BÊN GIÒNG SÔNG CÔN
Xin hồi cư không
được, chưa biết phải làm gì thì vị linh mục dạy tôi
trước đây vẫn chưa quên tình cũ với cha tôi nên một lần
nữa lại đem tôi về ở với ngài. Lúc này ngài đã dọn
về Trường cửu, cách xứ Kim châu và thành Bình định khoảng
4 cây số và cũng gần quốc lộ 19 dẫn về miền Tây nguyên
hầu như bỏ hoang.
Nhà thờ bị máy bay Pháp thả bom lầm sập từ lâu mà Nhà Chung thì không tiền nên chỉ có thể cất lại một căn nhà nhỏ bên cạnh nền nhà thờ cũ, một nửa phía trước dùng làm nơi thờ phượng, một nửa sau để cho cha sở ở. Lần này ngài không còn dạy tôi học mà chỉ sai tôi phụ giúp ngài trong công việc.
Vào thời này,
Hội Thánh chưa cho phép dùng ngôn ngữ riêng của mỗi dân
tộc mà bắt buộc phải dùng tiếng La tinh trong các nghi thức
tế lễ, do đó mỗi khi cử hành thánh lễ, vị linh mục đọc
kinh thì chỉ có một mình vị linh mục hiểu. Con chiên có
không hiểu cũng không sao vì con chiên chỉ cần kính cẩn nghe
vị linh mục đọc là đủ rồi. Ðể có thể giúp lễ, ngài
cũng đã bắt tôi học mấy kinh La tinh theo kiểu đọc thuộc
lòng mà không cần hiểu nghĩa. Nhưng cũng vì không hiểu nghĩa
mà tinh thần thì đang khủng hoảng nên tôi luôn luôn đối
đáp lộn xộn khiến cho ngài cũng không bao giờ dám để cho
tôi được cái vinh dự giúp lễ cho ngài.
Ðất Trường
cửu cũng là vùng đồng ruộng nhưng có giòng sông Côn chảy
qua ngay phía sau nhà thờ, phía bờ bên kia lại có nhiều lũy
tre xanh chạy dài ven sông nên cảnh trí cũng mang được chút
vẻ thơ mộng đối với tôi. Cò trắng tụ tập hàng đàn
trên các bụi tre tạo nên một hình ảnh thật êm đềm vào
những buổi chiều. Tôi thường ngồi bên bờ sông, nhìn đàn
cò trắng bay lượn trên các lùm tre và thả hồn phiêu du.
Xa xa mấy cái tháp Chàm đứng chơ vơ trên các ngọn đồi
trọc như còn tiếc nhớ một thời oanh liệt. Tôi nhớ lại
cái tháp Chàm tôi thấy lần đầu tiên khi ở huyện Phù cát
và cảm nghĩ của tôi lúc ấy, tôi thấy mình quả thật đã
linh cảm đúng vì từ ấy đến nay tôi thực tình đã mất
mát quá nhiều.
Cũng tại khúc
sông Côn này, tôi cũng đã có dịp nhìn thấy người ta đánh
cá chép. Hình như chỉ có một lần trong năm, vào mùa cá tìm
nguồn, người ta giăng đáy chận ngang sông và trên đáy là
một cái lưới giăng chùng như cái võng. Vài chiếc ghe từ
phía hạ lưu chèo ngược trở lại chỗ đóng đăng giăng lưới,
vừa chèo vừa gõ vào mạn ghe thật ồn ào để cho cá trong
sông nghe động sẽ lội ngược về nguồn, lúc đụng phải
đăng cá liền phóng mình lên mặt nước để vượt qua thì
rơi ngay vào lưới và bị bắt. Xem người ta đánh cá tôi
lại chợt nhớ đến điển tích Cá chép vượt Vũ môn hóa
Rồng, nhưng cá chép ở đây chỉ có rơi vào lưới cho người
đem về ăn thịt mà thôi. Tôi lại nghĩ đến mình và thấy
hình như tôi cũng đã nhảy vào một cái lưới vô hình nào
đó của giòng đời đảo điên.
Nhưng rồi cuộc
sống chôn chân ở chốn thôn quê hẻo lánh này cũng không
yên lành được lâu. Qua nhiều đợt "phóng tay phát động
quần chúng" chính quyền cộng sản đã nắm trọn quần chúng
trong tay, liền chuẩn bị cho phong trào cải cách ruộng đất.
Tại vài vùng nông thôn đã bắt đầu có màn đấu tố địa
chủ. Nhà thờ cũng là một đối tượng cần triệt hạ. Kinh
tế khó khăn, lại thêm chính quyền địa phương bắt đầu
làm khó dễ cha sở trong việc để cho tôi nương náu nên ngài
đành phải gửi tôi sống chung với mấy người vốn là con
mồ côi của bà phước ở Kim châu, hiện làm nghề đẩy xe cộ.
Hai anh bạn mới
này ngụ trong một căn nhà lá trống trơn dựng tạm trên nền
của một dinh thự cũ đã bị đập nát trong khu thành Bình
định cũng đã bị san bằng từ thời chính quyền ra lệnh
tiêu thổ kháng chiến, nay chỉ còn lưu dấu vài tảng đá
ong rải rác đây đó cùng với cái vòng hào bao quanh mà thôi.
Họ thường cùng nhau đi tới các chợ, mua các thổ sản địa
phương như gạo, đậu từ An nhơn và Tuy phước chở đầy
cộ rồi lại ì ạch kẻ kéo người đẩy, đem ra các huyện
phía bắc như Bồng sơn, Tam quan để bán. Sau đó lại mua các
sản phẩm ở Bồng sơn đem về bán ở các chợ phía nam.
Lúc này máy bay
tăng cường bắn phá, không những chỉ nhằm vào các trục
giao thông mà còn nhằm luôn vào các điểm có đông người
tụ tập nên chợ búa chỉ nhóm họp về đêm. Nhìn cảnh những
ngọn đèn le lói di chuyển rời rạc trong đêm từ những lùm
bụi âm u kéo nhau tập trung về một điểm của những người
đi họp chợ đêm, tôi có cảm tưởng như đang nhìn một bầy
ma trơi đi trẩy hội, hay cũng có thể là một bầy ma Hời
đang đi tìm lại ngày xưa.
Tôi chưa bao giờ
tưởng tượng có một ngày mình sẽ bước vào cái nghề buôn
bán này, cho nên tôi không hề suy nghĩ đến những mánh lới
gian xảo hay những điều so đo tính toán thiệt hơn trong khi
giao dịch. Tôi rất ngượng nghịu khi phải nói những điều
mà mình chỉ muốn bảo người nghe đừng có dại mà tin theo.
Tôi biết mấy người bạn mới này cũng nhận thấy tôi chẳng
giúp ích được gì cho họ, thêm vào đấy, tôi cũng chưa hẳn
lớn đủ sức để có thể kéo hay đẩy chiếc cộ như mọi
người nên sau khi theo mấy anh này lặn lội được vài chuyến,
tôi tự biết mình không kham nổi đành lẳng lặng bỏ ra đi.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment