HUYỆN LỴ BUỒN
Thực tình mà nói, lúc mới vào vùng Bình định, tôi không thích tí nào cả. Trước đó, dù chưa có ý thức gì nhiều về đời sống quanh mình, tôi cũng đã từng làm quen với nếp sống thành thị lúc ở Huế, có phố xá đông vui, ban đêm có đèn điện sáng. Nay bỗng nhiên về sống ở một huyện lỵ nhỏ và buồn, tối tối nhìn mấy ngọn đèn dầu leo lét và đêm đêm nghe tiếng mõ cầm canh từ những điếm gác quanh huyện vang lên trong đêm vắng, tôi cảm thấy như có một cái gì bí ẩn đang vây phủ đâu đây khiến cho tôi đâm ra sợ
sệt.
Ðời sống ở một huyện lỵ nhỏ và nghèo thật buồn nản. Cha tôi làm việc ở công đường phía trước, lúc nào cũng áo dài khăn đóng, loại y phục mà trước đây tôi chưa hề thấy cha tôi mặc lần nào. Vô ra quanh quẩn là mấy chú lính cơ và lính lệ. Những người có việc lui tới công đường đều áo dài đen khăn đóng và luôn luôn khép nép. Tôi cũng phải học lại cách ăn nói xưng hô cho phù hợp với hoàn
cảnh.
Tôi bắt đầu đi học tại trường huyện. Trường nằm trong phố huyện nên mỗi lần đi học tôi lại có dịp nhìn thấy phố, mà phố thì cũng buồn hiu lèo tèo vài cửa tiệm nhỏ, vắng hoe. Tôi cũng chẳng có bạn bè, vì giữa tôi và những người quanh tôi hình như có một sự cách biệt nào đó. Các học sinh khác, dù nhỏ hay lớn, cũng đều mặc áo dài và đi bộ đến trường. Tôi mặc sơ mi quần tây và ngồi xe kéo đi học. Những ngày không đi học, tôi thơ thẩn chơi một mình trong khuôn viên của huyện đường. Em tôi là gái, tính hay làm nũng, không thích những trò chơi như tôi, nên chỉ ưa quấn quýt bên mẹ.Thường ngày cũng chỉ có mấy người trong gia đình quây quần với nhau. Tôi không thấy có các chú bác bạn bè của cha tôi lui tới nhà như hồi còn ở Huế, nhất là các chú bác Hướng đạo sinh lúc nào cũng tự nhiên và vui
vẻ.
Tôi bắt đầu để ý đến cảnh vật quanh mình. Ðây là huyện Phù cát, nơi cha tôi đang trị nhậm. Ngôi huyện đường mới xây cất lại nằm lẻ loi trên cái gò đất cát hoang trơ trụi, gần bên một cái sân vận động, cũng chỉ là một bãi đất trống trơn, chơ vơ cái cột cờ, mấy cái bệ giàn để luyện tập điền kinh, hai cái khung gôn và một cái khán đài nhỏ cũng luôn luôn trống vắng. Trước mặt huyện là con đường quốc lộ 1 và sau lưng huyện là con đường sắt Bắc Nam. Hằng ngày lác đác vài chuyến xe ngựa qua lại. Thỉnh thoảng mới thấy bóng dáng một chiếc xe đò. Năm thì mười thủa xuất hiện một đoàn công voa lính Nhật. Những chiếc xe nhà binh Nhật thường sơn màu ngụy trang và cắm thêm cành lá um tùm nên trông từ xa xa cứ giống như những lùm cây biết di chuyển làm cho tôi cũng cảm thấy vui mắt đôi chút giữa cái cảnh quá phẳng lặng này. Chỉ có những chuyến tàu qua lại vào những ngày giờ gần như nhất định trên con đường sắt sau nhà là mang lại cho tôi nhiều vui thích nhất, vì hình như lúc nào con tàu cũng mang lại cho tôi ít nhiều mơ ước viển vông.
Cũng có khi một vài xe nhà binh Nhật ghé vào huyện. Mỗi lần ghé vào huyện một cách bất chợt như vậy thì mấy chiếc xe này lại không đậu theo lối đi mà chạy thẳng đến mấy giàn bông hay chỗ có bóng cây, có khi còn chạy thẳng vô đậu dưới giàn mướp sau nhà. Tôi có hỏi cha tôi tại sao họ làm như vậy thì cha tôi bảo là tại họ muốn núp không cho máy bay Ðồng minh thấy sẽ bắn. Tôi không hiểu Ðồng minh là gì, và tại sao họ lại bắn xe Nhật. Còn mẹ tôi nói người Nhật thường hay chặt tay những người ăn cắp bị họ bắt được. Họ lại còn có thói quen mổ bụng để tự sát mỗi khi họ bị thua nhục trước người khác. Hèn gì mấy ông quan Nhật lúc nào cũng đeo lủng lẳng một thanh gươm dài bên hông. Nghe những chuyện rùng rợn như vậy, tôi đâm ra không thích Nhật, và mỗi lần thấy có xe Nhật vào huyện là tôi lại cảm thấy băn khoăn lo
sợ.
Bình thường, mọi sinh hoạt trong huyện hình như cũng chỉ là một số công chuyện lặp đi lặp lại và xảy ra một cách thật đều đặn theo những hồi trống ngày hai buổi báo hiệu giờ làm và giờ tan việc, chỉ trừ đôi khi có quan Tây hay cụ lớn An nam nào đó ghé huyện là một dịp để cho huyện tổ chức nhộn nhịp đón tiếp. Các tráng đinh lo dọn dẹp, trang hoàng , kết bông và treo cờ, những lá cờ đuôi nheo ngũ sắc và cờ xanh trắng đỏ. Quan lớn bao giờ cũng đến bằng xe du lịch sơn màu đen bóng. Phường nhạc bát âm đứng đón ở ngoài cổng. Toán lính lệ lăng xăng chạy tới chạy lui, còn toán lính cơ thì dàn thành một hàng ngang trước bùng binh cột cờ, hướng mặt vào công đường. Những chiếc lưỡi lê được tuốt trần, sáng loáng, cắm trên nòng khẩu súng dài cho thêm vẻ oai phong. Tôi tìm một chỗ khuất nẻo đứng nhìn vì cha tôi dặn con nít không được phép đến gần chỗ quan
quyền.
Cũng có lần tôi tìm được chỗ núp gần hơn để xem cho rõ. Hôm ấy huyện đang sửa soạn để tiếp đón cụ lớn Thượng. Khi xe cụ lớn vừa hiện ra xa xa là phường bát âm bắt đầu trổi nhạc. Các hương hào viên chức trong huyện đều áo dài khăn đóng chỉnh tề đứng trong sân trước công đường. Ðội lính cơ trong tư thế chuẩn bị, và khi xe quan lớn vừa vào tới tiền sảnh thì toán lính cơ bồng súng chào trong khi cây kèn đồng độc nhất của đội lính cơ thổi một điệu nhạc ngắn. Cha tôi đứng chờ sẵn nơi bậc cấp. Cụ lớn trong bộ áo dài gấm màu xanh dương bệ vệ bước ra khỏi xe, và mọi người xá chào. Thật là uy nghi, thật là trịnh trọng. Qua buổi lễ, huyện lại vắng
lặng.
Mỗi chủ nhật cha tôi cỡi ngựa còn tôi và em tôi theo mẹ ngồi xe kéo đi xem lễ ở nhà thờ Kiều đông, cách huyện chừng 5 cây số. Ngôi nhà thờ nhỏ lợp tranh trông cũng nghèo nàn như vùng đất chỉ thấy toàn cát và sỏi đá nơi đây vậy. Mỗi lần đi lễ như vậy, tôi lại có dịp nhìn thấy cái tháp nhỏ bằng gạch đỏ nằm về phía nam của con đường đất. Cha tôi bảo đây là đất nước Chiêm thành cũ, và cái tháp đó là di tích của một vương quốc đã diệt vong. Vào thời xa xưa, thành Ðồ bàn, kinh đô của vua Chiêm cũng nằm trong vùng đất này. Mẹ tôi thì lại bảo đất Chiêm thành có rất nhiều ma Hời nên mỗi khi nhìn thấy cái tháp tôi lại thấy e ngại và bị ám ảnh về những ý tưởng suy vong và chết chóc. Nhìn thấy nhiều cái không giống như những điều mình mơ ước tưởng tượng, đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi không hiểu tại sao cha mẹ mình lại bỏ chỗ đô hội đông vui để về đây sống buồn nản như
vậy.
Có lẽ mẹ tôi cũng không thích cuộc sống ở đây mấy vì tôi thường nghe người chê trách nào là chợ búa thì xa xôi mà cũng phải dăm bảy ngày mới có một phiên chợ, còn hương làng biếu xén thì chỉ thấy cái đầu heo, chẳng bao giờ có được miếng thịt mà ăn. Chính tôi cũng nhận thấy điều này. Cứ như rằng mỗi lần làng tổng có đình đám là đám hương hào lại lễ mễ bưng tới một mâm có phủ khăn đỏ. Lúc giở ra thì bao giờ cũng là một cặp rượu "công xi" và cái đầu heo trắng hếu banh đôi má ra, còn đôi mắt thì híp lờ mờ làm cho tôi có cảm tưởng như là heo vẫn còn ngơ ngác về một điều gì đó.
Cái món đầu heo này đem biếu quan để tỏ lòng kính trọng nhưng quan lại chẳng bao giờ đụng tới nên rốt cuộc chỉ có mấy chú lính trong huyện là có được bữa rượu, còn quan hưởng tấm lòng. Cũng có khi có người mang biếu quà gì đó và còn đèo thêm cặp gà hay là con gà sống thiến nhốt trong cái lồng tre. Họ thường xin mấy chú lính lệ cho vào nhà sau gặp mẹ tôi nhưng sau đó tôi thấy cha tôi đi vào, la rầy chú lính lệ và trách mẹ tôi điều gì đó, còn người đến biếu xén thì lại mang quà ra về mà mặt mày thì buồn thiu. Tôi không hiểu chuyện, nhưng thấy mẹ tôi buồn tôi cũng không
vui.
ĐOÀN VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment