MỘT CHÚT RONG CHƠI
Hồi ra dạy học,
do phụ trách môn Việt văn nên cha tôi cũng đã tìm mượn
được một số sách báo cũ để làm tài liệu. Có nguyên
cả một bộ báo Ngày Nay đã được đóng thành tập. Trước
đây cha tôi vẫn giới hạn tôi trong việc đọc các loại
sách báo người lớn. Nay thì tôi tha hồ đọc. Qua tập báo
Ngày Nay, tôi đã đọc được vô số tác phẩm của Tự Lực
Văn đoàn. Tôi để ý đến vài nhân vật trong một số tác
phẩm của Nhất Linh và của Hoàng Ðạo, và tự nhiên tôi
liên tưởng đến cha tôi.
Tuy không hiểu
sâu sắc vấn đề nhưng tôi cảm thấy cha tôi và mấy chú
có nhiều điểm giống với mấy nhân vật trong Ðôi bạn của
Nhất Linh, hay trong Con đường sáng của Hoàng Ðạo. Mấy nhân
vật trong các truyện này đều là những người hấp thụ
nền tây học, thương nước nhà lạc hậu, thương dân lành
cực khổ và bị áp bức, muốn đem cái sở học của mình
ra để phục vụ quốc gia dân tộc. Vốn mang nhiều thiện
chí, nhưng bản chất thiên về lãng mạn và giàu mơ mộng
nên các nhân vật này đã nhìn đời, nhìn xã hội qua lăng
kính tình cảm chủ quan và phiến diện của mình. Do đó có
người thì ra làm quan với ý hướng đem sự hiểu biết cũng
như đức độ của mình để mang lại công bình cho dân nghèo,
có người thì lại đi làm cách mạng theo kiểu hiệp sĩ đi
cứu đời, lao mình vào sương gió như một niềm vui.
Cha tôi cũng đã
từng từ bỏ cuộc sống an nhàn của một người công chức
thành phố để ra làm quan ở một vùng quê buồn tẻ vào thời
điểm gần cáo chung của một chế độ lỗi thời. Sau đó
người lại dấn thân vào cách mạng với mẫu người Hướng
đạo mang tâm hồn phóng khoáng, yêu công bằng và lẽ phải,
và muốn đem cái tinh thần đó ra gieo rắc an vui cho đời giữa
thời đại mà con người chỉ thích lao mình vào cơn mê của
những lý tưởng không tưởng.
Bản Hành khúc
của Liên đoàn Hướng đạo Tây Sơn Bình định do cha tôi đặt
lời cũng đã bộc lộ lên cái tinh thần hiệp sĩ lãng mạn này. Bài
hát có những câu như sau:
Lòng mang niềm hân hoan, bước chân rộn ràng vui sắc xuân
Cùng nhau ta bước mau, người trước người sau
Say sưa hương vị dãi dầu cuộc đời sương gió
Ta đi gieo mầm vui Hướng đạo ở khắp nơi...
Trong chiều hướng
xã hội đang bị gò ép đi vào con đường đấu tranh gây căm
thù giữa con người với con người mà cứ mang cái tinh thần
hào hiệp tự do phóng khoáng này ra thi thố thì chỉ mang lấy
thiệt vào thân. Ðiều này làm cho tôi cảm thấy cuộc sống
của mình có vẻ như lạc lõng và tương lai của mình cũng
chỉ là một cái gì đó rất bấp bênh và mơ hồ.
Ðọc báo
nhiều tôi bỗng nảy ra cái ý tập viết văn làm báo. Tôi
bèn rủ mấy người bạn trong xóm từng theo học lớp tư gia
của cha tôi làm một tờ báo tay, bắt chước theo các tờ
báo tay của học sinh nhà trường. Mấy người bạn, kể cả
vài ba anh lớn tuổi và học lớp trên tôi cũng đang buồn
vì cái nạn nghỉ học nửa chừng, nên khi nghe tôi đề xướng
làm báo để giúp nhau luyện văn cũng là một cách giải trí
bổ ích và tao nhã, liền hưởng ứng ngay. Dù sao thì tôi cũng
được tiếng đã từng đại diện cho trường nhà đi thi học
sinh giỏi toàn tỉnh và cũng đã chiếm được giải môn Văn
trong niên học vừa qua.
Chúng tôi đồng
ý với nhau là ai muốn viết gì thì viết, miễn có bài để
lên báo là được rồi. Nhưng qua đến phần đặt tên cho
tờ báo thì đúng là một cuộc bàn cãi sôi nổi. Người thì
muốn tên tờ báo phải nói lên một khát vọng nào đó, kẻ
thì thích chọn một cái tên thật hiền hòa thơ mộng. Càng
bàn thì càng đẻ ra lắm tên. Cuối cùng thì cũng đẻ ra được
một cái tên mà không còn ai đủ sức để mà phản đối,
đó là "Tập Báo", có nghĩa là tờ báo của những người
mới tập làm. Thế là tạm kết thúc được mục bàn cãi
để tiến tới việc thực hiện, nhưng cái tên thì tôi nghe
vẫn chói tai thế nào ấy.
Tờ báo ra số
đầu tiên. Sau khi chia nhau chép, vẽ và trình bày lên giấy
rồi đóng lại thành một tập dày bằng khuôn khổ quyển
vở học trò, chúng tôi chuyền tay nhau ngắm, còn đọc thì
chúng tôi đã đọc nhão ra rồi, từ lúc " báo chưa lên khuôn"
và " đang lên khuôn" nên cũng chẳng còn gì để đọc. Tuy
nhiên ai nấy đều vui thích thấy bài của mình "đăng" trong
tờ "Tập Báo" chẳng thua kém gì mấy nhà văn lúc mới bắt
đầu viết thấy sáng tác của mình được đăng lên báo Ngày
Nay.
Mặc dù chúng
tôi đã đồng ý với nhau là chỉ "phổ biến nội bộ", nhưng
không hiểu do đâu mà tờ báo cũng đã lọt tới tay mấy chú
bác, vượt ra ngoài khu vực họ Gò xoài và rồi đi xa tới
đâu thì cũng không còn ai biết được. Phấn khởi trước
thành quả của mình, chúng tôi bàn nhau ra tiếp số 2, nhưng
nhìn lại thì hình như cây bút nào cũng đã cạn ý văn, lại
nhằm lúc chính quyền có chủ trương cấm phổ biến và tàng
trữ các loại sách báo có khuynh hướng tự do hay tư sản
lãng mạn, chúng tôi cũng nhận thấy việc mình làm là điều
không hợp thời và có thể đưa tới những hậu quả không
hay, nên tờ báo cũng chỉ thực hiện có một số đó rồi
thôi.
Liên tiếp sau
đó thì trong gia tộc họ Trương cũng xảy ra vài chuyện buồn.
Bác Hai, cha của anh Ba, đau bệnh phổi đã lâu, nay cũng vừa
qua đời. Chú Năm cũng bỏ mất đứa con sinh nhằm lúc cha
tôi về sống tại ngôi nhà này nên chú đã chọn cha tôi làm
bõ đỡ đầu cho nó. Rồi tiếp đó là cô em gái của anh Ba,
người con gái mang chứng bệnh kinh niên cũng lên cơn bệnh
mà chết. Dù ngày ấy tôi chưa hề nghĩ đến một điều gì
xa xôi, nhưng cái ấn tượng bàng hoàng mà người con gái ấy
đã gây cho tôi lần đầu tiên khi tôi tới xứ này vẫn mãi
mãi là một cái dấu ấn trong tâm tưởng của tôi.
Từ khi bác Hai
qua đời, lại không có chỗ học hành khiến anh Ba không biết
làm gì cho qua ngày giờ nên vẫn hay đi thăm bà con của anh
ta ở khắp nơi trong tỉnh. Vì tôi cũng đang lông bông giống
anh ta nên anh hay rủ tôi cùng đi. Tôi đã theo anh ta về Hòa
mục, thuộc huyện Phù cát, quê ngoại của anh ta. Cậu Hai
tức là cậu của anh Ba thấy tôi mừng lắm. Tôi chưa biết
cậu Hai nhưng cậu Hai thì lại biết tôi từ những ngày tôi
còn bé ở huyện vì ngày ấy cậu cũng là chức sắc trong
làng nên có dịp biết cha tôi. Cậu kể cho tôi nghe những
chuyện về cha tôi mà tôi không biết, hay là có những chuyện
mà tôi đã quên khuấy từ lâu rồi.
Phong cảnh xứ
Hòa mục có vẻ buồn nhưng cũng có một cái thú đặc biệt.
Vì vùng này gần rừng núi lại có nhiều ruộng mía nên có
một loài chim vẫn thường kéo nhau về ngủ trong các đám
mía hằng đêm. Muốn bắt chim người ta phải quan sát trước
từ chiều xem đám mía nào có nhiều chim về ngủ. Ðợi đêm
tối, người ta giăng một cái lưới cao vượt đầu ngọn
mía ở cuối ruộng. Vài người khác lên đầu ruộng thả
một sợi dây thừng dài ngang ngọn mía rồi chia nhau đi dọc
theo hai bên bờ và kéo cho sợi dây lướt về cuối ruộng.
Sợi dây lướt trên ngọn mía tạo ra một âm thanh xào xạc
làm cho lũ chim đang ngủ bị giật mình choàng dậy, chuyền
theo cây mía tránh vùng tiếng động cho đến khi đụng vào
lưới. Người ta chỉ việc ập lưới xuống là tha hồ bắt.
Mỗi mẻ lưới có khi bắt được hàng trăm con.
Chim mía nhỏ như
chim se sẽ và đem chiên lên ăn rất ngon, nhưng khi nhìn những
con chim nhỏ đang còn vùng vẫy như muốn tung bay bị người
ta vặn cổ vặt lông, tự nhiên tôi lại thấy gần như bất
nhẫn, hết muốn ăn thịt chim. Người ta vẫn bảo: "Ðất
lành chim đậu." Nhìn những con chim bé nhỏ này nằm nghoẻo
cổ bất động, tôi bất giác nghĩ thầm: Có lẽ những con
chim này đã chọn nhầm đất lành.
Tôi cũng từng
theo anh Ba đi vào An nhơn, Tuy phước, đến xứ Vườn Vông,
hay xuống tận Gò Bồi, Gò Thị. Xứ Vườn Vông có loài chim
dồng dộc chuyên làm tổ bằng rơm sợi kết lại, có hình
dáng từa tựa quả bầu đeo lủng lẳng chi chít trên các cành
cây keo nên nhìn xa xa cứ tưởng như một loài cây lạ mang
trái. Không biết có phải vì thịt loài chim này ăn không
ngon hay tại người dân ở đây thừa lúa gạo nên cũng lắm
từ tâm, do đó mà chẳng có ai phá những tổ chim này cả
nên chim ở đây vẫn yên tâm làm tổ.
Vì là vùng đồng
ruộng, ít đất vườn, cho nên đường đi lại từ xóm này
qua xóm khác nhiều chỗ chỉ là bờ ruộng. Ruộng đồng tốt
lúa thì cũng tốt cho cả đỉa. Tôi không biết điều đó
nên lúc đầu còn mạnh dạn lội xuống ruộng mà đi ở những
nơi bờ bị lở cho đến một lần nọ, vừa bước qua khỏi
chỗ lội, tôi bỗng nhiên cảm giác như có cái gì nhơn nhớt
khác thường nơi ống chân bèn nhìn xuống thì nhận ra là
mấy chú đỉa đang đeo cứng ở đó.
Lần đầu tiên
trong đời tôi bị đỉa cắn và hiểu được thế nào là
dai như đỉa đói. Vừa sợ vừa lúng túng không biết làm
cách nào để gỡ mấy của nợ này đi thì được anh bạn
địa phương bảo tôi xòe bàn tay ra, nhổ vào một bãi nước
bọt, xoa lên mấy con đỉa rồi bốc quăng. Thật là nhẹ nhàng
giản dị. Thì ra đỉa tuy thích hút máu người nhưng lại
kỵ nước miếng của người. Phải có như thế chứ, nếu
không làm sao những người nông dân kia có thể thản nhiên
lội bì bõm dưới ruộng cả ngày được.
Cũng có lần tôi
theo anh Ba lên tận vùng Sông Cạn, An thái thuộc huyện Bình
khê. Ðây cũng là vùng đất nơi xưa kia anh em nhà Tây Sơn
dấy nghĩa. Nơi đây không xa đèo An khê là biên giới tỉnh
Bình định với miền Cao nguyên do Pháp chiếm nên đêm đêm
người ta có thể nghe thấy tiếng đại bác bắn cầm canh.
Bên kia đèo là vùng địch chiếm. Tôi đang sống ở vùng tự
do, nhưng cái tự do của tôi là phải biết dừng lại ở bên
đây nếu không muốn thấy mình bị du kích bắt trói dẫn
đi thủ tiêu.
Chính nhờ theo
anh Ba đi đó đây mà tôi có dịp biết thêm nhiều vùng khác
nhau của đất Bình định cùng những tập quán cá biệt nhỏ
của từng vùng. Có một điều là ở đâu thì họ cũng nhận
nhau qua tiếng " nẫu " nhưng không vì thế mà họ không hiếu
khách hay không thích những người không cùng chung một giọng
nói nếu như họ chưa bị con ma Hời ám ảnh để nhìn người
không giống họ là kẻ thù.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment