Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [21]

Ký sự Tùy bút

ÐỊNH MỆNH ÐÃ AN BÀI

Cho dù trên thực tế chính quyền lúc này không còn là Liên hiệp kháng chiến, và đã đi theo đường lối cộng sản rõ rệt, nhưng trên mặt tuyên truyền, người cộng sản vẫn ngụy trang chính sách đàn áp các thành phần đối lập bằng cách gán cho những người không theo cộng sản là phản quốc, làm tay sai cho thực dân đế quốc để chính quyền dễ dàng khuynh đảo nhân dân.
Chính vì thế mà họ đã đem nhóm đối lập của cha tôi cùng các nhóm đối lập khác thuộc bên Phật giáo và Cao đài dàn dựng lại thành một cái mà họ đặt tên cho là " Vụ Gián điệp Bình định ". Họ tổ chức những buổi triển lãm hình ảnh của những hoạt động mà họ gọi là "gián điệp". Họ lại cho mở các buổi học tập trong nhân dân về những hành động làm tay sai bán nước mà họ vẽ ra rồi gán cho những người trong các nhóm này đã làm. Sau đó họ bắt dân chúng làm kiến nghị lên án tội phản quốc của những người trong nhóm.
 
Chính quyền đã gài sẵn người trong các buổi học tập lên án nên khi thảo luận thì luôn luôn có những người không ngớt khích động lòng căm thù và khi làm kiến nghị thì cố đề ra những hình phạt nặng nề nhất. Ða số người nông dân chất phác, mang tấm lòng yêu nước thật thà thì làm sao có thể hiểu nổi những uẩn khúc của con đường làm chính trị. Họ chỉ biết hô theo mấy người cổ xướng. Trước làn sóng phẫn nộ và căm thù đó, người có lòng, có hiểu biết cũng chỉ đành ngậm miệng.
 
Sau hơn một năm trời bắt bớ để điều tra và chuẩn bị dư luận, cuối cùng chính quyền cũng đã cho lập một phiên tòa quân sự đặc biệt để đem những người bị bắt ra xét xử. Phiên tòa công khai được kéo dài trong nhiều đêm liền để nghe ủy viên công an đóng vai công tố viên thao thao và hùng hổ buộc tội. Khi tòa nghị án, bốn bản án tử hình được tuyên bố, còn lại là một số án chung thân hoặc tù hữu hạn. Bốn án tử hình gồm ba hiện diện, trong đó có cha tôi là một, cùng với ông Nguyễn và ông Võ thuộc khối Phật giáo và nhóm Cao đài. Một án xử khuyết tịch vì can nhân là cụ Tạ đã vượt thoát về được thành trước khi bị bắt. Mang án tù chung thân có mấy vị linh mục, mấy chú thân cận với cha tôi, kể cả chú Tiến.
 
Ngồi ghế chánh án lại là nguyên tổng đốc họ Phạm tại tỉnh Bình định trước ngày Toàn quốc khởi nghĩa. Không biết vị chánh án của cái " Phiên tòa quân sự đặc biệt " ngày hôm ấy khi đứng lên tuyên bố hai tiếng " tử hình " đối với một cựu đồng liêu thời cũ và cũng là đồng sự trong suốt mấy năm kháng chiến vừa qua vì cái tội không khuất phục cộng sản, ông ta có cảm nghĩ gì ở trong lòng, nhưng riêng tôi bỗng cảm thấy mình đang chứng kiến quá nhiều điều đáng để suy tư. Hình ảnh một cụ Thượng trong bộ áo dài gấm bệ vệ bước xuống xe hơi đen bóng trước huyện đường Phù cát ngày nào bây giờ chỉ còn là một ông già an phận trong bộ đồ kaki bốn túi kiểu Trung cộng cho tôi thấy cuộc đời đã thay đổi quá nhiều từ ngày đất nước chuyển mình đi vào cách mạng, nhưng không phải theo chiều hướng tốt đẹp hơn mà chỉ là bi đát thêm.
 
Ðể tỏ ra chế độ là nhân đạo, mà có lẽ chính là để chờ xem phản ứng của các thành phần đối lập, chính quyền cộng sản chưa thi hành ngay các bản án tử hình mà cho các can nhân được chờ đợi cứu xét xin khoan hồng. Khi thấy chỉ có số thân nhân làm đơn lặn lội đi tới đi lui, còn các đoàn thể tôn giáo không dám tỏ thái độ nào khác hơn vài bản kiến nghị xin khoan hồng một cách dè dặt thì sự khoan hồng chỉ là cái tiếng xoa dịu tạm thời sự đau khổ của thân nhân người bị kết án chứ thực tế không bao giờ có.
 
Ðúng vào năm Hội Thánh ban ơn toàn xá, vừa qua khỏi mấy ngày tết ta và người công giáo bắt đầu vào mùa chay, thì một hôm có một người công an xã đến tìm tôi và trao tận tay tôi tờ giấy báo của Công an tỉnh cho phép đi thăm cha tôi tại Phù mỹ. Tôi hơi ngạc nhiên vì lệ thường, muốn đi thăm can nhân, thân nhân phải làm đơn xin phép qua nhiều chặng nhiêu khê chứ đâu có dễ dàng như vậy. Vả lại tôi và em gái tôi mới xin phép lên trại giam An lão thăm cha tôi cách đây hai tuần, nay tự nhiên lại được phép đi thăm nữa, chắc là có chuyện khác thường, nhưng tôi cũng không thể quyết đoán là chuyện gì nên chỉ sửa soạn một mình lên đường ngay cho đúng hẹn vì ngày giờ cho gặp cũng đã gần kề.
 
Trưa hôm sau vào đến Phù mỹ tôi tìm mãi vẫn không thấy có đồn Công an nào cả để hỏi thăm. Ðang loay hoay thì tôi thấy có mấy người như là nông dân rủ nhau đi xem xử tử Việt gian. Tôi có hỏi nhưng họ cũng không biết Việt gian nào sắp bị xử tử, tuy nhiên tôi linh cảm ngay có một điều đau buồn nào đó sắp xảy đến cho cha mình nên liền cất bước theo họ đi về hướng An lương. Trên đường đi càng lúc càng có đông người cùng đi về một ngả. Sau đó thì tất cả cùng rẽ vào một ngọn đồi trọc. Tôi gặp thân nhân của ông Nguyễn và ông Võ đang ngồi ở một góc đồi vắng khóc nức nở. Tôi đã hiểu tất cả.
 
Ðộ 5 giờ chiều thì từ trong làng bên kia đồi, một toán công an võ trang dẫn cha tôi cùng ông Nguyễn và ông Võ đi ra, đưa đến giữa đồi, chỗ có đóng sẵn hàng cọc tre và để sẵn ba cái hòm gỗ tạp. Tôi và những người thân nhân kia được phép đến gần bên người thân của mình để nói chuyện lần cuối giữa hàng công an hờm súng vây quanh. Lần đầu tiên cha tôi nói nhiều với tôi nhưng có lẽ cha tôi nghĩ là tôi vẫn còn non dại lắm, không hiểu những uẩn khúc của vấn đề chính trị, nên lời trăn trối cuối cùng mà người nhắc đi nhắc lại với tôi là "ba không phải là Việt gian phản động và cũng không hề phản bội Tổ quốc".
 
Tôi muốn nói với cha tôi rằng tôi không đến nỗi ngây thơ hay khờ dại để tin những lời tuyên truyền của kẻ cầm quyền nhưng sự đau khổ đã làm cho tôi nghẹn lời. Tôi nghĩ giờ phút này cha tôi chắc cũng đang đau khổ tột bực khi thấy mình hoài bão không thành, sắp phải từ giã cõi đời, bỏ lại hai đứa con còn nhỏ không mẹ, không họ hàng thân thích, ở một nơi không phải là quê hương, vào một thời buổi đầy nhiễu nhương và ly loạn. Tôi bật lên nức nở. Cha tôi vẫn trầm tĩnh nhắc tôi lời hứa cố gắng.
 
