Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [22]

Ký sự Tùy bút 

BIẾT ÐÂU LÀ TỔ QUỐC VỚI QUÊ HƯƠNG

Sau khi cha tôi chết, anh em tôi trở thành bơ vơ thực sự vì tại vùng đất Bình định này, chúng tôi không hề có một người họ hàng thân thích nào cả. Em tôi mới mười tuổi cũng phải nghỉ học về sống với mấy cô trong gia đình họ Trương để giữ em, làm việc nhà. Tôi thì lang thang lúc nhà cô chú này, lúc nhà cô bác khác.

Tôi xa xót thương em lủi thủi với niềm bất hạnh của mình, nhưng từ hồi nào đến giờ anh em tôi ít hiểu nhau nên tôi cũng không biết làm cái gì cho em vào lúc này. Tôi nhớ lại khi còn nhỏ và thằng em trai tôi còn sống, có một lần tôi đang chơi với nó thì nó bỗng oà lên khóc. Tôi cố dỗ cho nó nín nhưng hình như tôi càng dỗ thì chỉ càng làm cho nó khóc nhiều thêm lên mà thôi.
 
Tuy nhiên cũng do lần gặp nhau hôm đến pháp trường thăm người thân của mình lần cuối mà tôi biết được cô Bảy và cô Út, và hai cô cũng đã đưa tôi về An thường chơi cho biết nhà. Hai cô thấy hoàn cảnh hai anh em tôi mồ côi bơ vơ cũng tỏ ra lo lắng cho anh em tôi lắm. Sẵn hai cô đang sống đơn độc với nhau bằng một gian hàng tạp hóa nên cũng muốn đưa em tôi về nuôi. Thấy hai cô cũng là người gốc thành phố, chưa phải vướng bận gia đình con cái, lại cùng chung tâm trạng, chắc là sẽ dễ dàng thông cảm với em tôi hơn nên khi nghe hai cô gợi ý như vậy, tôi rất mừng.
 
Nhưng có một điều khiến tôi đã không thể tự mình quyết định. Dù sao thì tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ chưa đến tuổi trưởng thành và cha tôi cũng đã có lời gửi gắm anh em tôi cho mấy chú ở Gò xoài. Nay tôi muốn đưa em tôi đi ở nơi khác phải có sự chấp thuận của mấy chú. Vin vào cớ hai cô là người theo Phật giáo, các chú đã không bằng lòng để cho em tôi đi. Người công giáo vẫn hay truyền đạt cho tôi lời của Chúa: "Nếu như được mọi sự trên thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì." Tôi thấy mình đã mất mát quá nhiều cái thuộc trần gian này rồi nên tôi cũng rất e ngại nếu tôi lại còn đánh mất thêm bất cứ một cái gì khác nếu có. Tuy nhiên tôi cũng rất thắc mắc trong lòng khi thấy có những người tuy đã được "hằng ngày dùng đủ" như lời van xin trong kinh Lạy Cha, vẫn còn muốn cầu xin Chúa hãy ban thêm cho mình nhiều hơn nữa những cái chỉ thuộc về trần gian này và khuyên kẻ đã quá nhiều bất hạnh hãy tiếp tục hy sinh đền tội để được phước Thiên đàng.
 
Tuy không đưa em tôi về ở với cô Bảy và cô Út nhưng tôi vẫn thường đến thăm hai cô. Có một hôm hai cô mách cho tôi là gia đình ông Nguyễn đã được chính quyền cho phép hồi cư về thành. Mấy cô khuyên tôi cũng nên thử làm đơn xin về sống với thân nhân. Nhưng họ hàng của tôi thì tản mác không biết phương nào, và quê nội hay quê ngoại tôi thì lại cũng thuộc "vùng tự do Khu 4", tức là vùng kiểm soát của chính quyền cộng sản thì có gì hơn đâu. Vả lại cho dù bên nội hay bên ngoại, cả một đời tôi chưa hề biết ai thì về với ai bây giờ. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới thấy rằng mình thực sự thiếu một quê hương. Nhưng nhớ đến ông ngoại tôi đã vào Nam thăm cậu tôi thời Nhật đảo chính, rồi vì chiến tranh phải kẹt lại ở trong đó nên tôi cũng liều làm đơn xin được về Nam sum họp với ông ngoại trong khi thực sự thì tôi cũng không biết ông ngoại tôi ở phương trời nào.
 
Nghe tôi nói muốn xin hồi cư, nhiều chú bác đều tỏ vẻ tán đồng mặc dù các chú bác lại càng không biết họ hàng của tôi ở đâu và ra sao. Dù sao thì các chú bác cũng nhìn nhận là trong hoàn cảnh hiện tại, nếu có thể giúp được cách gì cho anh em tôi thoát về thành vẫn tốt hơn là sống ở đây, do đó mà nhiều chú bác đã sốt sắng giúp tôi thảo đơn, hoặc gián tiếp giúp tôi phương tiện. Một lần nữa, tôi lại một mình mang đơn tìm đến Công an và Ủy ban Hành Kháng Liên khu để nộp. Và cũng giống như lần tôi nộp đơn xin ân xá cho cha tôi, sau vài lần một mình đi tới đi lui, tôi đã được viên Công an Liên khu khét tiếng họ Cao cho gặp để giải bày nguyện vọng.
 
Lúc tôi bước vào nhà viên công an từng là trưởng ban điều tra vụ án cha tôi thì ông ta đang ăn cơm. Ông ta sai người công an cần vụ lấy thêm một cái chén và một đôi đũa rồi bảo tôi ngồi ăn cơm với ông ta. Tôi ngồi ghé lên bộ ngựa, xới một chén cơm và gắp một miếng thịt bò xào vì thức ăn chỉ độc có một món ấy. Tôi cố nhai nhưng gặp lúc đang đau răng mà miếng thịt thì dai còn hơn là đỉa đói nên tôi đành nuốt trộng rồi tiếp tục và cho hết chén cơm lạt. Trong khi ấy ông ta vẫn gắp thịt nhai một cách rất ngon lành, vừa ăn vừa nói luôn mồm, nhưng chung quy lại chỉ là khuyên tôi nên phấn đấu lao động để cùng toàn dân xây dựng Tổ quốc chứ đừng bắt chước đi theo con đường của cha tôi, hay nghĩ đến chuyện về thành.
 
Dĩ nhiên tôi vẫn thấy mình luôn luôn yêu Tổ quốc và muốn được xây dựng Tổ quốc mình, nhưng tôi biết giữa tôi và ông ta, hai tiếng Tổ quốc bây giờ không còn chung một cách hiểu. Và tôi cũng hiểu thêm một điều nữa : bữa cơm hôm ấy là một ân huệ cuối cùng về tình người của một người cộng sản đối với một đứa trẻ có cha bị coi như là một kẻ phản động. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment