Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 6, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [4]

Ký sự Tùy bút

THÀNH PHỐ BIỂN ÊM ÐỀM

Vừa nghỉ hè sau năm học đầu tiên ở Phù cát thì tôi nghe mẹ nói cha tôi nhận được lệnh đổi vào phủ Tuy an ở Phú yên. Nhiều người đến mừng cha tôi đã thăng quan tiến chức nhanh chóng. Tôi không thích Phù cát nhưng nghe cha tôi bảo Tuy an thì cũng giống như Phù cát vậy thôi nên cũng không ham thích dời đổi. Hình như tôi đã bắt đầu tìm thấy nơi đây một vài cảnh quen thuộc với tôi rồi.
Hàng cây trứng cá trồng lúc tôi mới đến đã cao nhanh hơn tôi rất nhiều và bây giờ đang cho trái. Giàn hoa thiên lý mẹ tôi trồng sau dãy nhà ngang đã ra hoa khá nhiều.Tôi đã được ăn món canh mẹ tôi nấu hoa thiên lý với thịt nạc. Và vào những buổi chiều, tôi cũng đã có thể bắc ghế ngồi dưới giàn hoa, ngửi hương thơm và chờ ngắm những chuyến tàu chạy qua.
 
Cha tôi vừa làm lễ bàn giao xong thì em tôi bị bệnh nặng phải đưa về nhà thương Quy nhơn điều trị nên chỉ có mình cha tôi đi trước vào nhiệm sở còn tôi ở lại Quy nhơn với mẹ. Sau một thời gian sống ở huyện lỵ, thiếu những tiện nghi thành phố, nay trở lại được sống ở chỗ có đèn điện, thấy phố xá đông người, cảnh trí lại có núi có biển, tôi vui thích lắm. Thích hơn nữa là ở đây cũng có cà rem, món ăn tuyệt vời đối với tôi tuổi ấy, do đó mà tôi cũng không còn tha thiết với hàng cây trứng cá cùng giàn hoa thiên lý nữa. Còn con tàu thì ở đâu mà chẳng có.
 
Bỗng một hôm tôi thấy những đoàn người cầm cờ đỏ sao vàng đi các phố hô to nhiều khẩu hiệu có những tiếng như là "Việt Minh, Ðồng Minh, Cách Mạng, Tự Do, Ðộc Lập, Thực Dân Phát Xít, Phong Kiến, Ðả Ðảo, Muôn năm v.v..." toàn là những tiếng mà tôi chẳng hiểu ra làm sao cả. Rồi có những người đội ca lô, đeo dao găm hay vác gậy gộc, một vài người còn có cả súng dài xưng là Giải phóng quân chia nhau canh gác khắp nơi, còn mấy người lính Nhật trước đây vẫn là mối lo sợ của tôi nay bỗng nhiên vắng bặt. Tôi có hỏi mẹ nhưng mẹ tôi cũng không thể nào cắt nghĩa cho tôi hiểu thêm được tí nào. Thôi thì đành đợi cha tôi vậy.
 
Và cha tôi cũng đã trở về, cho tôi biết không phải đi Phú yên nữa. Nước nhà đã độc lập, Cách mạng nắm chính quyền, quan quyền đã cáo chung, toàn là những chuyện khó hiểu. Mới hôm nào tuyên bố độc lập, bây giờ lại cũng tuyên bố độc lập. Nhưng bây giờ thì có các ông Việt minh xuất hiện, đeo băng tay đỏ với ngôi sao vàng và nói năng có vẻ hùng dũng lắm. Dân chúng thì biểu tình mít tinh, hoan hô đả đảo rầm rộ, tay nắm đấm vung lên trời mạnh bạo chứ không nghiêm chỉnh khép nép như trước đây.
 
Tôi nghe người ta nói Việt minh giết người nhiều lắm. Tôi không thấy, nhưng tôi không thích màu cờ đỏ, nhất là không thích nghe người ta hát : "...tuốt gươm vùng lên, đã đến ngày trả mối thù chung..." Mà có lẽ Việt minh giết người thật vì người ta còn hát: "cờ pha máu chiến thắng..." với lại "thề phân thây uống máu quân thù ..." tôi nghe mà cảm thấy rùng mình. Tôi thấy mẹ tôi xếp cất mớ áo dài khăn đóng của cha tôi vào ngăn quần áo không dùng tới. Tôi cũng không thích gì cái màu đen ảm đạm này. Tôi chỉ thích màu xanh da trời, màu xanh của cây lá và màu xanh của một giòng sông. Trong gia đình tôi mọi người vẫn bình thường. Cha tôi đưa gia đình dọn đến một căn nhà ở một khu phố yên tịnh, có cổng, có rào tường, có lối đi vào rải sỏi với giàn bông trước ngõ. Trên cánh cửa chính trước nhà còn đính tấm danh thiếp: "Án Sát..." vì ngôi nhà nguyên là tư thất của vị quan Án trước đây. Nhà có phòng khách, phòng ăn, buồng ngủ và phòng tắm, mở vòi là có nước chảy. Phía sau là nhà bếp, nhà kho và có cả nhà để xe. Tại giếng bên hông bếp có một cái bơm nước bằng tay dùng bơm nước lên hồ chứa trên mái nhà. Buổi tối chỉ cần vặn nút một cái là có đèn điện sáng. Mẹ tôi lo sắp đặt mọi thứ cho ngăn nắp.
 
Tôi lại được sống ở thành phố, có những tiện nghi dễ chịu và nhất là không bị gò bó trong những khuôn phép rắc rối như lúc sống ở huyện lỵ. Tôi được đi dạo phố, được đi tắm biển, được uống nước dừa tươi nơi hàng giải khát, được ra thăm bến cảng, nhìn xác chiếc tàu dầu của Nhật bị Ðồng minh đánh đắm còn nằm chìm nửa phần trong vịnh. Cha tôi bảo Nhật thua trận rồi, không còn đánh nhau nữa. Ðiều mơ ước của tôi đến thật bất ngờ. Tôi vui thích với ngôi nhà, với thành phố biển xinh đẹp và mới lạ này. Chỉ hơi thiếu một giòng sông, nhưng bù lại đã có biển. Và tôi đang chờ đợi mẹ tôi trồng lại một giàn hoa thiên lý khác.
 
Nhưng cũng chính từ ngôi nhà này tôi lại chợt nhận ra cứ mỗi sáng và tối thường có tiếng kèn đồng thổi một điệu nhạc ngắn vào những giờ nhất định phát ra từ khu phố kế cận. Khu phố giới hạn bằng bốn mặt đường đó được bao bọc kín mít bằng một vòng tường rào cao, trên bờ tường lởm chởm mảnh chai. Tại bốn góc có chòi canh và luôn luôn có người cầm súng gác. Tôi hỏi anh Ðài thì anh ta bảo tôi đó là nhà lao, tức là nơi dùng để nhốt những người phạm tội. Nhưng vì sao họ lại phạm tội để bị nhốt thì anh Ðài không trả lời. Tôi không thấy được những người bị nhốt sau bức vòng tường, nhưng tiếng kèn đồng vẫn nhắc nhở cho tôi biết có người đang bị giam giữ trong đó và tôi cảm thấy như có một chút buồn xâm chiếm mỗi khi nghe thấy tiếng kèn.
 
Cũng từ lúc dọn về căn nhà này thì anh Ðài hay vắng nhà. Căn nhà xe không có xe để cất nên anh ta chiếm làm giang sơn riêng của mình. Có một lần thấy anh có nhà, tôi bước vào chơi thì thấy anh ta cũng có đeo băng tay đỏ với ngôi sao vàng, lưng mang dao găm và một đoạn dây thừng quấn gọn ở bên hông. Tôi hỏi anh ta đeo dây thừng làm gì thì anh bảo để dùng trói Việt gian. Tôi cũng chẳng hiểu Việt gian là gì và Việt gian ở đâu để cho anh ta trói, nhưng cái chuyện trói người hay bị người khác trói đều là những điều tôi không thích tí nào.
 
Qua bữa đó tôi không thấy anh Ðài về nhà cho đến một hôm tôi bỗng thấy anh ta xuất hiện trong bộ đồng phục Vệ quốc đoàn màu mần quân, đầu đội ca lô có ngôi sao vàng. Anh nhìn tôi với vẻ hãnh diện và tôi cũng nhìn anh ta với tất cả niềm khâm phục. Anh cho cha mẹ tôi biết là anh sắp sửa lên đường vào Nam bộ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Tôi không biết xứ Nam bộ xa xôi đến mức nào nhưng sự ra đi của anh Ðài quả thật là một hành động hào hùng. Anh từ giã cha mẹ tôi, xoa đầu tôi hẹn gặp lại, và cũng từ đó tôi không bao giờ còn thấy anh trở lại.
 
Niên học này tôi được đi học ở trường các sư huynh dòng La san. Trường to lớn khang trang, lớp học rộng rãi và bốn mặt tường đều có bảng lớn. Các sư huynh đều vui vẻ và rất thương yêu học trò chứ không phải lúc nào cũng nghiêm nghị như mấy ông giáo ở trường huyện. Tôi có bạn và chúng tôi có những câu chuyện để trao đổi, nhất là những câu chuyện như Ðồng minh tước khí giới Nhật, hoặc chuyện Nam bộ kháng chiến, những mẩu chuyện mà chúng tôi nghe lóm được của người lớn nhưng thực ra chúng tôi chẳng hiểu gì cả. Và ở trường chúng tôi được các sư huynh tập cho hát những bài ca yêu nước. Chúng tôi chiêm ngưỡng hình ảnh anh Vệ quốc quân và bắt chước các toán dân quân du kích chơi trò bắn súng, đánh trận giả. Chúng tôi đang tưởng tượng trò chiến tranh trong cái cảm giác của một cuộc sống thật thanh bình.
 
Ðối với chúng tôi, những chuyện đánh nhau, bắn giết ngoài chiến trường mà người lớn vẫn nói chuyện với nhau cũng chỉ giống như những chuyện tưởng tượng vui chơi trẻ thơ của chúng tôi thôi. Cuộc đời vẫn vui và thành phố vẫn hiền hòa, tôi không hề hiểu biết tí gì về những diễn biến phức tạp của tình hình cho đến một hôm tôi nghe cha tôi nói tất cả dân thành phố sẽ phải tản cư vì có lệnh. Người ta loan tin với nhau, nào làTây đã đánh ra Nha trang, nào là Tây sắp sửa đổ bộ lên Quy nhơn. Ngoài đường phố thấy kẽ nhan nhản khẩu hiệu: "Thà chết chứ không chịu làm nô lệ". Tôi không hiểu thế nào là nô lệ, nhưng nô lệ chắc là khổ lắm nên tôi cũng không muốn làm nô lệ. Còn cái chuyện thà chết thì tôi rất phân vân, vì chết thì cũng chẳng còn gì nữa. 
 
ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment