Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 6, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [5]

Ký sự Tùy bút

NHỮNG NGÀY ÐẦU TẢN CƯ

Tuy là hàng quan lại Nam triều nhưng sau ngày Toàn quốc khởi nghĩa cha tôi vẫn được Việt minh mời tham gia chính quyền mới cho nên khi cơ quan chuẩn bị dời khỏi thành phố, người cũng phải sắp đặt đi theo. Thế là gia đình tôi lại thu xếp đồ đạc, chỉ mang theo những đồ cần dùng cho vào mấy chiếc va li, còn bao nhiêu thứ cồng kềnh vẫn để lại, khóa cửa nhà ra đi.
Tản cư chỉ là chuyện tạm thời thôi, ai mà chẳng nghĩ vậy.Tôi đành tạm biệt mấy tên bạn thân yêu. Chúng nó rồi cũng sẽ theo cha mẹ đi tản cư, chưa biết về đâu. Nhưng tất cả đều hẹn nhau sẽ gặp lại để tiếp tục những dự tính đang bỏ dở, vì chiến tranh rồi cũng sẽ qua mau như trò chơi đánh trận giả của chúng tôi vậy thôi.
 
Thuê nguyên một chuyến xe ngựa, gia đình tôi bỏ thành phố đông vui để lóc cóc chạy trở ra Phù cát. Trên đường từ Quy nhơn trở ra Phù cát lần này, tôi mới chợt để ý đến một số tháp Chàm ở vùng An nhơn. Những ngôi tháp màu gạch nung này có vẻ lớn hơn ngôi tháp tôi đã nhìn thấy trước đây ở Phù cát, và tất cả đều đứng chơ vơ trên những ngọn đồi trọc, nổi bật lên nền trời của một vùng nhiều đồng ruộng ít núi non này đã tạo cho tôi một sự tưởng tượng như nhìn thấy những vết thương trên một thân thể lành lặn. Thì ra đất Bình định này còn nhiều di tích của Chiêm thành chứ không phải chỉ độc nhất ngôi tháp nhỏ ở huyện Phù cát đã từng gây ám ảnh cho tôi trước đây.
 
Dĩ nhiên chúng tôi không về lại huyện đường mà ở đậu nhà một thầy thơ cũ trong huyện. Tuy nhiên tôi cũng đã có dịp nhìn lại huyện đường. Vẻ nghiêm trang mới ngày nào không còn nữa mà huyện bây giờ trông giống như một cái kho gạo. Người ta bảo đó là gạo cứu đói cho miền Bắc và người ta còn nói rằng trong nạn đói vừa rồi ở miền Bắc có tới hai triệu người chết. Tôi không thể hình dung nổi hai triệu người là đông như thế nào, nhưng dù sao thì con số hai triệu cũng có mãnh lực gây cho tôi một ấn tượng khủng khiếp. Tôi bỗng nhớ lại những tốp người gầy guộc, rách rưới và xanh xao vẫn kéo nhau đi ngang huyện trước đây. Không biết bây giờ họ ở nơi nao, có tìm cho mình được sự no ấm như điều họ mong ước khi bỏ xứ đi tìm hay không, vì ngay chính tôi bây giờ cũng không còn thấy mình được yên vui với cuộc đời như trước đây nữa.
 
Trước khi gia đình tôi đi tản cư thì bác sĩ đã khám phá ra mẹ tôi vướng bệnh lao phổi.Vì cha tôi phải đi theo cơ quan, mà cơ quan thì đang nay dời mai đổi, còn tình hình tản cư có thể sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ nên cha tôi mới sắp xếp cho gia đình về sống tại một miền quê hẻo lánh để cho mẹ tôi được yên tĩnh dưỡng bệnh. Ðó là xứ Ðại an, một họ đạo cũng thuộc huyện Phù cát, nằm trên đường đi xuống cửa biển Ðề gi và tiếp giáp với núi rừng. Cảnh trí ở đây thật là cô tịch vì ít thấy đồng ruộng mà phần nhiều là đất rẫy khô khan và những gò cát bỏ hoang có nhiều bụi dứa dại mọc um tùm.
 
Chúng tôi ngụ tại nhà ông Cửu, một điền chủ vùng này. Cha tôi mỗi cuối tuần mới về thăm một lần. Ngôi nhà và cả khu vườn xoài to rộng của ông Cửu vốn là khu chủng viện xưa kia của giáo phận Quy nhơn trước thời chủng viện được dời về Làng sông. Trừ khoảnh vườn xung quanh ngôi nhà ông Cửu hiện đang ở là được dọn dẹp sạch sẽ, trong khu vực vẫn còn dấu vết những cái nền rộng lớn của những dãy nhà bị phá đổ bỏ hoang, cây dại phủ um tùm. Riêng hai cái tháp vuông bằng gạch rêu phong thì vẫn còn sừng sững đứng chơ vơ ở mặt tiền một nền nhà rộng lớn mà đám táo nhơn đã mọc lên như rừng. Ðó là di tích của ngôi nhà thờ ngày xưa. Dơi đóng trong tháp không biết cơ man nào mà kể. Nhìn ra xung quanh tôi chỉ thấy toàn là những vết tích của một sự hoang phế.
 
Nói là về đây để dưỡng bệnh nhưng thực ra thì sức khoẻ của mẹ tôi cứ suy yếu dần dần. Trong họ đạo cũng có mấy người đang mang bệnh giống như mẹ tôi. Vào thời bấy giờ, y học còn lạc hậu, thuốc men không có, những người mắc bệnh như mẹ tôi đều hiểu rằng cuộc đời của mình sẽ chẳng còn bao lâu nữa. Bây giờ thì mẹ tôi ăn riêng, ngủ riêng, có đồ dùng riêng và anh em tôi không được phép sà vào lòng mẹ và ôm lấy mẹ như xưa nữa. Tôi tự hỏi cuộc đời sao lắm chuyện oái oăm đến thế. Thoáng yên vui của những ngày thanh bình ở một thành phố êm đềm qua mau và bây giờ là những ngày tẻ nhạt ở một vùng thôn dã hẻo lánh, lại còn thêm nỗi khó khăn và chật vật của cảnh sống tản cư nữa. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment