Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 6, 2013

Tìm Một Niềm Tin [35]

Ký sự Tùy bút 

35.- KHÔNG CÒN SỰ LỰA CHỌN NÀO KHÁC 

Mấy năm nay, bạn bè tôi ngoài số còn đi học và đủ điều kiện hoãn dịch thì vẫn còn chạy long nhong, còn đa số chỉ xong Tú Tài rồi ra đi làm hay có vào Ðại học mà không được lên lớp hàng năm thì cũng đã lần lượt bị động viên vào Thủ Ðức cả rồi. Ngay cả anh Ba cũng đã phải nếm mùi nhà binh từ hồi năm ngoái. Vốn nhát chuyện súng đạn nên những ngày còn thụ huấn ở Thủ Ðức, mỗi lần đi phép cuối tuần về Sài gòn gặp tôi anh cứ than không biết liệu gia đình có lo chạy chọt cho mình khỏi đi chiến đấu được không.
Ðến chừng cuối giai đoạn I, sau khi nghe công bố kết quả đi ngành, thấy mình được về binh chủng pháo binh, tuy không hài lòng lắm, nhưng anh cũng tự an ủi là dù sao thì ôm súng đại bác vẫn khó chết hơn ôm súng nhỏ tức là bị đưa ra bộ binh. Qua giai đoạn II, anh ta phải ra Dục Mỹ để học ngành rồi sau đó được phân bổ về phục vụ trong một đơn vị Pháo binh đóng ở Qui nhơn nên tôi cũng không có dịp gặp lại để hỏi thăm lại xem thử tai anh ta đã bị ù chưa. 

Phần tôi nhờ giấy tờ tạm hoãn dịch cho niên khóa trước còn hiệu lực cho đến cuối năm dương lịch nên mấy tháng đầu của niên học mới sau khi tôi đã hoàn tất bằng Cử nhân, tôi cũng còn thong dong đi dạy tạm vài giờ hay ra Văn Khoa học chơi chơi thêm đôi chút môn mình thích, nhưng bắt đầu qua tháng giêng là mỗi khi ra đường, tôi đã thấy cần phải để ý tránh đi ngang qua các điểm có toán kiểm soát hỗn hợp gồm cảnh sát và quân cảnh đóng rải ở các bến xe, ngả đường để chận hỏi và xét giấy tờ những thanh niên còn thuộc trong lứa tuổi quân dịch mà bộ tịch có vẻ khả nghi. Hễ anh chàng nào không có đầy đủ giấy tờ hợp lệ là lập tức bị giữ lại để giải về Quân vụ Thị trấn và sau đó là đưa vào Trung tâm 3 nhập ngũ. 

Một sự ngẫu nhiên nữa đến với tôi vào lúc này là chiếc mobylette của ông tôi mà cậu Ðôn đã cho phép tôi lấy xử dụng từ khi ông tôi qua đời, vừa rồi một hôm cậu Viện bảo cho cậu mượn đi có việc một bữa nên tôi giao xe cho cậu rồi ra đi xe buýt. Ðến chiều về thấy cậu Viện có nhà mà xe thì không có, tôi mới hỏi thì cậu trả lời một cách lảng lảng là lúc sáng cậu ra Sài gòn dựng xe trước cửa tiệm ghé uống ly cà phê, lúc quay ra thì xe đã bị kẻ cắp lấy mất rồi. Tôi không hẳn tin lời cậu nói, nhưng vì xe đó cũng không hẳn là xe riêng của tôi nên cũng không kỳ kèo làm chi. Thôi thì lại tiếp tục đi xe buýt vậy, càng đỡ lo bị mấy toán tuần tiễu xét hỏi vì họ thường chỉ chú trọng đám người đi xe gắn máy nhiều hơn. 

Sau Tết, lệnh trình diện nhập ngũ khóa 22 Thủ đức được ban hành và mỗi ngày báo chí lại đăng tải danh sách những người bị gọi nhập ngũ cũng như tên những thanh niên này cũng được phổ biến trên đài phát thanh. Theo nguyên tắc người nào được gọi trình diện đều nhận được một tờ lệnh gọi cá nhân gửi đến tận nhà để đương sự ký nhận hẳn hoi nên tôi cũng không để ý dò tên mình trên báo chí hay nghe gọi tên trên đài phát thanh, do đó khi khóa 22 đã khai giảng rồi tôi vẫn còn thản nhiên ở nhà. 

Thấy sự kiểm soát càng ngày càng gắt gao mà tình trạng mình thì cứ mù mờ không tính được việc gì cả nên tôi bèn tìm đến phòng Ðộng viên bộ Quốc phòng để hỏi thăm cách thức phải làm. Khi viên sĩ quan phụ trách lục hồ sơ ra xem thì mới lòi ra là tôi đã có lệnh gọi nhập ngũ vào khoá 22 Thủ Ðức từ hồi đầu năm mà sao lại không trình diện, bây giờ còn vác mặt đến đây. Ông ta còn cho biết thêm là tên tôi hiện đã được chuyển qua phòng phụ trách làm lệnh tập nã. 

Cái này mới thật là rắc rối vì quả tình tôi không hề có ý trốn trình diện mà chỉ vì lâu nay tôi không nhận được lệnh gọi nào cả. Sau khi nghe tôi trình bày cặn kẽ và đối chiếu các giấy tờ thì mới hiểu ra nguyên nhân chỉ tại lúc mới đến tuổi phải làm thẻ trưng binh, tôi khai ở Phú Nhuận thuộc tỉnh Gia Ðịnh. Sau đó tôi đã đổi chỗ ở mấy lần và bây giờ là ở Quận Tư thuộc Ðô thành Sài gòn. Mặc dù tôi có khai báo tại phòng Quân vụ địa phương mỗi lần thay đổi chỗ ở theo đúng quy định, nhưng có lẽ do sự tắc trách của nhân viên có trách nhiệm khiến cho khi lệnh gọi phát ra thì vẫn cứ gửi đúng về địa chỉ cũ ban đầu nên không có người nhận thì lại hoàn trả cho phòng Ðộng viên. Cũng may là sau đó tôi cũng được giải quyết cho về chờ ngày gọi nhập ngũ cho khóa tới.

Ngày 19 tháng 6, để kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày Hội đồng Quân lực trở lại nắm chính quyền, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã cho tổ chức lần đầu tiên ngày Quân lực thật lớn, có diễn binh với sự tham dự đầy đủ của các Quân binh chủng tại thủ đô Sài gòn như một sự phô trương thanh thế của Quân Lực. Qua ngày hôm sau, báo chí và đài phát thanh lại bắt đầu phổ biến danh sách các thanh niên bị gọi động viên khóa 23 Trừ bị Thủ Ðức. Lần này thì tôi chịu khó theo dõi nhiều ngày vừa báo chí vừa đài phát thanh, nhưng cho tới khi danh sách đã chấm dứt tôi vẫn không thấy tên mình mà cũng chẳng nhận được lệnh gọi nào gửi đến nhà. 

Ðang phân vân chưa biết phải xử trí như thế nào thì một hôm lúc đứng trên lề chờ băng qua đường để đón xe buýt về nhà, chợt có một anh chàng sĩ quan mang lon Trung úy vừa đi ngang qua thấy tôi liền vỗ vào vai. Tôi hơi giật mình nhưng khi nhìn kỹ lại thì nhận ra thằng bạn học từ hồi ở Pellerin Huế. Hắn vui vẻ kéo tôi theo hắn lại một chiếc xe Jeep đậu gần đó, đẩy tôi lên và sau đó là đưa lại một quán nhậu. Ðến đây hắn mới tuyên bố là để mừng ngày gặp lại và để tiễn tôi lên đường, hắn sẽ nhân danh đàn anh đi trước đã chai lì với súng đạn để "rửa tội" cho tôi trước, kẻo vài hôm nữa tôi lãnh bộ đồ nhà binh rồi thì có muốn ăn năn nhiều khi cũng không kịp. Tôi còn ngơ ngác chưa hiểu thì nó chìa tờ báo trong tay ra. Trong một cái thông báo vừa mới được phổ biến sáng nay có đăng một danh sách bổ túc lệnh gọi nhập ngũ khóa 23 trong đó có tên tôi. Thông báo còn ghi rõ hạn chót để trình diện là ngày 20 tháng 7. Và sau đó là tôi bị nó cho một bữa say mèm đến nỗi không còn biết trời trăng gì nữa. 

Khi biết mình đã có tên lên bảng phong thần rồi thì tôi lại thấy mình đâm ra lo lắng. Thật ra thì tôi cũng không gan dạ gì hơn anh Ba và cũng chưa bao giờ mơ tưởng làm người hùng mà phải nói là với cái bản chất hay mơ mộng của tôi còn làm cho tôi sợ cảnh chém giết và rất ghét chiến tranh. Tôi cũng không có ai để lo chạy chọt hay đỡ đầu cho mình được phục vụ ở hậu cứ khi ra trường. Tuy nhiên vì nghĩ rằng với cái thể chất bẩm sinh gầy yếu, chỉ số vòng đo pignet trên 40, lại từng bị nám phổi, tôi cũng không chắc chắn là mình sẽ phải vào quân đội nên cũng muốn đi trình diện để được khám sức khoẻ xem sao, và nếu như bị loại thì tất nhiên sẽ có giấy tờ hợp pháp để sau đó dễ tính chuyện con đường tương lai cho mình. Chính vì thế mà đợi đến ngày chót của kỳ hạn trình diện thì cũng nhằm hôm kỷ niệm ngày Quốc hận, tuy chưa nhận được lệnh gọi cá nhân nhưng tôi cũng chào mọi người trong gia đình để đi trình diện. 

Lúc ra tới Sài gòn, nhìn thấy cái sạp báo của anh Ðạt nơi tôi vẫn thường xuyên ghé lại đọc báo ké, tôi tự nhiên thấy mình như còn luyến tiếc chút tự do của thời sinh viên nên trọn buổi sáng tôi cứ lang thang hết phố này đến phố khác mãi cho đến ba giờ chiều mới chịu đến sân vận động Cộng hoà nơi có toán tiếp nhận thanh niên nhập ngũ để trình diện. Sau khi nộp mấy thứ giấy tờ tùy thân để họ kiểm tra xong, tôi được lệnh vào bên trong sân ngồi đợi cùng những thanh niên đã trình diện trước đó. Vì là ngày cuối cùng của đợt trình diện bổ túc nên số thanh niên có mặt cũng không đông và sau khi tôi trình diện rồi thì hình như cũng không còn ai đến nữa. Tuy nhiên toán tiếp nhận vẫn ngồi đợi đến 5 giờ chiều mới thu dọn hồ sơ bàn ghế lên hai chiếc GMC và tập họp chúng tôi lại điểm danh xong rồi ra lệnh lên xe. Viên trưởng xa ra lệnh khởi hành. Xe chạy qua các phố và hướng về Trung Tâm Nhập ngũ số 3. 

Sau khi được Trung Tâm Nhập ngũ tiếp nhận xong, chúng tôi được dẫn tới nhà bàn để ăn cơm tối. Bữa cơm nhà binh đầu tiên với cá mối, dưa leo dọn trong các cà mèn nhôm trên những cái bàn dài. Bọn chúng tôi mới vào nên ăn uống một cách uể oải. Sau bữa cơm, chúng tôi lại được dẫn lên kho quân nhu và mỗi người ký mượn một cái mùng nhà binh rồi được dẫn về một gian phòng rộng kê nhiều giãy giường gỗ hai tầng để ngủ. 

Ðêm đầu tiên ở Trung tâm Nhập ngũ, thật là buồn. Cái nóng bức của ngày hè trong căn nhà tôn không có quạt, và mùi mồ hôi lưu cữu từ chiếc chiếu và cái mùng của không biết bao nhiêu lớp người đã xử dụng để qua đêm với nó trước khi thực sự bước vào đời lính khiến cho tôi cảm thấy như có một cái gì nghèn nghẹn trong hơi thở. Ðã thế, anh chàng nằm gần có lẽ cũng thao thức không ngủ được bèn moi cái radio transitor nhỏ mang theo trong túi xách ra mở nghe đúng lúc giọng hát não nuột của Duy Khánh vừa cất lên một bài hát than vãn về nỗi chiến tranh càng làm cho người nghe thêm nản lòng: 

...Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu
Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu
Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi, bao giờ thanh bình?...


Sáng hôm sau theo lệnh báo thức chúng tôi dậy làm vệ sinh cá nhân, cuốn mùng mền đem lên trả lại cho kho quân nhu rồi đi lãnh phần bánh mì ăn sáng. Ðộ 7 giờ thì có lệnh tập họp điểm danh rồi cả bọn được lệnh leo lên hai chiếc xe GMC đang túc trực sẵn để được chở qua Trung tâm khám sức khoẻ. 

Lần đầu tiên được khám sức khoẻ theo lối nhà binh, phải cởi bỏ hết quần áo đi nhong nhong hết phòng này tới phòng khác, nhiều lúc đi ngang chỗ có mấy cô nữ quân nhân đang làm việc thấy họ nhìn mình mà mặt mày vẫn cứ tỉnh bơ làm tôi thấy mình vừa ngượng vừa chả ra cái thớ gì cả. Sau khi đã qua nhiều chặng từ cân đo cho tới sau cùng là khám tổng quát, đâu cũng răm rắp như cái máy, chúng tôi được lệnh mặc quần áo vào lại và ra ngồi ở phòng đợi. Nửa giờ sau một viên trung sĩ từ phòng trong đi ra tay cầm một tờ giấy gọi tên những người thiếu sức khoẻ nên bị loại và chỉ cho họ qua ngồi ở một phòng bên cạnh để chờ lãnh giấy cho về. Tôi thấy một vài tên ốm yếu như tôi đứng dậy rồi tiếp đến một tên có vẻ khoẻ mạnh hơn tôi nhiều cũng đứng lên sau khi nghe đọc tên, thế là tôi bắt đầu hồi hộp chờ nghe tiếp thử có tên mình không nhưng viên trung sĩ đã ngưng luôn và quay đi. 

Sau đó một lát thì có một viên sĩ quan vào ra lệnh cho tất cả số còn lại ra ngoài tập họp theo lệnh ông ta. Hai chiếc GMC đậu sẵn trước sân. Viên sĩ quan đọc tên từng người và ra lệnh lên xe. Khi vừa nghe đến tên tôi, tự nhiên tôi thấy như có một chút gì se thắt ở trong lòng vì kể từ giờ phút này, tôi biết mình thực sự bắt đầu là một người lính. 

Sau khi kiểm xong quân số trong danh sách, viên sĩ quan liền cho lệnh và hai chiếc xe GMC có một xe jeep Quân cảnh hộ tống bắt đầu lăn bánh rời Trung tâm khám sức khoẻ, chạy về thành phố rồi rẽ về hướng xa lộ, nhắm hướng bắc trực chỉ. Ðến ngã tư xa lộ Thủ đức, xe rẽ phải chạy qua Chợ nhỏ, tiến vào vọng gác số 1, chạy thẳng vào cổng chính có hàng chữ Trường Bộ Binh phía trên, vào giữa khu doanh trại rồi dừng lại trước một dãy nhà tôn có kê nhiều dãy bàn ghế như lớp học. 

Mười hai năm truớc, sau ngày đình chiến và chia đôi đất nước, tôi là một thiếu niên đi theo hai anh thanh niên Bình Ðịnh trốn bỏ vùng kháng chiến hoang tàn để tìm về vùng Quốc gia. Lúc vừa qua khỏi lằn ranh phân chia vùng vừa được Quốc gia tiếp thu và vùng còn thuộc Việt Minh thì trời cũng đã tối nên chúng tôi đã tìm vào một ngôi đồn của quân đội Quốc gia mới thiết lập để xin tạm tá túc qua đêm với niềm tin tìm được một sự an toàn hơn. Ngày ấy tôi đã gặp một người sĩ quan trẻ của Quân đội Quốc gia và ông ta đã thuyết cho chúng tôi nghe về đời sống Tự do và Hạnh Phúc. 

Từ ngày ấy tôi đã qua bao nhiêu giai đoạn vui buồn của cuộc đời nhưng cái Tự do và Hạnh Phúc mà người sĩ quan trẻ nói với chúng tôi lúc ấy chưa bao giờ tôi được hưởng một cách trọn vẹn. Tôi không biết người sĩ quan tôi gặp ngày ấy qua hai lần chinh chiến liệu có còn sống và đã lên đến cấp bậc gì rồi hay đã hy sinh ở một chiến trường nào đó, nhưng hôm nay bọn tôi, những con vịt đẹt đến giờ chót mới chịu trình diện cũng đang được một viên thiếu úy trẻ ra tiếp nhận và đưa vào ngồi trong một lớp học và phát cho chúng tôi mỗi người một mẫu khai lý lịch để điền vào trước khi được phân bổ về trung đội tân khóa sinh của mình. 

Vừa ngồi kê khai lý lịch tôi lại vừa suy nghĩ vẩn vơ. Thế là qua bao nhiêu năm mơ ước một cuộc sống thanh bình tôi vẫn chỉ thấy chiến tranh và hôm nay chiến tranh đã đẩy tôi vào cổng quân trường này để tôi được đào tạo thành một người lính và biến tôi thành cái bia cho đối phương nhắm vào mà nhả đạn vì tôi không còn là một "người" mà là "kẻ thù" của họ, cũng như tôi rồi cũng sẽ phải nhằm súng vào họ mà bóp cò vì họ không phải là "người" mà là "địch". Tôi không hiểu được khi một người cầm súng nhằm vào một con người khác để nhả đạn, họ có suy nghĩ gì không nhưng riêng tôi cái hành động này là một cái gì vừa xấu xa vừa phi lý nhất của con người. 
 
Sau khi hết giờ khai lý lịch, viên Thiếu úy ra lệnh cho chúng tôi ra khỏi lớp sắp hàng hai để đưa về phòng doanh trại trung đội mình. Rải rác đó đây trong doanh trại, nhiều trung đội tân khóa sinh với quân phục tác chiến còn mới toanh và rộng phùng phình, súng garant trên vai sắp hàng bốn đang tập cơ bản thao diễn. Tiếng huấn luyện viên hò hét oang oang chen lẫn trong tiếng hô đều đặn "một, hai, ba, bốn..." của tân khóa sinh. Khi đi qua Vũ Ðình trường, nhìn lên cột cờ tôi thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ đang phất phới bay trong nắng. 
 
Tôi lại nhớ cảm giác lần đầu tiên tôi nhìn thấy lá cờ vàng tung bay trong gió. Ðó cũng là lần tôi mới từ giã vùng Việt Minh trở về vùng Quốc gia. Ngày ấy lá cờ vàng này đã tạo cho tôi một niềm tin vào Tự do, khác với lá cờ đỏ sao vàng sắt máu mà bao năm qua đã ngự trị trên những vùng đất cũng mệnh danh là "vùng tự do" chứ không phải "vùng tạm bị chiếm", nhưng dân tộc sống trong "vùng tự do" đó thì lúc nào cũng chỉ thấy toàn là nỗi tang thương, đói nghèo và sợ hãi.
 
Mà quả như thế thật. Lá cờ này đã được vị vua nhà Nguyễn đã một lần thoái vị chọn làm Quốc kỳ của một quốc gia có chủ quyền để tiếp nhận nền độc lập của Việt Nam được Pháp trao trả sau khi người Pháp từ chối thương thuyết với chính phủ Việt Minh. Khi quy tụ những người không chấp nhận chủ nghĩa độc tài Cộng sản để đứng ra thành lập một quốc gia tự do, vị cựu hoàng đã không dùng lá cờ Long tinh cũ của triều Nguyễn dưới thời Bảo Hộ, cũng không dùng lại lá cờ quẻ ly thời chính phủ Trần Trọng Kim mà đã chọn một mẫu cờ hoàn toàn mới do một họa sĩ nổi tiếng vẽ. 
 
Dù bao năm qua, những người cùng đứng chung dưới lá cờ này cũng đã có những lần từng bôi mặt đá nhau, gây ra nhiều biến cố đổ máu đáng tiếc; nhưng ngược lại, cũng đã có không biết bao nhiêu người đã cam lòng hy sinh để bảo vệ lá cờ này chỉ vì họ không muốn nhìn thấy lá cờ đỏ sắt máu của những kẻ vong thân cho một chủ nghĩa vong bản lại trương lên để dẫn dắt dân tộc này vào con đường tự hủy diệt. Chính vì thế mà cho dù vị cựu hoàng từng chọn lá cờ này  làm biểu tượng cho quốc gia rồi có bị truất phế, vị Tổng Thống kế nhiệm có bị lật đổ và bị giết, rồi nhiều chính phủ nữa có kế tiếp nhau hay tranh nhau nắm quyền hành, nhưng lá cờ vàng vẫn còn đó như là một biểu tượng tập họp những người con dân Việt  muốn đấu tranh vì lý tưởng Quốc gia Dân tộc và Tự Do Dân chủ cho quê hương này. 
 
Tiếng hô "Ðứng lại" của viên Thiếu úy làm tôi giật mình. Bọn tôi đã đến trước sân của trung đội mình. Từ giờ phút này mỗi hành động của tôi đều phải tuân theo lệnh. 
 
ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment