XÓM ÐẠO VÙNG VEN BIỂN
Theo với đà chiến
thắng của Mao ở Trung quốc, tình hình chính trị ở những
vùng do Việt minh kiểm soát cũng bắt đầu có nhiều biến
chuyển quan trọng. Mọi sinh hoạt tự do vui vẻ trước đây
trong xã hội bị hạn chế dần và nhiều biện pháp kiểm
soát người dân được gia tăng. Phong trào Hướng đạo cũng
buộc phải ngưng hoạt động.
Riêng vấn đề biên chế trong
các cơ quan nhà nước đang gây lo ngại cho một số người
sẽ phải nghỉ việc thì hình như lại là một cơ hội tốt
cho cha tôi vì trước đây người đã nhiều lần xin nghỉ
công tác nhưng đều bị bác, nay lại được cơ quan chấp thuận. Một con chim trời đã bị xén cánh vẫn muốn tung bay
và một tâm hồn thơ ngây nhiều mơ ước tưởng tượng chưa
biết mình sắp sửa lạc bước vào một khu rừng gai góc của
cuộc đời.
Có lẽ cha tôi
cũng đã sắp đặt trước đâu vào đó cả rồi nên vừa
nghỉ việc là dọn nhà ra họ đạo Gò xoài, đến ngụ tại
nhà chú Năm. Trước ngày cha tôi đến cư ngụ tại họ đạo
này thì cũng đã từng có vài người thuộc giới trí thức
hay nghệ sĩ từ những phương trời xa lạ, vì hoàn cảnh tản
cư mà có lần phải dừng bước nơi đây, nhưng khi đã đi rồi
thì vẫn còn lưu lại ít nhiều dấu ấn. Bây giờ đến lượt
cha tôi cũng tìm về chốn này như một bến đậu sau những
tháng ngày lênh đênh. Cha tôi đi dạy học cho trường trung
học tư thục công giáo ở Gia Hựu. Trường mang tên Ðặng
đức Tuấn, vị linh mục có tư tưởng cải cách từ thời
nhà Nguyễn, lúc mà Tây hãy còn chưa cai trị đất nước này.
Em tôi trở lại với trường cũ, còn tôi bước vào năm đầu
tiên bậc trung học tại ngôi trường có cha tôi giảng dạy.
Cuộc sống lại có vẻ đi dần vào ổn định và tôi cũng
không còn nhớ Bồng sơn nhiều như trước.
Nhà chú Năm là
một trong hai căn biệt thự ở nơi đây. Mới xây cất xong
chưa kịp sơn phết thì Khởi nghĩa bùng lên làm gián đoạn
công trình cho nên cửa nẻo vẫn còn giữ nguyên màu gỗ. Chú
Năm dành cho cha tôi xử dụng căn nhà trên vì gia đình chú
thường chỉ sinh hoạt nơi dãy nhà ngang. Tôi đã sống ở
Gò xoài một dạo rồi nên lần trở lại này có cả cha con
cùng sống chung dưới một mái nhà, tôi không còn cảm thấy
mình là một con chim lạ cho dù trong khu rừng này cũng chỉ
có thuần một loài chim hót giọng Bình định.
Tôi bắt đầu
làm quen với bạn bè tại chỗ. Vì hầu hết người trong họ
đạo đều là bà con với nhau hoặc coi nhau như bà con nên
đều xưng hô với nhau như trong gia đình. Tôi cũng bắt chước
đám trẻ trong nhà mà gọi người này người kia bằng chú,
bác, cô, dượng, thím, dì..., tùy theo vai vế của họ đối
với đám bạn của tôi. Một vài anh chị lớn xưng qua với
tôi nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu nên không còn xưng qua
trở lại. Riêng có anh Ba con bác Hai lại gọi tôi bằng chú
nên tôi cũng không tí ngần ngại gọi lại anh ta bằng chú.
Một hôm chị
anh Ba nghe tôi và anh Ba đều gọi nhau bằng chú bèn cười
ngất rồi hỏi tôi chứ trong hai đứa thì đứa nào làm em.
Tôi vẫn không hiểu. Chị phải cắt nghĩa tiếp rằng chú
ở đây có nghĩa là chú em, tức là em. Thật là rắc rối
quá! Nhưng lần này tôi nhất định không từ bỏ tiếng chú
để gọi anh ta bằng anh mặc dù anh ta có lớn hơn tôi thật,
chỉ vì lẽ anh ta lại là anh ruột của cô gái bị bệnh kinh
phong mà đám trẻ thích chọc ghẹo vẫn chọn làm đối tượng
để cấp đôi cho tôi.
Riêng cha tôi từ
ngày nghỉ việc cơ quan về đây ở và đi dạy học, cuộc
sống cũng có phần thảnh thơi và dễ chịu hơn. Các chú ở
Bồng sơn xa nên ít tới nhưng bây giờ lại có mấy chú dạy
cùng trường hay ở trường trung học trong Tam quan cũng hay
ghé chơi. Trong số các chú tôi biết sau này, có chú Thụ là
người có nhiều nét đặc biệt nhất.
Chú Thụ hình
như cũng mến cha tôi lắm. Chú vui tính và thường có rất
nhiều truyện tếu để kể cho mọi người cùng cười với nhau. Có một lần tôi nghe chú bảo chú đã chọn nhầm cái
nghề "gô-đốt-trơ". Vì ngỡ rằng chú nói tiếng Pháp nên
khi nghe cái từ này có vẻ mới lạ quá tôi bèn giở từ điển
ra tra nghĩa. Tôi đã tra hết mấy quyển từ điển mà tôi
có thể tìm thấy, kể cả quyển từ điển Larousse của Pháp
vẫn không thấy chữ này nằm ở đâu cả. Lần sau gặp chú,
tôi đem điều thắc mắc của mình ra hỏi thì chú cười,
bảo tôi còn ngu lắm. Tôi loay hoay cả mấy tuần, cuối cùng
mới hiểu ra "godautre" chính là "gõ đầu trẻ", tức là nghề
dạy học, và tôi chợt ý thức được sự kém thông minh của
mình. Thì ra tôi đã quá giàu tưởng tượng để cao siêu hóa
quá nhiều cái trong cuộc đời, trong khi thực tại lại là
một cái gì rất đơn giản và tầm thường trước mắt nên
nhiều lúc cảm thấy mình như cứ bị chơi vơi trong cuộc sống.
Về sống ở đây
tôi cũng thường có dịp xuống cửa biển Kim bồng chơi. Bọn
trẻ như chúng tôi ngoài cái trò tắm biển, nghịch phá, còn
cái trò đi bắt còng gió cũng khá vui. Còng gió giống như
con cua nho nhỏ, vỏ màu trắng, thường đào hang trên bãi cát.
Chúng bò rất nhanh và hễ nghe động là chui ngay vào hang sâu.
Muốn bắt chúng người ta đợi ban đêm, hai người cầm một
cái lưới giăng ngang, rồi mỗi người nắm một đầu cùng
nhau chạy dọc theo bãi biển và kéo cho lưới là là trên mặt
cát. Còng đang yên tâm nhởn nhơ trên bãi cát, vừa nghe động
chưa kịp chạy về hang thì đã vướng vào lưới. Cái món
còng gió xào dầu dừa không biết có ngon thật tình không,
nhưng sau khi chạy qua chạy lại trên bãi cát đã nhiều thì
nhai con còng rau ráu trong miệng cũng thấy ngon lành lắm.
Dân vùng biển
ít khi ăn thịt vì cá bao giờ cũng nhiều và rẻ hơn thịt.
Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng có được món thịt vích. Ðúng
ra thì đây chẳng qua cũng chỉ là một món hải sản đặc
biệt mà thôi. Con vích gần giống con rùa nhưng to bằng cái
thúng lớn. Người ta không cần phải đánh bắt nó mà chỉ
khi nào gặp nó bò lên bờ để đẻ trứng vùi nơi bãi cát
thì vài ba người chạy lại lật ngửa nó lên. Vích không
còn bò đi đâu được nữa, chỉ còn nằm chờ người ta khiêng
về làm thịt. Hèn gì đám bạn trẻ miền biển nơi đây thấy
tôi thường hay vụng về lúng túng trong những trò nghịch
ngợm như trèo dừa, chèo ghe, bơi lội, vẫn thường hay gọi
tôi là "đồ cái thứ rùa lật ngửa."
Ðằng sau xóm
lại có một ngọn đồi mà người ở đây vẫn quen gọi là
cấm có rất nhiều cây bụi cho dê ăn lá nên trong xóm có
nhiều nhà nuôi dê. Mấy chú bày cho cha tôi cũng nên nuôi một
con dê để lấy sữa. Con dê mà chú Sáu nhượng lại cho cha
tôi đang mang thai sẵn nên chỉ tháng sau dê đẻ. Hằng ngày
chúng tôi lại có thêm món sữa dê " cây nhà lá vườn " trong
khẩu phần ẩm thực của mình. Tôi có được con dê con để
săn sóc chơi.
Cuộc đời có
vẻ cũng thanh bình và êm ấm nếu thỉnh thoảng không có máy
bay Pháp dội bom bắn phá mấy cây cầu xe lửa vẫn còn chưa
sập hẳn, hay là tiếng mõ báo động có tàu Tây đi qua ngoài
biển gần bờ. Cha tôi cũng có vẻ thích chốn này. Tôi đang
nghĩ đến một ngày nào đó, cha tôi lại cất một căn nhà
nơi đây, tôi lại sẽ tạo cho mình một góc thật riêng tư
để quên đi những mất mát trong đời. Nhớ lại buổi đầu
mới đến đây, tôi dè dặt lắm, nhưng sau một thời gian
sống và hội nhập, tôi cũng đã thay đổi và thấy mình cũng
có thể chấp nhận nơi này làm quê hương.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment