Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [27]

Ký sự Tùy bút


RỒI CŨNG ÐẾN NGÀY GIÃ TỪ

Trong họ đạo tôi ở, các chú bác mới được thả về cũng như một số người thuộc diện bị công an tình nghi cứ vắng dần đâu mất. Thì ra lợi dụng lúc giao thời, sự kiểm soát việc đi lại có phần lỏng lẻo, do đó những người này muốn được an toàn nên đều lo trốn trước về vùng quốc gia. Tôi còn đang nghĩ phương cách đi khỏi nơi đây thì một buổi chiều bác Ba, người lâu nay vẫn thường tỏ ra như không hề lo lắng một chuyện gì, đến tìm tôi và bảo tôi hãy lo chuẩn bị ngay để khuya nay bác gửi cho đi theo mấy người sắp vượt tuyến về Ðà nẵng.
 
Tối hôm đó tôi âm thầm gói ghém một bộ đồ, lựa ra vài giấy tờ hộ tịch và quyển sổ nhỏ của cha tôi ghi chép lúc trong tù để đem theo. Tôi gom bộ đồ nghề hớt tóc và hai cái hộp nhỏ bằng bạc chạm, kỷ vật của mẹ tôi, bỏ tất cả vào cái tráp bằng gỗ gụ của cha tôi, tìm đến giao cho em tôi và bảo hãy cố giữ lại làm kỷ niệm, xong trở về chỗ ở nằm đợi.
 
Gà vừa gáy sáng thì anh Hai, con của bác Ba, đến ra hiệu cho tôi đi theo. Anh Hai đưa tôi vào ga Tam quan mua cho tôi một cái vé xe đi Quảng ngãi, dẫn tôi tìm gặp mấy người sẽ cùng đi chung để giới thiệu cho tôi biết rồi lặng lẽ quay về. Tôi muốn nói với anh Hai một vài lời nào đó nhưng anh đã lẩn vào đám đông khuất dạng.
 
Lúc chuyến ô tô ray từ Bồng sơn ra vừa dừng lại, tôi tình cờ gặp họa sĩ Sung bước xuống xe. Ông ta vui vẻ vỗ vai tôi để tạm biệt vì ông ta cho biết sẽ theo tập kết trở về Hà nội nên muốn thăm lại bà con họ Gò xoài trước khi lên đường. Tôi không nhớ tôi có nói "tạm biệt" với ông ta không, vì tôi đang vội vã theo mấy anh bạn đồng hành leo lên xe cho kịp vì xe đã bắt đầu chuyển bánh.
 
Vì đã có lệnh đình chiến nên xe di chuyển tự nhiên ban ngày, không còn sợ máy bay đánh phá. Trời bỗng nhiên chuyển mưa bay. Tôi ngồi thu mình trong toa xe nhỏ hẹp của chuyến xe chật cứng người. Khi xe chạy tới cầu Chương hòa thì vì mưa làm ướt trơn đường sắt, chiếc xe cứ trợt bánh không leo nổi con dốc. Từ khi chiếc cầu bê tông bị thả bom sập, ngành hỏa xa đã phải cho xẻ nền đường cao cho lài lài gần với tầm mực nước sông rồi dùng tà vẹt kê làm chân cầu, thả lên mấy lớp đường ray làm đà rồi bắt đường ray cho xe chạy nên xe lửa không còn lưu thông được mà chỉ có loại toa xe nhỏ và nhẹ có gắn thêm máy nổ xe hơi chạy bằng khí than mà người ta đặt tên cho là ô tô ray mới có thể đi qua mà thôi.
 
Mấy nhân viên hỏa xa xuống xe vốc cát rải lên mặt đường sắt cho bớt trơn trợt. Một số hành khách cũng xuống tiếp tay. Thừa dịp này, tôi cũng hướng mình qua khung cửa xe để nhìn kỹ lại con sông nhỏ lần cuối, nơi đây, dưới những đà bê tông của cây cầu đổ nát, tôi cũng đã nhiều lần theo các bạn nhỏ trong xóm ra chơi, tắm lội hoặc câu cá, những con cá măng, cá ngạnh thịt ngọt thơm lành. Tôi lại đưa mắt nhìn về xóm làng phía tây, nơi mà những ngày qua tôi đã sống với những mơ ước thật tầm thường...
 
Tôi chợt nghĩ đến người em gái vẫn còn ở đó. Tôi lại nhận ra thêm một điều là từ ngày vào ở đất Bình định này anh em tôi ít có dịp sống gần nhau và ít có khi cùng nhau chuyện trò trao đổi. Tôi không biết em tôi có bao giờ mang những mơ ước gì trên vùng đất này không, nhưng có một điều chắc chắn là em tôi cũng như tôi đã phải chịu quá nhiều mất mát và có rất nhiều kỷ niệm buồn trên vùng đất Bình Ðịnh này. Tuy nhiên tôi biết rồi đây em tôi cũng không phải ở đó mãi mãi.
 
Sau khi rải cát xong, mọi người lên xe trở lại. Qua vài cái rùng mình rồi chiếc xe cũng lăn bánh và chậm chạp bò lên dốc. Lúc xe chạy tới đèo Bình đê, ranh giới phía bắc của tỉnh Bình định, tôi cố nhoài người nhìn lại phía sau một lần nữa. Xa xa về phía nam, khuất trong mưa mờ, là vùng đồi đá ong Thiết đính, nơi đó mẹ tôi đã nằm lại vĩnh viễn với một nỗi nhớ nhung về quê hương xa cách nghìn trùng. Xa hơn nữa, cách trở hai ngọn đèo Phủ cũ và ngọn đèo Nhông, trên ngọn đồi cát hoang vu trơ trọi, cha tôi cùng hai người bạn cùng chí hướng cũng đã nằm yên ở đó với vết thương trên ngực không bao giờ lành chỉ vì mang trong lòng mối hoài bão xây dựng một quê hương thanh bình an vui trên một vùng đất vẫn còn mang nhiều vết tích hờn oan của một vương quốc đã bị diệt vong.
 
Tàu sắp chui vào đường hầm. Sực nhớ lại cũng chính tại cửa hầm này, chú Mùi đã ngã gục trên đường đi về Gò xoài tìm chút tình ấm cho những ngày lạc lõng tha hương, tôi nhắm mắt lại, khẽ thì thầm hai tiếng "Giã từ." Tôi giã từ chú Mùi, nhưng chính thực ra là tôi cũng đang giã từ Bình định.
 
Tôi đã sống mười năm ở đất Bình định này vừa đúng trọn chu kỳ của một cuộc chiến tranh chưa hẳn là chấm dứt. Bây giờ mới lấp ló một tí thanh bình trở về thì tôi lại đang giã từ vùng đất đã nuôi dưỡng tôi từ thơ ấu đến hôm nay. Mười năm qua mảnh đất này đã chứng kiến bao nhiêu là mất mát và đau khổ của riêng tôi, nhưng đồng thời cũng đã mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Nhưng bây giờ thì tôi đang bỏ đi xa. Tôi không biết rồi đây tôi có bao giờ sẽ trở lại vùng đất này nữa hay không. Nhớ lại các nơi tôi đã một lần sống qua, tôi chưa bao giờ trở lại. Tôi không suy nghĩ gì thêm nữa. Khi tôi mở mắt ra lại thì tàu đã qua khỏi đường hầm và một khung trời mới có ánh nắng đang mở ra trước mặt.
 
Lẽ ra qua mười năm từng đến nhiều địa phương và sống ở nhiều vùng khác nhau của tỉnh Bình định, tôi phải thấy được nhiều cái hay cái đẹp của xứ sở này, nhưng trong ký ức của tôi lại chỉ toàn là hình ảnh Bình định của một thời loạn lạc và lòng người thì ly tán, một Bình định đang trên con đường hủy hoại trong một giai đoạn quay cuồng của một cuộc chiến tranh trường kỳ và tàn bạo. Niềm vui quá ít mà nỗi buồn thì quá nhiều đã khiến cho nỗi buồn chi phối hầu hết mọi điều tôi nhìn thấy.
 
Trong số những người Bình định mà tôi đã gặp, có những người thương cha tôi và anh em tôi nhưng cũng có người tin rằng cha tôi là Việt gian phản động. Tôi cho rằng thực ra người Bình định cũng hiền hòa và biết yêu thương con người như tất cả mọi người lành trên thế gian này . Nếu trong thời gian qua họ có xâu xé nhau thì chẳng qua chỉ tại họ đang bị đám ma Hời ám ảnh vào một cơn mê để đày đọa nhau mà thôi. Tôi nghĩ lại bài học lịch sử ngay trên quê hương này để thấy lòng mình được thanh thản. Trải qua hơn 150 năm dưới triều nhà Nguyễn, triều Tây sơn đã bị lên án là ngụy triều. Bây giờ thì người ta lại hạch tội triều Nguyễn và ca tụng vua Quang Trung như một vị anh hùng làm vẻ vang cho dân tộc.
 
Thời chúa Nguyễn vào đây lánh nạn họ Trịnh, khởi màn cho một cuộc Nam tiến xâm lấn vùng đất này và xua đuổi người Chiêm thành đi, thì từ đó người dân Việt từ những miền ngoài rủ nhau vào đây lập nghiệp đã biến mảnh đất này thành quê hương của mình. Họ đã đặt những cái tên thật đẹp để gọi nó và qua bao đời đã đổ mồ hôi nước mắt và có khi cả máu nữa để gìn giữ và tô điểm thêm cho những cái tên đẹp đẽ ấy.
 
Thời gian qua cũng đã có thêm nhiều người từ những miền xa lạ đổ về đây để tìm một chốn nương thân trong những ngày loạn lạc và họ cũng đã đóng góp sức mình để xây dựng mảnh đất này. Họ cũng muốn thấy mảnh đất này thanh bình và no ấm nhưng mảnh đất này cũng lại bị đem ra hủy hoại, không phải chỉ bằng bàn tay của giặc ngoài mà chính bằng bàn tay của một số người Việt nam tự cho mình là người yêu nước và có độc quyền yêu nước. Tôi tưởng tượng không biết có phải đây cũng là chút ân oán của tổ tiên xưa đã gây ra đối với người Chiêm thành hay không, nhưng tôi mong mỏi mảnh đất này sẽ được yên vui trở lại. 

ĐOÀN VĂN KHANH 

No comments:

Post a Comment