CHỮ NGHĨA ÍCH GÌ CHO BUỔI ẤY
Nhìn chung thì
lúc này xã hội đang đi dần vào tình trạng khó khăn khắc
khổ. Chính quyền càng ngày càng kiểm soát người dân một
cách chặt chẽ hơn và đang chuẩn bị cho một cuộc đấu
tranh giai cấp. Người nông dân nghèo đã bắt đầu có cái
nhìn nghi kỵ và soi mói các thành phần phú nông địa chủ.
Lớp học sinh đàn anh nhiều người đã phải vào bộ đội.
Lớp nhỏ hơn đa số phải bỏ học và tập cầm lấy cái
cuốc cái cày.
Thấy tôi và anh
Ba cứ lang thang không chỗ học hành mà cũng chẳng biết nghề
ngỗng gì làm nên nhân dịp vị linh mục ở Ðại an cũ về
Gò xoài thăm gia tộc, mấy chú bác ở đây bèn gởi gắm tôi
và anh Ba về ở với ngài để ngài dạy cho học. Thế là
tôi cùng anh Ba khăn gói theo ngài và chấm dứt những ngày
lãng tử. Lúc này ngài đã đổi về Trung ái, một xứ đạo
nhỏ nằm về hướng tây quốc lộ 1 cách thành Bình định
khoảng 4 cây số.
Phong cảnh ở
đây thật là buồn vì chỉ thấy có ruộng đồng cằn cỗi,
nhà tranh vách đất và cuộc sống thì thật là vất vả. Người
dân ở đây hay bị chứng sốt rét, một chứng bệnh cũng
đem lại cho con người cái chết mòn nếu không có thuốc trị,
mặc dù trông bề ngoài có vẻ không đến nỗi phải ghê sợ
hay cần xa lánh như là bệnh phong cùi hay lao phổi. Có một
buổi sáng tôi đang ngồi lơ đãng nhìn nắng lên trên cánh
đồng thì nghe có tiếng hát: "Nắng trên khóm cây, xuân sáng
ngời..." Ðó là bài Nắng Xuân, một trong những bài hát vui
tươi nhẹ nhàng của Hoàng Qúy mà Hướng đạo thường ca.
Tôi ngạc nhiên sửng sốt, nhớ lại thời còn đi Hướng đạo
ở Bồng sơn bèn chăm chú nghe và tìm thử xem ai hát.
Tôi nhận ra người
đang hát là một thanh niên, nước da thì xanh bủng và bụng
thì to như cái trống, đang mệt nhọc đi trên bờ ruộng. Do
đâu mà anh ta thuộc bài hát này thì tôi không rõ, nhưng anh
ta đã hát bằng tất cả tâm hồn của mình. Âm thanh khào
khào và có chỗ lạc cả điệu, nhưng giọng ca thì thật là
tha thiết. Cha sở bảo là anh ta bị bệnh sốt rét kinh niên,
nay đã tới thời kỳ sưng lá lách, chắc cũng chẳng còn sống
được bao lâu. Tôi bỗng nhiên khám phá ra như là có một
cái gì rất nghịch lý về cuộc đời và cảm thấy buồn
xa xót. Người thanh niên kia lẽ ra phải được sống vì tuổi
đời anh ta vẫn còn dài, nhưng định mệnh thì lúc nào cũng
phũ phàng. Chỉ mai đây nữa thôi rồi anh ta cũng phải giã
từ cuộc đời này, cho dù ngày hôm nay anh ta vẫn còn thấy
nắng lên đẹp trên cánh đồng và cuộc đời là đáng yêu.
Suốt hơn nửa
năm rong chơi chẳng phải học hành đã quen thói, nay cầm lại
sách vở, tôi thấy mình chẳng còn chút hứng thú học hành
gì cả.Anh Ba có lẽ còn chán nản hơn tôi vì dù sao thì anh
cũng vẫn quen cuộc sống dễ chịu, được những người thân
yêu nuông chiều và đất Gò xoài không ít thì nhiều, cũng
là một nơi được coi như có một nếp sống tương đối
văn minh và cởi mở hơn, nay vào cái xứ khỉ ho cò gáy này
làm tên học trò không trường không lớp, sáng võ vẽ dăm
ba câu tiếng Pháp, chiều theo cha sở đi nhử chim cu hoặc câu
cá, cũng có khi còn phải theo cha sở lặn lội đến những
xóm đạo hẻo lánh xa xôi trong vùng để viếng thăm hay ban
phép lành cho kẻ liệt hay kẻ sắp qua đời, toàn là những
cảnh không buồn thì cũng thương tâm, nên nhiều lúc lại
tỏ ra bứt rứt không yên.
Thấy mình có
vẻ như sống lại thời kỳ ở Ðại an ngày trước, tôi bỗng
nhớ lại trò chơi Lỗ bình sơn cô độc, nên cũng định rủ
anh Ba chơi thử cái trò chơi ấy, nhưng anh Ba thì cũng giống
như em gái tôi, chỉ thích sống ồn ào có người khác đông
vui, còn tôi bây giờ cũng đã lớn, biết nhìn vào thực tế
nhiều hơn nên cũng kém đi cái nhìn phiêu lưu tưởng tượng,
do đó mà tôi cũng không bao giờ dám rủ anh ta cả. Thế là
bây giờ bên tôi đã có được một người bạn, nhưng người
bạn bây giờ cũng lại không phải để cùng tìm vui trong tưởng
tượng mà chỉ để truyền cho nhau cái bệnh nhớ nhà, mặc
dù tôi cũng chẳng biết đâu là nhà.
Ðược vài tháng,
chịu không nổi cảnh sống buồn nản của vùng này, và có
lẽ cũng sợ bị mang bệnh sốt rét, anh Ba xin về thăm nhà.
Vào thời bấy giờ ở Bình định ít có ai nằm ngủ có mùng.
Tối nào nhiều muỗi, người ta dùng rơm hay lá un lên khói
cho muỗi bay bớt trước khi đi ngủ. Mền gối cũng không cần
thiết, chỉ một manh chiếu, vừa trải vừa đắp cũng có
thể ngủ ngon giấc. Tôi cũng không muốn tiếp tục sống như
vậy để rồi một lúc nào đó thấy mình cũng giống như
người thanh niên đi trên bờ ruộng và hát hôm nào. Thế là
tôi lại theo anh ta trở về Gò Xoài. Bây giờ thì xứ Gò xoài
mặc nhiên như là quê hương của tôi, cho nên dù có đi đâu
rồi thì cuối cùng tôi cũng vẫn trở về đó.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment