Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [12]

Ký sự Tùy bút

CHUYẾN ÐI HỌC XA NHÀ

Hết mùa hè năm ấy, cha tôi đưa anh em tôi ra gửi ngoài xứ đạo Gia hựu để đi học. Cha tôi và có cả mấy chú cùng anh em tôi lên ga Bồng sơn đáp chuyến xe lửa sớm ra Tam quan. Ðất Tam quan nhiều dừa hơn Bồng sơn. Thấp thoáng trong các vườn dừa có những người đang dùng xa quay để bện dây dừa.
Phố xá dọc theo quốc lộ chỉ còn một ít cửa tiệm cất lại bằng tranh nên không có vẻ sầm uất như Bồng sơn, nhưng đây lại là một ga xe lửa chính vì có trạm để đầu máy và có rất nhiều toa xe đậu thành từng hàng dài trên mấy con đường sắt phụ. Có một số toa xe bị đốt cháy đâu hồi nào, chỉ còn trơ lại mấy bánh xe và khung xe bằng sắt. Lại còn có nhiều đầu máy và các toa xe hành khách loại sang được cất dấu trong một khu vườn dừa cao rậm rạp cũng đang bắt đầu rỉ sét vì không hề được dùng tới. Thời buổi kháng chiến, hành khách có phải chen chúc nhau trong mấy cái toa xe cũ kỹ, hay là mấy toa xe loại chở hàng, kể cả loại toa xe chỉ chuyên dùng để chở đất đá cũng xong, chẳng thấy ai than phiền gì, vì có xe đi vẫn còn hơn là cuốc bộ.
 
Sau khi xuống tàu ở ga Tam quan, chúng tôi lại phải cuốc bộ thêm 4 cây số theo quốc lộ chạy băng qua một cánh đồng nước mặn khô cháy để tới ga xép Chương hòa. Tại đây tôi cũng lại thấy cả một đoàn toa xe dài bị đốt cháy lâu rồi nay chỉ còn là những đống sắt rỉ khiến cho tôi càng thấy dấy lên một niềm tiếc rẽ. Chúng tôi rời quốc lộ, rẽ vào con đường đất phía tây để vào xóm Gò xoài trước khi lên Gia hựu.
 
Tuy gọi là Gò xoài, nhưng tôi nhìn mãi cũng chẳng thấy cây xoài nào cả, chỉ thấy toàn là dừa. Nhà cửa trong xóm đều khang trang sạch sẽ, đặc biệt là có hai ngôi biệt thự theo kiểu mới vẫn y nguyên, lại có giàn hoa vàng và hoa xác pháo đỏ lũ rũ phía trước nhà, trông rất đẹp mắt. Sau khi nhìn thấy quá nhiều cảnh hoang tàn đổ vỡ, nay đột nhiên nhìn thấy hai ngôi nhà kiểu biệt thự xinh xắn này vẫn bình yên phơi mình trong nắng, tôi tưởng chừng như đang thấy lại thủa thanh bình ngày trước.
 
Tôi theo cha tôi và mấy chú đi thăm hết nhà này đến nhà kia, nào là bác Hai, bác Ba, chú Năm, chú Sáu. Toàn là các chú bác tôi mới gặp lần đầu và có cái tên gọi đều là một con số nào đó. Hình như ai cũng là bạn cha tôi cả và mọi người cũng tỏ ra rất niềm nở với cha tôi. Riêng tôi thì còn bận tâm quan sát vì nơi đây có rất nhiều đứa trẻ trạc tuổi tôi hoặc hơn kém một đôi chút. Bọn chúng có vẻ khá tinh ranh và đang trố mắt nhìn tôi khiến cho tôi cũng đâm ra lúng túng. Ðám trẻ theo nhìn hình như cũng mỗi lúc một đông hơn, và có đứa nhìn tôi như thể muốn gây sự với tôi vậy.
 
Ðúng là tôi không tưởng tượng tí nào vì tự nhiên tôi thấy đám con trai bỗng cười ầm lên. Tôi còn ngơ ngác nhìn quanh, lúc giật mình quay lại thì thấy bên cạnh mình có một cô gái cùng trang tuổi đang đứng nhìn tôi cười cười. Tôi mở to mắt dò xét và chưa kịp có phản ứng gì thì cô gái bỗng nhiên ôm chầm lấy tôi, hôn lên má và nói: "Anh dễ thương quá." Tôi không biết mặt mũi tôi có dễ thương tí nào không, nhưng lúc bấy giờ thì tôi chỉ biết trợn to mắt, há hốc mồm, không thốt được tiếng nào. Ðiều vừa xảy ra ngoài sức tưởng tượng của tôi khiến tôi không còn biết làm gì hơn là xô cô bé ra và bỏ chạy lại chỗ cha tôi cùng các chú bác đang trò chuyện. Cô bé vẫn cười cười và lân la theo. Tôi suýt la hoảng thì vừa lúc có một người, có lẽ là cha cô bé, nhác trông thấy nên đã kịp rầy cô bé và cô bé lẳng lặng bỏ đi. Nhưng cũng từ lúc đó tôi không còn dám thơ thẩn một mình đi xa khỏi chỗ cha tôi và mấy chú nữa vì sợ lại gặp phải cái cô bé kỳ quặc.
 
Trưa hôm đó chú Năm mời khách ăn một bữa cơm thật ngon, toàn là những món hải sản của vùng này. Thím Năm và mấy cô thím khác đã trổ tài nội trợ, làm mấy món chả cá rựa hấp và chả cá rựa chiên thật khéo để đãi khách. Ngoài ra lại có cả mấy thứ mắm lạ như mắm ruột, mắm ngừ và mắm nhum. Nghe chú Năm bảo món mắm nhum rất qúy tôi bèn nếm thử nhưng lại thấy chẳng hợp với khẩu vị của mình tí nào. Ðến chiều thì cha tôi đưa anh em tôi lên Gia hựu, ở phía trên Gò xoài độ chừng một cây số. Em tôi được gửi cho ở với mấy bà phước già, còn tôi thì cho ở với cha sở để đi học.
 
Gia hựu là một xứ đạo khá lớn. Nhà thờ xây bằng gạch và lợp bằng ngói đá nham thạch màu xám xịt. Các kiến trúc phụ thuộc bằng gạch ngói vẫn còn nguyên vì cũng giống như ở Gò xoài, thuộc vùng nông thôn xa quốc lộ nên không bị ảnh hưởng của lệnh tiêu thổ kháng chiến. Trước nhà thờ có một cái lầu chuông biệt lập, có treo một cái chuông đồng lớn. Mỗi lần chuông rung , ở dưới Gò xoài vẫn còn nghe được. Ðiều gợi sự chú ý của tôi hơn cả là phía bên kia đường đối diện với khuôn viên nhà thờ là một kiến trúc bằng gạch và vôi khá to và cao, có hình thù giống như một ngôi mộ Tây, chung quanh có bờ tường thấp bao bọc. Tất cả đều đã rêu phong. Người ta gọi đó là mồ của các vị tử đạo dưới thời nhà Nguyễn. Lại một lần nữa tôi tự hỏi sao mà cái đất Bình định này lắm di tích buồn thảm thế.
 
Vốn lâu nay quen sống tự nhiên, có bạn bè thân thiết vui chơi, nay bỗng nhiên bị giam mình bên cạnh một vị linh mục ít cười nói, chỉ biết đọc kinh làm lễ, nghĩ đến Chúa và lo việc linh hồn, tôi đâm ra chán nản còn hơn cả những ngày sống với cha sở Ðại an. Còn em tôi vốn chưa xa nhà bao giờ, nay phải sống với mấy bà phước già mà cung cách ăn ở cũng hoàn toàn mới mẻ và xa lạ nên cứ khóc lóc nằng nặc đòi về. Chủ nhật tiếp theo cha tôi ra thăm thấy tình trạng không ổn, liền đưa anh em tôi về dưới Gò xoài gửi cho ở nhà chú Năm nhưng hằng ngày vẫn theo đám trẻ ở đây lên Gia hựu đi học như cũ.
 
Sống trong lòng xứ đạo nên đám trẻ như chúng tôi vẫn thường được các bậc phụ huynh nhắc nhở siêng năng đi nhà thờ đọc kinh xem lễ. Nhưng tin tưởng mình là con nhà đạo dòng, Chúa không nỡ phạt, nên đám trẻ vẫn thường thích đi lòng vòng ở hàng hiên vào những giờ xem lễ đọc kinh hơn là vào quỳ trong nhà thờ. Tôi cũng là đạo dòng, cho nên tôi cũng không ngần ngại tí nào khi tham gia vào cái đám lòng vòng này. Người Bình định phát âm chữ d và v như nhau, cho nên dòng hay vòng thì cũng một thứ.
 
Gò xoài chỉ là một họ đạo nhỏ nhưng nhà thờ cũng xây bằng gạch và lợp bằng ngói đá nham thạch giống như nhà thờ Gia hựu. Tuy không phải là nhà thờ xứ, nhưng nhờ có vị linh mục già về nghỉ hưu ở đây lo việc tế tự nên bổn đạo trong họ khỏi phải đi lễ xa. Mọi người trong họ đạo vẫn thường gọi ngài là cố Minh.
 
Cố Minh tuy già lắm rồi, đi phải chống gậy nhưng vẫn sốt sắng trong việc gìn giữ cho con chiên của mình được vào nước Thiên đàng. Ngài biết đám trẻ vẫn thích lòng vòng ở ngoài hiên nhà thờ nên trong giờ kinh tối ngài thường đứng rình sẵn nơi khuất nẻo. Hễ thấy có bóng người đi ngang qua là sẵn gậy trong tay, ngài cứ việc phang bừa. Ðám trẻ thấy có ngài phục kích sẵn, vội cắm cổ chạy vô nhà thờ ngoan ngoãn đọc kinh như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Có một lần tôi cũng đã được ngài ban cho một gậy đau điếng nên mỗi lần gặp ngài, tôi thường hay có thái độ "kính nhi viễn chi" hơn là gần gũi.
 
Dân số trong họ đạo hầu hết thuộc vào vài ba gia tộc lớn có liên hệ họ hàng với nhau, trong đó gia tộc họ Trương là đông đảo nhất. Gia tộc này trước chiến tranh vốn là thương gia lớn vùng Tam quan, đã từng buôn bán ra Bắc vào Nam nên cách sinh hoạt cũng mang một phong cách văn minh và mới mẻ hơn. Chú Năm thuộc gia tộc này. Người anh lớn của chú là bác Hai hiện cũng đang bị lao phổi. Bác Ba thì có vẻ xuề xòa, thích chọc ghẹo con nít nhưng cũng không đến nỗi làm cho con nít phải sợ hãi. Bề ngoài bác có vẻ như một người chẳng hề lo lắng một chuyện gì, lại hay uống rượu. Tuy nhiên tôi nghe nói lúc còn đi buôn bán ra vô Hà nội và Sài gòn, bác cũng đã có một thời rất hào hoa phong nhã.
 
Vì tất cả anh em trong gia tộc họ Trương đều sống lân cận nhau trong họ đạo nên những người trong đại gia đình này có một nếp sống rất đặc biệt. Con cháu trong gia đình tới nhà cô, nhà chú hay nhà bác thì cũng như nhà mình cho nên tới bữa cơm hễ mà gặp đâu cũng có thể ăn luôn tại đó. Vả lại bữa cơm nhà nào thì cũng giống nhau, chỉ có cá và cá tùy theo mùa và theo bữa lưới, và tất cả thường được kho lạt theo một kiểu giống như nhau. Hôm nào biển động, không có cá thì thức ăn nhà nào cũng lại chỉ quanh quẩn mấy món mắm mực kho, mắm mít, mắm thơm. Tuy mắm mít và mắm thơm là những thức ăn đạm bạc vì chỉ là mít chín hay thơm chín được phơi cho héo rồi đem ướp muối để dành ăn cơm vào những ngày mưa gió không chợ búa nhưng lại có vẻ thích hợp với khẩu vị của tôi hơn cái món cá hố hay cá nhám kho nghệ nên hôm nào phải ăn cái món cá này tôi lại ước cho trời nổi cơn mưa gió.
 
Cái ăn đặc biệt rồi, cái ngủ cũng vậy. Ðám trẻ chẳng cần giường chiếu riêng gì cả, cứ việc tới nhà này nhà kia chơi và lúc buồn ngủ thì thấy đâu có giường hay bộ ngựa trống là leo lên nằm ngủ. Những đêm mát trời hay có trăng, nhiều đứa còn rủ nhau trải chiếu ngoài hiên chuyện vãn rồi quay ra nằm ngủ luôn. Nếp sống thật là đơn giản, chẳng cần phải chăn màn gì cả. Vào lúc đầu hôm nếu có bị muỗi chích thì lấy tay đập, sau đó người thì ngủ quên và muỗi cũng bay đi mất nên cũng chẳng có gì để bận tâm.
 
Tuy sống trong gia đình chú Năm không bị gò bó như sống với cha sở ở Gia hựu, nhưng tôi lại phải đề phòng đám bạn tinh ranh mới mẻ này. Chúng hay chọc phá tôi vì tôi có những điểm khác với mọi người. Chúng lại hay có cái trò cấp đôi, cái trò mà lúc bấy giờ tôi cho là một sự xúc phạm rất to tát đến quyền tự do lựa chọn của người khác. Còn mỗi lần đi xem lễ, bên nam ai cũng mặc áo dài đen khi đến nhà thờ, chỉ có tôi là mặc sơ mi với cái quần soọc như một cái gai chọc vào mắt thiên hạ. Ðiều này đã khiến cho sự hội nhập ban đầu đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng không được vui mấy.
 
Lại còn cái cô bé đã từng làm tôi hoảng sợ hôm tôi mới đến nữa. Cũng may là những lần sau này tôi thấy cô bé cũng hiền lành như mọi người nên tôi cũng bớt e dè. Dần dà nhờ đám bạn mới quen nói ra tôi mới biết là cô bé hồi nhỏ có một lần bị bệnh gì đó rồi do chữa chạy không đúng cách nên bây giờ tâm thần không bình thường. Có lẽ vì lý do đó khiến cho cô bé không có bạn nên mới hay lân la làm quen với tôi, một tên ngố xa lạ. Trông cô bé cũng xinh xinh khiến cho tôi tự nhiên đâm ra thương hại và có ý nghĩ là hình như cái gì tôi gặp ở cái xứ Bình định này cũng không được vẹn toàn. Tôi lại thấy nhớ Bồng sơn, nhớ căn nhà sàn ọp ẹp, dù chưa được như ý, nhưng cũng là căn nhà riêng tư của cha mẹ mình, nhớ bạn bè đã trở thành thân thiết, và nhất là nhớ những thói quen tôi đã có trong cuộc sống trước đây. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment