Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 16, 2013

Tìm Một Niềm Tin [34]

Ký sự Tùy bút

34.- CHỮ NGHĨA KHÔNG BẰNG CHIẾC LÁ ÐA

Trường Ðại học Văn khoa từ ngày đầu tiên được thành lập ở Hà Nội rồi di chuyển vào Sài gòn theo cuộc di cư năm 54 cho đến nay, mặc dù vẫn được nhiều nhà giáo dục có tinh thần dân tộc quan tâm và muốn đề cao như là một nơi tiêu biểu cho nền Ðại học một quốc gia, nhưng qua bao nhiêu lần thay đổi và cải tổ, bao lớp người sinh viên đã đi qua, người sinh viên Văn khoa vẫn chưa hề biết cái lễ tốt nghiệp là gì, ngay cả cái văn bằng chính thức cũng chưa hề có mà người sinh viên tốt nghiệp chỉ được cấp cho một cái giấy chứng nhận tạm thời đã đậu bằng Cử nhân. Cũng vì thế mà ngày tôi lãnh cái giấy chứng nhận tốt nghiệp cũng bình thản lặng lẽ như ngày tôi bắt đầu ghi danh vào học. Có điều xã hội xung quanh tôi từ ngày tôi mới bước chân vào Văn khoa tới ngày tôi ra trường, quả là một cuộc dâu biển. 
 
Miền Nam đang từ một xã hội mà uy quyền quốc gia được tôn trọng và cơ cấu tổ chức xã hội có kỷ cương, qua một cuộc đảo chính quân sự với sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ, gọi là làm "cách mạng lật đổ chế độ độc tài để xây dựng tự do dân chủ", rồi giết chết luôn vị Tổng Thống, thì chỉ còn là rối loạn. Sau đó nhiều chính phủ quân nhân rồi dân sự tiếp nối nhau cầm quyền vẫn không ổn định được tình hình, chính phủ Mỹ lại buộc lòng phải ủng hộ phe quân sự để thành lập một chính phủ quân nhân cứng rắn hơn. Thế là phe dân sự đành trao quyền lãnh đạo quốc gia lại cho Hội Ðồng Quân Lực. Trung tướng Thiệu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc Gia thay cho chức Quốc trưởng, và Thiếu tướng Kỳ nắm giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương thay cho chức Thủ tướng. 
 
Ngoài việc áp dụng nhiều biện pháp mạnh, để răn đe những lực lượng chống đối, Ủy ban Hành Pháp Trung ương bèn cho lập "pháp trường cát" ngay bên hông bùng binh chợ Bến Thành để xử tử kẻ nào bị kết tội phá hoại nền an ninh quốc gia. Và cũng vì muốn cho hình thức răn đe của chính quyền có hiệu lực mà Tạ Vinh, một thương gia gốc Hoa đã bị đem ra làm con vật tế thần đầu tiên ở tại pháp trường cát này vì đã bị kết tội đầu cơ tích trữ lũng đoạn thị trường. Ngoài ra, một số sinh viên và thanh niên có thành tích tham gia tranh đấu cũng bị gọi nhập ngũ để dùng bàn tay quân đội khép họ vào vòng kỷ luật. 
 
Ngoài những biện pháp nhằm củng cố chính quyền, tướng Kỳ còn chính thức đưa ra lời kêu gọi sự trợ giúp quân sự của Thế giới Tự do để chặn đứng sự xâm lăng của quân Cộng sản Bắc Việt tại Miền Nam. Quân đội Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân vào Việt Nam và tiếp đó là quân đội các nước Ðồng minh như Ðại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Phi Luật Tân cũng gửi quân qua giúp Việt Nam. 
 
Sự tham chiến trực tiếp của Quân đội Mỹ và Ðồng minh trên chiến trường Miền Nam tuy có cứu vãn được tình hình an ninh đang nguy ngập của Miền Nam lúc bấy giờ nhưng chiến tranh không vì thế mà tàn lắng xuống, trái lại càng ngày càng leo thang với mức độ quy mô hơn và ác liệt hơn. Ngoài ra, sự hiện diện của một số quá đông quân đội ngoại quốc tại Miền Nam mang theo những sắc thái văn hóa của mình và sự du nhập ồ ạt các sản phẩm vật chất Tây phương đã làm xáo trộn sâu rộng đời sống xã hội Việt Nam. Ðồng đô la đổ vào Việt Nam làm cho nền kinh tế Việt Nam biến đổi. Một hiện tượng rất nghịch lý là đa số người Việt Nam không thích Mỹ, hoặc chê Mỹ vì tự ái dân tộc nhưng vì mãnh lực của đồng đô la lôi cuốn nên vẫn cứ bám theo Mỹ. 
 
Do nạn lạm phát gia tăng làm cho đồng bạc Việt Nam càng ngày càng bị mất giá khiến cho đời sống người quân nhân công chức hưởng lương bổng của chính phủ càng ngày càng trở nên khó khăn và chật vật. Chính vì thế mà bây giờ ít còn ai nghĩ đến những vấn đề như lý tưởng, đạo đức hay những chuyện đấu tranh mà chỉ cần làm sao kiếm được nhiều tiền để có thể thỏa mãn những nhu cầu vật chất do sự tràn ngập những sản phẩm tiêu dùng của nền văn minh vật chất mà quân đội Mỹ mang vào và tung ra thị trường. Nhiều bà vợ công chức sẵn sàng bỏ công việc nội trợ để đi làm cho Mỹ. Nấc thang giá trị xã hội bị lung lay hoặc đảo lộn. 
 
Trước đây bậc làm cha mẹ lúc nào cũng muốn và khuyến khích con cái học hành thành tài ngoài mục đích có chút khoa danh, đó còn là con đường để thăng tiến trong nấc thang xã hội, có địa vị và có đời sống kinh tế bảo đảm, nhưng bây giờ những cái đó trở nên không còn giá trị thực tiễn. Bây giờ một người thợ chuyên môn, một người tài xế hay có khi chỉ là một người bồi phòng cho Mỹ vẫn có thể kiếm được nhiều tiền hơn một ông sĩ quan hay một ông công chức. 
 
Mọi người đổ xô nhau đi học Anh văn hầu kiếm việc làm trong các cơ sở của Mỹ để được hưởng lương cao. Trường dạy Anh ngữ mọc lên như nấm, nhưng người ta chỉ cốt học Anh ngữ thực hành chứ còn như bụng có đầy Anh văn từ chương theo kiểu học đường mà nói chuyện Mỹ nghe không hiểu thì cũng vứt đi. Giới thất học thì chỉ cần biết nói mấy tiếng như "Hề-lô, Ô-kê, nơm-bờ-oan, nơm-bờ-then..." cọng với một ít "English by hands" do khả năng ứng chế của từng người từng lúc là cũng có thể giao dịch và hái ra tiền. 
 
Sản phẩm văn hóa Mỹ cũng bắt đầu tràn ngập. Những năm trước đây, các phim ảnh của Hollywood được nhập cảng vào chiếu ở Việt Nam đều nói tiếng Pháp với phụ đề Việt ngữ thì bây giờ bắt đầu dùng bản nói tiếng Anh phụ đề Việt ngữ. Âm nhạc trẻ ồn ào và táo bạo với những điệu như rock được sự hỗ trợ của máy thu âm, máy hát dĩa, băng thu âm đang tràn ngập thị trường chợ đen chợ đỏ với giá rẻ càng giúp cho sự phổ biến trở thành dễ dàng và những phong trào như Hippy, cũng đã tạo ra những ảnh hưởng lan rộng trong lớp trẻ Việt Nam.
 
Giới làm kinh tế thì xoay ra mở các dịch vụ làm ăn với Mỹ. Tuy thành phần quân nhân tác chiến thì phải đồn trú tại những căn cứ được thiết lập ngoài thành phố nhưng bên cạnh đó còn một số lượng rất lớn quân nhân và nhân viên thuộc thành phần yểm trợ thì lại đóng ở các thành phố do đó mà nhiều cao ốc mới được trang bị đầy đủ những tiện nghi theo tiêu chuẩn của Mỹ cũng được xây cất cấp tốc để cung ứng cho nhu cầu nơi ăn chốn ở và chỗ làm việc của người Mỹ. Nhiều biệt thự tư nhân cũng được đem ra cho Mỹ thuê dùng làm cơ quan. Nông thôn thì càng ngày càng bị tàn phá vì bom đạn nhưng thành phố thì càng ngày càng phát triển lên. 
 
Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu tiêu khiển cho quân đội Mỹ, những quán bar, nhà tắm hơi mọc lên như nấm. Do tình trạng mất an ninh ở vùng quê khiến cho nhiều người dân nông thôn phải bỏ làng quê về sống ở thành thị không biết nghề gì làm đành phải chạy theo làm các dịch vụ cho Mỹ để mà kiếm sống. Vô số những cô gái nộng thôn đã trở thành các cô gái bán bar, các bà bồi phòng, các cô gái tắm hơi. Nhiều cô nhờ khéo moi tiền mấy anh chàng GI mà trở nên khá giả, không những có thể vượt qua búa rìu dư luận về mặt đạo đức mà còn nhờ tiền kiếm được một cách dễ dàng nên có thể cưu mang cho gia đình họ hàng và có khi còn có thể lên mặt xỉ vả đời. 
 
Tuy là mọi người đổ xô đi làm cho Mỹ nhưng không phải ai cũng có được cái cơ may đó. Hạng dễ kiếm được việc và làm ra tiền nhiều nhất là phái nữ, từ cỡ làm ăn lớn như giao dịch làm áp phe, cô thư ký văn phòng cho đến cô bán hàng P.X. , chị bán bar hay chị bồi phòng... Phái nam thì phải hạng có quyền chức, còn dân thường chỉ cần những việc như xin làm nhân viên, thợ ngành nghề cho Mỹ thì phải ngoài hạng tuổi quân dịch. Nếu trong hạng tuổi quân dịch thì chỉ có cách đi làm chui cho các chủ ba Tàu hay núp bóng mấy tổ chức chính trị, tôn giáo có cơ sở an toàn để trốn lính còn hạng ngay thẳng thì chỉ có mỗi con đường trước mặt dẫn đến trại nhập ngũ là lúc nào cũng mở rộng và chờ đón. 
 
Ðể bù đắp lại những thiệt hại về nhân mạng do chiến trường gây ra và nhu cầu gia tăng quân số, thành lập thêm đơn vị mới, lệnh động viên được thi hành triệt để. Chính vì thế mà xã hội bấy giờ mang một nét đặc biệt là gia đình nào cũng có người đi làm cho Mỹ và có con em phải đi lính và gia đình nào cũng có thể sống nhờ những lợi nhuận do chiến tranh mang lại cũng như có những đau buồn mất mát vì chiến tranh. Bởi thế mà ca dao thời thượng mới có câu:

Rớt Tú tài anh đi Trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ đẻ con
Bao giờ xong nợ nước non
Anh về anh có Mỹ con anh bồng


Do sức mạnh của đồng tiền thôi thúc, những giá trị tinh thần bị đổ vỡ và bị thay thế bằng những giá trị vật chất, đời sống càng ngày càng trở nên khốc liệt thì con người lại càng trở thành vong thân cho những ham muốn thèm khát... Người nào có can đảm dứt bỏ cái quan niệm giá trị đạo đức tinh thần là có thể thành công. Chính vì thế mà từ viên chức chính quyền cho đến thầy chùa, cố đạo cũng đua nhau chạy theo đồng đô la. Nạn hối lộ, tham nhũng, mua quan bán tước, lính kiểng lính ma, dung túng hay đỡ đầu cho buôn lậu, những trò mánh mung lường gạt lan rộng trong mọi giới, mọi giai cấp. Trong dân gian cũng truyền tụng thêm câu: "Nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng". 
 
Ðối với những kẻ nào còn muốn "giấy rách phải giữ lấy lề" thì đành cam chịu sự túng thiếu hoặc ít ra cũng thua kém về mặt vật chất. Tuy nhiên đối với phái nữ muốn bảo trì cái tiếng con nhà lành thì con đường học vấn vẫn còn mở cho họ một con đường vì con gái không bị đi lính, có thể yên tâm học hành và ra trường thì đã có sẵn những chức vụ, nhiệm sở do nam giới bị động viên bỏ trống lại đang chờ họ điền khuyết vào. Chính nhờ thế mà các cô dược sư, bác sĩ , giáo sư, cho đến các cô nhân viên công tư sở... vẫn chưa đến nỗi thất nghiệp. Chị Mi, Hoa hay một vài người quen khác của tôi sau khi tốt nghiệp đại học vẫn có thể an tâm tập sự luật sư, hoặc làm những việc theo ngành nghề theo đuổi của mình. Chỉ tội cho mấy thằng mang thân trai mà tên đang nằm chờ lên danh sách gọi nhập ngũ như tôi là kẹt đủ mọi chuyện, vừa không tính được gì cho tương lai mà ngay cả cái việc kiếm sống cho hiện tại cũng khó khăn mọi bề. 
 
Với mảnh bằng Cử nhân Giáo khoa Triết học, tôi vẫn phải dựa vào cái chân gia sư gõ đầu mấy đứa nhỏ vừa dốt vừa lười nhưng chơi và nghịch phá thì rất giỏi vì cha mẹ hiện tại nhờ làm ăn với Mỹ nên có tiền, và do ảnh hưởng nếp sống xã hội buông thả đang tạo điều kiện cho chúng dễ hư hỏng. Cha mẹ chúng bỏ tiền ra mướn thầy về nhà dạy không vì cầu mong cho chúng học giỏi mà chỉ để cầm chân chúng bớt thôi. 
 
Việc xin đi dạy tư cũng khó khăn vì không trường nào muốn mướn một thầy giáo có thể bị gọi đi lính bất cứ lúc nào không biết, cho nên nếu có được nhận cho vào dạy vì nể tình quen biết thì với cái bằng cử nhân Triết, nhà trường cũng chỉ sắp cho dạy tạm thời mấy giờ như Công dân giáo dục cho mấy lớp nhỏ như Ðệ thất Ðệ lục, và trả thù lao rẻ mạt, vì thầy mà chê hay có lỡ bị gọi đi lính thì cũng có sẵn hàng tá thầy ứng trực để thay thế ngay. Cái môn Công dân giáo dục là một bộ môn dạy cho người học sinh hiểu bổn phận và có những đức tính cần thiết để trở thành một công dân tốt trong tương lai của xã hội thì hiện tại đang bị coi thường. Nhà trường còn cho dạy nó chỉ vì chương trình bắt buộc thế thôi, và học sinh thì coi đó như là giờ xả hơi giải trí. 

Do những khó khăn dồn dập khiến cho tôi sau khi xảy ra mấy chuyện rắc rối đáng buồn về tình cảm, mặc dù tôi vẫn tiếp tục ra Văn khoa học Hoa ngữ thực hành, nhưng không vì mục đích để tìm Quyến hay nối lại tình cảm với Ngọc Nhi mà chỉ để tạm quên đi nỗi băn khoăn chờ đợi ngày trình diện nhập ngũ. Phiền một nỗi, trước đây thân với Quyến ai cũng biết, thành thử bây giờ gặp bạn bè thấy tôi lẻ loi có một mình thì đâm ra thắc mắc. Ngoài ra còn thêm cái lần vui miệng đem chuyện quen biết Quyến ra kể cho cậu mợ Ðôn nên chị Mi cũng biết rồi đem bật mí cho nhiều người thân, cho nên lâu lâu lại bị người quen nhắc lại. Tôi chỉ còn biết đem chuyện sắp phải đi lính ra để đánh trống lãng. Riêng Hoa vì là bạn cùng trường Luật rồi nay lại là bạn đồng nghiệp với chị Mi nên cũng được chị Mi kể mà biết được chuyện tôi quen Quyến. Thế là đôi khi gặp tôi, Hoa lại đem chuyện Quyến ra hỏi với cái vẻ vừa như tò mò tinh nghịch vừa như pha lẫn chút trách móc nào đó khiến cho tôi lại cảm thấy như dấy lên một chút gì ray rứt từ thủa còn ở Huế mà bấy lâu nay tưởng chừng như đã chìm vào quên lãng. Chiến tranh lần trước đã cướp mất của tôi tuổi thơ hồn nhiên và bây giờ cuộc chiến lần này đang xoi mòn luôn cả tuổi trẻ của tôi. 

Những buổi chiều uể oải ra về sau khi qua vài giờ ngồi với mấy tên học trò "nửa người, ngửa ngợm, nửa đười ươi", rồi ghé tiệm cơm bình dân ăn bữa cơm đạm bạc và nhìn ra đường trông cảnh những cô gái ăn mặc hớ hênh, mặt mày phấn son loè loẹt và thái độ kênh kiệu, cặp tay mấy anh chàng GI bước lên taxi, tôi càng thấy muốn bắt chước anh chàng sinh viên Việt Nam du học ở Pháp trong truyện Ði Tây của Nhất Linh, đi giữa phố mà hát nghêu ngao rõ to bằng tiếng mẹ đẻ những câu thật tục cho hả những ẩn ức ở trong lòng. Nhưng tôi đang sống giữa lòng quê hương với những người xung quanh hiểu rất rành mạch thứ ngôn ngữ tôi dùng hàng ngày nên tôi không có cái can đảm đó, đành chỉ lẩm bẩm trong miệng:

Sáng trăng suông em ngỡ tối trời
Em ngồi em để cái sự đời em ra
Sự đời bằng chiếc lá đa
Ðen như mõm chó chém cha sự đời... 

Hình ảnh cái lá cờ 13 sọc trắng đỏ ở một góc mang nền xanh có nhiều ngôi sao trắng vẫn tung bay trên nóc Toà Ðại sứ Hoa Kỳ mà nhiều người con dân Việt Nam đã nhìn vào như một biểu tượng cho một quốc gia Tự do và Dân chủ và dưới lá cờ ấy, nhiều công dân của đất nước đó đã và đang hiện diện trên đất nước này để giúp dân tôi xây dựng một đất nước có tự do và dân chủ. Qua bao nhiêu năm dò dẫm và can thiệp, họ đã thành công trong việc xô đẩy dân tộc tôi vào một cuộc chia cắt đất nước, một cuộc chiến tranh tàn khốc và một cuộc cách mạng phá vỡ nền văn minh tôn trọng đạo nghĩa và những giá trị tinh thần của dân tộc để lao vào cuộc sống bấp bênh, chỉ còn nghĩ đến chuyện hưởng thụ những tiện nghi của nền văn minh vật chất, còn cái tinh thần tự do dân chủ thì có lẽ vẫn còn nằm ở tận mãi đâu đâu bên kia bờ biển Thái Bình Dương. 

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment