GIÓ MÙA BIỂN ÐỘNG
Từ ngày về sống
tại họ đạo này cha tôi cũng có nhiều hoạt động khác hơn việc dạy học. Người hay
gặp gỡ nhiều người từ xa xôi ghé lại, chuyện trò có vẻ quan trọng, và cũng có
khi cha tôi đi xa mấy ngày mới về. Tôi thường nghe nói đến những vấn đề chính
trị rắc rối, nhưng cũng như đã bao lần rồi, tôi không muốn bận tâm đến những
điều tôi không thích. Ðấu tranh bao giờ cũng mang tính chất sắt máu, mà tôi thì
chỉ muốn được sống yên lành với những ước mơ tưởng tượng rất hiền hòa.
Tình hình lại
biến chuyển. Tin loan ra quân Tưởng đã bị quét sạch khỏi Hoa lục mang lại niềm
lo âu cho những người không thích cộng sản. Tôi thấy mấy người Hoa kiều sơn lại
lá cờ thành màu đỏ có 5 ngôi sao vàng thay vào chỗ có nền xanh và ngôi sao trắng
12 cánh trước đây và thản nhiên làm ăn buôn bán như cũ. Nhưng người dân Việt thì
lại cảm thấy cuộc sống như càng ngày càng có vẻ thêm ngộp thở và kinh tế lại
càng có nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó thì Chính quyền lại càng hô hào toàn
dân hãy hy sinh và không ngớt đề cao Trung quốc vĩ đại, cũng như đang ra sức
tuyên truyền vận động cho một cuộc Tổng phản công trên mọi mặt. Chưa xong niên
học thì học sinh các lớp lớn bị động viên vào bộ đội. Rồi tiếp đó là tất cả các
trường trung học tư thục được lệnh phải đóng cửa.
Không còn
trường để dạy, cha tôi tạm xử dụng căn phòng khách nhà chú Năm làm lớp học tư
gia, dạy cho số con em trong họ đạo đang bị dở dang việc học. Cha tôi cũng không
muốn cho tôi đi xa để học trung học công lập nên một lần nữa tôi lại là học trò
của cha tôi ở tại nhà. Có điều lần này tôi không còn tự do học một mình mà có
lớp, có giờ giấc và có bạn cùng học. Nhưng không đi học trường,tôi cũng mất đi
một số bạn ở các nơi xa mà chỉ còn chơi loanh quanh với đám bạn bè trong xóm.
Anh Ba lúc này
học chung với tôi nên cũng bắt đầu làm thân với tôi. Từ khi chơi với anh Ba, dù
vẫn tiếp tục gọi nhau bằng chú, tôi lại có bạn để cùng nói về những ước mơ tưởng
tượng của mình. Nhưng anh ta có lẽ không thích tưởng tượng nhiều như tôi nên có
lúc tôi cũng rất bực mình về anh ta, vì anh ta lại hay đem những điều tôi mơ
tưởng đi kể lại cho người khác nghe để họ cười tôi. Tuy vậy, anh ta lại chơi đàn
măng cầm khá hay nên nhờ anh ta mà tôi cũng võ vẽ được vài ngón đàn.
Có một điều khá
đặc biệt là do trước đây có một thời có một vài nhạc sĩ cũng đã đến tá túc xóm
này và đã dạy cho đám trai trẻ đàn hát nên rất nhiều gia đình trong họ đạo này
có đàn trong nhà. Ngoài những cây đàn thông dụng như violon, mandoline, guitar
ra, còn có cả clarinette, accordeon, piano và một bộ trống nữa. Ðám trai trẻ hầu
như ai cũng biết chơi một hai loại nhạc cụ. Gom lại họ cũng làm thành một ban
nhạc và cũng đã từng được địa phương hay các xã lân cận mời tham dự mỗi khi có
tổ chức văn nghệ. Còn bình thường, tối tối, nhất là vào những đêm trăng sáng,
đám thanh thiếu niên trong xóm vẫn thường tụ họp đàn hát với nhau. Tiếng đàn hát
ngân vang đây đó trong cảnh thanh vắng của vùng quê yên tịnh dễ gây cho con
người những xúc cảm bồi hồi khó quên.
Cây cầu Bồng
sơn đã bị máy bay thả bom sập rồi. Trước đây Ủy ban Kháng chiến còn tiếc rẻ chưa
cho lệnh phá hoại thì nay địch cũng đã giúp ta mà phá hủy nốt để cho ta thêm
trường kỳ gian khổ. Giòng sông Lại với tiếng guồng xa nước cót két trong đêm đã
bị âm thanh của tiếng đàn tiếng hát vùng ven biển này xóa mờ. Tôi bắt đầu lưu
luyến những đêm trăng sáng ở miền biển. Nhưng hình như vẫn còn một chút gì đó để
tôi không bao giờ quên hẳn Bồng sơn. Ðôi khi nghe âm hưởng một bài hát cũ, chợt
nhớ lại một giọng hát đã trở thành xa xưa, tôi lại chạnh nghĩ đến ngọn đồi Thiết
đính để thấy mình vẫn luôn luôn mang tâm trạng của một người bị mất mát và không
bao giờ còn có được một niềm vui thật trọn vẹn.
Vào ngày giỗ
mẹ tôi năm ấy, cha tôi xin cố Minh làm một lễ mồ cho mẹ tôi. Sẵn có con dê con
của tôi cũng đã khá lớn, cha tôi liền chọn làm con vật hy sinh cho bữa tiệc mời
bà con có lòng xem lễ cầu nguyện cho người đã khuất. Bà con phụ thêm mỗi người
một tí và lo nấu nướng nên bữa tiệc cũng rất xôm tụ. Cố Minh cũng đến dự. Trong
bữa tiệc giỗ này còn có cả chú Cọp và mấy chú ở xa đến. Chú Cọp mang theo thanh
gươm Nhật mà chú bảo đó nguyên là thanh gươm tước được của một sĩ quan quân đội
Thiên hoàng. Chú đi khỏi nhà lúc nào tôi không hay nhưng còn để lại thanh gươm
Nhật và cái ống sáo trúc của chú.
Bẵng đi khá
lâu không thấy chú Cọp ghé lại, tôi nghe mấy chú ở đây nói chuyện mới biết là
chú Cọp đã cùng vài chú nữa trốn theo ghe đánh cá về thành.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment