Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [24]

Ký sự Tùy bút 

NHỮNG NGÀY LƯU LẠC

Tôi đã tìm về lại đất Bồng sơn, nơi mà cách đây vài năm tôi vẫn tha thiết nhớ mỗi lần phải đi xa, và tôi cũng đã ghé lại nhà ông bà Cả mấy lần. Khu phố cũ nằm trên quốc lộ chính đã bị phế bỏ vì nằm lọt vào giữa khoảng cây cầu lớn và ga xe lửa là hai mục tiêu mà máy bay thường oanh tạc. Ðể tránh vùng bom đạn, các cửa tiệm buôn bán đã được dời lên khu dốc trên con đường đất đi về Hoài ân. Bà Cả cũng đã dựng lại một gian hàng khác nơi đây và buôn bán giống như cũ.
Nhưng cái điều mà tôi muốn tìm lại nơi đây, bây giờ hình như không còn nữa. Cả cô Thùy cũng có vẻ đổi thay, nhất là đổi thay về tư tưởng. Chú Chinh vẫn mến cha tôi như những ngày còn đi Hướng đạo, nhưng chú lại quá lệ thuộc vào gia đình nên cũng không thể làm gì giúp cho tôi hơn.
 
Trong mấy lần ghé lại Bồng sơn này, tôi bỗng nhiên thấy mình hình như có ý tìm xem cô bé Nhi đồng cứu quốc như thế nào rồi nhưng không lần nào tôi gặp cô ta cả. Tôi chỉ tình cờ gặp cha ghẻ của cô ta. Ông ta không nói gì, chỉ nhìn tôi rất lạnh lùng. Tôi cũng hiểu nhờ có ông ta mà gia đình bà Cả và cô Ba vẫn có thể buôn bán bình thường trong thời buổi này, tuy nhiên tôi cũng thấy mình không có chuyện gì cần phải nói với ông ta cả.
 
Nhớ lại ngày trước cha tôi vẫn hay uống trà Mai hạc nên tôi đã ghé qua xưởng chế biến trà của chú Ðặng ở Lại khánh để xin vào làm cốt tìm cho mình một chỗ dung thân. Chú Ðặng vẫn tốt và vẫn muốn giúp đỡ tôi, nhưng nhằm lúc chính quyền đang ban hành chính sách đề cao giai cấp công nhân để triệt hạ giới tư sản nên anh chị em công nhân mới là kẻ có quyền quyết định trong việc thâu nhận người làm chứ không phải chủ, do đó mà với cái lý lịch là con của một kẻ bị kết án là phản động, anh chị em công nhân ở đây đã từ chối thâu nhận tôi vào trong hàng ngũ của họ.
 
Tôi lại ra Tam quan, tìm đến xưởng vấn thuốc điếu của chú Ðức. Chú bảo tôi chờ ít hôm để chú cố gắng thuyết phục anh chị em công nhân cho tôi vào làm. Cuối cùng chú cũng đành ngậm ngùi cho biết chú không thể làm gì hơn được. Chú cũng đã bị công an bắt đi bắt lại mấy lần nên thím cũng rất e ngại khi thấy chú liên hệ với tôi nhiều. Còn anh chị em công nhân thì lại đang tỏ ra không hề biết khoan nhượng với bất cứ kẻ thù nào. Tuy nhiên chú Ðức cũng có hứa sẽ cố gắng tìm cho tôi một công việc ở nơi khác.
 
Tôi đã lang thang khắp nơi, ghé lại những nơi quen biết cũ để mong tìm một nơi có thể cho mình tá túc. Nhưng cứ mỗi lần tôi ghé lại bất cứ nhà quen ở địa phương nào được vài hôm thì chủ nhà liền bị công an địa phương đó kêu tới hỏi han, làm khó dễ, khiến cho chủ nhà sau đó cũng đã tìm cách này hay cách khác nói cho tôi hiểu là họ không có thể giúp đỡ gì cho tôi được. Thế là với cái túi nhỏ đeo vai đựng vài bộ quần áo vải ta đã cũ, đôi dép vỏ xe đã vẹt gót từ những ngày đi đẩy cộ, tôi lại tiếp tục đi, không cần biết hôm nay mình ăn gì và ngủ ở đâu.
 
Kể ra vào những ngày này, nhu cầu của con người cũng chỉ xoay quanh cái ăn mà thôi, và cái ăn cũng thật là đơn giản vì con người chỉ cần no chứ không dám cần ngon. Vài củ khoai hay cái bánh tráng và gáo nước lạnh cũng đủ cho con người sống qua ngày rồi. Cũng hay là tại xứ Bình định, hầu như nhà nào cũng có vò nước lạnh đặt kế hiên nhà với cái gáo dừa máng bên cạnh. Ði đường lỡ có khát nước chỉ cần ghé vào một nhà nào đó, xin chủ nhà một tiếng rồi lấy gáo múc nước nốc ừng ực một hơi là xong ngay.
 
Những ngày lang thang vô định, tôi lại càng nhận ra một điều : Trời vẫn trong xanh, nắng vẫn đẹp, hoàng hôn vẫn thật êm đềm và những đêm trăng sáng vẫn mơ màng. Chỉ có những công trình do con người tạo ra nhằm phục vụ con người và lưu lại lâu dài thì lại bị chính con người đem ra hủy hoại và con người thì đổi thay. Nụ cười giờ đây trở nên khan hiếm, còn ánh mắt nếu không thờ ơ thì cũng có vẻ nghi ngờ hay sợ sệt. Ngay trên mảnh đất Gò xoài, nơi tôi đã tưởng mình có thể dung thân, tôi cũng không thể về đó được vì chỉ gây liên lụy cho mấy chú bác ở đó mà thôi.
 
Tôi nhớ đến mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương mà tôi đã đọc: "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ..." và tôi bỗng cảm thấy hình như mình cũng đã đầu thai nhầm thế kỷ chứ không riêng gì nhà thơ. Nhưng còn cái chuyện "bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh..." của nhà thi sĩ như thế nào thì tôi không hiểu chứ riêng tôi trong cuộc sống hiện tại thì đúng là đang ở trong cái cảnh " bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh..." Quê hương chỗ nào cũng chỉ là quê hương tạm bợ, và giống nòi thì hình như đang bị lũ ma Hời ám ảnh lao vào một cơn mê.
 
Cũng trong những ngày lang thang như thế này, tôi có lần đi qua Thành sơn, nơi chú Thụ ở nên đánh liều ghé thăm chú một lúc. Chú cũng đã từng bị công an bắt để điều tra mấy lần và bây giờ không còn được dạy học trò nữa. Gặp tôi chú vẫn tếu. Tôi chưa kịp hỏi thăm chú bây giờ làm nghề gì thì chú đã bảo chú quá chán cái nghề "gõ đầu thiên hạ lấy tiền" rồi nên vừa đổi qua nghề mới hợp thời đại hơn, đó là nghề "cạo đầu thiên hạ lấy tiền." Thì ra cái nghề hớt tóc chú đang làm cũng là một nghề oai phong lắm chứ.
 
Thấy chú trở thành một anh thợ hớt tóc còn thím ngồi trước cửa nhà bày mớ khoai mì luộc trên cái mẹt bán cho khách qua đường, tôi chạnh nhớ lại lời cha tôi kể về chú khi giới thiệu với bạn bè khác. Ngày xưa ông cụ thân sinh của chú đã từng làm quan đến chức Tuần vũ, tức là ngang hàng với chức Tổng đốc. Thím Thụ không phải là người Việt mà vốn là một quận chúa của xứ Lào. Cách mạng và chiến tranh trên quê chồng đã cắt đứt đường về để cho thím được dịp cùng chồng nếm mùi gian khổ.
 
Không biết có phải vì lây cái tếu của chú Thụ hay không mà tôi cũng đã bắt chước giọng khẩu khí trong những vần thơ cổ để lẩm nhẩm thành hai câu thơ an ủi mình: 
 
Lưng đeo sự nghiệp sờn vai áo
Gót trải giang hồ dép sút quai.

Kể ra thì tôi cũng còn ngông nghênh lắm. Cũng do mê mải về những điều ngông nghênh này để tự mình an ủi mình mà có một lần tôi đang đi bộ qua đèo Nhông thì lọt tỏm xuống một cái hố dùng để ngăn giặc đào giữa đường vừa lúc nghe có tiếng máy bay khu trục sà trên đầu. Thế là tôi nằm yên luôn dưới hố để núp. Trải qua bảy, tám năm kháng chiến, người dân sống ở vùng Việt minh chỉ nghe tiếng máy bay cũng có thể phân biệt đó là loại máy bay oanh kích hay chỉ là máy bay vận tải để biết mình cần xuống hầm trú ẩn hay không. Tôi nghe có một loạt súng từ trên máy bay bắn xuống rất gần. Lúc máy bay đã đi khỏi, tôi nhổm dậy leo lên đường. Vừa mới đi qua khỏi ụ đất chướng ngại vật, tôi nhìn thấy một người đàn ông đang nằm gục trên vũng máu giữa đường, chiếc xe đạp nằm lăn lóc bên cạnh. Tôi chỉ biết lặng lẽ cúi đầu trước những rủi may của định mệnh.

ĐOÀN VĂN KHANH 

No comments:

Post a Comment