LẠI TRỞ VỀ XÓM ÐẠO
Sau mấy tháng
đi lang thang phiêu bạt như thế, tôi gặp lại chú Ðức thì
chú cho biết đã xin được với anh Bảy làm nghề hớt tóc
ở gần ga Tam quan, cho tôi theo học nghề. Anh Bảy vốn là
thanh niên Nam bộ kháng chiến cũ, theo bộ đội chiến đấu
và trở thành thương binh. Giải ngũ ra, anh đến đất Tam quan
này lấy vợ và sống ở đây. Nghe chú Ðức nói anh Bảy là
Liên gia trưởng trong khu phố tôi cũng dè dặt lắm, nhưng
sống gần anh Bảy rồi tôi mới thấy anh là một người tốt,
và chính vì bản chất tốt nên anh mới không câu chấp về
lý lịch và dám để cho tôi theo học nghề, nhờ đó tôi mới
có thể ổn định lại cuộc sống.
Tôi trở về họ
đạo Gò xoài ở ké với anh Hai Lung, người nấu bếp cho cha
tôi trước đây, tại căn nhà của dượng Chín bỏ không từ
ngày dượng Chín bỏ trốn về thành cùng một chuyến với
chú Cọp. Vì anh Hai Lung có dị tật nên chẳng có vợ con,
sống một mình nơi chái bếp. Gian nhà trên thì cô Chín cho
đám Hoa kiều địa phương mượn làm lớp học dạy chữ Tàu,
còn dư một phòng trống, tôi chiếm làm giang san cho mình. Tuy
anh ta là công giáo, trước kia cũng đã từng theo giúp việc
cho một vài vị linh mục, nhưng tâm hồn quá chất phác, vừa
muốn tin Chúa để khi chết được vào nước Thiên đàng,
vừa muốn phấn đấu để thấy giai cấp bần cố của mình
vươn lên trên cõi đời này, do đó mà anh đã vô tình bị
công an mua chuộc để theo dõi báo cáo tình hình những người
trong họ đạo cho chính quyền.
Nhờ đã biết
rõ bản chất của anh Hai Lung nên khi tìm về ở chung với
anh ta, tôi thấy mình đã khám phá ra một nơi ẩn thân tốt.
Công an đã có người tín cẩn canh chừng tôi rồi thì tôi
cũng không còn bị công an làm khó dễ. Cuộc đời lại trôi
qua một cách bình lặng, nhưng những ngày vui thì không còn.
Mỗi ngày tôi đi bộ vào Tam quan học nghề và ăn cơm với
anh chị Bảy. Chiều đến tôi về lại Gò xoài, chuyện trò
vớ vẩn dăm ba câu vô thưởng vô phạt với anh Hai Lung rồi
đi ngủ. Nhớ đến chú Thụ, tôi buồn cười thấy mình không
ngờ cũng đã nối kịp gót chú trong cuộc phấn đấu để
trở thành con người mới trong xã hội.
Tôi không biết
mình còn mơ ước gì không trong cuộc sống gần như không
còn gì là hứng thú này nhưng hình như tôi vẫn không bao giờ
nghĩ mình sẽ mãi mãi là một anh thợ hớt tóc. Do đó mà
sau vài tháng thực tập, bắt đầu biết múa may dao kéo trên
đầu khách mà không còn sợ gây thương tích cho khách, tôi
xin ra nghề. Dẫu sao thì trong vô số những câu châm ngôn mà
tôi học được từ ngày sống dưới chế độ được gọi
là cách mạng, tôi vẫn thấy chỉ có mỗi một câu quyến
rũ tôi nhất, đó là câu : "Không có gì quý hơn Ðộc lập
Tự do" hiểu theo ý riêng của tôi.
Tuy chưa muốn
cho tôi ra nghề vội vì sợ tôi làm mất tiếng một sư phụ
vốn nổi danh thợ khéo vùng này, nhưng thấy tôi nài nỉ mãi,
Anh Bảy đành giúp cho tôi bộ đồ nghề gồm một cái tông
đơ cũ đã mài không biết mấy trăm lần rồi, một cái kéo
rèn, một cây lược, một con dao cạo cũng đã mòn vẹt hẳn
phân nửa, và một tấm gương soi lớn bằng hai bàn tay. Tôi
về ngay căn nhà tôi ở, lấy than kẽ hai chữ "Hớt tóc" lên
tường phía hiên nhà day mặt ra đường, máng cái gương soi
lên vách, đặt thêm chiếc ghế gỗ rồi thản nhiên ngồi
chờ khách.
Thật tình mà
nói, với cái bộ mặt non choẹt của tôi lúc bấy giờ chắc
cũng khó có ai dám đưa đầu cho tôi dợt tay nghề. Nhưng rồi
vẫn có người đến cho tôi cắt tóc, dù rằng họ có thể
đến tiệm khác gần đó mà họ từng quen hớt tóc lâu nay,
và biết là thợ quen hớt vẫn đẹp hơn. Chính vì thế mà
tôi thầm hiểu rằng, họ chính là những con người có lòng,
và cho dù cuộc đời có điên đảo, tình thương vẫn chưa
phải là đã chết hẳn nơi con người.
Anh Hai Lung đúng
là thành phần trên răng, dưới dế", suốt đời chỉ
có đi làm thuê làm mướn cho người khác kiếm cơm ăn và
chút đỉnh tiền công. Gặp lúc dăm ba ngày không ai thuê mướn
làm công việc gì là đói. Tuy thế mỗi khi đi soi nôm hay đi
lưới được chút đỉnh cá về kho nấu, anh ta vẫn để phần
cho tôi. Tấm lòng anh vẫn ngay lành. Lẽ ra anh ta phải được
sống trong một xã hội yên lành và có tình thương chứ không
phải một xã hội chỉ muốn tập cho anh ta tính căm thù. Tôi
thương anh ta cô đơn và vất vả, do đó tôi lại càng lấy
làm khổ tâm mỗi lần nghe anh ta lên lớp cho tôi về "Cách mạng".
Tôi thèm đọc
sách lắm nhưng các loại sách cũ đều bị cấm, còn sách
mới chỉ toàn là thơ văn cổ võ cho đấu tranh giai cấp, khô
khan và giả tạo, tôi chẳng ham đọc tí nào. Nhưng rồi tôi
cũng có được cách tiêu khiển mới, vừa tao nhã mà cũng
vừa bổ ích. Thì giờ rảnh rỗi, tôi lại cửa sổ nhìn vào
lớp học và học lóm tiếng Quan hỏa. Học tiếng Anh hay tiếng
Pháp vào lúc này có thể bị lên án là có ý đồ làm tay
sai cho thực dân đế quốc, nhưng học tiếng Tàu thì hình
như lại được coi là một biểu lộ của ý thức tiến bộ.Thế
là tôi cũng nhìn lên hàng chữ Tàu trên bảng và nhẩm đọc
theo đám học sinh nhỏ: "Wò mư-ẩn sứ Chu-ung quỏ jrư-ẩn"
(chúng ta là người Trung quốc). Tám mươi năm qua, lớp cha
anh của tôi cũng đã từng tụng ra rả: "Les Gaulois sont nos
ancêtres" (người Gô loa là tổ tiên của chúng ta) để rồi
sau đó cầm súng đánh Tây giành độc lập thì bây giờ đây
tôi có đọc vạn lần câu "Wò mư-ẩn sứ Chu-ung quỏ jrư-ẩn",
chắc chắn tôi vẫn không bao giờ quên những anh hùng như
Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi và Nguyễn Huệ
của đất nước tôi.
Nhìn đám học
sinh Hoa kiều nói tiếng Việt rành hơn tiếng Hoa và bây giờ
đang học tiếng Hoa để thấy mình là Tàu, tôi lại càng thêm
thấy mình xa xót cho thân phận của người dân một nước
nhược tiểu. Dân Hoa kiều ở trên đất nước này vẫn cứ
được biệt đãi suốt từ đầu cuộc kháng chiến đến giờ.
Ngày nào họ rầm rộ tổ chức ăn mừng chiến thắng của
Trung hoa cùng Ðồng minh đánh đuổi được phát xít Nhật.
Rồi họ sơn cờ Tưởng để nhà cửa không bị phá khi có
lệnh tiêu thổ kháng chiến. Ðến khi Mao thắng Tưởng, họ
sơn lại màu cờ đỏ với 5 ngôi sao vàng lấp lên trên lá
cờ cũ và tiếp tục hưởng những đặc ân dành cho người
anh em vĩ đại vì họ không hề phải đi dân công hay bộ đội.
Trên xứ sở của các vị anh hùng Lê Lợi, Quang Trung, giòng
dõi của quân Minh và quân Thanh vẫn ung dung sống bằng cái
nghề buôn bán, một cái nghề được coi là mang tính bóc lột,
trong khi đó con cháu của các bậc anh hùng dân tộc thì lại
đang bôi mặt chém giết nhau để noi gương cách mạng Trung quốc.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment