HOANG ÐẢO ÐẠI AN
Có lẽ cha tôi
thấy tôi đã biết đọc biết viết nên cũng cần phải có
sách vở để đọc cho nên có một lần người đã mang về
cho tôi cả một chồng sách. Trong số những quyển sách dành
cho thiếu nhi này, tôi mê say nhất câu truyện phiêu lưu của
Lỗ bình sơn. Tôi đọc đi đọc lại mãi, và đâm ra mơ ước
mình được như Lỗ bình sơn, sống một mình nơi hoang đảo
để khỏi bị ai chế diễu mình hay bị người khác ngăn cản
mình làm những điều mình thích, cũng như tránh bị rắc rối
với những người chung quanh.
Nhưng anh chàng
Lỗ bình sơn đã bao lần theo tàu vượt biển đi đây đó,
lúc bị đắm mới trôi dạt vào hoang đảo, lại có được
bao nhiêu thứ tìm được trong tàu để mà sinh sống. Còn tôi
chẳng đi đâu ra khỏi cái thôn hẻo lánh này, cũng chẳng
có một thứ gì để lo cho cuộc sống của mình, làm sao tôi
có thể trở thành như Lỗ bình sơn được. Nhưng không sao.
Không có thể làm một Lỗ bình sơn thật, tôi vẫn có thể
bắt chước làm một anh chàng Lỗ bình sơn giả trên một
hoang đảo tưởng tượng.
Ðể cho cuộc
chơi thêm phần hứng thú, tôi rủ em tôi cùng chơi, và muốn
em tôi đóng vai anh chàng mọi bị một đám mọi khác bắt
và sắp đem ra làm thịt thì được Lỗ bình sơn cứu đem
về nuôi và được đặt tên cho là Thứ Sáu. Nhưng em gái
tôi không bao giờ biết tưởng tượng như tôi, nên không bao
giờ tìm thấy cái thú trong cuộc phiêu lưu tưởng tượng
của tôi cả. Còn tôi cũng không tài nào hiểu nổi tại sao
em tôi lại có thể chỉ loay hoay chơi với con búp bê mà mặt
mũi thì lem luốc, áo quần và tóc tai thì đã tơi tả như
là cô bé Lọ lem, món đồ chơi mang theo được từ ngày tản
cư, lúc nào chán thì lại quanh quẩn nơi nhà bếp với mấy
chị em con ông Cửu đang xay lúa giã gạo, nấu ăn, hay làm
việc nhà, toàn là những chuyện chán phè. Thế là tôi đành
chơi một mình vậy. Tôi đâm ra ao ước, phải chi em tôi là trai, chắc tôi đã có bạn cùng chơi. Tôi bỗng sực nhớ ra
rằng tôi cũng đã có một thằng em trai. Nó chết khi vừa
tròn một tuổi.
Không có ai để
cùng chơi thì tôi đành chơi một mình vậy. Với ít mảnh
bánh tráng nướng cho vào túi và tưởng tượng như đó là
những cái bánh bích quy của Lỗ bình sơn, một cái ná cao
su và vài viên bi đất sét thay cho súng và đạn, tôi một
mình lang thang thám hiểm khu vườn rộng hoang vắng như Lỗ
bình sơn đi thám hiểm hòn đảo của mình.
Tôi men theo các
gò mối hay các lùm cây bụi, tìm hái những trái giu giẻ hay
chim chim và tưởng tượng như đó là những chùm nho rừng
mà Lỗ bình sơn tìm thấy nơi hoang đảo. Tôi cũng rình bắn
những con cắc kè, rắn mối nhưng hình như tôi cũng chỉ mới
hăm dọa được chúng bỏ chạy đi thôi chứ chưa bao giờ
hạ được một con vật nào cả. Chỉ có một lần tôi bắn
trúng duy nhất là lần nhắm vào cái tổ ong đất nên đã
được chú ong nhỏ chích tặng một phát ngay trán sưng vù,
lúc về phải dấu mẹ.
Lúc nào chán sục sạo, tôi lại tìm đến hàng cây xoài to cao bóng mát nằm
ngả lưng dưới gốc cây nghe chim hót hay nhìn những đàn chim
sáo, chim cu trời bay đi kiếm ăn, vừa nhóp nhép mấy mẩu
bánh tráng và những trái rừng tôi mới hái được, vừa tưởng
tượng đến ngày được trở về thành phố biển thân yêu
như Lỗ bình sơn vẫn từng mong ước có ngày được trở
về lại quê hương của mình.
Nhưng hoang đảo
mà Lỗ bình sơn sinh sống chỉ có dê và chim chóc, còn ở
đây thì lại có nai, heo rừng và cọp. Từ ngày về thôn này
tôi chưa được ăn thịt bò lần nào nhưng thịt nai, thịt
heo rừng và vài loại thú nhỏ khác thì vẫn được ăn thường
xuyên. Có một lần tôi còn được ăn cả thịt cọp, do ông
thợ săn trong nhà bắn được mang về lột da xẻ thịt. Người
ta vẫn hay kể cho tôi nghe chuyện cọp trong núi về xóm bắt
heo và người ta còn bảo, nếu gặp người cọp cũng sẽ vồ,
do đó mà mỗi khi đang say mê tưởng tượng một mình giữa
cảnh hoang vắng bỗng sực nhớ đến chuyện cọp là tôi lại
cảm thấy rờn rợn, vội vã quay về.
Tôi không nhớ
tôi sống như vậy trong bao lâu vì tôi chẳng có khai trường
hay nghỉ hè gì cả. Hình như tôi đang chờ một mùa sim và
chà là chín lại đến để lại được theo các anh chị con
ông Cửu đi núi thì nghe mẹ tôi bảo là cha tôi sẽ đưa gia
đình ra Bồng sơn ở vì cơ quan cha tôi làm việc đã dời
ra đó. Như anh chàng Lỗ bình sơn sau bao nhiêu năm dài cô độc
trên hoang đảo vẫn trông mong trở về cố quốc, thì tôi
đây, sau những tháng ngày buồn sống ở địa phương này,
chơi mãi một mình cái trò Lỗ bình sơn đơn độc, tôi cũng
đang trông đợi một sự thay đổi. Ðối với tôi bấy giờ,
Ðại an chỉ là một hoang đảo mà tôi đã trôi dạt vào,
tôi vẫn hằng mong ước sớm được trở về lại quê hương
là cái thành phố biển mà tôi vừa mới được sống vui vẻ
chưa bao ngày đã phải rời xa, để gặp lại bạn bè nơi
ngôi trường dòng cũ, và kể cho chúng nghe về những tháng
ngày phiêu bạt của tôi.
Rồi một hôm
cha tôi về thu xếp đồ đạc, cũng chỉ vỏn vẹn mấy cái
va ly. Sáng hôm sau một chiếc xe ngựa đến chở chúng tôi.
Mọi người ra tiễn đưa. Dù sao thì nơi đây cũng là đất
cha tôi trị nhậm ngày trước nên mọi người vẫn còn giữ
tình qúy mến. Tôi và em gái theo cha tôi ngồi xe ngựa. Mẹ
tôi yếu, ngồi xe ngựa e mệt vì bị nhồi xóc khi xe chạy
nên cha tôi đã để người đi võng cáng có mui trần do hai
người khiêng. Thế là tôi giã từ xứ Ðại an, giã từ hoang
đảo của một Lỗ bình sơn nhỏ bé nhiều tưởng tượng.
Ðường từ Ðại
an về huyện lỵ Phù cát khoảng mười cây số là con đường
đất gồ ghề, nhiều chỗ hư hỏng , xe phải lội cả xuống
ruộng mà đi. Chúng tôi đến Phù cát trước nên ghé lại
nhà thầy thơ cũ chờ mẹ tôi. Tôi nhìn thấy mấy căn nhà
gạch trong phố đã bị phá nát hết, còn ngôi trường huyện
cũng như ngôi huyện đường chỉ còn là những đống gạch vụn. Duy có hàng cây trứng cá đã cao lớn thêm, đang đứng
trơ trọi bên nền căn nhà xưa.
Tại Phù cát,
một chiếc xe hơi kiểu du lịch màu đen của cơ quan đến
rước gia đình tôi. Vì mẹ tôi bệnh nên Ủy ban tỉnh đã
phái chiếc xe này đến để chở gia đình tôi di chuyển. Người
tài xế nói cho biết chiếc xe này nguyên là xe của viên
công sứ Pháp trước đây nhưng bây giờ chính phủ đã tịch thu, và nay chỉ được đem ra dùng trong những trường hợp
đặc biệt. Tôi bỗng nhớ lại những chiếc xe màu đen bóng
chở các quan lớn đến huyện mà ngày nào tôi chỉ đứng
nhìn. Bây giờ thì tôi đã được ngồi lên nó. Tuy xe có ghế
nệm êm, đường có trải đá, cũng có đoạn đã từng được
tráng nhựa, nhưng lại bị đào xẻ và dựng chướng ngại
vật khắp nơi để "ngăn cản bước tiến của quân thù" theo
như lệnh của Ủy ban Kháng chiến vừa ban hành, nên xe chạy
cũng có lúc nhồi xóc tung cả người.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment