh, thút thít mãi. Thế là trên ngọn đồi đá ong chiều hôm đó,
mẹ tôi đã vĩnh viễn nằm lại một mình.
Theo ý cha tôi, sau khi chôn
cất mẹ tôi xong, mấy anh trong đoàn Hướng đạo lại đưa tôi
về trại họp bạn. Các huynh trưởng tìm cách giúp tôi quên nỗi
buồn nhưng từ lúc này tôi không còn vui vẻ tham dự vào các trò
chơi nữa mà chỉ thích được yên tĩnh một mình. Bên đống lửa
hồng reo vui đêm lửa trại, tôi ngồi thừ người suy nghĩ. Tôi cũng
không nhớ nổi tôi đã suy nghĩ những gì, nhưng tôi cảm thấy lúc
nào cũng có những điều khác thường xảy đến cho tôi một cách
bất chợt vào những lúc tôi đang say mê với niềm vui thích của
mình. Tôi gần như không bao giờ được vui hưởng cuộc đời
một cách bình thường như những bạn bè cùng trang lứa. Tất cả
những gì tôi yêu thích hình như chỉ là những thoáng qua mau.
Chiều hôm sau trại họp
bạn bế mạc. Mọi người bùi ngùi nắm tay nhau cùng hát bài Tạm
biệt và cùng hẹn ngày gặp lại. Tự nhiên tôi thấy buồn day
dứt vì nhớ lại mới ngày nào tôi cũng đã tạm biệt thành phố
biển để rồi đi xa và xa thêm... Người ta bảo thành phố đã
bị san bằng. Ngôi nhà cũ hẳn là không còn dấu tích. Tây không
đến, nhưng người thì cứ phải ra đi. Và ở nơi đây, tôi cũng
vừa mất đi người mẹ.
Qua hai ngày nhiều biến
cố, tôi khá mệt mỏi nên về tới nhà là nằm lăn ra ngủ say sưa.
Sáng hôm sau khi tôi thức dậy thì mặt trời đã lên cao. Ánh sáng
chói chang rọi vào chỗ giường mẹ tôi vẫn thường nằm thì
chỉ thấy một góc nhà trống trơn. Nhà còn nhiều vết vôi trắng
và ngai ngái mùi thuốc sát trùng. Chiếc giường cũng như mọi
vật dụng thường ngày của mẹ tôi đã biến mất. Căn nhà hoàn
toàn vắng lặng. Cha tôi đã đi làm. Em tôi có lẽ đã qua bên nhà
cô Tám vì từ ngày về đây ở, cha tôi cũng có lúc gửi anh em tôi
bên ấy.
Một mình buồn không
biết làm gì, tôi thơ thẩn ra vườn. Lúc lần mò tới cái ao
khuất sau các bụi cây dại, tôi ghé mắt nhìn xuống lòng ao và oà
lên khóc. Trong lòng cái ao khô nước vì đang là mùa nắng hạn,
giữa đám tro tàn của những đồ đạc riêng cho mẹ tôi dùng
trong những ngày nằm bệnh đã bị đốt cháy, nguyên cái khung giường
cháy sém đen vẫn còn chơ vơ nằm đó như đợi chờ. Tôi cũng
hiểu sở dĩ người ta làm như vậy là nhằm tránh sự truyền
nhiễm, nhưng tôi vẫn không thể nào không đau xót khi nhìn thấy
những thứ lẽ ra phải được xem như kỷ vật của một người
thân yêu đã vĩnh viễn ra đi lại bị đem hủy hoại một cách
nhẫn tâm như vậy.
Quay trở lại nhà, tôi
chợt nhận thấy trên cái kệ ở vách có tấm hình mẹ tôi chụp
từ thời con gái đặt tại đó. Cái khuôn kiếng nguyên là khuôn
ảnh Bác tôi lãnh thưởng năm vừa rồi, nhưng trong dịp dọn nhà
từ phố vào đây tôi đã đánh rơi làm nứt bể một đường ở
góc. Cha tôi đã cắt một dải giấy tím dán đè lên chỗ đường
chéo nứt ấy và lộng hình mẹ tôi vào. Dải băng tím đã che được
vết nứt, đồng thời cũng tạo thêm một ý nghĩa. Mọi người
trong gia đình đã để tang cho mẹ tôi như thế đó.
Tự nhiên tôi thấy như có
một niềm hối hận nào đó dâng lên trong lòng, đồng thời cảm
thấy mình thương nhớ mẹ vô cùng. Trong những tháng ngày dài
nằm trên giường bệnh, niềm hy vọng duy nhất của người là đọc
kinh cầu nguyện mong chờ một phép lạ. Nhưng phép lạ không bao
giờ đến và người chỉ biết chờ đợi cái chết đến từ từ.
Sống trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng đó với tâm trạng nhớ
về quê cũ cách xa và những ngày yên vui không còn trở lại, nhìn
thấy con cái mà không thể chăm sóc hay nâng niu, chắc chắn mẹ tôi
đã phải đau buồn lắm. Và tôi nữa, tôi cũng cảm thấy mình
thật buồn tủi vì bao lâu nay có mẹ mà cũng như không vì mẹ
chỉ như một hình bóng cách biệt chứ không phải một người
mẹ gần gũi thương yêu như mọi người mẹ bình thường khác.
ĐOÀN VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment