CHÚT NGUỒN GỐC XA XÔI
Không biết tôi
bắt đầu có ý thức về hai tiếng quê hương từ tuổi nào,
và thoạt đầu tôi đã hiểu như thế nào là quê hương, nhưng
hình như tôi luôn luôn có cái cảm nghĩ quê hương chỉ là
một nơi chốn nào đó, đã lưu lại trong tâm hồn của mình
những dấu ấn sâu đậm, rồi mình lại phải cách xa để
cho mình nhớ, mình thương, hay là mình xa xót, chứ không phải
là nơi để cho mình sống cuộc đời của mình.
Thời tôi còn
niên thiếu, sống ở Bình định, nhiều người vẫn hay hỏi
tôi quê quán ở đâu. Tôi chẳng biết trả lời thế nào cho
xuôi vì tôi cũng không biết đâu mới là quê tôi thực sự.
Tôi chỉ biết chắc có một điều là tôi không sinh đẻ tại
Bình định, không nói giọng Bình định, cũng như tôi không
hề có một ai gọi là bà con ruột thịt ở tại xứ này cả.
Quê nội tôi đâu
mãi ngoài Bắc ninh nhưng chính cha tôi cũng không sinh trưởng
tại đó. Ngày xưa ông nội tôi vào làm việc tại Nghệ an
nên cha tôi sinh tại thành phố Vinh. Lớn lên người có ra
Hà nội học. Khi ra trường bắt đầu vào cuộc đời công
chức thì người cũng lại theo nhu cầu công vụ mà phải thuyên
chuyển khắp nơi.
Mẹ tôi người
Hà tĩnh nhưng lại sinh đẻ ở Huế. Người cũng theo ông ngoại
tôi sống ở nhiều nơi cho đến khi khôn lớn mới trở về
quê Hà tĩnh. Sau khi kết hôn, mẹ tôi theo cha tôi ra Thanh hóa.
Tôi sinh ra đời tại thành phố này. Từ khi sinh ra cho đến
năm lên sáu, tôi cũng đã theo cha mẹ sống qua tại mấy thành
phố từ Thanh hóa, Vinh rồi đến Huế. Trừ thời gian ở Huế,
tôi còn ghi nhớ được đôi chút, còn những nơi trước đó
tôi không biết gì cả. Năm lên sáu tuổi tôi lại theo cha
mẹ vào Bình định. Và tôi đã lớn lên tại miền đất này.
Thực ra cha tôi
chưa hề kể cho tôi nghe một tí gì về quê nội. Những điều
tôi biết được về cái nguồn gốc xa xôi của mình lại
do tôi gom góp từ những điều cha tôi kể với bạn bè của
người những lúc vui câu chuyện. Ông nội tôi có một dòng
con lớn ở Hà đông. Tôi không nghe cha tôi nói cho biết tôi
có bao nhiêu cô bác thuộc dòng này. Cha tôi là dòng sau. Bà
nội tôi gốc ở Phú yên. Tôi không nghe ai kể ông nội tôi
đã gặp bà ở đâu cũng như không được nghe ai nhắc nhở
về những bà con bên phía bà nội tôi cả. Tuy nhiên chính
bà nội tôi lại là kẻ luôn luôn sống bên cạnh ông nội
tôi cho đến cuối đời. Khi về hưu, ông tôi lập ra một
trang trại ở Nghệ an để dưỡng già, cất một căn nhà tại
thành phố Vinh và qua đời tại đây.
Cũng vẫn vào
những lúc vui câu chuyện, cha tôi có kể cho bạn bè của người
là ông nội tôi vốn nghiện rượu. Ngày cha tôi làm việc
ở Vinh, tôi mới lên ba tuổi. Vì chỉ có tôi là cháu nội
sống gần nên ông nội cưng tôi lắm. Có nhiều lần ông nội
tôi uống rượu, tôi cũng được ông đưa chung lên môi cho
nhắp thử. Tôi nhăn mặt. Ông lại tập cho tôi "khà" theo ông.
Từ đó về sau, hễ khi nào uống rượu có một mình, ông
tôi lại bắt bế tôi lại ngồi bên cạnh để ông cháu cùng
uống rượu. Ông nâng chung rượu nhắp một hơi, khà một
tiếng, và tôi khà theo ông, thật là tương đắc. Có điều
là lớn lên tôi chưa bao giờ nghiện rượu. Ông tôi mất vào
năm tôi còn quá nhỏ nên kỷ niệm này cũng đã theo ông tôi
mà trôi vào quá khứ chứ chưa ghi nổi vào trong ký ức còn
non nớt của tôi.
Bà nội tôi vừa
ham thích tổ tôm,vừa say mê đồng bóng. Mẹ tôi hình như
rất kỵ hai khoản này. Do đó mà sau khi ông nội tôi mất,
cha tôi đã xin đổi vào làm việc tại Huế. Bà nội tôi vẫn
sống ở Vinh với mấy cô tôi lấy chồng ở gần quanh. Bác
tôi lúc bấy giờ đang làm việc ở Nam vang. Còn chú tôi lại
làm việc ở Hà nội. Tôi không nhớ nổi là tôi đã gặp
chú và bác của tôi lần nào chưa vì tôi không bao giờ hình
dung được khuôn mặt của một ai. Sau cuộc Toàn quốc Khởi
nghĩa năm 45, cha tôi có được tin bà nội tôi qua đời. Chú
bác và cả cha tôi đều mỗi người một phương trời, không
ai về được cả. Sau đó thì chiến tranh xảy ra và chẳng
còn ai liên lạc được với ai nữa.
Tôi có về thăm
quê ngoại vài lần. Ngày ấy tôi còn nhỏ quá nên cũng chẳng
biết được bao nhiêu. Tôi chỉ nhớ lờ mờ có một giòng
sông và hình như trên giòng sông đó tôi được đi đò lần
đầu tiên trong đời. Ông ngoại tôi cũng đã một đời đi
làm việc nhiều nơi và chỉ đến tuổi nghỉ hưu mới trở
về quê cũ, cất lại ngôi nhà mới ở Phủ đức, và thỉnh
thoảng đi săn voi như là cái thú vui của mình. Mỗi lần ông
ngoại tôi đi săn, cả làng rủ nhau đem gióng gánh đi theo.
Khi hạ được voi, ông ngoại tôi chỉ cưa lấy cặp ngà. Nguyên
con voi còn lại, cả làng muốn chia nhau như thế nào thì chia.
Bà ngoại ruột
của tôi mất tại Huế khi mẹ tôi mới lên hai tuổi. Bà ngoại
kế của tôi người Phan rang, hình như người Minh hương. Ông
ngoại tôi đã gặp bà lúc đổi vào làm việc tại đây. Bà
ngoại kế không có con nên nuôi một người cháu gọi ông
ngoại tôi bằng bác ruột làm con. Ngày còn nhỏ tôi có gặp
cậu lúc tôi theo mẹ về thăm quê ngoại. Cậu nhìn tai tôi
và bảo rằng tôi sống lâu. Cậu lại bảo tôi xoè bàn tay
cho cậu xem tướng. Tôi xoè tay ra thì cậu nhổ ngay một bãi
nước miếng vào lòng bàn tay tôi và bảo: "Ðừng có bao giờ
ngu đưa tay cho đứa nào xem bói".
Sau đó tôi nghe
mẹ tôi nói cậu đã vô Sàigòn. Còn cậu ruột, anh của mẹ
tôi thì học ở Hà nội, ra trường lấy vợ Bắc, rồi được
đổi vào làm việc ở trong Nam từ lúc tôi chưa ra đời nên
tôi cũng chỉ nghe mẹ tôi kể chuyện chứ chưa biết cậu
mợ tôi bao giờ. Ngoài một số kỷ niệm về ông bà ngoại
mà tôi chỉ có thể nhớ lại một cách rời rạc và mơ hồ
ra, tôi hầu như cũng chẳng biết gì về cảnh vật và con
người của miền quê ngoại.
Mối liên hệ
giữa những người bên nội và những người bên ngoại của
tôi cũng rất hời hợt. Nếu xét theo quan niệm thời bấy
giờ thì cuộc hôn nhân giữa cha mẹ tôi vẫn là môn đăng
hộ đối. Cả hai bên nội ngoại đều làm quan, phẩm trật
ngang nhau. Ðiều khác nhau duy nhất là tôn giáo. Bên nội tôi
thờ kính tổ tiên. Bên ngoại tôi thờ phượng Thiên Chúa.
Ðối với người
Ky Tô hữu thời ấy, nếu một người con gái lấy chồng bên
lương mà không lôi cuốn được chồng theo đạo cũng cầm
bằng như bỏ đạo. Ðó là một điều không bao giờ gia đình
chấp thuận. Ðể vượt qua trở ngại đó, cha tôi đã trở
lại đạo để được ông ngoại tôi chấp nhận làm con rể.
Nhưng bên nội tôi lại xem như đã có một đứa con lỗi đạo
với tổ tiên. Quan niệm khắt khe của đạo công giáo đối
với việc thờ cúng ông bà vào thời đó là một trở ngại
rất to lớn đối với người lương muốn vào đạo, hoặc
tạo ra một hoàn cảnh khó xử cho người theo đạo mà gia
đình cha mẹ vẫn bên lương. Và đây cũng chính là cái điều
đã khiến cho mẹ tôi ít có dịp được vui vẻ gần gũi với
người thân yêu bên chồng của mình. Và cũng do tình cảm
lạnh nhạt này, tôi gần như có một mặc cảm đối với
bên nội. Cha mẹ tôi có đạo tất nhiên tôi cũng là người
bên đạo.
Nhìn vào hai gia
đình bên nội lẫn bên ngoại của tôi đều là sự kết hợp
của những người ở nhiều miền khác nhau, để rồi lại
tỏa ra khắp bốn chân trời góc biển, không sống cố định
ở một địa phương nào thật lâu bền nên cũng thực khó
mà gây cho tôi một ấn tượng rõ ràng về quê hương. Hình
như đâu tôi cũng có một chút xíu dính líu nhưng cũng không
có chỗ nào tôi thực sự gắn bó đời mình. Tôi cũng không
nói rặc giọng của một vùng nào trên đất nước này cả.
Và khi vào đến xứ Bình định này, nếu không vì thời cuộc
thay đổi đã cầm chân cha mẹ tôi lại, có lẽ vùng đất
này cũng chỉ là một thoáng dừng chân trong cuộc đời của
tôi và cũng không có gì lưu luyến nhiều.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment