Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [20]

Ký sự Tùy bút

NIỀM TIN VẪN VỮNG

Trong khi các vụ bắt bớ để điều tra vẫn còn tiếp diễn trong khắp mấy tỉnh thuộc Liên khu 5, đa số những người bị bắt là trí thức, nhân sĩ, nhiều nhất là thành phần công giáo, có cả những vị là linh mục, thì người công giáo cũng nổi lên một phong trào xây dựng hang đá kính Ðức Mẹ hiện ra. Tại Gò xoài, giáo dân trong họ cũng nô nức rủ nhau lên cấm lấy đá.
Chỉ bằng sức người và những dụng cụ thô sơ như đòn xeo, đà lăn bằng thân cây dừa, rỏ rẻ kéo ghe bầu, người ta cũng đã hì hục hè nhau mang được từ cấm về nhiều tảng đá lớn, có tảng nặng hàng mấy tấn, đem chồng chất những tảng đá ấy lên nhau để làm thành một cái núi đá trong khuôn viên nhà thờ. Tôi cũng đã hăm hở theo mọi người đi kéo đá để tìm chút niềm vui hay cũng có thể là một chút niềm tin.

Sau mấy tháng cùng nhau góp công góp của, ra sức xây dựng bằng những phương tiện eo hẹp nhưng nhiệt tình bao la của chính mình, mọi người sung sướng và hãnh diện với công trình được hoàn thành. Có hang đá kính Ðức Mẹ, các giáo hữu trong họ dường như cũng tìm ra được một niềm hy vọng mới. Và từ đó, đêm đêm sau buổi kinh tối trong nhà thờ, người ta lại kéo nhau ra qùy trước hang đá Ðức Mẹ đọc thêm mấy kinh Kính mừng và cùng nhau hát:

Mẹ ơi! Ðoái thương xem nước Việt Nam
Trời u ám, chiến tranh điêu tàn
Mẹ hãy ra tay ban phước bình an
Cho Việt nam qua phút nguy nan.

Rồi mọi người yên lặng cầu nguyện theo ý riêng của mình. Qua bao nhiêu biến cố đau buồn dập dồn đổ xuống trong đời, hình như tôi không còn dám mơ tưởng vào một phép lạ nào đó sẽ xảy ra làm thay đổi lại cái thế giới đang đổ vỡ và đắm chìm trong khổ não, nhưng khi nhìn thấy những con người thành kính hát bài ca cầu khẩn trên với tất cả tấm lòng mong mỏi của mình, tôi cũng tự nhiên thấy lòng mình cảm động đến rưng rưng.

Niềm tin của kẻ ở nhà thì vẫn mạnh và hy vọng vẫn tràn trề, nhưng kẻ bị bắt thì cũng vẫn cứ còn đi. Có người bị bắt, sau đó được thả về, nhưng chẳng bao lâu sau lại bị bắt. Ðiều này tạo cho người bị công an tình nghi luôn luôn ở trong tình trạng bất an. Do đó mà tất cả những ai đã qua một lần bị bắt đều có một thái độ dè dặt và sợ sệt.
 
Chú Năm cũng vừa được thả về và cũng đang mang một tâm trạng như vậy. Tuy nhiên từ sau ngày chú được về, tôi thấy có một người có vẻ rất trí thức, thỉnh thoảng lại ghé đây thăm chú Năm và được chú tiếp đãi tử tế. Tôi lại thấy dượng Bốn bào chế cho ông ta mấy tể thuốc trị bao tử gia truyền vì nghe nói ông ta đang bị bệnh bao tử. Có một lần chú Năm còn gọi tôi lại cho ông ta gặp nhưng ông ta chỉ yên lặng nhìn tôi rồi quay đi chứ chẳng hỏi han gì cả.

Tôi đem chuyện này ra hỏi bác Ba thì được bác cho biết ông ta họ Vũ, làm trong sở Công an Liên khu 5 và từng giữ chức Trưởng ban điều tra các vụ nghi vấn chính trị lâu nay nhưng vừa mới bị ngưng chức để cho viên công an họ Cao lên thay thế. Bác Ba cũng cho tôi biết thêm là từ ngày ông Cao thay ông Vũ thì tình hình càng ngày càng chuyển thành thế bất lợi cho những người bị điều tra, do đó trường hợp cha tôi chắc cũng không lấy gì làm sáng sủa. Sau đó chú Năm bị bắt lần thứ hai và viên công an họ Vũ cũng không còn ghé lại nên tôi cũng không biết thêm điều gì khác.
 
Một hôm bỗng nhiên có nhiều người trong xóm náo nức, rồi có người kêu tôi mà bảo là cha tôi đã về. Tôi chạy ra đầu xóm xem thì quả nhiên thấy cha tôi và một số chú bác khác đang đi bộ về nhà chú Năm nhưng lại có cả công an đi kèm. Riêng chú Tiến thì lại nằm trên chiếc võng có hai người khiêng. Toán công an áp giải ngăn cản không cho một ai được tiếp xúc với những người vừa trở về. Lúc vào nhà rồi, công an bắt người nhà kê lại bàn ghế nơi phòng khách đúng trở lại kiểu sắp đặt như ngày cha tôi còn dạy học nơi đây. Cha tôi và các chú bác đi theo được lệnh ngồi vào đấy như đang cùng nhau trò chuyện. Người công an giữ máy hình đi tới đi lui và chụp một số ảnh từ nhiều vị trí khác nhau. Thì ra công an đang dựng lại hiện trường và chụp ảnh làm tài liệu.
 
Sau khi hoàn tất công tác, toán công an lại áp giải đoàn người ra đi. Sự vui mừng chào đón người thân yêu trở về vừa qua chỉ là một thoáng mừng hụt ngỡ ngàng. Chú Tiến vẫn phải nằm trên chiếc võng có hai người khiêng. Hình như có ai đó hỏi chú Tiến bị bệnh gì. Người công an đi bên cạnh liền nói là chú Tiến đang bị bệnh kiết lỵ nên không đi nổi. Tôi không nói gì nhưng tôi đã thấy một chân của chú khập khiểng lúc chú chống gậy cố bước vào ghế ngồi để công an thu hình. Từ ngày cha tôi bị bắt, tôi đã học được một điều: trong cuộc sống đầy nghi kỵ này, có nhiều lúc cần phải biết im lặng. 

ĐOÀN VĂN KHANH 

No comments:

Post a Comment