VẪN CHỈ LÀ TẠM BỢ
Ðược trở về
với khung trời quen thuộc, tôi vui thích trong lòng. Nhưng tôi
lại vừa mất đi một nguồn vui. Dựa vào chính sách cho hồi
cư của Chính phủ, bác Tâm đã xin được phép trở về sum
họp với bác gái đang ở trong vùng bị chiếm. Mấy đứa
con bác Tâm về Huế đã làm cho tôi thiếu mất bạn vui chơi.
Và cũng vì bác Tâm không còn ở Bồng sơn nữa, gia đình tôi
cũng bớt tới lui nhà ông bà Cả.
Tôi vẫn tự hỏi tại sao cha tôi lại không xin trở về thành phố như bác Tâm hay như một số cựu công chức thời Tây khác có phải sung sướng hơn là cứ sống mãi ở đất Bình định gian khổ này không. Từ ngày vào đây tôi chỉ nhìn thấy chiến tranh và cuộc sống thì càng ngày càng bi đát hơn.
Tôi vẫn tự hỏi tại sao cha tôi lại không xin trở về thành phố như bác Tâm hay như một số cựu công chức thời Tây khác có phải sung sướng hơn là cứ sống mãi ở đất Bình định gian khổ này không. Từ ngày vào đây tôi chỉ nhìn thấy chiến tranh và cuộc sống thì càng ngày càng bi đát hơn.
Về lại Bồng
sơn tôi cũng không đi học ở trường nữa mà hằng ngày cha
tôi ra cho tôi vài bài toán hoặc một bài luận văn gì đó.
Em tôi cũng được ra cho bài tập đọc và tập viết. Tôi
ở nhà tự lo học lấy và kèm cho em tôi học, tới bữa lại
qua nhà cô Tám ăn cơm. Mỗi chiều cha tôi về lại sửa bài
cho anh em tôi, dạy thêm cho một ít bài mới, để rồi qua
ngày hôm sau lại cứ tiếp tục như vậy.
Vì thì giờ rảnh
rỗi nhiều nên tôi hay lục lạo sách vở của cha tôi để
tìm xem có sách gì mình có thể đọc được nhưng ngoại trừ
mấy tờ báo Ðường của Hướng đạo, còn lại thì toàn
là sách nghiên cứu bằng tiếng Pháp tôi không đọc nổi.
Một hôm cũng do lục lạo sách vở, tôi khám phá ra quyển
nhật ký của cha tôi. Tôi lén đọc một cách say mê. Thì ra
cha tôi cũng đã có cảm tình với cô Thùy từ lâu nhưng vẫn
chỉ biết ôm ấp điều ấy cho riêng mình để rồi thổ lộ
vào trang nhật ký mà thôi. Tự nhiên tôi thấy thông cảm với
cha tôi hơn, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy mình như
mang thêm một mặc cảm tội lỗi nào đó đối với mẹ. Hình
như tôi đã có phần đồng lõa với cha tôi trong niềm lãng
quên mẹ, vì chẳng phải trước đây tôi cũng đã có những
lúc mơ tưởng được có cô Thùy làm mẹ của mình đó sao.
Kể từ ngày không
còn phải bận bịu về chuyện lo săn sóc mẹ tôi thì cha tôi
lại càng hăng say hoạt động theo chí hướng. Ngôi nhà sàn
bé nhỏ như là một trạm vãng lai của những người cùng
chung lý tưởng. Tôi có dịp biết thêm nhiều chú bác mới,
nhưng lúc này trong các lần gặp gỡ giữa cha tôi và các chú
bác, tôi thường nghe có những câu chuyện nói về những người
khác bằng những từ ngữ thật lạ tai như: "I tờ rít, bị
nhuộm đỏ, dinh tê, dân tạch tạch sè..." Các chú bác cũng
thường hay bàn luận về những chuyện chính trị gì đó mà
tôi không muốn bận tâm tìm hiểu. Tôi không thích chính trị.
Hình như chính trị lúc nào cũng là những chuyện giết chóc
và tàn bạo, chỉ mang lại cho tôi những điều không may.
Với niềm mơ
ước hiền hòa được sống yên lành dưới một mái nhà,
tôi bắt đầu gầy dựng cho mình một góc riêng bé nhỏ. Chú
Chinh tìm cho tôi một cái thùng gỗ nhỏ kê lên làm cái bàn,
bên dưới tôi ngăn thành như cái kệ để sách vở. Tôi sắp
lô Sách Hồng và quyển truyện Lỗ bình sơn ngay ngắn cho ra
vẻ tủ sách. Ðặt thêm một cái ghế xếp con con vào đấy,
thế là tôi đã có một vị trí tạm gọi là ổn định để
cho mình gắn bó và không còn mang cảm tưởng nơi đây cũng
chỉ là tạm bợ. Tôi bắt đầu lưu luyến với căn nhà sàn
bé nhỏ.
Nhưng căn nhà
sàn bé nhỏ thì hình như lại không tha thiết với tôi. Vì
được làm bằng tre lá sơ sài, lại chênh vênh trên mấy hàng
cột khẳng khiu lỏng lẻo nên căn nhà cũng thật là mong manh,
mới chưa đầy hai năm mà đã thấy lung lay trước gió. Ðể
củng cố cho căn nhà chịu đựng mùa mưa bão năm ấy, các
anh em Hướng đạo đã trổ tài tháo vát, đóng cọc chăng
dây níu chằng bốn phía giống như căng lều cắm trại. Nhưng
rồi vào một buổi sáng mưa bão cuối kỳ, có lẽ nhằm ngày
nghỉ nên có cha tôi ở nhà và có cả chú Phiên từ xa ghé
về chơi từ mấy hôm nay, cả hai đang cùng uống trà ngâm
thơ Ðường thì bỗng nghe một tiếng "rắc", rồi cả căn
nhà ụp xuống như một cái bẫy sập.
Qua cơn giật mình
ngơ ngác, tất cả mọi người hoàn hồn liền vạch tre lá
chui ra nhìn nhau cười. May mắn không một ai hề hấn gì cả.
Chỉ bị một phen hú vía và ướt lạnh mà thôi. Riêng tôi
lại thêm một lần nữa cảm thấy mình bị mất mát. Nhìn
đống tre lá ngổn ngang trong mưa bão, tôi liên tưởng đến
hình ảnh con tàu bị đắm của anh chàng Lỗ bình sơn và xin
đành giã từ cái thế giới bé nhỏ mà tôi vừa thiết tha
gầy dựng.
Cũng may là nhà
ông Biện chủ vườn cũng còn một gian bên cạnh bỏ trống
nên cha tôi tạm dọn về đấy. Các chú bác vẫn tới lui nhưng
tình hình thì lại đang có nhiều biến chuyển. Cha tôi hình
như cũng đang có những dự tính khác cho nên tôi không thấy
cha tôi tỏ vẻ gì muốn cất lại căn nhà khác thay thế cho
căn nhà đã sụp đổ.
Còn khoảng hai
tháng trước ngày tôi phải thi Tiểu học, cha tôi lại gửi
tôi ra Tam quan ở với chú Ðức để theo học trường Mính
viên, một trường tư thục mang tên bút hiệu của cụ Huỳnh,
nhà cách mạng lão thành từng giữ chức Bộ trưởng Nội
vụ trong chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Mới vài năm trước
tôi còn theo đoàn Hướng đạo ra đón cụ ở sân ga Bồng
sơn khi cụ ghé lại đây trong dịp cụ đi kinh lý các tỉnh
phía nam, nhưng liền sau đó tôi lại nghe nói cụ đã qua đời.
Những người sáng lập ngôi trường này muốn tưởng nhớ
cụ nên đã chọn bút hiệu của cụ đặt tên cho trường,
nhưng đối với đám học sinh nhỏ như chúng tôi thì hình
như cũng chẳng ai hiểu được cái ý nghĩa này mà người
lớn thì hầu như cũng không thấy ai dám công khai giải thích
ra cái điều ấy, mặc dù trước đây tôi cũng đã có nghe
cha tôi và các chú bàn tán rất nhiều về cái chết đột
ngột của cụ trong khi còn công cán ở tỉnh Quảng ngãi.
Chú Ðức cũng
là một huynh trưởng Hướng đạo và tuy làm giáo viên, chú
còn là chủ một xưởng vấn thuốc điếu ở đây. Nhà chú
nằm dưới phố trên con đường đi xuống cửa biển. Ðây
mới thật là khu phố cổ và chính của Tam quan. Vì người
Hoa ở khu vực này đông nên phố ngói vẫn còn nhiều, nhưng
tất cả đều theo lối kiến trúc cũ của Tàu, lại mang quá
nhiều nét sinh hoạt thương mại của người Hoa khiến cho
tôi không thích.
Dọc theo một
bên phố có những đầm nước mặn, nước triều lên xuống,
và trên các bãi cạn có những chiếc ghe bầu to lớn nằm
phơi mình bất động. Người ta bảo trước chiến tranh Tam
quan là một nơi phồn thịnh vì là chỗ cửa biển có ghe bầu
chuyên chở các sản phẩm về dừa của địa phương này đi
khắp nước. Bây giờ chính phủ cấm thông thương nên phố
xá cũng tiêu điều và những chiếc ghe bầu cũng chỉ đành
nằm yên một chỗ, giương đôi mắt thao láo nhìn đám cây
bần, cây đước mọc quanh bờ, tủa rễ ra bấu vào lòng đất
như những ngón tay bấu vào người mà quên đi một thời vượt
sóng gió, ra bắc vào nam.
Thị trấn Tam
quan đối với tôi có vẻ như một xứ sở của dân chệc.
Ngay cả ngôi mộ A Sầu, được coi là một kiến trúc thắng
cảnh nơi đây cũng là của người Hoa. Do đó mà suốt thời
gian sống ở thị trấn này, tôi luôn cảm thấy mình như đi
lạc qua Tàu. Cũng may là sau khi thi xong bằng Tiểu học cũng
là nghỉ hè, tôi lại được trở về Bồng sơn.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment