NHƯ CON CHIM NON TRONG KHU RỪNG LẠ
Theo như cha tôi
đã sắp xếp đâu đấy với cha sở, mỗi tuần vài ba ngày,
tôi lên nhà thờ để ngài dạy cho học. Tôi không nhớ ở
đây có trường học hay không, vì tôi chẳng học theo trường
lớp nào cả. Tôi cũng chưa bao giờ thấy xuất hiện bóng
dáng một học sinh nào khác. Chỉ có cha sở là thầy giáo
và tôi là tên học trò duy nhất. Lớp học là chỗ kê cái
bàn ăn lớn và dài ở khu hàng ba thoáng mát. Vào mỗi sáng,
ngài thường dạy tôi một bài tập đọc, hoặc ít ngữ vựng
tiếng Pháp, vài bài toán, và dĩ nhiên ngài cũng dạy tôi giáo
lý nữa. Buổi chiều, nếu không bận công việc, ngài dẫn
tôi theo ngài đi đó đây.
Nhà thờ này tương
đối lớn so với nhà thờ Kiều đông mà hồi còn ở huyện
tôi vẫn thường đi lễ, nhưng xóm đạo thì cũng nghèo nàn
giống nhau. Ngoại trừ nhà cha sở và nhà ông Cửu ra, hầu
hết nhà trong xóm chỉ là những nhà tranh vách đất lụp xụp.
Hầu như nhà nào ngoài các tượng ảnh Chúa, còn treo thêm
hai bức ảnh gọi là chết lành và chết dữ. Kẻ lành khi
hấp hối được các Thiên thần đến rước và Chúa trên
trời cao dang tay đón về. Kẻ dữ khi chết bị qủy sứ lôi
kéo vào hỏa ngục cho lửa thiêu đốt. "Quê hương thật chính
là nước Trời," vị linh mục vẫn dạy tôi như vậy.Tôi chưa
muốn tưởng tượng đến Thiên đường hay Hỏa ngục. Ðối
với tôi, trần gian này vẫn đang còn rất nhiều thứ để
cho mình mơ ước hơn.
Cha sở là một
vị linh mục hiền hòa và vui tính, có sở thích câu cá, nhử
chim cu và ngài cũng rất mê âm nhạc. Tuy vậy tôi lại thấy
ngài chẳng hiểu tôi tí nào. Ngài không bao giờ thích những
điều tôi tưởng tượng. Ngài thường dẫn tôi theo ngài đi
câu hoặc đi nhử chim cu, thú tiêu khiển của ngài nhưng đối
với tôi lúc bấy giờ là cả một cực hình vì tôi không
tài nào ngồi yên chờ phao động đậy để biết là cá đã
cắn câu, hay núp trong một lùm cây nào đó, nghe ngóng chờ
nghe con cu mồi gáy rủ bạn tới để rồi vướng vào bẫy
sập và bị bắt. Nhiều khi ngồi cả buổi trời, ngóng đã
mỏi cổ, chẳng bẫy được gì, cha sở lại vai vác cây sào
dài, tay xách cái lồng chim mồi lững thững đi về, lại còn
cười ha hả đọc cho tôi nghe:
Trên đời có bốn cái ngu
Mai dong, lãnh nợ, treo cu, cầm chầu
Tôi không biết mai
dong, lãnh nợ, cầm chầu là như thế nào mà bị gọi là ngu,
nhưng còn cái chuyện treo cu tức là máng cái lồng nhốt con
chim cu mồi lên cây chờ cu mồi gáy rủ chim cu trời tới thì
tôi tự hẹn với mình sẽ không bao giờ bị vướng vào cái
ngu này.
Ngoài việc dạy
tôi học chữ và dạy cho tôi hiểu giáo lý, cha sở còn dạy
tôi ký âm pháp và tập hát. Ngài rất thích bài Ðêm Ðông
của Nguyễn văn Thương nên ngài cũng chỉ tập cho tôi có
mỗi một bài Ðêm đông. Tôi cố bắt đúng giọng và giữ
thật đúng nhịp để cho mau xong bài tập hát, còn rung cảm
với bài hát thì tôi chẳng thấy mình rung cảm tí nào. Riêng
cha sở thì vẫn không ngớt "...bâng khuâng rã rời... tê tái...
nhớ nhung tiêu điều ... đìu hiu..... Ðêm đông, ôi ta nhớ
nhung đường về xa xa... ta lê bước chân phong trần tha hương..."
Hát đi hát lại mãi những câu buồn trong một cảnh sống
cũng buồn nản, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy muốn biến
mình thành đêm đông luôn để khỏi phải hát nữa.
Về môn giáo lý
thì sau khi thấy tôi có thể đọc vanh vách một số kinh trong
quyển nhựt khóa, thuộc Mười điều răn Ðức Chúa Trời
và Sáu điều răn Hội Thánh, cha sở bèn cho phép tôi được
xưng tội rước lễ vỡ lòng. Sau khi suy nghĩ và cân nhắc
rất nhiều về những tội ghi trong mục xét mình xưng tội,
tôi đã mạnh dạn xưng hầu hết mọi tội được in trong
sách, có lẽ chỉ trừ tội giết người và tội dâm dục
là cái tội gì tôi chưa hiểu. Cha sở vẫn dạy tôi: "Con người
vốn đầy tội lỗi. Không phải chỉ có nói hay làm điều
tội mới là phạm tội mà chỉ cần nghĩ đến điều tội
cũng đã là có tội rồi". Nghe tôi xưng tội, ngài chỉ biết
lắc đầu, nhưng rồi ngài cũng ban phép giải tội cho tôi
vì Chúa bao giờ cũng rất nhân từ và luôn luôn tha thứ.
Những ngày không
phải lên với cha sở, tôi đi theo chơi, coi mấy anh chị con
ông Cửu làm việc. Vào tháng nắng, theo mấy anh chị đi coi
người ta chặt mía, bó lại, vác về lò, ép lấy nước, cho
vào chảo đun, nấu thành đường, tôi mới thấy bao nhiêu
là mồ hôi đã đổ chứ không phải là một trò vui như tôi
đã tưởng tượng. Chỉ có một công việc nhẹ nhàng nhất
thường dành cho trẻ em, đó là cầm cây roi đi sau cặp bò
bị thắng vào cần che, thúc cho bò luôn luôn bước làm cho
trục che quay đều để cho mấy người ngồi cạnh che đút
mía vào ép. Nhưng cứ tối ngày cầm cây roi đi mãi sau đuôi
hai con bò theo một vòng tròn cố định thì cũng chẳng còn
cái cảnh nào buồn nản hơn. Tuy nhiên món đường non mới
nấu quệt lên bánh tráng nướng ngon chẳng kém gì mạch nha.
Mùa xoài chín,
tôi lại theo coi bẻ xoài. Người ta không leo lên cây lấy
tay hái như tôi tưởng, mà dùng một cái sào tre dài, phía
đầu sào được kết thành như một cái lồng có chừa một
cửa trống nhỏ bên hông. Người hái xoài đưa sào lên, hướng
cho trái xoài lọt vào trong lồng rồi giựt cho xoài rơi vào
trong cốt tránh cho xoài không bị rớt xuống đất làm cho
dập. Mỗi lần hái xoài, tôi lại được ăn thử loại xoài
tiến, tức là loại xoài mà theo lời mấy anh chị nói trước
đây chỉ để dành dâng vua. Ðối với tôi, chỉ có mấy trái
xoài còn đang xanh mới là chua, còn hễ mà đã là xoài chín
thì loại nào cũng ngon ngọt hết.
Cũng có lần tôi
được theo mấy anh chị lên núi hái sim, hái chà là. Sim và
chà là mọc hoang thành từng vùng trong núi nhiều vô kể. Hoa
sim có màu tím nhạt thật đẹp và trái sim thơm mềm, nhưng
tôi vẫn thích những trái chà là đen bóng ngon ngọt, dù khi
hái nó phải len vào giữa bụi, vạch những tàu lá nhọn như
gai để hứng cái rổ sát dưới chùm trái chín rồi dùng cây
đập bên trên cho trái rụng xuống. Chà là có thể đem phơi
khô, cho vào cối giã lấy lớp cơm ngọt bên ngoài cho vào
hũ để dành làm món ăn chơi, còn hột thì bỏ đi. Do đó
tới mùa, người trong xóm rủ nhau đi hái chà là giống như
người ta rủ nhau đi trẩy hội.
Chính nhờ đi
theo chơi cùng mấy anh chị nơi đây mà tôi bắt đầu tập
hội nhập vào đời sống của người dân Bình định. Tôi
đã thấy thế nào là cuộc sống ở nông thôn với đủ thứ
công việc luôn tay luôn chân. Tôi cũng bắt đầu biết dùng
tiếng "nẫu" thay cho tiếng người ta, và "qua" thay cho tôi.
Và tôi đã ngô nghê xưng "qua" với tất cả mọi người làm
cho những người lớn nghe thấy phải bật cười. Phải đến
khi được mấy anh chị con ông Cửu cắt nghĩa "qua" có nghĩa
là tôi nhưng là kẻ bề trên xưng với người nhỏ hơn mình
chứ không phải ai cũng xưng qua được, tôi mới hiểu cái
rắc rối của ngôn ngữ. Ðể tránh phạm lỗi lầm, từ đó
tôi không bao giờ xưng qua với ai nữa và cũng ngưng bắt chước
giọng Bình định luôn, dù cho có bị chế diễu là trọ trẹ.
Tôi cho rằng giọng Bình định mới đúng là eo éo khó nghe.
Nhưng họ đông quá, còn tôi chỉ có một mình nên đành phải
nhịn.
Từ ngày về sống
ở Ðại an này, tôi mới có dịp ăn những món ăn thôn dã
của người Bình định. Người dân ở đây không hề biết
cái bánh chưng mà chỉ biết có đòn bánh tét. Món ăn phổ
biến nhất là bánh tráng. Nào là bánh tráng gạo, bánh tráng
khoai mì và có cả bánh tráng khoai lang. Người Bình định
có thể ăn bánh tráng trừ cơm. Bánh tráng có thể nướng
phồng lên và ăn dòn, hoặc cũng có thể cứ để nguyên đem
nhúng nước cho mềm lại, quấn với vài cọng rau sống gì
đó, chấm với mắm cái có dằm tí ớt cay là đủ rồi. Cá
thịt có thể thiếu, nhưng mắm cái là món không thể thiếu
đối với người dân quê Bình định. Ăn xong, uống thêm một
tô nước chè tươi hay chè huế là đủ no nê. Người ta còn
bảo: xưa Nguyễn Huệ đã nhờ biết dùng bánh tráng và bánh
tét làm lương khô cho quân mang theo, vừa gọn vừa tiện cho
việc ăn uống lúc đi đường nên quân Tây Sơn đã có thể
hành quân một cách thần tốc và chiến thắng quân Thanh.
Nhưng quân Tây
sơn chiến thắng quân Tàu chính là nhờ có võ nghệ. Mấy
anh chị con ông Cửu bảo với tôi rằng, Bình định là nơi
phát xuất của quân Tây sơn nên người dân ở đây ai cũng
có võ. Hèn gì tôi thấy mấy anh ấy thỉnh thoảng vẫn luyện
võ, múa côn, đi quyền với nhau. Mấy anh chị ấy vẫn bảo
với tôi rằng luyện võ cốt để phòng thân, nhưng tôi cho
rằng, khi ghét nhau có ai cấm người ta dùng võ để đánh
người khác đâu. Cũng vì thế mà từ đó tôi thấy mình bắt
đầu nể nang người Bình định.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment