NGHE BẮT ÐẦU NIỀM
THƯƠNG NHỚ
Mẹ tôi ngày nhỏ cũng từng được đi học chút ít chữ Pháp, biết làm thơ, biết hát nhạc
mới, và trong hôn nhân, người kết hôn với cha tôi là do tình yêu chứ không phải do sự định đoạt của đôi bên gia đình. Ðối với xã hội thời bấy giờ, mẫu người như mẹ tôi được coi như là thành phần phụ nữ mới. Ðiều làm cho tôi nhớ đến mẹ tôi nhiều nhất là khi sống ở chốn huyện lỵ nhỏ này, hình như người có một nỗi buồn nhớ nào đó cho nên tôi vẫn thường nghe mẹ tôi hát những bài hát với âm điệu dịu
buồn, làm cho tôi nhiều lúc cũng cảm thấy buồn lây.
Bài mà mẹ tôi thường hay hát nhất có những câu như :"Buồn nhớ cố hương, lòng ta có bao giờ thắm tươi...," hoặc là: "Sống xa một mình, ta đau lòng nhớ tới quê nhà..." Tuy lúc bấy giờ tôi chưa hiểu được ý nghĩa, nhưng qua giọng hát của người, tôi cũng nhận thấy người có một nỗi thiết tha nào đó về một cái gì thật là cách xa...
Bài mà mẹ tôi thường hay hát nhất có những câu như :"Buồn nhớ cố hương, lòng ta có bao giờ thắm tươi...," hoặc là: "Sống xa một mình, ta đau lòng nhớ tới quê nhà..." Tuy lúc bấy giờ tôi chưa hiểu được ý nghĩa, nhưng qua giọng hát của người, tôi cũng nhận thấy người có một nỗi thiết tha nào đó về một cái gì thật là cách xa...
Nhưng cái nỗi nhớ thốt ra lời kia, theo như bây giờ tôi nghĩ, cũng chỉ là để che dấu một nỗi buồn khác còn nhiều ray rứt hơn. Trước khi gia đình tôi bỏ Huế để vào Bình định thì mẹ tôi cũng vừa bỏ mất một đứa con. Thằng em trai của tôi chết khi vừa tròn một
tuổi. Tôi chỉ nhớ ngày ấy nó bị mọc hai cái nhọt đằng sau mang tai. Cha mẹ tôi mang nó cho bác sĩ khám và bác sĩ đã giải phẫu cho nó. Sau khi băng bó xong, mẹ tôi ẵm nó về nhà. Tôi nhìn thấy đầu nó quấn băng trắng chằng chịt. Qua hôm sau tôi thấy mẹ tôi và chị giúp việc sửa soạn tắm rửa cho nó. Tôi đang chơi ở phòng ngoài thì nghe trong buồng có tiếng nó khóc ngất lên một hơi ngắn rồi tiếp theo là tiếng mẹ tôi nức nở và tiếng chị người làm kêu la thất
thanh. Tôi chạy vào thì thấy mẹ tôi đang ẵm ngửa nó nằm bất động trong lòng, ở dưới đất còn vương vãi đống băng trắng loang lổ vết máu đỏ.
Tôi không nhớ rồi sau đó còn có những việc gì xảy
ra, nhưng tôi nhớ là tôi có được cha mẹ tôi cho đi đưa đám nó, và nó đã được chôn cất tại Phủ cam, trong khu nghĩa trang mà bà ngoại ruột của tôi đã yên nghỉ từ ngày mẹ tôi mới lên hai
tuổi. Tôi nhớ rất rõ điều này vì sau khi từ giã nó, tôi được cha mẹ tôi dẫn đến viếng mộ bà
ngoại.
Từ ngày mất nó, mẹ tôi không còn tươi vui như trước. Hình như người luôn luôn có một nỗi ray rứt nào đó ở trong lòng. Nhiều người đến thăm và khuyên giải mẹ tôi. Trong vô số những lời người khác dùng để an ủi mẹ tôi mà tôi nghe được, hình như đều có nhắc đến một điều: "nó chết đi vào lúc tuổi đời còn hoàn toàn trong trắng là một phước lớn vì nó được Chúa trên trời cao rước thẳng về nước Thiên đàng". Ðành rằng nó đã về thẳng với Chúa trên nước Thiên đàng, nhưng riêng đối với người còn sống thì cũng không làm sao tránh khỏi buồn rầu vì nhớ thương.
Thấy mẹ tôi hay nhắc nhở về một quê hương với một giòng sông, một ngôi nhà với giàn hoa thiên lý, một xóm làng thân thuộc với bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm, tôi cũng cảm thấy mình cũng cần phải có một quê hương để thương
nhớ. Nhưng trong ký ức của tôi chưa hề có hình ảnh một giòng sông hay một ngôi nhà nào
cả. Còn bà con thân thuộc thì lại càng khó hình dung hơn nữa vì ngoài ông bà ngoại tôi nhớ có gặp qua vài lần ngắn
ngủi, tôi không còn biết ai khác, lấy đâu ra kỷ niệm bây giờ. Cha tôi thì lại không nói gì về quê hương của mình và hình như quê hương đối với người có một điều gì đó khiến cho người có vẻ như không bao giờ muốn nhắc đến nó với tôi.
Cùng đi theo vào ở đất Bình định này với cha mẹ tôi còn có anh Ðài. Mẹ tôi có bảo cho tôi biết anh ta tức là anh họ bên ngoại của tôi. Năm ấy anh ta cũng vào khoảng tuổi 16 hay 18 gì đó. Dì họ tôi nhà nghèo lại đông con nên khi nghe tin cha tôi ra làm quan bèn nhờ mẹ tôi xin với cha tôi cho gửi gắm anh Ðài theo để mong có dịp tiến thân. Tôi không biết lúc sống ở huyện lỵ này anh Ðài có làm công việc gì bên ngoài không chứ riêng về những công việc trong nhà thì cũng đã có nhiều người, ai lo việc nấy
rồi. Có điều tôi không thấy anh ta cùng ngồi ăn cơm chung bao giờ. Anh ta được cha mẹ tôi dành cho một phòng nhỏ riêng ở dãy nhà ngang. Thỉnh thoảng đi qua phòng mà thấy có anh ta ở trong đó, tôi vẫn hay ghé vào để nghe anh ta kể
chuyện.
Anh ta kể cho tôi nghe đủ thứ
chuyện, tôi cũng không còn nhớ nổi. Tuy nhiên có một chuyện mà anh ta kể với giọng say sưa và kể đi kể lại không hề chán là ở một xứ sở xa xôi nào đó, mọi người đều sống một cách thật là sung sướng vì tất cả mọi cái đều là của chung và ai cũng có quyền hưởng một cách đồng đều cho nên được gọi là xứ cộng
sản. Có lẽ do cái niềm mơ ước đó ám ảnh mà anh Ðài hay nhắc đến hai chữ Cộng sản cho tôi nghe với niềm hân hoan của một người ngoan đạo nói đến hai chữ Thiên đàng. Tôi chẳng hiểu cộng sản là gì, nhưng còn chuyện cái gì cũng là của chung cả thì tôi không thích tí nào.
Tôi không thích chiếm cái gì thuộc về người khác nên tôi muốn người khác cũng phải để cho tôi được có những cái riêng tư của tôi. Những chuyện anh Ðài kể hầu như hoàn toàn trái ngược với những chuyện mẹ tôi kể vì tôi cũng đã từng nghe mẹ tôi nói chuyện có một lần lúc tôi chưa sinh ra đời, ở quê ngoại tôi cũng đã từng có lần cộng sản nổi dậy, giết rất nhiều người làm cho mọi người sợ
lắm. Tôi không biết chuyện nào là đúng, nhưng tôi cũng không tin lời anh Ðài nên cũng chẳng bao giờ tôi đem những chuyện anh ta kể cho tôi nghe ra kể lại cho cha mẹ tôi, vì lỡ cha mẹ tôi mà la rầy anh ta thì thế nào anh ta cũng ghét tôi. Dù sao thì anh ta vẫn là anh họ của tôi kia mà.
Giòng đời cứ thế mà trôi được độ nửa năm thì một hôm tôi thấy huyện xôn xao vì có tin Nhật đảo chính, Tây đã bị lật đổ. Tôi nghe mọi người nói Việt nam được độc
lập. Nhưng độc lập là cái gì, tôi không hiểu. Tôi chỉ thấy lá cờ xanh trắng đỏ bị hạ xuống. Sau đó có lá cờ vàng sọc đỏ mà người ta bảo là cờ quẻ ly được kéo lên, bay phất phới trên cột cờ trước công đường, và trong huyện vẫn không có gì thay đổi.
Rồi có hôm nào đó có tiếng máy bay gầm thét ngang qua huyện và tiếp theo là mấy loạt tiếng nổ rền vang động bầu không khí vốn thường yên tĩnh. Mọi người dáo dác lo sợ. Khi máy bay đi khỏi một lúc lâu thì có người đến báo cùng cha tôi máy bay Ðồng minh vừa mới bắn đoàn xe lửa chở hàng đang đậu ở ga. May mắn không có ai bị thương, chỉ có mấy toa xe bị trúng đạn thủng lỗ chỗ mà thôi. Sau đó cha tôi cho lệnh làm mấy cái hầm trú ẩn và dặn cả nhà nếu nghe báo động là phải xuống hầm ẩn núp.
Quan Tây không còn xuất hiện nhưng bắt đầu có một hai quan Nhật mặc đồ kaki, đeo gươm dài lết phết ghé huyện. Mấy chú lính cơ lính lệ trong huyện đều mất đi vẻ oai
phong. Còn viên thông ngôn người Việt nam đi theo mấy viên sĩ quan Nhật thì lại ra vẻ lăng xăng hách dịch như thể mình chính là kẻ quan
trọng.
Cũng vào khoảng thời gian này, tôi lại nhận thấy một hiện tượng khác thường xảy ra bên ngoài. Hết ngày này qua ngày khác, trên con đường quốc lộ chạy qua trước
huyện, có những tốp người lẻ tẻ, vừa đàn ông lẫn đàn bà, người nào cũng ốm yếu xanh
xao, có người chống gậy mà hình như cũng không bước nổi. Tất cả đều ghé vào huyện xin ăn và tất cả đều hướng về nam đi
tiếp. Họ đều có chung một giọng nói không giống với giọng người ở địa phương này mà lại na ná giọng của những người trong gia đình tôi. Tôi có hỏi mẹ về họ thì mẹ tôi bảo rằng họ là những người dân từ miền
Bắc, vì nạn đói nên đã phải bỏ xứ mà đi. Quê tôi cũng đâu ngoài miền
Bắc. Người ta bảo ngoài miền Bắc, Nhật thu gom hết lúa gạo khiến cho người dân quê không còn cái gì để ăn. Có nơi người đói đã ăn cả thịt người. Tôi nghe mà rợn tóc gáy. Lẽ nào quê hương tôi lại buồn thảm đến thế
sao?
Ðó cũng là tất cả những biến chuyển của một giai đoạn lịch sử sôi động của đất nước tại một huyện lỵ nhỏ bé mà tôi đã ghi nhận được vào ký ức của mình. Tuổi thơ bắt đầu ý thức về cuộc đời xung quanh mình của tôi đã ghi dấu bằng những hình ảnh khởi mào của một cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ trên đất nước này, nhưng tôi vẫn chưa hiểu biết gì
cả. Tôi vẫn đang tưởng tượng đến một vùng đất nào đó thật êm đềm, có một giòng sông, có ngôi nhà ấm cúng và những ngày sống thật thanh bình. Còn cái huyện lỵ Phù cát nhỏ bé và buồn tẻ này, với những gò cát nóng hoang vu, những con ma Hời vất vưởng từ cái tháp Chàm hoang phế theo như tôi tưỏng tượng, chỉ là một thoáng nhớ qua đi, nếu như một ngày nào đó, tôi không còn ở đây
nữa.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment