ÐỜI VẪN
CÓ NHIỀU CÁI NGẠC NHIÊN TÌNH CỜ
Thông thường cứ cách một chủ nhật cha tôi lại ra thăm anh em tôi một lần. Một chủ nhật, đợi mãi đã trưa trưa vẫn không thấy cha tôi ra thăm như đã hứa, tôi lén chú Năm, lặng lẽ một mình theo quốc lộ đi bộ gần hai chục cây số từ khoảng 9 giờ sáng cho đến chừng 3 giờ chiều thì về đến Bồng sơn. Tôi thấy cha tôi và mấy chú đang thả bộ trong
phố.
Nhìn thấy tôi xuất hiện một cách đột ngột, cha tôi ngạc nhiên không nói được gì cả. Thì ra không phải cha tôi thất hứa mà chỉ vì xe lửa hỏng nên không chạy. Còn mấy chú khi nghe tôi nói là tôi tự đi bộ về một mình, mấy chú đều lắc đầu không hiểu nổi. Tôi cũng cảm thấy người lớn ít chịu hiểu con nít. Riêng cha tôi có lẽ hiểu tôi hơn nên đã dẫn tôi vào ngay một cái quán cho ăn phở. Từ sáng giờ đi bộ nhiều nên quá đói, tôi cảm thấy chưa bao giờ ăn phở ngon như lần này.
Khi về nhà, sực nhớ lại con gà kháng chiến mà mấy tháng nay tôi phải bỏ bê, tôi liền đi tìm. Từ ngày tôi bắt đầu nuôi nó đến nay, gà cũng đã đẻ trứng và ấp nở thành con được mấy lứa rồi. Cứ mỗi lần gà con lớn thành gà giò, cha tôi lại bắt làm thịt đem hầm cho mẹ tôi tẩm bổ. Tôi thương đàn gà con của tôi lắm nhưng tôi cũng phải biết thương mẹ tôi hơn nên tôi đành phải quên gà. Vả lại tôi vẫn thường nghe cô Tám nói: "Còn gà mái thì còn gà giò". Tôi cũng tin như vậy. Trước khi tôi xa nhà ra Gò xoài đi học, con gà mẹ cũng vừa đẻ xong một lứa trứng và bắt đầu ấp, nhất định là bây giờ con gà của tôi phải dắt díu một bầy con. Thế mà sao bây giờ tôi tìm chẳng thấy nó đâu, cả chuồng ổ gì cũng không còn.
Tôi vội đi tìm cô Tám hỏi thăm thì mới hay là sau khi tôi đi học xa được mấy ngày thì có một ông thi sĩ kháng chiến đến tìm cha tôi nhưng không gặp ai ở nhà bèn ôm con gà mái và luôn cả ổ trứng đang ấp đi mất. Cô Tám có trông thấy ông thi sĩ kháng chiến ôm gà đi, nhưng tưởng ông ta là bạn cha tôi và được cha tôi cho gà nên đến bắt cho nên cô ta không hỏi han gì. Thế là con gà kháng chiến của tôi đã theo ông thi sĩ kháng chiến mà đi về đâu thì không còn ai biết được.
Hôm sau chú Cọp có việc ra Tam quan bằng xe đạp, cha tôi nhờ chú nhân tiện chở tôi trở lại Gò xoài. Mới ra tới Hội đức, xổ vừa hết dốc thì phải qua một hố chướng ngại vật, chú lạng lách một chiếc xe đạp thồ đi ngược chiều và không biết như thế nào mà tự nhiên tôi thấy mình như bay bổng lên rồi cả người lẫn xe rơi tòm xuống hố. Thấy tôi lồm cồm bò dậy, chỉ hơi sây sát nơi đầu gối và bên cùi chõ một tí, chú bình thản cười, dựng chiếc xe đạp lên, kéo tôi và xe ra khỏi hố, bẻ cái ghi đông bị vẹo cho ngay lại và đèo tôi đi tiếp. Ngồi lên xe tôi thầm nghĩ : Giả dụ ban nãy nếu lỡ như chú ngã đè lên tôi chắc là tôi xẹp lép rồi quá. Từ lúc đó, tôi luôn luôn run và nguyện thầm cho chú không lạng lách nữa.
Ra lại Gò xoài, đi học lại được vài ba hôm thì chợt có tàu Tây từ ngoài biển pháo vào. Trong lần Tây bắn phá này, một cô bé trong xóm và cũng là học sinh cùng lớp với tôi bị trúng mảnh pháo thiệt mạng. Tuy cô bé đã ngồi dưới hầm, nhưng vì hầm không có nắp nên khi đường bay của quả đạn hướng trúng thân cây dừa gần đó, đã khiến cho quả đạn phát nổ trên cao làm cho miểng bay đi xuống nên ghim trúng vào cô bé. Thì ra cái chết trong chiến tranh luôn luôn đau thương và xảy đến vào những lúc thật bất ngờ mà không ai có thể lường trước được số phận mình.
Dân đánh cá ở vùng ven biển vào thời kháng chiến có cái khổ là hễ có tàu Tây xuất hiện ngang qua ngoài khơi là phải lo cuốn lưới chèo ghe vô bờ. Nếu tàu Tây đi gần bờ thì mọi người phải chạy tản cư lên các vùng phía gần núi, chỉ trừ đám du kích ở lại nói là giữ làng. Vì Gò xoài cách xa bờ biển Kim bồng chỉ một cây số nên hồi năm ngoái cũng đã có một đợt Tây đổ bộ lên đốt phá vùng này một lần rồi. Những chiếc toa xe bị đốt cháy ở ga Tam quan và ga Chương hòa là những chứng tích còn đó. Lần ấy du kích không giết được tên lính Tây nào, còn lính Tây không bắn trúng du kích mà lại trúng một giáo viên ở trong thôn đang tìm đường chạy trốn và một nhân viên hỏa xa đang trên đường đi về nhà.
Chú Mùi vốn cũng là người nơi khác, làm cho ngành hỏa xa, có đạo công giáo và còn độc thân nên thường vẫn hay tìm về nơi gia đình họ
Trương này như một mái ấm cho những ngày dừng bước. Vì xe lửa chỉ chạy về đêm, còn ban ngày người ta tách rời đầu máy khỏi đoàn tàu và đem đi dấu trong đường hầm để tránh bom đạn cho nên mỗi sáng sớm sau chuyến tàu chót Bồng sơn- Tam quan, chú thường theo chiếc đầu máy rời ga Tam quan chạy ra đậu trong đường hầm Bình đê, để rồi lại đi bộ từ đó về Gò xoài. Hôm Tây đổ bộ chú lo theo tàu vào trốn trong đường hầm nên không biết lính Tây cũng đã theo bìa rừng tiến đến gần đèo. Lúc chú men theo đường sắt bước
ra, vừa tới cửa hầm thì lính Tây đã mai phục tại đó thấy có người từ trong hầm đi ra liền nổ súng. Chú gục ngay tại
chỗ, chưa kịp biết chuyện gì đã xảy đến cho mình.
Vì tàu Tây cứ liên tục xuất hiện ngoài bờ biển và bắn phá mấy ngày liền làm cho mọi người ở đây lo sợ sắp có cuộc Tây đổ bộ càn quét nên ai nấy đều chuẩn bị lo lánh
nạn. Người công giáo từ hồi nào đến giờ vẫn mang tiếng thân Tây cho nên để tránh bị chính quyền địa phương nghi ngờ theo dõi trong lúc tình hình đang căng
thẳng, chú Năm cũng vội vàng đưa vợ con về quê thím trong Phù cát ở
tạm, do đó mà anh em tôi lại được chú đưa về Bồng sơn trả lại cho cha tôi.
ĐOÀN
VĂN KHANH
No comments:
Post a Comment