Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [26]

Ký sự Tùy bút 

GIÓ ÐÃ XOAY CHIỀU

Chiến dịch Tổng phản công đề ra từ lâu nay đang thực sự bước vào giai đoạn quyết định. Tình hình chiến sự đang sôi động. Ngoài Bắc có chiến dịch Ðiện biên phủ. Tại Liên khu 5 có chiến dịch Tây Nguyên nhằm đánh vào hai tỉnh Pleiku và Kontum. Dân chúng từ 16 tuổi trở lên phải đi dân công, tức là đi gánh gạo, khiêng đạn tiếp tế cho chiến trường, và lo tải thương binh. Người dân công phải băng rừng lội suối đi bộ hàng trăm cây số xa nhà để đến gần chiến trường. Mấy anh chị lớn hơn tôi vài tuổi có người cũng đã phải đi dân công, mỗi đợt có khi cả vài ba tháng mới về.
 
Thóc gạo trong nhân dân bị vơ vét bằng đủ mọi cách để dành nuôi chiến trường. Cả chiếu lác cũng được thu gom để cung cấp cho chiến trường bọc thây tử sĩ vì không còn đủ hòm gỗ để dùng. "Nhất tướng công thành vạn cốt khô", cổ nhân cũng đã từng dạy như thế. Con người thực tại phải hy sinh để phục vụ cho những ý tưởng về một con người không tưởng. Hiện tượng đói đã bắt đầu xảy ra. Tôi đã thấy có những người đi mua xác dừa, loại bã cơm dừa đã được vắt hết chất béo làm dầu, thường chỉ để nuôi heo, đem về ăn thay cơm. Tôi nhớ lại hình ảnh những đoàn người rách rưới, da bọc xương của thời 45 và không ngờ sau 9 năm gọi là Cách mạng, biết bao nhiêu là thiện chí, nỗ lực hy sinh và xương máu đã đổ ra trên đất nước này để mưu cầu ấm no hạnh phúc cho mọi người thì mọi người lại chỉ càng ngày càng đói rách nhiều thêm.
 
Tôi không biết nếu một ngày nào đó đến lượt tôi cũng phải đi dân công, liệu rằng tôi có đủ sức chịu đựng cho qua cơn gian khổ để trở về đây hay không. Những ngày sống tại vùng Kim châu tôi cũng đã có vài lần lên cơn sốt rét rồi. Tôi thấy mình không còn ham bấu víu gì nữa ở miền đất mà tôi đã chứng kiến có quá nhiều người chết vì chiến tranh và vì bệnh tật. Tôi chạnh nhớ lại mẹ tôi và cũng không còn dám mơ ước một ngày mai nào cả. Nhiều người quanh tôi cũng đang sống như những cái bóng mờ, càng mờ càng tốt. Những đêm trăng sáng rộn ràng tiếng đàn tiếng hát những bản Tình ca đã chìm vào quá khứ để giờ đây chỉ còn nghe tiếng gào cổ võ của đám văn công:

"...Bần nông, trung nông, cố nông mình ơi!
Anh em mình ơi!
Ruộng quê nhà ai cấy ai cày
Ngoài biên cương ai đánh thằng Tây
Ai dân công tải đạn chiến trường
Ai tải thương đường xa núi rừng..."

Có lẽ chỉ có những người đang tin vào con đường đấu tranh giai cấp của cộng sản là đúng mới có thể vẫn còn miệt mài phấn đấu và hy sinh.
 
Tin tức về chiến sự càng ngày càng sôi động và tin về một cuộc hoà hội ở Genève làm cho mấy chú bác trong họ đạo thầm thì bàn tán. Ðối với những ngưòi đang bị cộng sản khống chế thì tin chiến thắng của cộng sản trên các chiến trường có làm cho nhiều người thêm lo lắng, thì tin về cuộc hoà đàm cũng đem lại cho những người đang đau khổ vì chiến tranh một chút hy vọng. Nhưng tin về chiến thắng thì có vẻ dồn dập, còn tin về hoà hội thì lại rất mù mờ nên cũng không ai dám tiên đoán về tương lai của mình sẽ như thế nào.
 
Rồi tin chiến thắng Ðiện biên phủ như một sự kiện lịch sử vĩ đại được loan ra khắp mọi nơi. Người cộng sản hân hoan reo mừng và người bị cộng sản khống chế thêm lo lắng. Riêng tại mặt trận Tây Nguyên Liên khu 5, quân đội Pháp cũng đã phải rút lui và bị quân đội Việt minh phục kích tiêu diệt. Quân đội Việt minh thu được vô số chiến lợi phẩm đem về đồng bằng triển lãm cho dân chúng xem. Lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt nhìn thấy những chiếc xe GMC và xe Jeep, với hàng số và cờ tam tài ở hai đầu cản xe bị bôi đi và thay vào là những cái vòng nền đỏ với ngôi sao vàng to tướng mới sơn ở hai bên hông xe. Tôi cũng được nhìn thấy những khẩu pháo 105 ly mà ngày nào tôi lên chơi vùng An thái vẫn thường được nghe những tiếng nổ từ phía đèo An khê vọng về hằng đêm.
 
Như mọi người dânViệt nam yêu nước bình thường, tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi nhìn thấy chiến công của người Việt, tuy nhiên tôi cũng không khỏi đau lòng khi nhận thức ra rằng, qua suốt 9 năm trường kỳ gian khổ, không biết bao nhiêu xương máu của người dân Việt đã đổ ra, rốt cuộc cũng lại chỉ để thu về những phương tiện chiến tranh này trong tay người cộng sản, một nhóm người mượn tiếng Tổ quốc và Dân tộc để lợi dụng nhân dân phục vụ cho những mưu đồ không tưởng của mình.
 
Rồi tin hiệp định Genève được ký kết và lệnh đình chiến được ban hành. Mọi người dân đều được học tập để thông suốt đường lối của Ðảng và Nhà nước và biết được nhiệm vụ của mình trong giai đoạn sắp tới. Lãnh thổ Việt nam sẽ tạm thời chia làm hai vùng tập kết lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Nam sẽ tạm thời giao cho quân đội Liên hiệp Pháp và chính phủ Bảo Ðại duy trì công tác trị an chờ hai năm sau sẽ hiệp thương tổ chức Tổng tuyển cử tái thống nhất đất nước. Bộ đội nhân dân Liên khu 5 sẽ rút ra bắc theo lịch trình đã được đôi bên thỏa thuận. Ðồng bào ở lại cứ yên tâm làm ăn nhưng không được có hành động tiếp tay cho Pháp làm phương hại đến công việc thống nhất Tổ quốc về sau.
 
Tuy học tập thì như thế nhưng trong dân chúng thì cũng đã có nhiều người bắt đầu bàn tán với nhau về một chính quyền khác, cũng như về một tương lai không giống với những điều họ đã học tập. Sau đó là có sự nới lỏng trong việc kiểm soát sinh hoạt của dân chúng. Mấy chú bác bị cầm tù trong vụ án chính trị với cha tôi trước đây lần lượt được thả về. Các bà con hân hoan đón rước người thân của mình trở về sum họp. Riêng tôi cảm thấy mình buồn vô hạn vì không còn ai để trông đón.
 
Một hôm rong chơi vào Tam quan thăm anh Bảy, tôi tình cờ gặp chú Chinh đang đạp xe trên quốc lộ. Chú mừng rỡ dừng lại hỏi han tôi về cuộc sống trong thời gian qua và hỏi tôi nay hòa bình rồi có dự định về đâu không. Tôi cũng chưa biết tôi sẽ về đâu vì quê hương tôi không có mà thân thuộc của tôi cũng không biết đâu mà tìm. Nhưng tôi có nói là tôi sẽ không ở lại Bình định. Chú Chinh cũng cho tôi biết gia đình chú và ông bà Cả sẽ ở lại vùng đất này, tuy nhiên gia đình cô Ba, cô Thùy, chú Út, cô Chút và luôn cả cô bé thuộc dòng họ nhà vua sẽ đi tập kết ra Bắc. Tôi nhớ lại lời chú Chinh vẫn thường hay nói đùa với tôi ngày nào và chợt cảm thấy hình như vừa mới có một lỗ hổng nào đó trong tâm hồn của mình, đồng thời nhận ra mình không còn nhỏ dại. 

ĐOÀN VĂN KHANH 

No comments:

Post a Comment