Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Wednesday, February 6, 2013

NGHIỆP VĂN ÁO VÕ [18]

Ký sự Tùy bút 


18.- QUÂN TỬ DẠI TRONG XỨ SỞ NGƯỜI MÙ
 
Thế là cuộc chiến tranh dai dẳng ba mươi năm nay đột nhiên kết thúc một cách rất nhanh chóng và bất ngờ qua lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, nhân danh Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà và Tổng Tư lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Con đường hầm dẫn tới hòa bình bằng cách bức tử một quân đội và xóa bỏ một chế độ mà các thế lực quốc tế đã âm thầm toa rập với nhau để thực hiện, tuy có làm im tiếng bom đạn trên mảnh đất này, nhưng không thể làm cho nước mắt của nhiều người dân Việt ngưng rơi, vì mảnh đất dung thân cho những con người yêu chuộng tự do đã bị bán đứng cho Cộng sản, và những hận thù giữa những người Việt bị coi như kẻ bại trận và những kẻ tự cho mình là chiến thắng không hề được hóa giải.

Nhìn lại mình từ lúc mới chào đời cho tới ngày hôm nay chưa đến bốn mươi năm thì đã hết ba chục năm phải sống trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh và đã phải trải qua hai thời kỳ ở hai vùng lửa đạn khác nhau, trong đó lại cũng đã từng phải gần mười năm khoác trên mình một màu áo lính, tức là đã chấp nhận cho mình một chiến tuyến và để cho đối phương xem mình như là một cái bia, thế nhưng tôi vẫn có cái may mắn thấy mình cho tới ngày hôm nay thân thể vẫn hãy còn lành lặn, trong khi đó thì đã có không biết bao nhiêu người thân trong gia đình, bạn bè chung quanh, hay là đồng bào của tôi đã phải gục ngã một cách oan khiên, hoặc bị mất đi một phần thân thể, hoặc phải mang trên người những vết sẹo của những lần bị thương tích.

Trong suốt ba mươi năm qua, tổng số bom đạn đã đổ lên trên mảnh đất quê hương nghèo đói này đã lên tới một con số kỷ lục, vượt qua cả con số của những cuộc chiến tranh khác trên thế giới, và nếu như cứ đem cái tổng số đó mà chia bình quân theo đầu người thì mỗi người dân Việt đã phải nhận cả hàng tấn bom đạn cho phần mình. Ba mươi năm qua, suốt từ Bắc chí Nam, đã có biết bao nhiêu làng xóm điêu tàn, ruộng đồng hoang hóa, những tài sản văn hóa hoặc những công trình xây dựng để phục vụ cho dân sinh bị phá hoại, những nguồn tài nguyên bị hủy diệt hoặc không thể khai thác.

Cũng trong ba mươi năm máu lửa đó, con số thương vong do chiến tranh và những tranh chấp hận thù gây ra cho người dân Việt nói chung cũng đã lên tới hàng triệu người chết và hàng triệu người bị thương tật. Nhưng cái sự mất mát to lớn nhất phải nói chính là sự mất mát về tinh thần mà người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nào đo lường hay tính toán như là những sự hy sinh đau khổ, những nỗi oán hờn của cả một dân tộc về những lần ly tán, và sự băng hoại của một xã hội không những chỉ qua mấy thế hệ mà còn có thể di hại mãi về sau. Nay lại một lần nữa, đứng trước bước ngoặt của lịch sử đang xô đẩy đất nước quay trở về với thời kỳ lạc hậu, tôi không thể không suy nghĩ mà thấy lòng thêm xa xót.

Có thể nói niềm tin tưởng vào lịch sử dân tộc mình đã từng có bốn ngàn năm lập quốc mà bất cứ người dân Việt nào cũng có chút tự hào thì thực ra đã có tới hai ngàn năm thuộc về huyền sử cho nên tất cả những gì còn lưu truyền lại thuộc về thời kỳ này đều có thể coi như  chỉ là huyền thoại. Tuy nhiên, cái di sản mà người dân Việt được coi như thừa hưởng của ông cha trong thời kỳ này là mối cảm tình gắn bó với quê hương, với gia đình, tấm lòng thương người cùng chung một nòi giống, và đức tính dễ xúc động trước những nỗi đau khổ của kẻ khác. Tuy nhiên, cũng vì cái bản chất hồn nhiên chất phác, không thích những sự suy luận tìm hiểu sâu xa, nên người dân Việt cũng dễ tin vào những chuyện hoang đường, cũng như thường rơi vào những mơ ước thần tiên. Huyền thoại Trọng Thủy Mỵ Châu là một thí dụ tiêu biểu cho thấy cái bản chất hiếu hòa và tính dễ tin của người dân Việt. Chính vì cái nếp sống bình dị, hiền hòa và chứa chan tình cảm đó mà người dân Việt đã bị người Trung hoa có đầu óc thực tế và hiếu chiến hơn chinh phục và đô hộ.


Hai ngàn năm có sử  thì lại bắt đầu bằng một ngàn năm lệ thuộc Tàu. Một ngàn năm này do sự cưỡng bách của kẻ đô hộ mà người dân Việt buộc phải tiếp thu nền triết học và đạo đức của Khổng Mạnh để học tập làm người “Quân tử nhất ngôn”. Nhưng cũng vì kinh nghiệm thực tế về những nỗi áp bức bóc lột một cách vô cùng tàn nhẫn của những con người thuộc chủng tộc đang truyền bá mẫu người quân tử nhất ngôn đó đối với người dân Việt mà người dân Việt cũng đâm ra dễ nghi ngờ những giá trị siêu hình. Tuy nhiên, cũng vì quen sống với tình cảm hơn là suy luận theo lý trí nên người dân Việt đã không chịu tìm kiếm cho ra cái nguyên nhân luận lý để tự cứu mình mà chỉ biết nhẫn nhục hay phản ứng nhất thời theo cảm tính để có thể sống còn, cho nên lâu dần đã vô tình biến mẫu người “quân tử nhất ngôn” thành người “quân tử nói đi nói lại”:

Quân tử nhất ngôn là quân tử dại
Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn

Do cái quán tính đó mà khi giành lại được quyền tự chủ, người dân Việt vẫn bị cái tâm thức dễ tin dễ ngờ đó tác động, cho nên cứ luẩn quẩn trong cái nếp suy nghĩ theo cảm tính mà hành xử nên không thoát ra khỏi ảnh hưởng của cái thế lực từng đô hộ cũ, khiến cho không biết bao nhiêu thế hệ người dân Việt rồi ra nếu không nhẫn nhục với nếp sống an phận thủ thường thì cũng chỉ biết khôn theo kiểu “nói đi nói lại”, và cũng chỉ biết bắt chước theo kiểu anh hùng hảo hán của Tàu để mà tiếp tục tranh bá đồ vương, khiến cho đất nước vẫn chìm đắm trong cảnh loạn lạc và đói nghèo, cho đến khi các nước Tây phương đã chuyển mình sang một kỷ nguyên mới đặt trên căn bản của những tiến bộ về khoa học để trở thành hùng cường, rồi đem quân đi xâm chiếm thuộc địa, thì người dân Việt vì cứ  loanh quanh trong cái vòng “quân tử dại quân tử khôn” nên lại phải rơi vào tròng nô lệ của người Pháp.

Một trăm năm lệ thuộc Tây, người dân Việt có dịp học hỏi cái tư tưởng triết học duy lý Tây phương để ý thức cái lẽ con người sinh ra “tự do và bình đẳng”, nhưng cũng vì nhìn thấy chính chủng tộc của những con người nhân danh là kẻ đi khai sáng ấy lại cũng là chủng tộc của những kẻ thực dân đang áp bức và bóc lột người dân bản xứ đủ điều. Chính vì thế mà từ cái kinh nghiệm “quân tử dại, quân tử khôn” thời lệ thuộc Tàu kết hợp với cái khôn “Trong xứ sở người mù thì anh chột làm vua” của thời đại duy lý mới học được nửa vời của người Tây mà thế hệ cha anh của tôi khi đứng ra hô hào giải phóng cho dân tộc thoát khỏi ách bị trị, thì ngay từ khi chưa giành được độc lập cũng đã bôi mặt đấm đá nhau, chẳng khác nào đám thầy bói mù rủ nhau đi xem voi, nhưng vì anh nài chỉ cho mỗi người sờ mó có mỗi phần thân thể của voi nên chưa biết hết voi thì đã vội cho là chỉ có mình mới sờ đúng con voi nên không chấp nhận điều nhận định của người khác.

Đây cũng chính là cái gương phản ảnh về các nhà cách mạng Việt Nam khi hướng ra thế giới tiến bộ bên ngoài để tìm ra một phương thức giải cứu cho dân tộc. Có người chưa nhìn thấy hết những thiếu sót, sai lầm của một chủ thuyết nào đó thì đã vội vã cho rằng đó chính là chân lý duy nhất, nên chỉ muốn đem chủ thuyết đó truyền bá cho mọi người phải cùng theo. Điều này đã khiến cho khi nắm được cơ hội lãnh đạo thì những người này liền biến thành kẻ độc tài và chỉ biết mị dân để lôi cuốn người dân đi theo mình và tiêu diệt bất cứ kẻ nào chống đối. Còn người dân Việt vốn quen suy nghĩ theo cảm tính, lại mang sẵn cái tâm lý cố hữu dễ tin mà cũng dễ ngờ nên không thể phân biệt được thế nào là cách mạng, đâu là chân lý và đâu là ảo tưởng, thế nào là tự do và thế nào là nô lệ, cho nên cứ bị cái tình cảm yêu nước thương nòi thôi thúc và những ước mơ ảo tưởng quyến rũ, nên mới bị mấy nhà lãnh đạo cách mạng mị dân mê hoặc bằng những lời đường mật, để rồi lăn xả vào mà chém giết bất cứ ai được xem như là kẻ thù của cách mạng.

Thế hệ của tôi ra đời nhằm vào lúc đất nước đi vào giai đoạn cuối của thời kỳ thuộc địa và khởi đầu của trào lưu giải phóng các dân tộc bị trị trên thế giới cho nên đã liên tục sống trong những hoàn cảnh rối mù của một đất nước bị xâu xé bởi các thế lực quốc tế, và vì thế mà đã có dịp chứng kiến không biết bao nhiêu đoàn quân ngoại quốc hiện diện và thay nhau làm mưa làm gió trên mảnh đất này: từ những ông Tây thực dân ậm oẹ cuối mùa, đến đám quân phiệt Nhật lùn vừa mới học hỏi Tây phương để trở thành hùng cường thì cũng đã đi theo con đường muốn bành trướng nên cũng đã kéo quân sang xứ này hống hách đuổi Tây, vờ trao trả mảnh đất này lại cho nhà Nguyễn, nhưng sau đó lại bại trận phải đầu hàng Đồng Minh.

Khi Cách mạng bùng lên với khí thế của toàn dân hăng say giành độc lập thì đồng thời cũng là lúc quân đội Đồng Minh kéo vào xứ này để tước khí giới quân đội Nhật, do đó mà quân Pháp đã có dịp trở lại ở miền Nam và đạo quân Tàu phù lôi thôi lếch thếch có cơ hội kéo sang miền Bắc. Các lãnh tụ Việt Nam thay vì đoàn kết đấu tranh cho một nền độc lập hòa bình và công chính thì lại vì mù quáng chạy theo một chủ thuyết sai lầm hay chỉ biết phục vụ cho quyền lợi phe phái mình nên đã mượn tay quân đội nước ngoài để thanh toán nhau cho đến khi đạo quân Tàu phù ra đi nhường chỗ cho đoàn quân viễn chinh Pháp trở lại xâm lăng thì chiến tranh càng ngày càng lan rộng và gia tăng cường độ để rồi sau đó dần dần biến mảnh đất này thành bãi tranh chấp của hai khối Cộng sản và Tự do cho đến khi cả hai bên đều mệt mỏi thì bèn đem mảnh đất này ra mà chia hai. Thế là người dân Việt bỗng dưng thấy mình kẻ thì bị ràng buộc vào giới tuyến phe bên này và kẻ phải nằm trong giới tuyến của phe bên kia.

Sự qua phân đất nước kèm theo sự ra đi khỏi xứ này của quân đội viễn chinh Pháp không phải để cho người dân Việt được hưởng thanh bình mà chỉ là để cho các thế lực quốc tế tạm hòa hoãn và để cho các phe phái của người Việt củng cố hàng ngũ. Người Việt nửa nước miền Bắc đành phải sống dưới chế độ độc tài của Cộng sản và nửa nước miền Nam bỗng trở thành cái được gọi là tiền đồn bảo vệ thế giới tự do. Chính vì thế mà khi chiến tranh Quốc Cộng tái phát, rồi do sự suy thoái của tình hình quân sự tại miền Nam mà người dân Việt ở miền Nam lại có dịp tha hồ chứng kiến thêm nhiều đoàn quân ngoại quốc được gọi là Đồng minh kéo sang tham chiến như Mỹ,  Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân v.v....   

Khi người Mỹ nhân danh bảo vệ Tự do để giúp Miền Nam chống lại Cộng sản thì cũng đã mang cái chủ thuyết Tự do Dân chủ ra để truyền bá cho người dân Việt, nhưng đồng thời vì mục đích ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản bằng vũ lực, người Mỹ cũng đã phải mang theo cả bom đạn dội lên đất nước này để tiêu diệt phía đối phương. Người dân Việt vốn mang sẵn cái tình cảm yêu quê hương giống nòi nên đứng trước những cảnh tượng chết chóc tang thương do bom đạn Mỹ gây ra cho đồng bào mình thì không thể không xúc động. Một số người bị Cộng sản tuyên truyền lung lạc thì càng quay ra căm thù Mỹ. Một số khác nhận thức theo kiểu cơ hội thì chỉ biết chạy theo Mỹ vì những lợi nhuận về kinh tế mang lại cho riêng mình mà không nghĩ gì đến trách nhiệm đối với dân tộc. Chỉ một số nào đó  tiếp thu được cái tinh thần tự do dân chủ thực sự thì lại kẹt trong cái phạm trù một xã hội đang bị phân hóa và người dân thì lại mang sẵn cái bản chất dễ tin dễ ngờ và chỉ quen nhận định theo cảm tính hơn là suy luận duy lý, khiến cho những người này không tạo được ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng cho nên không thể nào xây dựng thành công một thể chế dân chủ tự do thực sự cho đất nước mình, khiến cho người Mỹ với đầu óc thực tiễn rốt cuộc cũng đã phải bỏ rơi.

Trong suốt ba mươi năm qua, do thời cuộc xui khiến mà mảnh đất này đã bị bao thế lực chính trị của các cường quốc trên trường quốc tế nhúng tay vào can thiệp, rồi cũng vì cái bản chất tình cảm yêu quê hương, thương nòi giống và niềm mơ ước một cuộc sống hạnh phúc ngoài tầm tay mà người dân Việt đã vô tình bị mê hoặc lao đầu vào một cuộc chiến không những chỉ có tương tàn mà nhiều khi còn rất tàn nhẫn ngay cả với người cùng chung một giòng giống chỉ vì một lý do rất đơn giản là người đó đã được xem như không còn là đồng bào mà chỉ là kẻ thù của dân tộc.

Cuộc chiến nào rồi cũng phải có ngày tàn và dĩ nhiên cuộc chiến tranh này cũng đã đến lúc cần phải kết thúc vì đã gây cho người dân Việt quá nhiều đổ vỡ, chết chóc, tang thương. Mặc dù đối với người dân Việt nói chung thì người nào đã từng tham dự vào cuộc chiến này hầu như cũng mang trong lòng một niềm tin là mình đã chiến đấu cho dân tộc, tuy nhiên, khi nhìn lại bao công lao và nhiệt tình của bao lớp người đã đổ ra vì cái niềm tin vào một tương lai tươi sáng cho dân tộc thì không làm sao tránh khỏi đau lòng vì tất đều hoá ra công dã tràng, chỉ vì cái cứu cánh mưu cầu tự do hạnh phúc thực sự mà người dân Việt từng mơ ước thì vẫn chưa đạt được. Chính vì thế mà cuộc chiến tranh này đến đây kể như là đã kết thúc, nhưng cuộc tranh đấu để đạt đến cái mục tiêu tối hậu đó cho dân tộc thì vẫn chưa phải là đã chấm dứt.
ĐOÀN VĂN KHANH


No comments:

Post a Comment