Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Tuesday, February 5, 2013

TÌM MỘT QUÊ HƯƠNG [11]

Ký sự Tùy bút

BẮT ÐẦU NẾP SỐNG MỚI

Sau khi mẹ tôi đã qua đời, cha tôi không còn thuê người giúp việc nhà nên nếp sống trong gia đình cũng có nhiều thay đổi. Hằng ngày cha tôi đi làm, ăn cơm ở tại cơ quan . Anh em tôi được gửi ăn uống bên nhà cô Tám hàng xóm. Ngày nghỉ cha tôi đưa chúng tôi đi lễ, ra phố chơi và ăn cơm tiệm. Ðôi khi có đông bạn bè của cha tôi ghé chơi, nhất là những hôm có mấy chú trong Hướng đạo, thì thay vì ăn cơm tiệm, mấy chú lại rủ nhau đi chợ về nấu nướng lấy, và tất cả đều lấy làm thích thú xem như một trò cắm trại tại chỗ.
 
Nhà cô Tám cũng nằm chung trong khu vườn rộng này và gần với căn nhà sàn của cha tôi. Cô ta là em của ông biện Sáu, lớn tuổi nhưng vẫn còn độc thân. Cô có người em trai đi tu đã lên tới chức thầy bốn, nhưng vì chiến tranh, địa phận Quy nhơn không có giám mục nên thầy vẫn chưa được thụ phong linh mục. Thầy Bốn vui tính và trong những lần về nghỉ ở nhà cô Tám, thầy thường hay kể cho tôi nghe những ý tưởng hay đẹp mà thầy gọi là "hoa thơm cỏ lạ trong rừng văn" do thầy đã góp nhặt được trong lúc đọc sách. Thầy Bốn có vẻ thương anh em tôi, lại hay kể cho tôi nghe những chuyện lạ về những miền xa xôi trên trái đất nên tôi cũng có phần qúy mến và khâm phục thầy. Trái lại cô Tám lúc nào cũng có vẻ như khắc khổ, lại hay cho tôi ăn mãi cái món mít non trong vườn thành thử tôi cũng hơi ngán.
 
Vào mùa mít, để dưỡng cho những trái mít khác lớn, người dân ở đây thường trảy bớt mấy quả mít èo uột đem về ăn non. Loại mít non này có thể đem xắt mỏng làm rau sống, hoặc đem nấu canh, hoặc đem luộc chín rồi trộn thêm ít lá tía tô, một chút đậu phộng rang đâm nhỏ để làm thành món gỏi mít. Chỉ có món mít chín nấu với bí đỏ và nước cốt dừa, người ta thường gọi là món đồ chay, vừa béo vừa ngọt, rất hợp với khẩu vị của tôi thì cô ta không chịu nấu. Lúc gia đình tôi còn ở nhà thuê gần phố, ông chủ nhà là người theo đạo Phật nên vẫn hay nấu đồ chay để cúng và cho tôi ăn cái món này nên tôi còn nhớ hoài.
 
Thấy mẹ tôi đã mất, còn cha tôi thì "gà trống nuôi con" theo kiểu "đời sống mới" rất đặc biệt này, có nhiều người đã sốt sắng mai mối cho cha tôi vài cô Bình định lớn tuổi nhưng vẫn còn ưa kén chọn. Tôi thì lúc nào cũng thích có người mà tôi có thể gọi bằng mẹ chứ không phải bằng dì ghẻ. Còn cha tôi không biết có phải vì thuộc môn phái không biết võ nên đâm ra nể sợ con cháu của Bùi thị Xuân hay không mà lúc nào nghe nói đến các cô ấy, tôi cũng chỉ thấy cha tôi cười cười chứ không bao giờ tỏ ý gì cả. Mấy chú khác vui tính hơn thì khi nghe chuyện này lại hay đùa đùa đọc cho tôi nghe câu ca dao sau:

Ai về Bình định mà coi
Con gái Bình định cầm roi rược chồng.

Ðúng ra thì vế dưới của câu ca dao trên là "múa roi đi quyền" nhưng mấy chú trẻ trung vẫn thường vui vẻ đọc trại ra thành "cầm roi rược chồng" cho nên lúc mới đầu tôi cũng tưởng thật như vậy. Tuy tôi chưa thấy ông chồng nào bị gái Bình định cầm roi rược chạy, nhưng cái chuyện nể nang vợ nhà thì chắc hẳn không làm sao tránh khỏi.

Thật tình mà nói thì dù sao tôi thấy mấy cô Bình định này cũng hay ăn nói bộc trực, lại ít thấy ai có những cử chỉ tinh tế khiến cho tôi cũng chưa thấy mình cảm mến cô nào khác như tôi đã cảm mến cô Thùy. Chính vì thế mà những lúc được ra ở chơi nhà ông bà Cả ngoài phố là tôi cảm thấy như được về nội. Ra đây chúng tôi vừa có bạn vui vẻ, vừa được ăn ngon vì nhà ông bà Cả hay cúng kiếng. Nhưng ăn đồ cúng kiếng hoài có phải đã phạm tội làm mất lòng Chúa như cô Tám vẫn thường răn tôi không cũng là điều làm cho tôi phân vân không ít. Tuy nhiên vì thấy bác Tâm và cha tôi thản nhiên ăn đồ cúng tất nhiên tôi cũng ăn được.
 
Cha tôi rất thích uống trà. Vì chú Ðặng cũng tham gia Hướng đạo nhưng chú lại là chủ của một xưởng chế biến trà nên cha tôi lúc nào cũng được uống trà ngon. Kể ra cái tên Mai Hạc, hiệu trà của chú, cho thấy chú cũng là người có tâm hồn, nhưng cái tên đó nghe có vẻ lạc lõng giữa rừng tên đang thông dụng vào thời buổi ấy như: Chiến thắng, Công Nông Binh, Ðại đồng, Sao vàng, Lao động v.v... vì nó gợi lên cho người nghe cái cảm tưởng về một sự thanh nhàn trong khi cuộc sống thì đang lao vào đấu tranh gian khổ.
 
Thường vào buổi tối, mấy chú ở gần hay đến cha tôi chơi, nói chuyện và cùng uống trà. Mấy chú hay gọi đùa đó là những buổi "trà đạo". Có chú lại mang bánh đậu xanh hay kẹo đậu phộng tới. Tôi chưa thấy ghiền trà như cha tôi, nhưng tôi đã ghiền rất nặng hai món bánh đậu xanh và kẹo đậu phộng. Nghe các chú bảo chỉ có những kẻ phàm phu tục tử mới ham ăn uống, tôi tự nhiên thấy mình không được thanh cao cho lắm.
 
Trong các chú huynh trưởng Hướng đạo, có chú Cọp là gần gũi cha tôi thường xuyên nhất. Lúc bấy giờ tôi vẫn có thói quen không gọi các chú trong Hướng đạo bằng tên thật mà chỉ gọi theo tên rừng. Chú có vóc dáng của một lực sĩ, thích quyền Anh và thích cả thổi sáo. Về môn quyền Anh thì chú đã từng đấm ngã bao nhiêu người tôi không rõ, riêng về môn thổi sáo, chú chỉ thổi đi thổi lại mỗi một bài Con thuyền không bến của Ðặng thế Phong.
 
Thực tình mà nói, tôi chưa bao giờ thấy mình xúc động khi nghe chú thổi sáo. Tuy nhiên chú lại rất có tài trong việc khoét ống sáo. Chú đã tự làm cho mình một cái ống sáo rất đẹp và dùng lá chuối khô đánh mãi cho đến khi ống trúc lên nước bóng láng. Trên mặt ống trúc, chú tỉ mỉ khắc mấy hình hoa văn và mấy câu thơ chữ Hán. Chú lại dùng tơ có màu xanh lá, vàng và đỏ, màu biểu tượng của Hướng đạo, bện thành một cái tua đeo lủng lẳng ở cuối ống nên trông cái ống sáo của chú lại càng giống như cái ống sáo của các tiên đồng ngọc nữ trong mấy bức tranh truyện cổ Tàu. Chú cũng làm riêng cho tôi một cái ống sáo, nhưng từ ngày mẹ tôi bệnh, cha tôi không cho tôi chơi bất cứ loại nhạc khí thổi nào cả, nên ống sáo của chú cho, tôi cũng chỉ để dành làm kỷ niệm mà thôi.
 
Chú Cọp rất thương anh em tôi vì chú cũng có mấy đứa con bằng cỡ anh em tôi đang sống ngoài Khu 4. Mỗi lần phải đi bộ qua những chỗ khó đi mà có chú cùng đi, anh em tôi lại được chú cõng. Tôi thấy chú cõng tôi cũng tương tự như tôi cõng trái banh. Tôi nghe chú Anh (người hay đi chung với chú Cọp) nói chú Cọp từng ở trong ban ám sát của Quốc Dân Ðảng, đang hoạt động ở Hà nội thì bị Việt minh bắt cóc đưa vào Liên khu 5 để điều tra. Tôi không tin như vậy vì tôi thấy chú chẳng có cái vẻ gì là một con người thích cầm súng bắn người. Mãi sau này lớn lên tôi mới biết chú vốn là một trong những Ðại biểu Quốc hội đại diện cho phe Quốc Dân đảng. Chú bị bắt vào đêm hôm Công an Việt minh tấn công trụ sở Quốc Dân Ðảng ở phố Ôn Như Hầu Hà nội. Vì lý do nào chú được thả ra thì tôi không biết, nhưng hiện tại thì chú đang là công an nhưng lại có một chú công an khác vẫn thường hay đi kèm với chú. Cha tôi bảo chú kia mới là công an thật, còn chú Cọp chỉ là công an cà nhỏng. Quả là người lớn cũng hay bày đặt ra nhiều thứ rắc rối.
 
Lúc này cha tôi cũng hoạt động cả bên phong trào Công giáo tiến hành nên thường có chú Tiến ghé thăm vì chú cũng đang làm trong phong trào. Chú biết chơi vĩ cầm và thích nhạc Văn Cao, nhất là bản Thiên thai, coi như đây là một tuyệt tác trên đời. Chú không nói giọng Bình định và tôi nghe người ta bảo chú là em của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Nhà thơ Hàn Mặc tử mắc phải bệnh phong cùi và đã qua đời tại nhà thương Quy hòa. Thì ra Hàn Mặc Tử cũng là người từ một phương trời xa lạ, nhưng đã sống, đã làm thơ và chết đi trên mảnh đất này. Làng Quy hòa, thế giới dành riêng cho những người mắc bệnh phong cùi, nằm gần thành phố Quy nhơn, qua khỏi Gành Ráng về hướng nam. Không ngờ cái thành phố biển Quy nhơn êm đềm tôi đã từng mơ ước dừng chân ngày nào cũng lại mang bên mình một vết thương đau của kiếp người mà lâu nay tôi không hề biết.
 
Tôi không nghe chú Tiến ngâm thơ Hàn Mặc Tử bao giờ, và hình như chú cũng không hề biết làm thơ. Tuy nhiên có mấy chú chưa lập gia đình hay vì hoàn cảnh chiến tranh khiến cho phải độc thân tại chỗ thì lại hay khen thơ Hàn Mặc Tử. Tôi lúc bấy giờ chưa biết yêu thơ và hiểu thơ, nhưng nghe mấy chú ngâm đi ngâm lại tôi cũng thuộc được hai câu mà các chú bảo là thơ của Hàn Mặc Tử:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

Không biết nhà thơ đã nhìn thấy "đám xuân xanh ấy" ở nơi nào trên đất Bình định này, còn chuyện thấy có người "bỏ cuộc chơi" thì không phải chỉ riêng có nhà thơ mới tiếc nuối mà cả mấy chú tôi quen biết ở đây hình như cũng đang nuối tiếc cho một kẻ nào đó mà các chú đang nhìn ngắm, có lẽ sẽ "bỏ cuộc chơi", khiến cho tôi tuy không hiểu gì nhưng cũng cảm thấy mình nao nao. Tôi bắt đầu để ý đến thơ từ đó.

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment