Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [17]

Ký sự Tùy bút

BIẾN CỐ DẬP DỒN

Niềm yên vui của gia đình tôi từ ngày dọn về ở xóm đạo này cũng chỉ kéo dài được khoảng hơn một năm. Vào một buổi sáng, lớp học trò tư gia của cha tôi đang sửa soạn bước vào buổi học như thường lệ thì một toán công an tỉnh và công an Liên khu phối hợp với nhiều toán du kích xã của các thôn lân cận đến bao vây ngôi nhà chúng tôi ở.
Viên trưởng đoàn gặp cha tôi, trình lệnh xét nhà rồi bảo mấy người công an khám xét đám học trò và đuổi tất cả ra về. Sau đó họ bắt đầu cuộc lục soát. Viên trưởng đoàn xem xét rất kỹ càng những giấy tờ thư từ của cha tôi, kéo dài cuộc lục soát cho đến chiều, và cuối cùng mời cha tôi đi theo họ. Theo như lời gửi gắm của cha tôi trước khi ra khỏi nhà, gia đình chú Năm lại tạm thời cưu mang anh em tôi. Ðám học trò cha tôi đợi vài ba tuần không thấy thầy về, người thì nghỉ học luôn, người thì lo tìm nơi học khác. Lớp học tư gia của cha tôi tự động giải tán.
 
Nghe tin cha tôi bị bắt, tôi không có chỗ học hành, chú Thụ bèn gọi tôi đi theo chú để chú dạy cho học. Cũng giống như cha tôi, từ ngày chính quyền ra lệnh đóng cửa các trường tư thục, chú mất chỗ dạy nên cũng đã quay ra mở lớp dạy tư gia. Vì đám học trò khá giả cũ của chú đều ở trong Bồng sơn nên chú phải mở lớp ở trong này. Tôi lại có dịp trở về Bồng sơn lần nữa, nhưng bây giờ thì không phải là về nhà mà chỉ là đi ở trọ.
 
Có lẽ chú Thụ đã bàn định với chú Chinh như thế nào đó để giúp đỡ tôi nên tôi đã được gửi cho ăn ở tại nhà cô Ba để đi học. Tôi đã gặp lại cô bé Nhi đồng cứu quốc thuộc dòng họ nhà vua, và một điều không ngờ là cô ta cũng được gia đình cho theo học chú Thụ cho nên một lần nữa tôi lại có dịp chung lớp với cô ta. Bẵng hơn hai năm không gặp, tôi chợt thấy cô bé bây giờ đã lớn nhiều và xinh đẹp ra. Cô ta cũng đã có một vài nét con gái chứ không còn lanh chanh như cô bé Nhi đồng cứu quốc ngày nào.
 
Do sống chung trong nhà tôi mới thấy cô bé cũng có nhiều cái đáng thương. Cha chết, mẹ tái giá, về ở với cha ghẻ, chắc cô bé cũng có những cái buồn. Cái tên dài lê thê chỉ là vang bóng của một chút vàng son ngắn ngủi. Ðiều này khiến cho tôi nửa sinh tình quyến luyến, nửa như cảm thấy e dè vì dù sao thì cha tôi cũng vừa mới bị bắt, còn tôi thì cũng đang ở trong một hoàn cảnh phức tạp.
 
Cha ghẻ cô ta là một người nhiệt tín theo chủ nghĩa Mác Lê. Không biết có phải vì sợ bị Ðảng phê bình và kiểm thảo hay sao đó mà tôi ở nhà ông ta được chừng một tháng thì thấy chú Chinh tìm tôi và bảo cho biết là tôi không thể tiếp tục ở nhà ông ta nữa. Chú Chinh và chú Thụ lại phải tạm thời gửi tôi ở trọ chung với một bạn học sinh khác. Chưa được bao lâu thì chú Thụ cũng bị bắt. Thế là tôi lại mất luôn chỗ học hành, đành phải quay trở về Gò xoài ở và cũng xa luôn cô bé từ đây.
 
Cũng vào khoảng thời gian này tôi thấy có một ông họa sĩ người Bắc, tên là Sung thường hay ghé lại Gò xoài. Tôi nghe mấy chú nói ông ta từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Hà nội và cũng từng nặn tượng Bác rất nổi tiếng. Nhiều người trong gia đình họ Trương cũng có vẻ mến ông ta lắm vì ông ta có tài và vui tính, nhưng tôi thấy ông ta có một điểm gì đó hơi khác lạ nên chính tôi lại thấy mình không thân thiện với ông ta nhiều.
 
Liên tiếp là những vụ bắt bớ khác xảy ra ở nhiều nơi mà hầu hết những người bị công an bắt đều thuộc các thành phần khá giả, trí thức, có uy tín trong các khối tôn giáo và nhất là những người có nhiều liên hệ mật thiết với cha tôi. Tại Gò xoài cũng có mấy chú vừa mới bị công an bắt. Trong lúc mọi người chưa hết hoang mang về những biến cố vừa xảy ra thì lại thấy ông họa sĩ Sung vẫn thản nhiên trở lại. Mọi người vẫn đối đãi ông ta bình thường. Chỉ có bác Ba bảo tôi ông ta là công an.
 
Trong những lần ghé chơi ở lại nhiều ngày, họa sĩ Sung đã vẽ mấy bức chân dung cho thím Năm, thím Bảy và ông ta cũng đã bỏ công nắn một bức tượng bán thân của bà cụ Trương thật sinh động. Ông ta lại còn dạy cho anh Hai con của bác Ba cách nắn tượng và làm khuôn đúc tượng. Anh Hai cũng có hoa tay về những công việc nắn nót nên đã học được nghề rất nhanh. Họa sĩ Sung bảo anh Hai thử đúc một số tượng Bác để bán cho các cơ quan và đoàn thể. Tượng nung xong để xếp đống nhưng chẳng thấy có cơ quan đoàn thể nào đến thỉnh nên anh Hai bèn xoay qua nặn tượng Chúa và tượng Ðức Mẹ để thờ, và nếu như có gia đình công giáo nào muốn xin chuộc, anh cũng vui vẻ nhận tiền cho người ta rước tượng đi.
 
Thấy anh Hai học được nghề nặn tượng, tôi cũng đùa đùa xin họa sĩ Sung cho làm đệ tử. Họa sĩ Sung nhìn cách tôi cầm cây cọ, có lẽ thấy tôi không có một chút năng khiếu nào về hội họa nên cũng cười cười bảo tôi nên học nghề thợ sơn. Tôi nhớ đến quả ớt xanh màu xanh và con zéro to tướng mà ông thầy giáo Quảng nam đã tặng cho tôi ngày nào nên cũng không lấy thế làm buồn, vì tôi cũng cảm thấy mình thật ra không lấy gì làm tha thiết với cái ngành nghệ thuật này lắm. Một lần nữa tôi lại nhận ra rằng những ước muốn của mình hình như không bao giờ ăn khớp với cuộc đời và xã hội này vẫn chưa bao giờ cho phép tôi tự do tưởng tượng theo những suy nghĩ riêng tư.
 
Không phải học hành và con dê nhà đang thiếu người chăn nên tôi bèn theo mấy đứa trẻ trong xóm lên cấm chăn dê. Những lúc thả cho dê ăn lá trên cấm, tôi lại có thể leo lên cao nhìn thấy biển. Từ sau ngày có mấy vụ những người muốn trốn vùngViệt minh theo ghe đánh cá để về thành bị đổ bể, người ở trên Gò xoài không còn dám xuống Kim bồng chơi tắm biển như trước vì sợ công an theo dõi. Ðối với tôi, biển bây giờ chính là niềm mơ ước một con tàu xuất hiện, mang tôi về một quê hương nào đó, để tôi có thể tìm lại tự do và bình thản cho tâm hồn. Nhưng bây giờ ngoài biển chỉ có tàu Tây mà tàu Tây là giặc, kẻ nào có hành động khả nghi liên lạc với Tây đều là Việt gian phản quốc, phải bị xử tử.
 
Mỗi lần chăn dê trên cấm, tôi lại tưởng tượng như mình là Tô Vũ nhưng thực ra tôi cũng không biết rõ điển tích Tô Vũ như thế nào ngoài cái điều ông ta cũng đã phải chăn dê, chẳng qua cái tên gọi nghe có vẻ gợi lên cho tôi ít nhiều cảm hứng. Tôi chợt nghĩ đến một Tô Vũ nhạc sĩ mà tôi vừa mới nghe tên. Tôi cũng không biết ông ta ở đâu, người như thế nào, nhưng bản nhạc Tạ Từ do ta ông sáng tác thì đang phổ biến và thường được mấy anh trong xóm đem ra đàn hát với nhau: "Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh, Gió dâng khúc nhạc thanh bình. Ta đi tìm em ...." Ðiệu nhạc thật êm đềm và tha thiết. Tôi chưa thực sự thấy mình xao xuyến nhớ một người con gái nào đó để lặn lội đi tìm khi dứt chiến tranh, nhưng ước mộng về một thoáng thanh bình cho quê hương trên vùng đất này thì lại đã tan thành mây khói.
 
Tôi cũng không bình thản chăn dê lâu. Ðến lượt chú Năm chủ nhà cũng bị công an bắt. Ðể có tiền đi thăm cha tôi đang bị giam cứu nên chiếc xe đạp cũ của cha tôi đã phải bán đi rồi. Lần này thím Năm bán nốt con dê vì nuôi nó chẳng lợi lộc gì mà thêm mất công chăn giữ. Sữa dê uống mãi cũng chán mà đem bán thì cũng chẳng ai mua vì người ta chỉ cần mua những món thiết thực như là gạo, mắm mà thôi. Những đồ đạc còn lại của cha tôi cũng được đem ra bán lần. Thật tình mà nói thì cũng chẳng có cái gì đáng giá. Người không biết, tưởng cha tôi trước đây làm quan chắc là lắm bạc nhiều vàng. Thật ra chẳng có gì cả. Người từng hiểu biết cha tôi thì lại ái ngại cho hoàn cảnh anh em tôi vì chút tiếng thanh liêm của cha tôi.
 
Không còn dê để chăn, tôi bắt chước theo đám trẻ đi lưới cá, đi thả câu, hay đi soi ếch, soi nôm, nhưng vì không quen tay và nhất là không có kinh nghiệm nên kết quả thu lượm được của tôi lúc nào cũng dưới mức khiêm tốn và là đề tài vui cười cho mọi người khiến cho tôi cũng không lấy gì làm ham thích, ngoại trừ những lần theo mấy anh lớn tham dự vào các trò vui như săn chồn hay đi tìm tổ ong vò vẽ để đốt tổ lấy nhộng ăn. Vì ong vò vẽ chích đau lắm nên người ta chỉ thực hiện việc đốt tổ vào buổi tối để ong không thấy đường bay ra chích người, tuy nhiên nhộng ong vò vẽ đem xào lên xúc với bánh tráng nướng là một món ăn ngon và lạ miệng nên lỡ có bị ong chích một hai phát cũng không lấy gì làm ân hận.
 
Vì cứ đi theo đám trẻ đủ thành phần trong xóm nên tôi cũng học được ít trò nghịch ngợm như bẻ trộm dừa, hái trộm mít, đào trộm khoai mì khoai lang luộc ăn với nhau. Nói cho đúng thì trong những trò phá phách này tôi chỉ là kẻ ăn theo, nhưng nếu như có lần nào khổ chủ la hét chạy theo đuổi bắt thì tôi lại hay làm con chiên đền tội vì trong những màn đào tẩu, tôi bao giờ cũng chậm chạp và lúng túng.
 
Có một lần anh Ba rủ tôi đi bứt dây lang về nuôi thỏ vì nhà anh Ba có nuôi một bầy thỏ mà thỏ thì lại rất khoái cái món lá khoai lang này. Khổ một cái là muốn có lá khoai thì chỉ có cách đi bứt trộm. Ðợi đêm tối, anh Ba dẫn tôi mỗi đứa xách theo một cái giỏ tre ra đám ruộng khoai ngoài bìa xóm men xuống bứt trộm. Chẳng may hôm ấy chui nhầm vào ruộng lạ, lại nhằm lúc chủ ruộng khoai là một du kích đi đâu lên xã về ngang qua nhìn thấy hai bóng đen lui cui dưới ruộng mình bèn tưởng có kẻ đào trộm khoai liền hô hoán đuổi bắt.
 
Nghe tiếng la hét và thấy bóng một người to lớn, tay huơi thanh mã tấu loang loáng dưới ánh trăng nhảy xuống ruộng chạy lại phía mình, anh Ba sợ quá quăng giỏ co giò phóng chạy như bay. Tôi mới nhổm dậy chạy được vài ba bước thì vấp phải cái mô đất ngã sóng soài trên bờ ruộng đành nằm chịu trận để cho khổ chủ nắm cổ dựng dậy. Ðược một cái là khi khổ chủ nhìn thấy trong giỏ chỉ lèo tèo mấy cọng rau lang và nhìn cái bộ mặt cứ như là thơ ngây vô tội của tôi khi cố giải thích là mình chỉ đi kiếm rau nuôi thỏ thì cũng nguôi giận, chỉ răn đe vài câu rồi bỏ qua và thả cho về.
 
Còn anh Ba đêm hôm ấy chạy thoát về được nhà, sợ bị người lớn rầy la nên cũng không dám kể lại cho ai nghe câu chuyện đi bứt dây lang trộm bị đuổi bắt, bỏ tôi kẹt lại sau, không biết đã ra sao, nên ở nhà cũng chẳng ai hay biết gì cả. Mãi đến sáng hôm sau gặp nhau cùng đi xem lễ ở nhà thờ, thấy tôi mặt mũi tay chân tất cả vẫn còn lành lặn, anh Ba mới đem câu chuyện đêm qua ra kể cho đám bạn trẻ trong xóm nghe. Nhờ cái thành tích mặc dù chẳng có gì gọi là vẻ vang đó, tôi đã dần dà được đám trẻ nơi đây mặc nhiên chấp nhận làm một con chim trong đàn, dù tiếng hót của tôi vẫn còn mang giọng khác lạ. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment