Pages

"Ao Sau Vườn" vốn là một trang Web đã từng góp mặt trên mạng từ năm 1998 nhằm phổ biến những sáng tác của cá nhân tôi để cùng chia xẻ với mọi người, nhưng nay đã đóng lại vì khả năng kỹ thuật cũng như sức khoẻ không còn cho phép tôi duy trì trang Web này như cũ. Tuy nhiên, để đáp lại chút duyên tri ngộ cũng như cảm tình mà nhiều bạn bè và độc giả đã dành cho trang Web trên bấy lâu nên tôi dùng trang blog này làm nơi lưu trữ các sáng tác trên hầu giúp qúy bạn bè và độc giả có thể ghé vào đọc khi muốn tìm lại chút kỷ niệm nào đó đối với "Ao Sau Vườn".

Saturday, February 16, 2013

Tìm Một Niềm Tin [33]

Ký sự Tùy bút 

33.- RỒI RA CŨNG CHỈ LÀ 
"NGU QUÁ CỠ" MÀ THÔI 

Thế là chưa đầy hai năm sau ngày ông Diệm bị đảo chính, ngoài ông ngoại tôi qua đời vì tuổi già không nói làm gì, còn có hai sự kiện đáng buồn khác, ít nhiều gì cũng có liên quan đến tôi là việc ông Cẩn bị Hội Ðồng Quân Nhân kết án tử hình và đem ra xử bắn một cách vội vã, rồi mới đây là chú Cọp bị ám sát một cách mờ ám khiến cho tôi càng cảm thấy những gì gọi là đấu tranh cho Cách mạng Tự do Dân chủ đang diễn ra trên mảnh đất này đều như là vô nghĩa. Mà thật thế. Ngay từ những ngày đầu phong trào sinh viên mới nổi lên, nhìn thấy lớp bạn bè của mình càng ngày càng đâm ra phân hóa và đa số cũng chỉ là chạy theo những ảo tưởng chính trị nào đó nên tôi chỉ giữ một thái độ bàng quan chứ không tham gia hay ủng hộ một nhóm nào cả.

Mặc dù trong suốt thời gian vừa qua, phong trào sinh viên có những lúc sôi nổi với những vụ biểu tình, bãi khóa, hoan hô, đả đảo, nhưng qua bao nhiêu lần chính phủ này lên chính phủ kia xuống, chiến tranh vẫn cứ ngày một leo thang, thanh niên càng ngày càng bị gọi đi lính, đời sống thì càng ngày càng khó khăn, và tham nhũng cùng thối nát thì càng ngày càng trầm trọng thêm. Chính vì thế mà giới sinh viên cũng dần dần nhận thức ra rằng tấm nhiệt tình tranh đấu lâu nay của mình chẳng qua cũng chỉ là những màn xung kích cho các thế lực chính trị lợi dụng trong việc thực hiện những mục tiêu của họ nên các phong trào tranh đấu của sinh viên cũng lắng dần và đa số lại quay về với thân phận thực tế của mình để lo vùi đầu vào sách vở, hoặc cố gắng tìm cách để kéo dài thời gian được hoãn dịch. Thiểu số còn năng động hoặc muốn tranh đấu thì cũng chuyển qua những hình thức ôn hòa hơn hay chỉ giới hạn hoạt động trong các lãnh vực xã hội hay văn hóa mà thôi. Riêng tôi vì chỉ bám lấy sách vở làm vui nên năm nào cũng thi đậu thêm được chứng chỉ và năm nay có thể coi như năm chót để tôi hoàn tất chương trình Cử nhân Văn khoa. 

Cái lý do chịu khó vùi đầu vào sách vở này của tôi ngoài mục đích tìm nguôi quên đi những ưu tư khắc khoải trước thời cuộc còn có một nguyên nhân độc đáo nữa. Thời còn là học sinh, tôi chỉ toàn theo học trường nam sinh thành thử đối với đám nữ sinh, tôi luôn nhìn đấy như là một thế giới riêng biệt, bị ngăn cách vì những khuôn phép lễ giáo cho nên hầu như không bao giờ dám tiếp xúc làm quen trò chuyện. Ðến lúc học Chu Văn An, vì một thoáng tình cờ bị cái âm điệu nhẹ nhàng của mấy tiếng "ngu lắm cơ" làm cho tôi đâm ra bâng khuâng đi tìm tí bóng mát cho cuộc đời mà kết quả chỉ là biến mình thành một anh chàng thơ thẩn, thi rớt Tú Tài, và là đề tài cho nhiều người đem ra trêu chọc nên sau đó khi nguồn thơ bắt đầu cạn, thấy bạn bè rủ nhau vào Ðại học, riêng mình vẫn còn đứng giữa trời bơ vơ, bèn tự hẹn với mình là không bao giờ vướng vào cái ngu này nữa để cố gắng học hành, nhờ thế mà rồi tôi cũng đã lên được Ðại học như mọi người.

Thành thật mà nói, thời bấy giờ lên tới bậc Ðại học thì thường những người đẹp đều đã đi lấy chồng đâu từ đời thủa nào rồi, chỉ còn lại mấy cô tuy không dám bảo là xí gái hay lỡ thì nhưng muốn gặp được một khuôn mặt trông có vẻ khả ái một chút không phải dễ, nhất là sinh viên ban Triết thì lại càng khô khan cằn cỗi hơn nữa. Có lẽ vì không có đối tượng làm mình rung động nên qua mấy năm ở Ðại học, tôi không còn thấy nguồn thơ thẩn nào trổi dậy, và khi tiếp xúc với các cô nữ sinh viên bạn học, tôi cũng rất tự tin chứ không còn khớp như thủa còn là học trò nữa.

Cũng trong thời gian này thì cậu Viện cũng vừa cưới vợ xong. Cậu Viện sau khi được đổi về làm việc ở Sài gòn thì cũng bắt đầu muốn tìm cho mình một mái ấm gia đình để ổn định lại cuộc đời. Qua mấy kỳ đăng báo "tìm bạn bốn phương" trên tờ Văn Nghệ Tiền Phong thì cậu bắt đầu trông thư. Rồi có một thời gian thư đi thư lại và sau đó là có nhiều đợt cậu vắng nhà dài ngày. Cuối cùng một hôm cậu về đưa bà tôi đi với cậu đến nhà gái để làm lễ ăn hỏi. Sau đó đám cưới được tổ chức đơn giản luôn tại nhà bên gái và tuy cậu có báo cho anh em tôi đến tham dự ngày vui của cậu nhưng cậu lại không hề mời cậu mợ Ðôn. 
Lý do tại sao cậu Viện đã chọn mợ Viện, một thiếu phụ góa có ba con, thì tôi không rõ, nhưng cái việc mợ Viện, một cô giáo vừa mới goá chồng, đã vội vã đem ba con sang ngang lần nữa để về sống với một người chồng đã luống tuổi và hơi gàn như cậu tôi lại làm tôi thắc mắc nhiều hơn. Và càng thắc mắc, tôi lại càng như có một chút gì xót xa cho thân phận người đàn bà trong chiến tranh. Ðiều này càng khiến cho tôi càng không muốn vướng vào tình yêu khi thân danh mình chưa ra gì và chiến tranh vẫn còn ràng buộc mình vào viễn ảnh tương lai gắn liền với lính tráng. Thế nhưng chuyện đời vẫn có nhiều cái oái oăm. 

Năm này do ảnh hưởng của Mỹ cũng đã thâm nhập khá sâu vào Ðại học nên chương trình các môn học thuộc ban Triết từ hồi giờ vẫn giảng dạy theo tính cách từ chương của Pháp thì nay cũng có nhiều thay đổi như là nhà trường cho mở riêng một Chứng chỉ về Tâm Lý Học thực nghiệm dạy theo phương pháp mới, có những giờ thực hành tại một Trung Tâm nghiên cứu Tâm lý của Mỹ, và những giờ phải học về Cơ thể học do chính giáo sư Y khoa Trần Anh dạy. Thấy chương trình học có vẻ lý thú nên tôi đã ghi tên theo học chứng chỉ này thay vì chọn chứng chỉ Tâm lý học cổ điển. 

Lối học chú trọng vào phần thực nghiệm này còn mới mẻ đối với sinh viên theo ban Triết nên lớp này chỉ có khoảng chục sinh viên theo học, lại tương đối là thành phần trẻ và có đến một nửa là phái nữ đã chọn ngành giáo dục. Ngoài ra, trong số nữ sinh viên của lớp này lại có một bông hoa xuất hiện làm tươi mát hẳn cái khung trời đại học khô khan cằn cỗi. 

Vì lớp Tâm lý học này bắt buộc sinh viên phải tham dự lớp đều đặn, lại có những buổi phải vào Cơ thể học viện trong Chợ Lớn hay đến phòng nghiên cứu Tâm lý của Mỹ đặt ở Bệnh viện Bác sĩ Ðệ để học các giờ thực nghiệm nên sinh viên lớp này luôn có dịp sinh hoạt sát cánh nhau nên càng gần gũi và trở thành thân thiết với nhau hơn. Tôi thấy mình có cái may mắn học chung lớp và thường xuyên đi với Quyến, người nữ sinh viên xinh nhất lớp, nên cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu người con gái có nụ cười luôn nở trên môi và đôi mắt lúc nào cũng mang một vẻ dịu hiền, đang là đối tượng theo đuổi của nhiều anh chàng sinh viên đa tình. 

Tuy Quyến là người Nam, có dáng người nhỏ nhắn và khuôn mặt có vẻ còn trẻ nhưng thật ra thì tuổi cô nàng cũng không còn trẻ như tôi tưởng, vốn xuất thân chương trình Pháp, lại cũng đã có một thời gian đi tu và từng được gửi qua Nhà Tập của Dòng bên Pháp, nhưng sau lại bỏ tu trở về và hiện nay đang dạy mẫu giáo Les Oiseaux của mấy soeurs, vừa theo học Văn khoa. Có một điều là khi tôi thắc mắc hỏi tại sao lại bỏ tu trở về đời thì Quyến chỉ cười chứ không trả lời. Nhìn đôi mắt Quyến những lúc ấy, tôi thấy mình như bị thu hút vào một ước vọng muốn gắn bó lâu dài. 

Tuy nhiên, sống trong cái đêm dài tối ám của Miền Nam trong giai đoạn này, con người đôi lúc thấy cái gì cũng gần như vô nghĩa, kể cả tình yêu. Có lẽ vì thế mà suốt năm học mặc dù luôn quanh quẩn bên Quyến khiến cho bạn bè quanh tôi lầm tưởng giữa Quyến với tôi đã có một chút gì sâu sắc hơn tình bạn, nhưng thực ra thì giữa Quyến và tôi vẫn chưa bao giờ vượt xa ra ngoài cái giới hạn tình bạn đó. 

Cuối năm, sau khi thi xong khóa một, cả nhóm bạn thường đi chung với tôi và Quyến đều đậu nên tất cả đều vui mừng, và khi khám phá thêm là riêng tôi còn đậu luôn cả chứng chỉ Luận Lý và Siêu Hình nên hoàn tất luôn bằng Cử nhân, thế là cả bọn đòi tôi phải khao. Từ thủa giờ tôi chưa bao giờ ăn khao cho mình một việc gì , nhưng lần này vừa tốt nghiệp Ðại học, có một mùa hè thong dong, lại được bạn bè nể và mến mình nên đã vui vẻ chấp nhận, nhưng không biết khao đâu cho tiện bèn đề nghị đi ăn bò bảy món ở Ánh Hồng. Cả bọn đồng ý và cùng hẹn nhau ngày giờ gặp ở Văn khoa để rồi cùng đi ra nhà hàng. 

Buổi họp mặt hôm đó có thể coi như là một thành công trong đời tiếp đãi bạn bè có cả phái nữ của tôi và tôi đã đóng trọn vai trò người mang niềm vui đến cho mọi người cho nên lúc ra về các bạn vẫn còn tỏ ra luyến tiếc giờ vui qua mau. Dĩ nhiên là sau đó tôi lại được cái hân hạnh đưa Quyến về. Ngồi chung với Quyến trên chiếc xe taxi, đôi lúc tôi gần như muốn nói với Quyến một điều gì đó thật trang nghiêm, thật chân thành, nhưng lâu nay tôi vẫn luôn có lối nói chuyện nửa đùa nửa thật khiến cho bạn bè nhiều khi tưởng tôi rất lạc quan yêu đời chứ đâu có nghĩ tôi là một kẻ luôn sống trong những cảnh ngộ phức tạp, và trong lòng lúc nào cũng đầy ưu tư và khắc khoải, nên bây giờ muốn nói lên những điều nghiêm trang thật lòng thì bỗng nhiên tôi lại thấy mình khựng lại không biết mở đầu như thế nào. Rốt cuộc, cho đến khi đã đưa Quyến xuống xe vào tận nhà và từ giã để lại ra xe đi về nhà mình, ngoài những câu chuyện trời trăng mây nước, tôi cũng chỉ nói được có một câu tha thiết nhất là hẹn gặp lại thôi. 

Mặc dù chưa ngỏ ý gì với Quyến, nhưng sau đó một hôm tôi đến thăm cậu mợ Ðôn và khi thấy cậu mợ Ðôn vui vẻ hỏi thăm qua vấn đề tình cảm, tôi tự nhiên buột miệng đem chuyện quen biết với Quyến ra kể. Không ngờ chị Mi nghe tôi nói đến Quyến là người mà chị Mi cũng có đôi chút quen biết nên tỏ vẻ ngạc nhiên vì từ hồi nào đến giờ, chị Mi có lẽ vẫn cho tôi là thằng lù khù. Cậu mợ Ðôn nghe chị Mi khen Quyến thì cũng có vẻ như muốn khuyến khích tôi tiến tới. 

Qua mấy sự kiện có tính cách khích lệ này, tôi thấy mình như được trấn an về những nỗi băn khoăn ray rứt không đâu nên quyết định phải đi tìm thăm Quyến để thử nói lên tiếng nói thật của lòng mình. Thế là một ngày đẹp trời tôi đã đến gõ cửa nhà Quyến. Một bà lớn tuổi mà tôi đoán là mẹ Quyến ra mở cửa và khi thấy tôi tự xưng là bạn đến thăm Quyến thì bèn vào nhà trong gọi Quyến ra. 

Gặp Quyến, tôi thấy mình như vui hẳn lên và Quyến cũng tỏ ra vẻ mừng rỡ. Thế nhưng mới hỏi thăm nhau qua loa chưa nóng chuyện thì chợt lại có một thanh niên cũng ghé vào thăm Quyến. Anh này đi bằng xe hơi, dáng dấp có vẻ chững chạc của người có cuộc sống vững vàng và có địa vị. Anh chàng nói nhân tiện đi qua nên ghé thăm và mời Quyến tối thứ bảy này đi tham dự một buổi sinh hoạt gì đó của Alliance francais tổ chức. Quyến giới thiệu cả hai chúng tôi với nhau và tôi biết được anh chàng này cũng gốc dân trường Tây, đang là giáo sư và có lẽ là quen biết Quyến từ lâu rồi. Dĩ nhiên là chúng tôi đều lịch sự nói chuyện với nhau và Quyến cũng tỏ ra lịch sự với cả hai nhưng anh chàng kia thì không ngớt quan sát tôi và thái độ của Quyến. 

Sau một hồi trò chuyện, anh chàng giáo sư viện cớ có việc phải đi nên đứng dậy cáo từ trước. Tôi còn ngồi nán lại tiếp tục trò chuyện một hồi nữa nhưng những gì tôi định nói với Quyến trước khi đến đây bây giờ bỗng nhiên đâm ra như không phải lúc để nói nên cũng cáo từ. Quyến tiễn tôi ra cửa, cũng vẫn với nụ cười và ánh mắt dịu hiền làm tôi càng thêm bối rối. Phải nói là trong vấn đề tình cảm, Quyến mới là kẻ khôn ngoan, chứ tôi chỉ là kẻ khù khờ thôi.  

Chiều hôm đó về nhà tôi nhận được lá thư của cậu Kiên. Thư chỉ vỏn vẹn nhắn cho biết là cậu bị thương đang nằm điều trị ở Quân Y viện Cộng Hòa và bảo tôi có rỗi thì ghé vào thăm cậu. Mới ra trường hơn một năm thì đây là lần thứ hai cậu phải về nằm Quân Y viện để điều trị thương tích. Giọng ca sĩ Thanh Thúy trầm buồn não nuột đang ca một bản nhạc trữ tình mà bối cảnh là những nỗi chia ly đau khổ trong chiến tranh của thời đại đang phát ra từ chiếc radio như càng ru tôi trở về với những nỗi bơ vơ và khắc khoải. 

Mặc dù tôi không biết rõ giữa Quyến và anh chàng giáo sư kia có liên hệ tình cảm như thế nào rồi nhưng tự nhiên khi nhìn lại thân phận mình, tôi lại thấy cuộc đời vẫn chỉ là bấp bênh và tình yêu chưa chắc gì có thể mang lại hạnh phúc cho ai. Tôi bỗng nảy ra một ý tưởng rất triết lý vớ vẩn là hãy quên đi tình yêu nếu tình yêu của mình không đảm bảo sẽ mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Cũng vì suy nghĩ như thế mà bẵng đi thời gian sau đó tôi không trở lại thăm Quyến nữa.

Tuy trí thì bảo hãy quên đi hình bóng Quyến nhưng lòng thì vẫn thấy vấn vương cho nên khi niên học mới lại bắt đầu, tôi tuy đã xong Cử nhân rồi nhưng không tìm được giáo sư bảo trợ và đề tài gì để làm tiểu luận như sở nguyện nên không ghi danh vào Cao học được, nhưng tôi cũng ghi danh đại một chứng chỉ lấy lệ để thỉnh thoảng ra trường mong có cơ hội gặp Quyến ở đây để nói chuyện.

Những lần đầu ra trường tôi có thử đi tìm khắp nhiều lớp mà không thấy Quyến đâu cả nhưng thấy có lớp Hoa văn Thực hành có ông giáo sư đang dạy nói tiếng Quan thoại cũng vui vui bèn tấp vào. Mặc dù không ghi tên theo học chứng chỉ này nhưng vì ở Ðại học Văn khoa thường không có sự điểm danh kiểm soát nên tôi cũng bèn nhân cơ hội này cứ đến giờ thực hành của Giáo sư Diệp Truyền Hoa thì lại vào lớp này ngồi học để ôn lại cái vốn liếng tiếng Tàu học lóm từ thủa nhỏ của mình. 

Quen tật đùa vui như năm học vừa qua, thấy trong lớp có cô nữ sinh viên trông cũng dễ thương tôi bèn lân la đến ngồi bên cạnh làm quen và cũng nhờ cái kiểu nói chuyện vui vui nửa đùa nửa thật, qua vài buổi học tôi đã trở thành thân thiết với cô bạn mới này. Ngọc Nhi, tên của người nữ sinh viên này, vốn lai Trung Hoa nhưng yêu quê mẹ hơn quê cha và đang là sinh viên Ðại học Sư phạm ban Việt Hán, qua học thêm bên Văn khoa này là cốt để lấy thêm bằng Cử nhân. 

Vì chứng chỉ Hoa Văn thực hành được sắp cho học ở cái phòng nhỏ trên lầu mà đứng tại đầu cầu thang trên lầu nhìn thẳng về hướng lớp này khi cửa mở là thấy ngay hàng ghế đầu của sinh viên. Ðã qua mấy tuần rồi tôi vẫn không thấy bóng dáng Quyến đâu thì một hôm tôi và Ngọc Nhi đang ngồi chụm đầu vào nhau để xem chung bài thì tôi có cảm giác như có ai đang nhìn mình bèn ngước lên nhìn ra cửa: Quyến đang đứng ở cầu thang nhìn vào chỗ tôi ngồi. Khi vừa bắt gặp tôi nhìn lên thì Quyến cũng lập tức quay mặt nhìn nơi khác và bỏ đi thẳng. Tôi định đứng dậy chạy theo Quyến thì cũng vừa lúc Ngọc Nhi ngửng lên nhìn và bắt gặp tôi đang theo dõi một hình bóng khác. Không biết làm gì hơn, tôi lẳng lặng bỏ ra ngoài đi rảo khắp các lớp để thử tìm Quyến nhưng không hề gặp Quyến ở đâu cả.

Sau hôm đó tôi vẫn tiếp tục ra Văn Khoa lại để học giờ Hoa văn thực hành nhưng Ngọc Nhi không còn vui vẻ ngồi gần tôi như trước. Riêng Quyến thì tôi vẫn không thấy đâu và dĩ nhiên tôi cũng không thể nào có can đảm đến tìm thăm Quyến tại nhà được. 

Vào một buổi chiều tuy không có giờ học ở Văn khoa nhưng nhân tiện đi qua trường vào lúc gần cuối giờ tan lớp buổi chiều, tôi bèn tạt vào ngồi ở bờ tường gần cổng ra vào nhìn sinh viên các lớp lần lượt ra về. Chợt tôi thấy Quyến xuất hiện trong đám sinh viên đang ra cửa và khi vừa nhìn thấy tôi thì cũng ngoảnh mặt đi và rẽ qua một lối khác. Tôi không dám đuổi theo mà chỉ ngồi yên nhìn theo thì chợt nghe một giọng cười khúc khích quen quen ở gần bên bèn quay lại, vừa lúc bắt gặp Ngọc Nhi cũng đang quay lưng đi như không hề quen biết. 

Ngồi lại một mình nơi bờ tường sân trường Ðại học, hết nhìn hàng cây me hai bên đường lại nhìn xuống sân trường đang vắng dần, tôi ôn lại những kỷ niệm từ thủa mới bắt đầu biết rạo rực vì một người con gái cho đến bây giờ. Hình như tất cả mọi hình bóng đã đến với tôi trong đời này đều chỉ là những hiện tượng xảy đến rất tình cờ rồi lại chợt ngẫu nhiên qua đi. Suy nghiệm chán về mình xong, tôi bèn tụt xuống khỏi bờ tường để ra về thì chợt thấy ở đàng góc tường có một con cóc cũng vừa xuất hiện, tôi sực nhớ lại câu chuyện đời xưa kể chuyện ba anh học trò dốt làm thơ bèn lẩm nhẩm trong trí:

Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi... 

Từ cái lần còn theo ban văn chương ở trung học vì một chút "ngu lắm cơ" đã khiến cho mình thành thơ thẩn với những vần thơ vụng dại cho đến bây giờ đã trưởng thành với mớ kiến thức vụn thu thập được từ đống sách vở về Triết học, tôi thấy mình chỉ càng đâm ra "ngu quá cỡ" khi phải nuôi thêm một lần nuối tiếc vì những suy nghĩ triết lý lẩm cẩm mà thôi.  

ĐOÀN VĂN KHANH

No comments:

Post a Comment