Sau mấy phút gặp mặt cuối cùng này, công an ra lệnh cho tất cả thân nhân lui ra, nhường chỗ cho vị linh mục tiến vào. Ðể tỏ ra chính quyền vẫn tôn trọng tự do tín ngưỡng mà có lẽ cũng là một hình thức cảnh cáo khối công giáo nên vị linh mục cai quản họ Nhà đá gần đấy được chính quyền mời đến để ban các phép bí tích cuối cùng cho người sắp tìm về với Chúa. Cha tôi có lẽ cũng muốn tránh cho tôi những xúc động thái quá khi phải chứng kiến cảnh đau đớn này nên đã bảo tôi hãy đi khuất khỏi nơi này ngay. Vâng lời người, tôi quay bước về hướng chân đồi. Một bàn tay nào đó chạm vào vai tôi và bảo tôi đi theo. Tôi tuân theo như cái máy. Người đó đưa tôi về nhà và an ủi tôi rất nhiều nhưng hình như tôi chẳng nghe gì cả. Tôi ngước nhìn lên hai tấm hình chết lành và chết dữ treo trên vách hai bên bàn thờ Chúa với tượng Chuộc tội đặt tại gian giữa. Hình như ở xứ này, bất cứ gia đình công giáo nào cũng mang sẵn cái ám ảnh của sự chết chóc.
 
Tôi ngồi yên suy nghĩ mông lung cho đến khi nghe có tiếng một loạt súng nổ từ trên đồi vọng lại, tôi như choàng tỉnh dậy lẳng lặng một mình trở lại ngọn đồi. Người đi xem đang kéo nhau ra về. Tôi đi ngược chiều với họ. Một vài người nhìn tôi như có vẻ ái ngại nhưng cũng có những kẻ nhìn tôi bằng đôi mắt không thiện cảm tí nào vì họ vừa được nghe bản cáo trạng đầy tội ác của những người bị xử tử. Nghe họ nói với nhau toàn những chuyện ngây ngô, tôi bỗng nhiên thấy họ đáng thương hại hơn là đáng ghét. Tuy nhiên qua nét mặt và cử chỉ của họ, tôi cũng đồng thời ý thức được về những khó khăn trong cuộc đời đã bắt đầu mở ra cho tôi kể từ hôm nay.
 
Khi tôi trở lên đến pháp trường thì tất cả đã giải tán, chỉ còn lại mấy người du kích đang lấp ba cái huyệt, cũng gần với hàng cọc tre ban chiều. Thân nhân của ông Nguyễn đã ra về, chỉ còn hai cô chị và em của chú Võ. Cô Bảy chỉ sụt sùi nhưng cô Út thì đang nức nở. Cũng như đối với mẹ tôi lần trước, tôi đã không có mặt trong giờ phút tẩm liệm của cha tôi, dù rằng không phải ý tôi muốn như vậy. Khi huyệt đã lấp rồi, tôi đi theo cô Bảy và cô Út vào làng để nhận các vật dụng của cha tôi còn để lại.
 
Ðoàn công tác đã giao lại cho tôi cái ba lô mà thời còn Hướng đạo cha tôi vẫn xử dụng trong mỗi lần đi cắm trại rồi lại dùng nó làm túi hành trang cho những ngày đi ở tù. Trong ba lô vỏn vẹn một bộ bà ba còn mới, một tấm vải dùng làm chăn đắp, một quyển sổ ghi chép thơ và vài món linh tinh. Tôi sực nhớ ra lúc ban chiều cha tôi đã mặc bộ bà ba đen cũ đã bạc màu và để bộ đồ còn mới lại, và tôi đã không cầm được nước mắt. 

ĐOÀN VĂN KHANH  

No comments:

Post a Comment